Liệu pháp tiếp xúc: Ứng dụng trong điều trị sức khỏe tâm thần
Liệu pháp tiếp xúc được ứng dụng rộng rãi trong điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần. Liệu pháp này phát triển dựa trên ý tưởng con người có thể thích nghi, vượt qua nỗi sợ bằng cách tiếp xúc với những đối tượng/ tình huống gây ra sự ám ảnh, lo âu một cách có kế hoạch và kiểm soát.
Liệu pháp tiếp xúc là gì?
Liệu pháp tiếp xúc (Tiếng Anh: Exposure Therapy) hay trị liệu tiếp xúc là một trong những phương pháp tâm lý trị liệu phổ biến hiện nay. Mục đích của liệu pháp này là giúp giảm dần nỗi sợ và sự ám ảnh bằng cách tiếp xúc với đối tượng/ tình huống gây ra cảm giác sợ hãi với mức độ tăng dần.
Tương tự như các liệu pháp khác, trị liệu tiếp xúc có nhiều cách tiếp cận khác nhau, có thể thông qua trí tưởng tượng, tiếp xúc thực tế hoặc sử dụng công nghệ thực tế ảo… Dù cách tiếp cận có khác biệt nhưng mục đích sau cùng của liệu pháp vẫn là giúp giảm bớt nỗi sợ, bình thường hóa cảm xúc khi đứng trước một số tình huống/ đối tượng nhất định.
Liệu pháp tiếp xúc được xếp vào nhóm liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), được thực hiện với mục đích thay đổi, kiểm soát các phản ứng và hành vi tiêu cực. Trong liệu pháp này, nhà trị liệu sẽ xây dựng môi trường tin cậy và an toàn để người tham gia trị liệu có thể tiếp xúc với nỗi sợ trong trạng thái ổn định nhất.
Cơ chế của liệu pháp tiếp xúc là cho người tham gia trị liệu thấy rằng, họ có khả năng kiểm soát và đối mặt với nỗi sợ. Theo thời gian, niềm tin này sẽ dần lớn hơn và họ có thể dễ dàng chế ngự cảm giác sợ hãi của bản thân.
Liệu pháp tiếp xúc có thể không giải quyết dứt điểm nỗi sợ nhưng có thể giảm cảm giác sợ hãi và ám ảnh đến mức tối thiểu, qua đó hạn chế những ảnh hưởng của các rối loạn tâm lý – tâm thần đối với chất lượng cuộc sống.
Lợi ích của liệu pháp tiếp xúc
Mục đích lớn nhất của liệu pháp tiếp xúc là giúp người tham gia trị liệu học cách đối mặt với nỗi sợ. Tuy nhiên, liệu pháp này có thể mang đến những lợi ích khác bên cạnh mục đích chính này.
1. Thay đổi thói quen tiêu cực
Khi ám ảnh quá mức với một đối tượng/ tình huống nào đó, đa phần mọi người đều có xu hướng né tránh những tình huống đó. Thông qua liệu pháp tiếp xúc, hành vi né tránh sẽ thuyên giảm dần theo thời gian.
Khi những thói quen tiêu cực này được cải thiện, chất lượng cuộc sống sẽ được nâng cao. Liệu pháp tiếp xúc sẽ giúp giảm nỗi sợ và bình thường hóa phản ứng trước những tình huống/ đối tượng đã từng gây ra sự ám ảnh quá mức.
Về cơ bản, người bệnh vẫn sẽ né tránh một vài tình huống nhưng nhìn chung thói quen tiêu cực ít nhiều đều được cải thiện và mang lại những thay đổi tích cực trong đời sống hằng ngày.
2. Thay đổi suy nghĩ tiêu cực
Trong trị liệu tiếp xúc, chuyên gia tâm lý sẽ xây dựng môi trường an toàn và tin cậy để người bệnh có thể tiếp xúc với đối tượng/ tình huống gây ra nỗi sợ. Bằng cách xây dựng niềm tin rằng họ có thể đối mặt với tình huống/ đối tượng đó, cảm giác sợ hãi vì thế sẽ giảm dần đi đáng kể.
Việc loại bỏ dần suy nghĩ bản thân không thể khống chế và kiểm soát nỗi sợ sẽ là bước đầu cho hành trình giải quyết triệt để cảm giác sợ hãi, ám ảnh vô lý. Hành vi – suy nghĩ – cảm xúc có mối liên hệ mật thiết. Thay đổi suy nghĩ tiêu cực sẽ giúp hành vi (phản ứng) và cảm xúc có những chuyển biến tích cực hơn so với trước trị liệu.
3. Gia tăng lòng tự trọng
Những người có các vấn đề tâm lý, tâm thần thường có lòng tự trọng thấp. Họ có xu hướng đánh giá thấp năng lực cũng như vị trí của bản thân, không tin tưởng mình có khả năng vượt qua cũng như kiểm soát sự sợ hãi.
Thông qua liệu pháp tiếp xúc, suy nghĩ này dần sẽ được loại bỏ. Lòng tự trọng vì thế sẽ được nâng cao, họ dần có niềm tin vào năng lực của bản thân, qua đó giảm đáng kể cảm giác lo lắng, bất an, tự ti… và những cảm xúc tiêu cực khác có liên quan.
4. Học cách kiểm soát cảm xúc
Khi đối mặt với một số tình huống/ đối tượng nhất định, nhiều người có phản ứng hoảng loạn, la hét, bỏ chạy… do quá sợ hãi và kinh hoàng. Trong trị liệu tiếp xúc, chuyên gia sẽ cho phép tiếp xúc với nỗi sợ trong môi trường an toàn. Vì thế, cảm giác sợ hãi sẽ được chế ngự phần nào, các phản ứng thể chất và tâm lý cũng được kiểm soát đáng kể.
Sau mỗi lần tiếp xúc, người bệnh sẽ học được cách khống chế sự sợ hãi, lo lắng. Dần dần, họ sẽ tích lũy kinh nghiệm để đối phó với những tình huống tương tự trong thực tế. Khi kiểm soát được cảm xúc của bản thân, những tình huống/ đối tượng đã từng gây ra nỗi sợ hãi sẽ không còn là rào cản trong việc trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống.
5. Các lợi ích khác
Ngoài những lợi ích kể trên, liệu pháp tiếp xúc còn mang đến nhiều lợi ích khác như:
- Tăng khả năng chịu đựng với nỗi sợ hãi, cảm giác đau khổ, lo lắng…
- Giảm các cảm xúc thứ phát có liên quan đến nỗi sợ và sự ám ảnh như lo lắng, bất an, tự ti, buồn bã, u uất…
- Cải thiện kỹ năng xã hội
- Học cách ổn định tinh thần và chế ngự cảm xúc của bản thân
Ứng dụng của liệu pháp tiếp xúc
Như đã đề cập, lợi ích lớn nhất của liệu pháp tiếp xúc là học cách đối mặt và vượt qua nỗi sợ. Chính vì vậy, liệu pháp này sẽ được sử dụng trong điều trị các hội chứng sợ, rối loạn lo âu cùng với một số rối loạn tâm lý – tâm thần khác.
- Các hội chứng ám ảnh sợ
- Rối loạn hoảng sợ
- Rối loạn lo âu xã hội (SAD)
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
- Sang chấn tâm lý
- Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD)
- Rối loạn stress cấp tính
- Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)
Trong một số ít trường hợp, liệu pháp tiếp xúc có thể được áp dụng để điều trị rối loạn ăn uống và điều trị nghiện chất. Trong điều trị nghiện chất, liệu pháp này được thực hiện khi người bệnh tìm đến chất gây nghiện như một phương pháp xoa dịu bản thân khỏi chấn thương tâm lý, sự đau khổ, day dứt cùng cực. Thông qua liệu pháp tiếp xúc, các cảm xúc này dần được chế ngự và tần suất sử dụng chất gây nghiện sẽ được hạn chế tối đa.
Các kỹ thuật của liệu pháp tiếp xúc
Liệu pháp tiếp xúc được tiếp cận bằng nhiều cách khác nhau. Trước đây, liệu pháp này được tiếp cận chủ yếu thông qua trí tưởng tượng và tiếp xúc trực tiếp nhưng hiện nay nhờ có sự phát triển của công nghệ thực tế ảo, nhà trị liệu sẽ có nhiều lựa chọn hơn.
Dựa vào cách tiếp cận, liệu pháp tiếp xúc được chia thành những kỹ thuật sau:
1. Tiếp xúc trực tiếp (in vivo)
Tiếp xúc trực tiếp là hình thức truyền thống của liệu pháp tiếp xúc. Trong kỹ thuật này, nhà trị liệu cho phép người bệnh tiếp xúc với đối tượng/ tình huống gây ra nỗi sợ trong đời thực.
Cách tiếp cận này có thể gây ra nỗi sợ kinh hoàng nên ít khi được triển khai ngay từ ban đầu. Chuyên gia thường sẽ cho tiếp xúc với cường độ nhẹ hơn (qua ý nghĩ, hình ảnh…) trước khi đối mặt với tình huống thực tế. Tuy nhiên, nếu bước này thành công, người bệnh có thể hòa nhập cuộc sống một cách thuận lợi mà không phải né tránh các tình huống/ đối tượng như trước.
2. Tiếp xúc qua trí tưởng tượng
Ở giai đầu của quá trình trị liệu, chuyên gia thường cho bệnh nhân tiếp xúc qua trí tưởng tượng. Liệu pháp thôi miên có thể được sử dụng để hỗ trợ cho quá trình này. Chuyên gia sẽ giúp người bệnh hình dung về tình huống/ đối tượng gây ra nỗi sợ hãi và hướng dẫn cách để họ có thể đối phó với chúng.
Ở các hội chứng sợ, ý nghĩ về tình huống/ đối tượng gây ra nỗi sợ đã đủ để khiến tâm trạng trở nên hoảng loạn, lo lắng. Vì vậy, bước đầu của quá trình trị liệu là giúp người bệnh học cách đối phó trong trí tưởng tượng trước khi đối mặt trực tiếp.
3. Tiếp xúc qua công nghệ thực tế ảo (VR)
Hiện nay, nhờ có sự phát triển của công nghệ, nhiều chuyên gia đã sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) để hỗ trợ cho quá trình trị liệu tâm lý. Trên thực tế, có rất nhiều tình huống không thể tiếp xúc trực tiếp (in vivo) nên việc ứng dụng VR mang đến rất nhiều hy vọng cho quá trình trị liệu.
Với công nghệ này, người bệnh có thể dễ dàng tiếp xúc với những tình huống như đi máy bay, tiếp xúc với đại dương, động vật hoang dã… Hình ảnh từ công nghệ thực tế ảo tạo cảm giác không khác biệt so với việc đối mặt với tình huống/ đối tượng trong thực tế. Vì vậy sau khi trị liệu, người bệnh có thể bình thường hóa phản ứng khi gặp những đối tượng/ tình huống này trong đời thật.
4. Interoceptive Exposure
Interoceptive Exposure (tạm dịch: tiếp xúc nội cảm) là một trong những kỹ thuật của liệu pháp tiếp xúc. Kỹ thuật này thường được áp dụng trong điều trị rối loạn hoảng sợ.
Khác biệt giữa kỹ thuật tiếp xúc với các kỹ thuật khác là không tiếp xúc với đối tượng hay tình huống gây ra nỗi sợ. Mà ngược lại chuyên gia sẽ yêu cầu mô phỏng lại những phản ứng thể chất xảy ra trong cơn hoảng loạn, sợ hãi để có thể kiểm soát phản ứng này khi gặp phải tình huống tương tự.
Lấy ví dụ, người bị rối loạn hoảng loạn sẽ được hướng dẫn chạy bộ tại chỗ để tạo ra cảm giác thở nhanh, căng cơ, chóng mặt như khi cơn hoảng sợ bùng phát. Bằng cách này, bệnh nhân sẽ biết cách chế ngự phản ứng thể chất và tránh những tình huống kích động quá mức trong cơn hoảng loạn như bỏ chạy, ngất xỉu…
Các cách thực hiện liệu pháp tiếp xúc
Điều trị bằng liệu pháp tiếp xúc thường không nhất quán về hình thức triển khai. Chuyên gia tâm lý sẽ phát triển liệu trình dựa trên tình trạng sức khỏe tâm thần, tôn giáo, tín ngưỡng và độ tuổi của thân chủ để tìm hướng can thiệp phù hợp nhất.
Dưới đây là những cách thực hiện liệu pháp tiếp xúc được áp dụng hiện nay:
1. Tiếp xúc theo cấp độ
Đây là cách thực hiện được áp dụng phổ biến nhất. Dạng tiếp cận này sẽ cho người trị liệu tiếp xúc với tình huống/ đối tượng gây ra nỗi sợ theo mức độ tăng dần. Ban đầu có thể tiếp xúc thông qua ý nghĩ, sau đó đến hình ảnh, video clip. Đến khi đã kiểm soát được nỗi sợ trong những tình huống này, chuyên gia sẽ bắt đầu cho tiếp xúc in vivo từ vị trí xa cho đến gần.
Cho đến nay, tiếp xúc theo cấp độ vẫn là cách thực hiện hiệu quả và an toàn nhất. Việc tiếp xúc với nỗi sợ theo mức độ tăng dần sẽ giúp cơ thể thích nghi tốt với những tình huống không thuận lợi, gia tăng khả năng chịu đựng với sự sợ hãi và nỗi ám ảnh. Dần dần, nỗi sợ bị chế ngự và ít ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ cũng như các phản ứng thể chất.
2. Giải mẫn cảm có hệ thống
Giải mẫn cảm có hệ thống là sự kết hợp giữa việc tiếp xúc với nỗi sợ và thực hiện các kỹ thuật thư giãn để chế ngự cảm giác sợ hãi, lo lắng quá mức. Kỹ thuật này bao gồm 3 giai đoạn chính. Đầu tiên, người tham gia trị liệu sẽ được hướng dẫn một số kỹ thuật giúp thư giãn cơ bắp.
Sau đó được tiếp xúc với nỗi sợ theo mức độ tăng dần. Cuối cùng, áp dụng kỹ thuật thư giãn khi đối mặt với nỗi sợ để duy trì được trạng thái bình tĩnh, tránh cảm giác hoảng loạn, sợ hãi quá mức như trước kia.
Đương nhiên việc điều trị sẽ không mang lại kết quả trong một sớm một chiều. Vì vậy, quá trình có thể kéo dài trong nhiều tháng và phải tập luyện nhiều lần để có thể bình thường hóa phản ứng khi tiếp xúc với đối tượng/ tình huống.
Giải mẫn cảm có hệ thống rất có hiệu quả với các dạng rối loạn lo âu như rối loạn lo âu xã hội, các hội chứng sợ như hội chứng sợ rắn, hội chứng sợ lỗ, hội chứng sợ vi khuẩn… Can thiệp liệu pháp này sẽ giúp chế ngự nỗi sợ, kiểm soát cảm xúc và các phản ứng thể chất một cách hữu hiệu.
3. Liệu pháp nhấn chìm
Khác với tiếp xúc theo cấp độ tăng dần, một số trường hợp sẽ được tiếp xúc với tình huống gây ra nỗi sợ dữ dội nhất. Đây được gọi là liệu pháp nhấn chìm (Flooding).
Tuy nhiên, việc đối mặt với tình huống gây ra nỗi sợ quá mức khó tránh khỏi những rủi ro như choáng, ngất xỉu, khiếp sợ và kinh hoàng. Vì vậy trước khi thực hiện, chuyên gia sẽ đánh giá cụ thể trước khi triển khai. Ưu điểm của cách tiếp cận này là có thể giải quyết nỗi sợ và ám ảnh nhanh chóng hơn so với 2 cách thực hiện trên.
4. Liệu pháp tiếp xúc kéo dài
Liệu pháp tiếp xúc kéo dài thường được chỉ định trong điều trị rối loạn stress sau sang chấn. Trong liệu pháp này, chuyên gia sẽ tiếp cận ký ức để tìm ra tình huống gây ra chấn thương tâm lý. Do việc khơi gợi ký ức mất khá nhiều thời gian nên điều trị thường kéo dài khoảng 3 tháng (bao gồm 8 – 15 buổi trị liệu).
Người bị rối loạn stress sau sang chấn thường mắc chứng quên phân ly (quên mất toàn bộ hoặc một vài tình huống liên quan đến sự kiện sang chấn). Vì vậy, sẽ mất rất nhiều thời gian để nhà trị liệu khai thác được toàn bộ sự kiện trong quá khứ.
Quá trình thực hiện liệu pháp tiếp xúc
Liệu pháp tiếp xúc được triển khai theo nhiều cách khác nhau dựa trên sức khỏe tâm lý, tâm thần của người tham gia trị liệu. Nhưng nhìn chung, chuyên gia sẽ bắt đầu tiếp cận bằng cách đặt câu hỏi về đối tượng/ tình huống gây ra sự lo lắng và sợ hãi.
Sau khi lắng nghe và hiểu rõ về vấn đề mà thân chủ đang gặp phải, chuyên gia sẽ lên kế hoạch trị liệu cụ thể. Liệu trình sẽ phụ thuộc vào vấn đề cần điều trị, mức độ nỗi sợ và các vấn đề tâm lý – tâm thần đi kèm.
Ngoài thời gian trị liệu tại phòng khám, chuyên gia có thể giao một số bài tập để thực hiện tại nhà. Các bài tập thường chú trọng vào việc học cách kiểm soát căng thẳng, chế ngự nỗi sợ và giữ sự bình tĩnh trong những tình huống bất lợi.
Tuy nhiên, liệu trình có thể được điều chỉnh dựa trên mức độ đáp ứng và tiến trình thay đổi tâm lý của bệnh nhân. Việc tiếp xúc với tình huống/ đối tượng gây ra nỗi sợ sẽ khó tránh khỏi tâm lý căng thẳng, bức bối, lo lắng, bất an và mất ngủ.
Trong quá trình điều trị, chuyên gia vừa phải tập trung vào mục đích chính vừa phải giải quyết các vấn đề phát sinh. Vì vậy, thời gian trị liệu có thể kéo dài hơn so với thực tế. Một số trường hợp sẽ phải đổi cách tiếp cận do đáp ứng kém hoặc bệnh nhân có phản ứng quá khích.
Trị liệu sẽ được thực hiện cho đến khi người bệnh có thể bình thường hóa khi đối mặt với các đối tượng/ tình huống đã từng gây ra nỗi sợ và sự ám ảnh. Các suy nghĩ, hành vi tiêu cực được kiểm soát và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày.
Điều trị bằng liệu pháp tiếp xúc mất bao lâu?
Như đã đề cập, thời gian điều trị bằng liệu pháp tiếp xúc thường không cố định mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
- Vấn đề cần điều trị
- Mức độ nỗi sợ, lo lắng
- Tình trạng sức khỏe tâm thần (có một hay nhiều rối loạn, trạng thái tinh thần có ổn định không…)
- Sự kiên trì, quyết tâm của người bệnh
Rất nhiều bệnh nhân từ bỏ trị liệu vì trạng thái lo lắng, sợ hãi đeo bám do thường xuyên phải tiếp xúc với tình huống/ đối tượng gây ra nỗi sợ. Vì vậy, kết quả trị liệu sẽ phụ thuộc nhiều vào sự quyết tâm của bệnh nhân cũng như sự hỗ trợ đắc lực từ nhà trị liệu và những người xung quanh.
Liệu pháp tiếp xúc có hiệu quả không?
Tính hiệu quả của liệu pháp tiếp xúc đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Trên lâm sàng, các chuyên gia nhận thấy liệu pháp này có hiệu quả trên hơn 90% trường hợp mắc hội chứng sợ và các rối loạn ám ảnh cụ thể khác.
Với các rối loạn khác như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và rối loạn stress sau sang chấn, liệu pháp tiếp xúc có thể không giải quyết triệt để được vấn đề. Trong trường hợp này, có thể phải kết hợp thêm một số hình thức trị liệu khác.
Rủi ro của liệu pháp tiếp xúc
Hạn chế lớn nhất của liệu pháp tiếp xúc là gây ra nỗi sợ hãi, thậm chí kinh hoành sau mỗi lần trị liệu. Nhiều người không tránh khỏi tâm lý lo lắng, căng thẳng, bất an, thậm chí bắt đầu hình thành nỗi sợ trước mỗi buổi trị liệu.
Để khắc phục hạn chế này, các chuyên gia tâm lý sẽ xây dựng mối quan hệ tin cậy với người bệnh và đồng hành cùng họ trong suốt quá trình điều trị. Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà trị liệu, bệnh nhân cần chủ động xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng để vững vàng hơn trước những tình huống không thuận lợi trong cuộc sống.
Bằng cách tiếp xúc với đối tượng/ tình huống gây ra nỗi sợ một cách có kế hoạch, các rối loạn ám ảnh sợ, rối loạn lo âu… sẽ dần được cải thiện. Thông qua liệu pháp tiếp xúc, mọi cảm xúc, suy nghĩ, thói quen tiêu cực sẽ được chế ngự và kiểm soát. Qua đó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và phòng tránh các rối loạn tâm thần thứ phát như trầm cảm.
Liệu pháp tiếp xúc đã được nghiên cứu dưới góc độ khoa học. Vì vậy, nếu đang đối mặt với các hội chứng sợ, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn ám ảnh cưỡng chế… đừng ngần ngại can thiệp liệu pháp này để vượt qua nỗi sợ, khống chế cảm giác lo lắng, từ đó được trải nghiệm cuộc sống với trạng thái tinh thần tốt nhất.
Có thể bạn quan tâm
- Nhiễu loạn cảm xúc: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị
- Điều trị rối loạn lo âu bằng liệu pháp tâm lý trị liệu
- Khám rối loạn lo âu ở đâu tốt tại TPHCM?
- Nên khám trầm cảm ở đâu tốt nhất tại Hà Nội?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!