Bị Bố Mẹ Ghẻ Lạnh: Những Tổn Thương Tâm Lý Mà Trẻ Phải Vượt Qua
Bị bố mẹ ghẻ lạnh là một trong các nguyên nhân lớn nhất gây nên những tổn thương tâm lý nặng nề của trẻ nhỏ. Điều này khiến cho trẻ dần trở nên oán hận, thù ghét, sống khép kín hoặc thậm chí mất đi sự kết nối tâm lý với cuộc sống xung quanh.
Những tổn thương tâm lý khi trẻ bị bố mẹ ghẻ lạnh
Trẻ em luôn cần nhận được sự yêu thương, che chở và quan tâm từ gia đình, đặc biệt là bố mẹ. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng được sinh ra và lớn lên trong một môi trường tràn đầy tình yêu thương. Vì một lý do nào đó mà chúng không được mọi người xung quanh yêu mến, thậm chí còn bị cả bố mẹ ghẻ lạnh, chán ghét.
Hiện nay có không ít các trường hợp trẻ nhỏ bị kinh thường, ghẻ lạnh ngay chính trong mái ấm gia đình của mình. Nhiều trường hợp trọng nam khinh nữ hoặc do những mâu thuẫn không thể giải quyết của bố mẹ mà con cái lại phải gánh chịu những sự đối xử vô cùng nhẫn tâm.
Có thể nói, ghẻ lạnh chính là một trong các hình thức bạo lực tinh thần vô cùng nghiêm trọng và để lại hậu quả nặng nề. Không giống như những cách bạo lực về thể xác, tình trạng này không để lại bất kì dấu tích gì về mặt cơ thể nhưng nó lại là nhát dao chí mạng khiến cho tâm lý của trẻ nhỏ dần bị giết chết.
Hãy thử nghĩ lại xem bạn đã từng bị bố mẹ phớt lờ ý kiến, không quan tâm đến dù bạn đã cố gắng gây chú ý với họ hay chưa? Hoặc thậm chí họ còn dành cho bạn những lời nói chỉ trích, sát thương như “Tại sao con lại được sinh ra?”, “Sinh con ra là sai lầm của bố mẹ”.
Những đứa trẻ từng bị bố mẹ ghẻ lạnh cho biết rằng trẻ đã sống như một người xa lạ trong chính gia đình của mình. Trẻ hoàn toàn không nhận được sự yêu thương, quan tâm hay bất kì tình cảm nào từ người thân. Điều này khiến cho trẻ phải gánh chịu nhiều sự tổn về mặt tâm lý, trẻ có thể dần mất di sự kết nối tâm lý đối với môi trường sống.
Đặc biệt là những đứa trẻ đang ở độ tuổi dậy thì, vị thành niên càng trở nên nhạy cảm hơn với những sự tra tấn tâm lý dữ dội từ gia đình. Lúc này trẻ luôn cần sự ủng hộ và công nhận từ bố mẹ nhưng sự ghẻ lạnh có thể giết cả tâm hồn của trẻ nhỏ.
Các chuyên gia cho biết rằng, những tổn thương tâm lý của trẻ nhỏ khi bị bố mẹ ghẻ lạnh có thể ám ảnh trẻ suốt cả cuộc đời. Trong thực tế có rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ sau khi trưởng thành vẫn cảm thấy chán ghét, căm hận và không thể hòa hợp tốt với gia đình, thậm chí không còn đủ niềm tin để xây dựng một gia đình hạnh phúc mới cho bản thân.
Một số ảnh hưởng tâm lý mà trẻ phải đối mặt khi bị bố mẹ ghẻ lạnh như:
1. Trẻ sẽ thu mình, trở nên nhút nhát
Chỗ dựa lớn nhất của mỗi người đó chính là gia đình, nhất là trẻ em, chúng luôn cần sự quan tâm, che chở của bố mẹ. Vì thế đối với những đứa trẻ bị bố mẹ đối xử tệ bạc, ghét bỏ sẽ có nhiều xu hướng trở nên sống khép kín, thu mình và thụ động.
Ngay từ nhỏ nếu trẻ đã không nhận được sự tôn trọng, sẻ chia của người thân thì càng lớn lên trẻ sẽ càng nhút nhát, rụt rè, thiếu tự tin. Nếu bố mẹ liên tục tỏ thái độ thờ ơ, lạnh nhạt hoặc cố tình công kích, chỉ trích trẻ bằng những lời nói hạ nhục, chê bai thì càng khiến cho trẻ cảm thấy bế tắc và tuyệt vọng.
Nhiều đứa trẻ vì thế mà nảy sinh các suy nghĩ tiêu cực, trẻ nghĩ rằng bản thân không xứng đáng được yêu thương, cho rằng mình vô dụng, bất tài. Từ đó trẻ dễ hình thành tâm lý lo sợ, e ngại việc tham gia vào các hoạt động vui chơi, thư giãn với gia đình hoặc ngoài xã hội.
2. Bốc đồng, nổi loạn
Ở một vài trường hợp khác, trẻ cũng có thể có những biểu hiện thách thức, phản kháng, bốc đồng do không nhận được sự lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ của bố mẹ. Đây được xem như một sự mất cân bằng tâm lý của trẻ khiến trẻ khó có thể kiểm soát tốt hành vi và suy nghĩ của bản thân.
Nhất là những trẻ đang ở độ tuổi nhạy cảm, lúc này trẻ muốn được đối xử giống như những người trưởng thành và muốn gây sự chú ý đối với bố mẹ. Tuy nhiên sự ghẻ lạnh của gia đình lại vô tình đẩy trẻ ra xa, trẻ càng sẽ có xu hướng thực hiện các hành vi sai trái, lạm dụng các chất kích thích, chất gây nghiện để tự giải tỏa các nỗi đau của bản thân.
3. Hình thành lớp “mặt nạ”
Một số chuyên gia tâm lý cho rằng, nhiều trẻ nghĩ rằng bố mẹ phớt lờ, ghẻ lạnh mình vì do bản thân chưa thực sự đạt được những gì mà họ mong muốn. Do đó, trẻ có xu hướng làm theo những gì người lớn hi vọng để mong rằng họ sẽ công nhận và yêu thương trẻ nhiều hơn.
Tuy nhiên, có những thứ mà người lớn mong muốn lại không phù hợp với nhu cầu của trẻ. Điều này dễ hình thành nên một lớp “mặt nạ” và khiến cho trẻ dần từ chối chính bản thân mình. Khi một người phải cố gồng mình làm những điều mà bản thân không mong muốn thì sẽ liên tục đối diện với sự căng thẳng, giằng xé bên trong nội tâm. Đây cũng được xem là nguồn cơn có thể dẫn đến hàng loạt các nỗi đau tâm lý kéo dài.
4. Nguy cơ cao mắc phải các bệnh tâm lý
Những tổn thương tinh thần của trẻ khi bị bố mẹ ghẻ lạnh sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề. Những lời nói cay độc chính là thứ để lại có thể giết chết một tâm hồn trong sáng và cướp đi cả tương lai của trẻ nhỏ. Những đứa trẻ sinh sống với bố mẹ “độc hại” sẽ luôn ở trong trạng thái lo lắng, bất an, hoảng sợ.
Tình trạng này nếu không sớm được khắc phục và có biện pháp giải tỏa phù hợp sẽ khiến trẻ nhỏ có nhiều nguy cơ hình thành các vấn đề sức khỏe tâm thần. Trong thực tế đã có không ít các trường hợp trẻ nhỏ bị trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách cũng bởi những sự tra tấn tinh thần dã man của gia đình.
Cách chữa lành những tổn thương tâm lý mà trẻ phải gánh chịu
Những tổn thương tâm lý mà trẻ phải gánh chịu vì bị bố mẹ ghẻ lạnh có thể đeo bám trẻ đến hết cuộc đời. Khi sự đau khổ, tổn thương quá lớn sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống tinh thần hoặc thậm chí thúc đẩy trẻ thực hiện các hành vi tồi tệ.
Vì thế, nếu như bạn đang phải đối mặt với những sự ghẻ lạnh, thờ ơ, khinh thường của chính bố mẹ thì hãy học cách đối diện và vượt qua chúng để tự giải thoát cho bản thân. Sau đây là một số cách giúp bạn chữa lành được những nỗi đau tâm hồn:
1. Nói chuyện thẳng thắn với bố mẹ
Đôi lúc sự ghẻ lạnh, chán ghét mà bố mẹ dành cho bạn lại xuất phát từ một yếu tố khách quan nào đó mà cả hai đều không thể làm chủ được. Một số trường hợp con cái bị cha mẹ đối xử tệ bạc chỉ vì con là con gái. Hiện nay, ở một số nước Châu Á vẫn còn quan niệm trọng nam khinh nữ nên rất nhiều trẻ phải đối mặt với những sự khinh khi, chê cười của chính gia đình mình.
Vì thế, khi biết được nguyên nhân khiến bố mẹ có thái độ không tốt với mình thì bản thân bạn cũng nên tìm cách nói chuyện, tâm sự nhiều hơn với họ. Hãy nói cho họ biết về những cảm nhận và suy nghĩ của mình, những sự tổn thương mà bạn đang phải chịu đựng trước sự thờ ơ và vô tâm của họ.
Bạn nên bắt đầu và duy trì cuộc trò chuyện bằng sự chân thành để họ thực sự hiểu được bản thân bạn cũng yêu thương họ và mong muốn họ cũng sẽ dành sự quan tâm cho bạn. Điều này nghe có vẻ dễ dàng nhưng nó lại là một thử thách khá lớn mà bạn bắt buộc phải vượt qua.
Đôi lúc những hiểu lầm, mâu thuẫn và sự hận thù không thể giải quyết ngay sau một cuộc trò chuyện. Bạn hãy cố gắng tạo cho mình những cơ hội được gần gũi, quan tâm, chia sẻ với bố mẹ để họ cảm nhận được tình cảm của bạn và dần thay đổi suy nghĩ, cách nhìn về bạn.
2. Tìm kiếm người đồng minh
Nếu bạn không thể thay đổi được thái độ của bố mẹ đối với mình thì cách tốt nhất là hãy tự tạo cơ hội và xây dựng cho bản thân những mối quan hệ mới để không bị lạc lõng, cô đơn trong cuộc sống. Bạn hoàn toàn có khả năng tìm kiếm cho mình những người “đồng minh” để chia sẻ, tâm sự và an ủi nhau những lúc khó khăn, bế tắc.
Người đó có thể là đồng nghiệp, bạn bè, giáo viên hoặc bất cứ ai có thể đồng cảm và giúp bạn cảm thấy hạnh phúc, thoải mái khi ở bên họ. Việc có thể nói ra được những khúc mắc trong lòng sẽ giúp cho bạn cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn rất nhiều.
Hoặc nếu không thể tìm kiếm cho mình một người bạn đồng hành thì bạn có thể giải tỏa tâm trạng bằng việc viết nhật kí. Các nhà khoa học đã thực hiện một số nghiên cứu và nhận thấy rằng khi bạn ghi ra những suy nghĩ, cảm xúc của mình lên trang giấy sẽ giúp cho tâm trạng được thoải mái hơn rất nhiều.
3. Học cách tha thứ và suy nghĩ về những điều tích cực
Tha thứ cũng là một trong những cách giúp bạn giảm bớt những tổn thương tinh thần khi bị bố mẹ ghẻ lạnh. Học cách tha thứ và nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng lạc quan sẽ giúp cho bạn cảm thấy hài lòng hơn với những gì hiện tại và thôi trách móc, thù hằn gia đình.
Nhà tâm lý học Jack Kornfield cho biết “Tha thứ là khả năng buông bỏ giải phóng những đau khổ, nỗi buồn, gánh nặng và sự phản bội trong quá khứ”. Tuy nhiên, tha thứ là điều không hề dễ dàng, không chỉ đơn thuần là lời nói suông mà nó cần phải có thời gian để buông bỏ và chấp nhận.
4. Nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý
Nếu nhận thấy những tổn thương tâm lý đã đạt đến giới hạn và bạn không thể tự kiểm soát được những suy nghĩ, hành vi của mình thì nên cân nhắc đến việc tìm gặp chuyên gia tâm lý. Khi bạn được trò chuyện với những người có chuyên môn, họ sẽ giúp bạn nhìn nhận lại vấn đề của bản thân và dần kiểm soát tốt cảm xúc của chính mình.
Các chuyên gia tư vấn tâm lý sẽ giúp bạn giải tỏa tốt những nỗi muộn phiền, tổn thương sâu bên trong tâm trí. Họ cũng sẽ hướng dẫn cho bạn cách kiểm soát các cảm xúc tiêu cực và dần thay đổi góc nhìn, cách suy nghĩ theo chiều hướng tích cực hơn.
Đối với các trường hợp trẻ bị tổn thương tâm lý do bố mẹ ghẻ lạnh thì các chuyên gia khuyến khích trị liệu theo liệu pháp gia đình. Bố mẹ và con cái nên cùng nhau đến gặp chuyên gia để có thể hiểu rõ được những nguyện vọng của nhau, đồng thời hàn gắn tốt mối quan hệ thân thiết để giải quyết triệt để nguyên nhân của những sự tổn thương.
Đối với các trường hợp những tổn thương đã kéo dài quá lâu và phát triển thành những chứng rối loạn tâm thần nguy hiểm như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách thì cần phải được cải thiện bằng cách kết hợp nhiều biện pháp với nhau. Thông thường người bệnh sẽ được cân nhắc kiểm soát triệu chứng bằng một số loại thuốc hỗ trợ.
Quá trình dùng thuốc cần được sự hướng dẫn và chỉ định cụ thể của các chuyên gia để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Cũng bởi các loại thuốc hỗ trợ có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn nên người bệnh cần phải thật sự cẩn trọng. Trong quá trình sử dụng nếu nhận thấy có bất kì dấu hiệu khác lạ nào thì cũng cần thông báo ngay với bác sĩ để được hướng dẫn xử lý kịp thời.
Như vậy, những tổn thương tâm lý của trẻ khi bị bố mẹ ghẻ lạnh nếu không sớm được cải thiện sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống sau này của trẻ. Hi vọng qua thông tin bài viết này bạn đọc sẽ biết cách dung hòa tốt mối quan hệ trong gia đình để có được đời sống tinh thần thoải mái và hạnh phúc nhất.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!