Căng thẳng stress có ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt?
Tình trạng căng thẳng stress có thể tác động tiêu cực đến cân nặng, giấc ngủ, làn da, huyết áp, tim mạch và cả chu kỳ kinh nguyệt của phái đẹp. Nhiều chị em đặt ra câu hỏi: “Căng thẳng, stress có ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt không?” Cùng chúng tôi tìm kiếm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!
Căng thẳng stress có ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt không?
Các chuyên gia cho biết, tình trạng căng thẳng stress có thể khiến phụ nữ chậm kinh, trễ kinh, thậm chí mất kinh trong vòng vài tháng.
Theo kết quả một cuộc nghiên cứu vào năm 2014, tình trạng căng thẳng có mối liên quan rõ rệt với triệu chứng đau bụng kinh của phái đẹp. Những người bị căng thẳng nặng thường phải đối mặt với các cơn đau bụng kinh dữ dội gấp 2 – 3 lần so với những phụ nữ bình thường.
Quá trình tương tác và sản xuất các hormon khác nhau bên trong cơ thể tương tự phản ứng dây chuyền. Nếu một giai đoạn trong quá trình này không diễn ra suôn sẻ, thuận lợi thì các giai đoạn còn lại cũng gặp nhiều sai sót, trục trặc và rối loạn.
Khi một nang trứng phát triển mạnh mẽ và giải phóng nhiều tế bào trứng, hàm lượng hormon progesteron sẽ tăng lên nhanh chóng. Lúc này, lớp niêm mạc tử cung bắt đầu dày hơn để chuẩn bị cho quá trình thụ thai. Nếu trứng không gặp tinh trùng (nghĩa là quá trình thụ tinh không diễn ra) thì chu kỳ kinh nguyệt sẽ xuất hiện.
Thế nhưng, khi chị em phụ nữ bị căng thẳng kéo dài, hiện tượng cân bằng hormon nội tiết bên trong cơ thể sẽ bị phá vỡ, dẫn đến tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Cụ thể, trạng thái căng thẳng tác động đến vùng dưới đồi, khiến nồng độ cortisol (hormon gây ra phản ứng căng thẳng) tăng cao, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tương tác và sản xuất các loại hormon khác.
Khi lượng hormon cortisol bên trong cơ thể tăng lên bất thường, phái đẹp sẽ bị:
- Phá vỡ insulin: Hàm lượng cortisol quá cao có thể phá vỡ thế cân bằng của lượng đường trong máu, đồng thời gây cản trở quá trình rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt.
- Giảm sản xuất progesteron: Nồng độ cortisol quá cao sẽ làm gián đoạn quá trình sản xuất progesteron ở buồng trứng, khiến chị em bị rối loạn kinh nguyệt và khó thụ thai hơn.
- Trì hoãn sự rụng trứng: Hàm lượng cortisol quá cao có thể ức chế quá trình rụng trứng. Vì vậy, vòng kinh của bạn sẽ kéo dài hơn so với trước đây.
- Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt: Tình trạng căng thẳng sau thời điểm rụng trứng sẽ dẫn đến hiện tượng mất cân bằng nội tiết tố. Nếu chị em bị căng thẳng gần sát chu kỳ kinh nguyệt, lượng máu kinh được tiết ra thường ít hơn, thậm chí có màu sắc khác thường.
Để kiểm soát và đẩy lùi vấn đề kinh nguyệt không đều do bị căng thẳng, phái đẹp cần nhận biết bản thân có đang bị căng thẳng hay không. Tình trạng căng thẳng thông thường khiến chúng ta bị đau cổ – vai – lưng, buồn nôn, tức ngực và ăn uống thất thường. Trong khi đó, tình trạng căng thẳng nặng xuất hiện với biểu hiện lú lẫn, mệt mỏi, nhức đầu, cáu gắt, dễ tức giận…
Hướng dẫn phòng tránh rối loạn kinh nguyệt do căng thẳng
Nếu đang bị rối loạn kinh nguyệt do ảnh hưởng của tình trạng căng thẳng, độc giả không thể làm gì khác để thay đổi điều này. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tham khảo những cách đẩy lùi căng thẳng dưới đây để đảm bảo rằng chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo diễn ra thuận lợi, bình thường.
Chúng ta có thể xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, duy trì lối sống lành mạnh kết hợp với một số biện pháp hỗ trợ đơn giản để đưa chu kỳ kinh nguyệt quay về đúng hướng ban đầu.
Điều chỉnh khối lượng công việc
Hàng loạt áp lực đến từ công việc hàng ngày có thể dễ dàng khiến chúng ta trở nên lo âu, căng thẳng và kiệt sức. Nếu vẫn cố gắng tiếp tục chiến đấu ngay cả khi toàn bộ cơ thể đều rã rời, bạn sẽ mắc phải hội chứng “cháy sạch” (burn-out) ở chốn công sở. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng rối loạn kinh nguyệt ở nhiều chị em phụ nữ.
Để hạn chế áp lực không đáng có trong công việc, chị em cần chủ động sắp xếp công việc của mình thật linh hoạt và hợp lý. Bạn nên chia nhỏ công việc thành nhiều mục nhỏ, xem xét thứ tự ưu tiên, sau đó hoàn thành từng nhiệm vụ cụ thể, tránh ôm đồm và quá tải. Ngoài ra, nếu cảm thấy bản thân hoàn toàn kiệt sức, hãy đề nghị cấp trên nới lỏng deadline.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Để tăng cường sức khỏe tổng thể và ngăn ngừa căng thẳng, mệt mỏi, phái đẹp nên tăng cường bổ sung nhiều nước và ưu tiên dung nạp những loại thực phẩm lành mạnh, giàu vitamin như: cam, quýt, bưởi, khóm, cà chua, cải bó xôi, bông cải xanh, dâu tây, việt quất, gừng, nghệ, quế, sữa chua, mùi tây, đậu nành, ngũ cốc…
Đặc biệt, bạn cần chủ động tránh xa cà phê, trà đặc, rượu bia và các chất kích thích vì các thức uống này sẽ khiến tình trạng căng thẳng, lo âu trở nên tồi tệ.
Thường xuyên tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên là một trong những bí quyết đơn giản và hiệu quả nhất giúp chúng ta chống lại tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Thói quen này có thể kéo giảm hàm lượng hormon cortisol gây ra phản ứng căng thẳng, đồng thời giải phóng hormon hạnh phúc endorphin, từ đó giảm đau tự nhiên và điều hòa tâm trạng.
Tập thể dục đúng cách còn góp phần cải thiện chất lượng giấc ngủ. Vì vậy, những người thường xuyên vận động luôn sở hữu tinh thần minh mẫn, tỉnh táo cùng nguồn năng lượng tích cực, lạc quan.
Các bộ môn chạy bộ, đạp xe, thiền định, tập yoga, khiêu vũ… có thể là gợi ý lý tưởng dành cho bạn đấy. Khi phái đẹp vận động nhiều hơn, chu kỳ kinh nguyệt cũng bắt đầu ổn định. Tuy nhiên, bạn không nên cố gắng luyện tập quá sức, đồng thời hãy dành thêm thời gian cho cơ thể nghỉ ngơi nếu đang bị đau bụng kinh.
Ngủ đúng giờ, đủ giấc
Đây là cách xoa dịu cơ bắp và thư giãn tinh thần vô cùng hiệu nghiệm. Bởi hiện tượng khó ngủ, mất ngủ chính là tác nhân phổ biến khiến nhiều chị em bị rối loạn kinh nguyệt.
Dành thời gian bên cạnh những người thân thương
Chúng ta có thể vướng vào hàng loạt cảm xúc bi quan, tiêu cực nếu không chủ động tâm sự với gia đình, bạn bè khi đối diện với khó khăn. Được chia sẻ và trải lòng là một trong những nhu cầu thiết yếu và cơ bản nhất của con người.
Do đó, khi cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, độc giả hãy dành thời gian trò chuyện cùng gia đình và người thân, thậm chí trải lòng với em bé hàng xóm hoặc thú cưng của mình. Có thể bạn sẽ được truyền thêm những nguồn năng lượng tích cực to lớn đấy!
Cầu nguyện mỗi ngày
Thói quen cầu nguyện giúp chúng ta trở nên bao dung và tử tế hơn với thế giới xung quanh. Hơn nữa, bạn đồng thời cũng học được cách yêu thương, trân trọng và chấp nhận những thiếu sót của bản thân. Thêm vào đó, hoạt động hữu ích này còn giúp chúng ta cân bằng cảm xúc và cảm thấy an tâm, nhẹ nhõm.
Thở sâu
Đây là một trong những phương pháp ngăn ngừa căng thẳng đơn giản nhất mà người đọc có thể tham khảo. Mỗi khi đối diện với lo âu và áp lực, bạn hãy dành ra 3 – 5 phút tĩnh lặng để hít thở thật sâu. Hãy khoanh hai chân theo tư thế ngồi thiền rồi bắt đầu hít vào thật sâu, tập trung vào hơi thở, theo dõi không khí tràn ngập lồng ngực, sau đó thở ra từ từ.
Bạn hãy cố gắng hít thở sâu vài lần mỗi ngày. Thói quen này có thể làm sạch tâm trí và tăng cường khả năng tập trung của chúng ta.
Cười nhiều
Khi chúng ta mỉm cười thật tươi, cơ thể sẽ giải phóng nhiều hormon hạnh phúc endorphin, đồng thời giảm thiểu nồng độ cortisol và adrenalin (hai hormon gây căng thẳng). Đặc biệt, nụ cười còn có khả năng đánh lừa bộ não, khiến hệ thần kinh tưởng rằng bạn đang hạnh phúc. Do đó, ngay cả khi chúng ta không thực sự cảm thấy vui vẻ, một nụ cười tươi tắn vẫn có thể xoa dịu lo âu và cải thiện căng thẳng phần nào.
Nghe nhạc
Khi cảm thấy chán nản, mệt mỏi và quá tải trước những thử thách trong cuộc sống, độc giả hãy tạm thời nghỉ ngơi và nghe nhạc thư giãn. Những giai điệu sôi nổi, tươi vui hoặc nhẹ nhàng, tha thiết có thể tác động tích cực lên não bộ và cơ thể, từ đó làm giảm nồng độ cortisol và điều hòa huyết áp.
Sử dụng tinh dầu
Mùi hương ngọt ngào, dễ chịu của một số loại tinh dầu có thể giúp chúng ta cải thiện tâm trạng. Vì vậy, muốn đánh bay căng thẳng, bạn hãy đặt một lọ tinh dầu oải hương, hoa hồng, cúc La Mã, trầm hương, phong lữ, cỏ hương bài, hoa Ylang Ylang… ở bàn làm việc và trong phòng ngủ.
Bên cạnh những bí quyết trên, chị em nên kết hợp chơi đùa với thú cưng và ngâm mình trong nước ấm. Ngoài ra, nếu bị chậm kinh, phái đẹp có thể tăng cường chuyện chăn gối nhằm kích thích tử cung giãn nở, từ đó tạo nên khoảng trống nhằm kéo máu kinh nguyệt xuống. Thế nhưng, bạn cần kiêng cữ quan hệ tình dục khi đang trong chu kỳ kinh nguyệt bởi điều này có thể khiến âm đạo bị viêm nhiễm.
Căng thẳng stress có ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt không? Câu trả lời là có. Nhìn chung, độc giả cần chăm sóc bản thân và chủ động tránh xa các yếu tố gây căng thẳng. Hãy cố gắng buông bỏ lo lắng và phiền muộn để chu kỳ kinh nguyệt diễn ra suôn sẻ, thuận lợi.
Nếu bị rối loạn kinh nguyệt trong một khoảng thời gian dài, chị em hãy thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt vì tình trạng này có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản của phái đẹp trong tương lai.
TRUNG TÂM TÂM LÝ TRỊ LIỆU NHC VIỆT NAM
- Cơ sở Hà Nội: Số 11 ngõ 83 Trần Duy Hưng, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy | Số điện thoại: (024) 2216 8008 – 096 589 8008
- Cơ sở TPHCM: Số 18 đường Phan Chu Trinh, phường 13, quận Bình Thạnh | Số điện thoại: (028) 2201 2555 – 096 299 8008
- Website: tamlytrilieunhc.com
- Fanpage: fb.com/tamlytrilieunhc
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!