Căng thẳng (stress) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư
Ngày nay, bên cạnh nhiều tiện nghi vật chất, cuộc sống hiện đại cũng mang đến cho chúng ta hàng loạt căng thẳng, áp lực. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng tình trạng căng thẳng (stress) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Tại sao tình trạng căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư?
Theo các chuyên gia, có hai dạng stress là stress ngắn hạn và stress mạn tính. Trong đó, tình trạng stress mạn tính sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bệnh nhân. Stress mạn tính là phản ứng sinh học tự nhiên của cơ thể trước những áp lực liên quan đến tâm trạng, cảm xúc trong một khoảng thời gian dài.
Tình trạng căng thẳng mạn tính có thể kéo dài suốt nhiều tuần, nhiều tháng mà không có thời điểm kết thúc cụ thể. Nhiều người bị stress vì thất nghiệp, xích mích với đồng nghiệp, trục trặc trong hôn nhân, trách nhiệm chăm sóc người bệnh, chứng kiến cái chết của người thân…
Những hậu quả khó lường của stress mạn tính bao gồm: tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, dẫn đến nhiều vấn đề về đường tiêu hóa, gây suy giảm nhận thức… Thậm chí, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tình trạng này có thể thúc đẩy quá trình phát triển của tế bào ung thư.
Theo nhiều bằng chứng khoa học, stress mạn tính gây suy yếu hệ miễn dịch. Một số tế bào chuyên biệt của hệ miễn dịch có khả năng phát hiện tế bào ung thư và phát đi tín hiệu đặc biệt để những tế bào miễn dịch khác đến triệt tiêu tế bào ung thư.
Do đó, khi hệ miễn dịch suy yếu, hoạt động của các tế bào miễn dịch nhận diện tế bào ung thư cũng ảnh hưởng rõ rệt. Đây chính là cơ hội thuận lợi để các tế bào ung thư phát triển mạnh mẽ và hình thành khối u.
Không chỉ dừng lại ở đó, nếu sức đề kháng của chúng ta giảm sút, các tác nhân gây hại đến từ môi trường bên ngoài cũng sẽ ồ ạt tấn công cơ thể. Đặc biệt, một số loại virus có thể là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh ung thư.
Hơn nữa, tình trạng stress mạn tính còn kích thích cơ thể sản xuất nhiều hormon cortisol, adrenaline, norepinephrine.
- Adrenaline
Adrenaline thúc đẩy quá trình co lại của mạch máu, khiến máu chảy nhiều hơn đến những nhóm cơ lớn như: cơ phổi hoặc cơ tim. Vì được cung cấp nguồn năng lượng nhiều hơn nên những nhóm cơ này sẽ hoạt động hiệu quả và mạnh mẽ hơn hẳn.
Adrenaline có tác dụng giảm đau, chống lại nguy hiểm và duy trì vận động. Ngoài ra, hormon này cũng tăng cường nhận thức, kích thích não bộ hoạt động và góp phần đưa ra nhiều quyết định quan trọng trong thời điểm căng thẳng.
- Cortisol
Cortisol liên quan mật thiết với quá trình trao đổi chất và cơ chế kiểm soát lượng đường trong máu. Loại hormon này giúp hạn chế hiện tượng viêm nhiễm, điều hòa huyết áp, đảm bảo trạng thái cân bằng muối – nước và hỗ trợ khả năng ghi nhớ.
- Norepinephrine
Là chất dẫn truyền thần kinh chính của hệ thống thần kinh giao cảm, norepinephrine (hay noradrenaline) chủ yếu được giải phóng từ những đầu dây thần kinh giao cảm. Hoạt động của loại hormon này có thể tăng cường lực của cơ tim và cơ xương. Cơ thể cần đến norepinephrine để sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa bất ngờ.
Với chức năng điều khiển những hoạt động vô thức, hệ thần kinh tự động gồm có hệ thần kinh giao cảm, hệ thần kinh đối giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Trong đó, hệ thần kinh giao cảm giữ nhiệm vụ thúc đẩy cơ thể chống trả trước sự tấn công đến từ môi trường bên ngoài.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản, norepinephrine giúp truyền phát tín hiệu, thông báo đến các cơ quan và bộ phận rằng cơ thể đang gặp nguy hiểm và tất cả cần phản ứng linh hoạt, hiệu quả ngay lập tức.
Thế nhưng, việc duy trì nồng độ norepinephrine cao trong cơ thể suốt một khoảng thời gian dài có thể cản trở các quá trình tái tạo cần thiết của nhiều cơ quan quan trọng.
Do đó, tình trạng căng thẳng mạn tính thường dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như: mất ngủ, chậm phát triển (ở trẻ em), sức đề kháng yếu, suy giảm ham muốn tình dục, dễ bị nghiện, mắc phải các vấn đề về đường tiêu hóa, dễ bị trầm cảm…
Nhìn chung, sản xuất hormon vốn là cơ chế sinh học tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng hormon có thể là tác nhân trực tiếp dẫn đến nhiều dạng bệnh ung thư khác nhau, chẳng hạn một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa sự tăng cường nồng độ hormon andrenalin và sự xuất hiện của ung thư tuyến tiền liệt ở đàn ông.
Ngoài ra, những người phải sống trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi liên tục một khoảng thời gian dài cũng thường có nhiều thói quen không lành mạnh như: chán ăn, ăn quá nhiều, hút thuốc lá, nghiện rượu bia… Đây đều là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh ung thư.
Bằng chứng khoa học về mối liên hệ giữa tình trạng stress và bệnh ung thư
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Clinical Investigation cho biết, hormon gây căng thẳng epinephrine có thể kích thích một loại phản ứng sinh hóa có lợi cho quá trình phát triển và lây lan của căn bệnh ung thư vú.
Bên cạnh đó, tình trạng căng thẳng lâu ngày còn tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường nguồn máu nuôi dưỡng khối u ác tính. Kết quả công trình này đã cung cấp những bằng chứng khoa học đầu tiên về hậu quả của tình trạng stress mạn tính đối với sự phát triển của tế bào ung thư.
Nghiên cứu này nhấn mạnh, stress mang tính chất tương đồng tình trạng dị ứng vì cả hai đều dẫn đến phản ứng viêm trên cơ thể. Trong khi đó, mọi bệnh ung thư đều có hai điểm chung nổi bật, đó là phản ứng viêm và một loại protein gây căng thẳng lên tế bào dưới tên gọi theo dạng “NF-kB…”.
Một nghiên cứu được tiến hành ở Brazil đã phát hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa ba tình trạng viêm, stress và nhiễm trùng.
Các nhà khoa học nhận thấy, hàm lượng cytokine bên trong cơ thể những người đang bị căng thẳng luôn cao hơn mức bình thường. (Cytokine là một loại protein có thể hỗ trợ nhiều đáp ứng của hệ thống miễn dịch, trong đó có phản ứng viêm).
Thêm vào đó, những nội tiết tố do tình trạng căng thẳng sinh ra còn có thể gây bất hoạt sự anoikis (quá trình tiêu diệt và ức chế sự lây lan của các tế bào ung thư).
Các nhà khoa học thuộc Đại học Montreal (Canada) đã tiến hành một cuộc nghiên cứu quy mô nhằm khám phá mối liên hệ giữa tình trạng stress mạn tính trong công việc ở nam giới và bệnh ung thư. Trung bình, mỗi người tham gia đều trải qua khoảng 4 công việc khác nhau, trong đó, một số người đã gắn bó với công việc của họ đến hàng chục năm.
Kết quả cho thấy, những người đàn ông bị stress trong công việc liên tục và kéo dài 15 – 30 năm hoặc lâu hơn có nguy cơ bị bệnh ung thư đại tràng, ung thư trực tràng, ung thư phổi, ung thư dạ dày và bệnh lympho không Hodgkin khá cao.
Trong khi đó, mối liên hệ giữa bệnh ung thư và tình trạng stress không được tìm thấy ở những người thường xuyên đối mặt với tình trạng căng thẳng dưới 15 năm.
Các công việc gây căng thẳng nhất bao gồm: kỹ sư công nghiệp, lính cứu hỏa, kỹ sư hàng không vũ trụ, nhân viên sửa chữa thiết bị/phương tiện đường sắt, quản đốc cơ khí…
Một nghiên cứu khác trên 36.000 phụ nữ đang đi làm trong độ tuổi 30 – 50 đã phát hiện ra rằng rủi ro ung thư vú của phái đẹp tăng lên 30% nếu họ bị căng thẳng quá mức trong công việc.
Theo một nghiên cứu về bệnh ung thư ở trẻ em, trong nhiều trường hợp, cuộc sống của các bé đã bị thay đổi đáng kể trong vòng 1 năm trước khi được chẩn đoán/phát hiện mắc bệnh ung thư, chủ yếu liên quan đến việc mất đi mối quan hệ thân thiết hoặc đối mặt với cái chết của người thân.
Tóm lại, tình trạng căng thẳng (stress) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Vì vậy, để chủ động phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này, chúng ta cần cố gắng giải tỏa cảm xúc, thư giãn tinh thần, ổn định tâm trạng bằng cách làm việc điều độ, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc – đúng giờ, bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu và chăm chỉ luyện tập thể dục.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!