Hướng dẫn hỗ trợ giao tiếp cho trẻ bị tự kỷ
Giao tiếp là một yếu tố cực kỳ quan trọng để hỗ trợ cho sự phát triển ổn định của trẻ tự kỷ trong tương lai. Các biện pháp hỗ trợ giao tiếp cho trẻ bị tự kỷ cần được tiến hành ngay từ giai đoạn sớm, tốt nhất là trong 3 năm đầu đời. Gia đình cần phối hợp thực với các bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực tự kỷ để có kết quả điều trị tốt nhất cho con.
Hướng dẫn hỗ trợ giao tiếp cho trẻ bị tự kỷ
Dấu hiệu chung của trẻ tự kỷ chính là gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp. Bé chậm nói, ngôn ngữ bị hạn chế, không thể diễn đạt ý kiến thành lời và đồng thời cũng rất khó khăn trong việc hiểu người khác nói gì. Do đó giải năng giao tiếp và các tương tác xã hội, kể cả với cha mẹ cũng bị hạn chế, bé thường chỉ chơi một mình. Mặt khác việc rối loạn ngôn ngữ cũng làm ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và các hành vi của trẻ tự kỷ nên cần tiến hành điều trị sớm.
Kỹ năng giao tiếp ở đây không chỉ đơn giản là các cuộc nói chuyện, đối thoại mà còn là kỹ năng trao đổi qua ánh mắt, biểu cảm, cử chỉ. Bé có thể hiểu được cha mẹ đang khó chịu dần dần tiến tới thể hiện các cảm xúc thông qua điệu bộ rồi dần dần tiến tới các cuộc hội thoại, tránh được các hành vi quá khích do bé không thể bộc lộ cảm xúc, mong muốn của bản thân.
Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp trị liệu ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ, gia đình và bác sĩ còn cần tạo ra các môi trường, hoạt động để trẻ có thể phát triển các kỹ năng giao tiếp. Cần chú ý rằng việc học tập và thực hành các kỹ năng này cần theo một thứ tự khoa học để phát triển dần các kỹ năng và phối hợp với nhau. Gia đình nên tham khảo những phác đồ trong quá trình hỗ trợ giao tiếp cho trẻ bị tự kỷ để lên kế hoạch chăm sóc trẻ phù hợp nhất.
Hoạt động hỗ trợ tăng cường kỹ năng chú ý của trẻ tự kỷ
Trẻ tự kỷ thường hay lơ đi khi cha mẹ gọi, tránh giao tiếp với ánh mắt của mọi người bởi thế mà khả năng tương tác xã hội của con rất kém, con không thể hiểu được biểu cảm trên khuôn mặt. Sự chú ý của đôi mắt sẽ làm tăng sự tập trung của đôi tai, hỗ trợ cho khả năng tư duy logic đạt những kết quả tốt hơn. Từ đó dần dần bé có thể tiếp thu những truyền đạt của cha mẹ, ghi nhớ tốt hơn và dần dần có thể trả lời, giao tiếp với cha mẹ khi được gọi.
Để cho bé thực hành các kỹ năng chú ý để hỗ trợ giao tiếp cho trẻ bị tự kỷ cần chú ý những điều sau
- Điều chỉnh môi trường học phù hợp, tránh để những đồ chơi hay đồ vật thu hút bé ở quanh có thể làm bé sao nhãng, chỉ muốn lấy đồ vật đó thay vì tập trung vào những gì cha mẹ, giáo viên nói. Không gian học tập phải yên tĩnh, tránh tiếng ồn hay ánh sáng chói quá mức có thể kích thích sự nhạy cảm của trẻ
- Nên ngồi ở vị trí đối diện ngang tầm mắt để trẻ chú ý và gọi tên trẻ đến khi bé nhìn thì thôi, nên sử dụng tên trẻ để mở đầu, ví dụ gọi ” Lan nghe mẹ này”
- Thu hút sự chú ý thông qua thị giác, xúc giác, ví dụ như chạm nhẹ vào má bé để bé nhìn
- Có thể tạo sự khác biệt, ví dụ như mẹ hóa trang thành chú hề cũng là cách để kích thích trẻ chú ý
- Giúp con hiểu được các hành động, cử chỉ
- Nếu bé vẫn tiếp tục không chú ý thì có thể dùng những loại đồ chơi âm nhạc mà bé yêu thích
- Kiên trì thực hiện cho tới khi bé bắt đầu chú ý nhìn khi có cha mẹ hay người khác gọi
Hỗ trợ giao tiếp cho trẻ bị tự kỷ qua kỹ năng bắt chước
Trẻ tự kỷ cũng thường thờ ơ, ít khi bắt chước một điều gì đó như các bạn đồng trang lứa. Vì vậy cần hỗ trợ rèn luyện cho bé kỹ năng bắt chước bởi đây cũng là tiền đề cho sự giao tiếp quan trọng mà bé cần có. Trong thời gian đầu gia đình có thể “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cho con cách cách bắt chước, sau đó dần hạ xuống với mức độ gợi ý các hành động cho bé thông qua lời nói hay các cử chỉ cho đến khi bé có thể tự động bắt chước khi thấy các hành động, âm thanh lạ nào đó.
Để nâng cao kỹ năng bắt chuốc cho trẻ tự kỷ, phụ huynh cần lưu ý những điều sau
- Làm mẫu cho việc bắt chước các biểu cảm trên khuôn mặt như chu môi, cười to, làm mặt xấu, cau mày, liếm môi để con chú ý và làm theo. Mẹ cũng nên hướng dẫn cho con thế nào để có thể làm được biểu cảm như vậy
- Cùng con bắt chước việc sắp xếp các mô hình lắp ráp, sắp xếp các đồ vật trong nhà hay các dọn dẹp các đồ vật trong nhà
- Có thể bắt chước các âm thanh như tiếng chó sủa, tiếng gà vịt kêu, hay nhịp điệu từ các bài hát mà bé yêu thích
- Bắt chước các âm thanh được phát ra từ miệng trong các tình huống như hú ùa, hắt xì, tiếng bập môi..
- Bắt chước các hành vi cụ thể ví dụ như tưởng tượng đóng vai nhân vật và giả vờ đang ăn, đang ngủ
Bạn có thể đưa trẻ đến những nơi có những âm thanh, hình ảnh trực quan để bé nhìn trước, sau đó là cha hoặc mẹ bắt chước theo và cuối cùng là mới hướng dẫn bé cụ thể. Hoặc cũng có thể cho bé xem các tình huống bắt chước thông qua TV máy tính . Ngoài ra cũng có thể tận dụng sự giúp đỡ của những người trong gia đình, ví dụ như cha diễn tả tình huống, mẹ bắt chước theo rồi cuối cùng là con thì sẽ giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn.
Mẹ không nên cố gắng ép con phải làm cái này cái kia khi bé không thích vì có thể làm kích thích sự tức giận khó chịu của con. Hãy chỉ nên bắt đầu khi con đang thực sự vui vẻ và thích thú. Khi đã học được kỹ năng này bé sẽ tự động bắt chước khi có các tình huống thú vị chứ không cần cha mẹ hướng dẫn nữa.
Các hoạt động giúp tăng cường việc nghe – hiểu lời nói
Do hạn chế về khả năng ngôn ngữ nên khả năng nghe hiểu lời nói của trẻ tự kỷ cũng gặp rất nhiều hạn chế. Ở hội chứng tự kỷ thông thái ở trẻ, một số người có khả năng đọc chữ vanh vách từ rất sớm nhưng khi được dạy học lại học rất kém, không tiếp thu được cũng chính là do khả năng nghe hiểu của bé rất thấp, bé không hiểu người khác muốn nói gì đó.
Việc giúp bé nghe hiểu được đóng vai trò rất quan trọng trong tăng cường khả năng giao tiếp và nhận thức ở trẻ. Khi trẻ tự kỷ hiểu được người khác nói gì và có thể diễn tả được những mong muốn của bản thân cũng sẽ đồng thời tăng cơ hội để con có thể nhưng mối quan hệ, những người bạn. Từ đó dần dần đưa con hòa nhập hơn với cuộc sống bình thường, có thể đưa con đến trường học như các bạn bè đồng trang lứa.
Các biện pháp hỗ trợ giao tiếp cho trẻ bị tự kỷ thông qua rèn luyện kỹ năng nghe hiểu bao gồm
- Luôn bắt đầu bằng việc gọi tên con để con chú ý nhìn theo
- Phát âm chậm, rành mạch, rõ ràng để bé có thể hiểu, tránh việc nói quá nhanh khiến con không nghe và tiếp thu kịp. Tuy nhiên chú ý không nên phát âm rời rạc khiến con không thể kết nối các từ ngữ với nhau và không hiểu cha mẹ muốn nói gì
- Nên bắt đầu bằng những câu nói ngắn, từ ngữ đơn giản để con có thể hiểu, sau đó dần dần mới tăng số lượng chữ và độ khó lên
- Không nên bắt con trả lời nhanh mà cần cho bé thời gian để suy nghĩ và xử lý thông tin
- Sử dụng thêm các phương tiện hình ảnh như tranh ảnh, video để tăng tính chân thực và giúp trẻ có thể hiểu rõ hơn
- Sử dụng từ ngữ phù hợp với từng hoàn cảnh để giúp bé hiểu hơn và nhận thức được hoàn cảnh. Ví dụ bắt đầu buổi học thì dùng từ “bây giờ chúng ta sẽ cùng học”, học xong thì “bây giờ sẽ kết thúc buổi học”.. Khi yêu cầu con điều gì hãy dùng những từ ngữ mang tính khẳng định để con thực hiện ngay.
Hỗ trợ giao tiếp cho trẻ bị tự kỷ với các hoạt động tăng cường kỹ năng phát âm
Khả năng giao tiếp của trẻ tự kỷ cũng bị ảnh hưởng bởi khả năng phát âm kém. Bé có thể không nói được những từ ngữ quá khó, ngôn ngữ lặp đi lặp lại một cách cứng nhắc hay mắc hội chứng Apraxia (Mất dùng lời nói chủ ý ở trẻ em) khiến việc phát âm kém chuẩn xác. Do đó cần phải hỗ trợ bé cả khả năng phát âm để bé có thể giao tiếp tốt hơn.
Những hoạt động tăng cường khả năng phát âm cho trẻ tự kỷ bao gồm
- Cùng con thực hiện các bài tập kéo căng cơ môi bằng cách dùng bạnh mồm sang hai bên
- Tập liếm môi, mẹ có thể bôi một chút mật ong lên môi hay mút kẹo để con có cảm giác muốn liếm môi
- Phồng miệng hoặc nếu bé không tự phùng miệng được có thể cho bé thử thổi bong bóng, thổi còi, thổi tắt nến,…để dùng lực đẩy từ bụng lên làm phồng má
- Thực hiện các bài tập tặc lưỡi hoặc bập môi như làm tiếng gọi chó, gọi gà…
- Ăn các thức ăn cứng như các loại hạt hay cắn kẹo cứng cũng rất tốt trong việc luyện tập phát âm
- Khi bé đã quen dần với các bài tập trên thì phụ huynh có thể bắt đầu cho bé phát âm, từ các nguyên âm, phụ âm đơn giản, nên kết hợp thêm với hình ảnh chữ trực quan để bé vừa biết phát âm vừa biết đọc chữ.
- Khi đã nói được phụ âm nguyên âm thì bắt đầu tăng cấp độ lên với các từ đơn, từ đôi dễ hiểu hơn, nên sử dụng những từ ngữ quen thuộc bé thường tiếp xúc và có hình ảnh trực quan để con dễ ghi nhớ
Một số chú ý khi hỗ trợ giao tiếp cho trẻ bị tự kỷ
Để thực hiện các biện pháp hỗ trợ giao tiếp cho trẻ bị tự kỷ không chỉ cần có chuyên môn mà còn cần có sự kiên trì nhẫn nại vì khả năng nhận thức và tiếp nhận thông tin của rất chậm. Mặc dù khả năng ghi nhớ của con có thể tốt, con có thể nhớ những hành động vừa được dạy nhưng nếu bé không hiểu được ý nghĩa, mục đích của các bài tập này mà chỉ lặp đi lặp lại trong vô thức thì không không đem lại kết quả tốt
Trong quá trình học tập, cần tạo cho con không gian thoải mái dễ chịu, yên tĩnh, tránh các vật dụng khiến bé sao nhãng. Không nên quá ép con phải học vì có thể làm bé trở nên sợ hãi. Hãy cố gắng trò chuyện và tạo thành một mối liên kết gắn bó với con, tạo sự tin tưởng thân thiết để hướng dẫn con học tập tốt hơn.
Gia đình chính là người bác sĩ tốt nhất của trẻ tự kỷ. Trong suốt quá trình chăm sóc và dạy trẻ tự kỷ tại nhà, cha mẹ cần luôn giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, nhẫn nại với con, tuyệt đối không được trách mắng hay đánh con. Dù bận rộn thế nào cũng nên dành ít nhất 3 tiếng mỗi ngày để chơi và hướng dẫn con thực hành các bài tập này. Hãy cố gắng nói chuyện nhiều hơn với con hằng ngày, kể chuyện cho con nghe để tăng sự tương tác hoặc tạo ra các thói quen, nhu cầu để bé chủ động giao tiếp trước với cha mẹ.
Tất nhiên với các bậc cha mẹ có con bị tự kỷ lần đầu thì không thể nào có đủ kinh nghiệm nuôi dạy con thế nào, do đó hãy đưa con đến các cơ sở học tập chuyên biệt cho trẻ tự kỷ. Tại đây con không chỉ được hỗ trợ các kỹ năng giao tiếp mà còn được tăng cường nhận thức, tạo điều kiện để con phát huy tốt nhất nhưng năng lực vượt trội để bù đắp những khuyết khuyết khác. Phụ huynh cũng nên trực tiếp tham gia vào các lớp học này để biết cách chăm sóc con tại nhà như thế nào cho đúng.
Các biện pháp hỗ trợ giao tiếp cho trẻ bị tự kỷ cần được thực hành càng sớm càng tốt, không chỉ ở nhà trường mà cần kết hợp cả tại nhà thông qua những hoạt động phù hợp. Gia đình cần luôn quan tâm theo sát trẻ tự kỷ để hỗ trợ con bất cứ khi nào cần thiết, tạo cơ hội để con có một tương lai tốt hơn, không cần phụ thuộc quá nhiều vào cha mẹ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!