Đau đầu căng thẳng do stress và cách giảm đau nhanh chóng
Cuộc sống hiện đại vội vã với áp lực bộn bề khiến nhiều người thường xuyên đau đầu do căng thẳng. Vậy mối liên hệ giữa stress và tình trạng đau đầu là gì? Làm thế nào để khắc phục và phòng ngừa vấn đề sức khỏe này?
Chứng đau đầu do căng thẳng là gì?
Nhiều bệnh nhân tự hỏi, liệu triệu chứng đau đầu có phải là hệ quả trực tiếp của tình trạng căng thẳng mạn tính hay không. Theo các chuyên gia, câu trả lời là hoàn toàn có thể. Trạng thái căng thẳng có thể dẫn đến các cơn đau đầu, cũng như khiến chúng càng thêm trầm trọng theo thời gian.
Tuy nhiên, làm thế nào để xác định chính xác liệu triệu chứng đau đầu của bạn bắt nguồn từ những tác nhân gây ra căng thẳng hay chỉ đơn giản là dấu hiệu nhận biết của một tình trạng sức khỏe nào khác? Cách tốt nhất là bạn hãy tập trung quan sát cơn đau của mình. Ba loại đau đầu phổ biến nhất hiện nay bao gồm:
- Đau đầu migraine
Chứng đau đầu migraine thường diễn ra trong vòng 4 – 72 tiếng và dẫn đến hiện tượng suy nhược cơ thể. Những cơn đau đầu migraine hay xuất hiện ở một bên đầu và trở nên nghiêm trọng khi người bệnh thực hiện các hoạt động thường ngày (chẳng hạn đi bộ).
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cảm thấy buồn nôn, choáng váng, nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng. Tuy đây không phải là kết quả trực tiếp của tình trạng căng thẳng nhưng tình trạng căng thẳng lại là một trong nhiều tác nhân kích hoạt và khiến bệnh tình trở nên trầm trọng.
- Đau đầu thứ phát
Đau đầu thứ phát thường là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe nào đó như: viêm xoang, thoái hóa cột sống cổ, nhiễm trùng, dị dạng mạch máu, tổn thương vùng đầu, u não, viêm não, tai biến mạch máu não.
- Đau đầu do căng thẳng
Là chứng bệnh thường gặp, tình trạng đau đầu do căng thẳng xuất hiện ở hơn 1/3 người trưởng thành trên toàn thế giới. Bệnh nhân sẽ đau đầu ở cả hai bên và cảm thấy căng tức phía trước trán hoặc sau cổ. Nhìn chung, tuy gây ra một số khó chịu tại vùng đầu nhưng tình trạng này không dẫn đến suy nhược tinh thần. Người bệnh hoàn toàn có thể tiếp tục những hoạt động thường ngày.
Tình trạng căng thẳng có phải là nguồn gốc của triệu chứng đau đầu? Trong đa số trường hợp, câu trả lời là đúng, căng thẳng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các cơn đau đầu.
Đau đầu do căng thẳng là tình trạng đau đầu bắt nguồn từ sự co thắt các cơ vùng cổ, mặt và da đầu. Thông thường, tình trạng này tuân theo mô hình nhất định với các biểu hiện như sau:
- Khó ngủ, khó tập trung
- Đau đầu vừa phải hoặc nặng đầu âm ỉ cả ngày, kèm theo đau vai gáy
- Đau nhiều khi bị căng thẳng, mệt mỏi
- Cơn đau thường bắt đầu từ vùng chẩm, hai bên trán, sau đó lan rộng khắp đầu
- Các cơ co cứng, có thể có cảm giác ai đó đang gõ gõ bên trong đầu
- Những cơn đau đầu xuất hiện từng đợt (diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn và dưới 15 ngày/tháng) hoặc mạn tính (kéo dài từ 15 ngày trở lên, thậm chí hơn một tháng)
Khác với chứng đau đầu migraine, tình trạng đau đầu do căng thẳng không đi kèm triệu chứng buồn nôn, nôn ói và không trở nên tồi tệ khi hoạt động thể lực hay tiếp xúc với mùi hương, ánh sáng, âm thanh ở cường độ cao.
Những tác nhân thúc đẩy chứng bệnh này hình thành là căng thẳng, rối loạn giấc ngủ, mỏi mắt, đau cổ, rối loạn chức năng khớp thái dương hàm…
Các chuyên gia cho biết, tình trạng đau đầu do căng thẳng không được ghi nhận trong bảng Phân loại Quốc tế về Rối loạn Nhức đầu (ICHD-3). Tuy nhiên, theo dữ liệu MedlinePlus từ Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, đau đầu do căng thẳng là một trong những loại đau đầu phổ biến nhất. Vấn đề này đang ảnh hưởng đến khoảng 70% dân số nước Mỹ.
Trong mọi loại đau đầu, tình trạng căng thẳng luôn là tác nhân khiến các triệu chứng kéo dài và càng thêm phức tạp. Theo một nghiên cứu, các nhà khoa học đã theo dõi hơn 5.000 người Đức trong vòng 2 năm. Họ phát hiện ra rằng, cuộc sống hàng ngày của một người càng căng thẳng thì mức độ đau đầu của họ càng đáng kể.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu tình trạng căng thẳng tăng thêm 10% thì tỷ lệ đau đầu do căng thẳng của chúng ta sẽ tăng khoảng 6,3% mỗi tháng.
Hiện nay, cơ chế hình thành cụ thể của chứng bệnh chưa thực sự rõ ràng. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng stress đã gây ra một số thay đổi sinh lý nhất định bên trong cơ thể, từ đó dẫn đến tình trạng đau đầu do căng thẳng. Ngoài ra, thói quen sử dụng rượu bia – cà phê – thuốc lá, mệt mỏi, bệnh tật (cảm cúm, cảm lạnh…) cũng liên quan mật thiết đến chứng đau đầu do căng thẳng.
Phân biệt chứng đau đầu do căng thẳng và chứng đau đầu bệnh lý
Đau đầu là một trong những chứng bệnh phổ biến nhất trong cuộc sống hiện đại. Hiệp hội Đau đầu Thế giới phân chia tình trạng này thành 13 nhóm, tương đương với 13 nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, có hai nhóm đau đầu chính là đau đầu do bệnh lý thần kinh và đau đầu do căng thẳng.
Đau đầu do bệnh lý thần kinh
Đau đầu do bệnh lý thần kinh liên quan đến tình trạng viêm nhiễm, thiếu máu não hay sự hình thành và xâm lấn của khối u.
Những quá trình bệnh lý này sẽ khiến mạch máu căng giãn, xoắn vặn hoặc phù nề. Các cơn đau này thường rất dữ dội, xuất hiện đột ngột, diễn tiến nhanh chóng, kéo dài từ vài giờ đến 1 ngày và đi kèm triệu chứng tê liệt, nôn ói. Biểu hiện cụ thể của từng chứng đau đầu dạng này phụ thuộc vào nguyên nhân hình thành, chẳng hạn:
- Cơn đau đầu do tăng huyết áp thường dữ dội, đột ngột, tập trung ở trán và vùng chẩm.
- Cơn đau đầu do u não hay đi kèm triệu chứng mờ mắt, buồn nôn, liệt dây thần kinh sọ não.
- Cơn đau đầu do viêm màng não khá dữ dội, kèm theo biểu hiện sốt cao, nôn ói, cứng cổ, sợ ánh sáng.
- Cơn đau đầu do dị dạng mạch máu thường âm ỉ, đôi khi dữ dội, đi kèm triệu chứng liệt run.
- Cơn đau đầu do xuất huyết não xuất hiện dồn dập, đột ngột, khiến bệnh nhân hôn mê nhanh chóng, thậm chí liệt nửa người.
Đau đầu do căng thẳng
Chứng đau đầu do căng thẳng bắt nguồn từ những căng thẳng, áp lực trong công việc – cuộc sống hoặc liên quan đến thói quen ngồi trước máy tính liên tục, lái xe trong một khoảng thời gian dài. Thời gian biểu hiện triệu chứng mang tính chu kỳ, chia thành nhiều đợt, có thể kéo dài đến 2 tuần/tháng hoặc 6 tháng/năm.
Dấu hiệu nhận biết của chứng đau đầu do căng thẳng là cảm giác căng/siết ở các cơ vùng cổ và vùng đầu, cảm thấy ê ẩm hoặc nén ép ở đầu. Các cơn đau lan tỏa rộng khắp, khó chịu nhất tại vùng cổ và phía sau đầu, không đi kèm triệu chứng buồn nôn hay nôn ói. Một số người bệnh có thể trở nên nhạy cảm với tiếng ồn.
Nhìn chung, các cơn đau đầu do căng thẳng thường xuất hiện bất ngờ và tiến triển tăng dần, nhanh chóng với tính chất ổn định cùng cường độ vừa phải, không quá dữ dội.
Kết luận
Chứng đau đầu do bệnh lý thần kinh thường dữ dội, diễn ra đột ngột, không tuân theo chu kỳ và có đặc điểm đa dạng tùy thuộc nguyên nhân hình thành. Đây rất có thể là chỉ báo của các bệnh lý nguy hiểm nếu người bệnh bị:
- Đau đầu đột ngột hoặc thay đổi kiểu đau đầu
- Đau đầu lần đầu tiên hoặc đau đầu nhiều nhất từ trước đến nay
- Chứng bệnh khởi phát thường xuyên sau tuổi 50
- Đau đầu đến độ tỉnh ngủ
- Đau đầu xuất hiện khi ho
- Từng chấn thương vùng đầu
- Đau đầu kết hợp thay đổi hành vi, ý thức và nhân cách
- Phát hiện kết quả bất thường khi thăm khám chuyên khoa thần kinh
Trong khi đó, chứng đau đầu do căng thẳng mang đặc tính ổn định với kiểu đau cố định, giảm đau khi ngủ, đau nhiều trong chu kỳ kinh nguyệt (ở phái đẹp) và kết quả thăm khám thực thể – thần kinh hoàn toàn bình thường.
Lưu ý
Trong cùng thời điểm, bệnh nhân có thể mắc phải nhiều loại đau đầu khác nhau (bao gồm đau đầu do viêm xoang, đau đầu do tăng huyết áp, đau đầu do tổn thương dây thần kinh ngoại vi…).
Bệnh nhân cần xác định chính xác loại đau đầu đang chiếm ưu thế để ưu tiên điều trị. Vì vậy, ngay khi xuất hiện triệu chứng bất thường, bạn hãy chủ động thăm khám càng sớm càng tốt.
Có thể nói, chứng đau đầu do căng thẳng thường ít nguy hiểm hơn so với chứng đau đầu do bệnh lý thần kinh. Các triệu chứng đau đầu do căng thẳng sẽ biến mất ngay khi người bệnh giải tỏa cảm xúc và ổn định tâm trạng. Trái lại, những cơn đau đầu bắt nguồn từ các bệnh lý thần kinh thường là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nguy hiểm.
Để điều trị và ngăn ngừa chứng đau đầu do căng thẳng, độc giả hãy cố gắng giải quyết vướng mắc, tập thể dục thường xuyên, xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, tập thiền mỗi ngày, ngủ đủ giấc – đúng giờ, tâm sự với những người thân thương và mỉm cười nhiều nhất có thể. Đây chính là những giải pháp hữu hiệu giúp bạn xoa dịu tinh thần và cải thiện triệu chứng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!