Người tự kỷ có nên lập gia đình không?
Người tự kỷ có nên lập gia đình không? Là băn khoăn của rất nhiều bậc phụ huynh có con mắc phải chứng bệnh tự kỷ. Bởi căn bệnh này gây nên nhiều hạn chế về nhận thức, hành vi, ngôn ngữ, kỹ năng xã hội, hầu hết người bệnh đều không có khả năng tự lập.
Những điều cần biết về hội chứng tự kỷ
Tự kỷ hay còn được gọi là rối loạn phổ tự kỷ, đây là một tập hợp các rối loạn phát triển lan tỏa ở nhiều mức độ khác nhau, biểu hiện từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát rất sớm, chủ yếu là trước khi trẻ 3 tuổi và kéo dài cho đến suốt cuộc đời. Biểu hiện đặc trưng của chứng bệnh này đó chính là những khiếm khuyết liên quan đến 3 lĩnh vực giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi bất thường. Ngoài ra, trẻ cũng có các rối loạn về cảm xúc, đôi lúc có kèm theo tình trạng tăng động hoặc kém phát triển về trí tuệ.
Hiện nay, xu hướng mắc phải căn bệnh này đang ngày càng tăng cao, tần suất gặp khoảng 1/100 trẻ, bé trai sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 4 đến 6 lần so với bé gái. Tự kỷ không được xem là bệnh, nó là một hội chứng rối loạn vì thế hiện nay chưa có bất kì loại thuốc nào được công nhận về tác dụng điều trị tự kỷ. Tuy nhiên, nếu có thể sớm phát hiện các triệu chứng của bệnh ở giai đoạn sơ sinh hoặc lúc trẻ còn nhỏ thì có thể áp dụng các phương pháp giáo dục về nhận thức, hành vi, ngôn ngữ, giúp trẻ hòa nhập hơn với xã hội.
Một số biểu hiện của người bị tự kỷ:
- Gặp vấn đề về ngôn ngữ: Chậm nói hoặc phát âm, sử dụng những từ ngữ vô nghĩa. Khi được dạy thì không muốn nói theo. Hoặc khi đã nói được lại thường xuyên nhại lại những lời nói của người khác. Hầu hết trẻ không biết đặt câu hỏi hoặc cứ hỏi đi hỏi lại một vấn đề. Người bệnh không biết cách đối thoại, không có khả năng tường thuật lại những gì đã chứng kiến. Có thể nói ngọng, giọng nói lơ lớ, nói nhanh, nói to,…
- Bị thiếu hụt các kỹ năng tương tác xã hội: Đối với trẻ nhỏ sẽ không biết chỉ tay, giao tiếp ít hoặc không giao tiếp bằng ánh mắt, không có cử chỉ khi trò chuyện, thường chơi một mình, không thích làm theo hướng dẫn của người khác, chỉ muốn làm những gì mình muốn, không để ý đến thái độ và cảm xúc của người khác,…
- Các hành vi bất thường, ý thích và thói quen bị thu hẹp: Các trẻ bị tự kỷ thường xuất hiện các hành vi khác lạ như thích ngắm nhìn tay, liếc hoặc nhìn nghiêng, đi kiễng gót, quay tròn người, lắc lư người, chạy vòng quanh, nhảy chân sáo, nhảy lên cao,…Ngoài ra, đối tượng bị tự kỷ còn hành động và có những thói quen rập khuôn như đi và về theo đúng duy nhất một con đường, chỉ ngồi đúng một vị trí cố định, chỉ mặc một bộ đồ yêu thích, thích làm việc một mình và thực hiện theo đúng trình tự đã đặt ra, thường rất ngăn nắp và không muốn người khác đụng vào đồ vật của mình.
- Sở thích bị hạn chế: Người bị tự kỷ có thể bị cuốn hút bởi các chương trình quảng cáo, họ có thể xem tivi hàng giờ đồng hồ, thích quay bánh xe, hay nhìn hoặc tay luôn cầm những đồ vật có màu sắc yêu thích,…Ngoài ra, trẻ cũng dễ kích động và trẻ thường xuyên khóc lóc, ăn vạ nếu không hài lòng về điều gì đó. Bên cạnh đó, một số trẻ cũng có những biểu hiện tăng động, không có phản ứng với nguy hiểm.
Tuy nhiên cũng có một số trường hợp người bệnh sở hữu những khả năng đặc biệt như tính toán giỏi, trí nhớ tốt khiến cho người thân nhầm tưởng rằng họ rất thông minh. Vì thế, các bậc phụ huynh nên chú ý vào sự phát triển tự nhiên của trẻ, nếu trẻ có những thiếu sót hoặc chậm phát triển hơn những trẻ cùng lứa tuổi thì nên đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa.
Người tự kỷ có nên lập gia đình không?
Người tự kỷ có nên lập gia đình không? Theo BS Lâm Hiếu Minh, Khoa Sức khỏe tâm trí – Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM cho biết “Người tự kỷ vẫn phát triển bình thường về mặt sinh sản và sinh dục. Có điều, họ bị ảnh hưởng phần tương tác cảm xúc và giao tiếp nên khi lớn lên thường rất khó tìm được người yêu. Thực tế, cũng có người tìm được “đối tượng” nhưng tỷ lệ lập gia đình rất ít”.
Các chuyên gia cho biết rằng, nếu tình trạng tự kỷ được phát hiện sớm và áp dụng đúng các biện pháp can thiệp sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình hồi phục về nhận thức, hành vi, ngôn ngữ, khả năng giao tiếp và ứng xử xã hội. Trong thực tế, có nhiều trẻ em và người trưởng thành có thể đối phó được những đặc tính của chứng tự kỷ và có khả năng bộc lộ một cách bình thường. Một bệnh nhân được cải thiện tốt có thể kiếm được việc làm, duy trì và hiểu được các mối quan hệ, chịu trách nhiệm đối với bản thân và có khả năng lập gia đình.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng có nghi ngờ về yếu tố di truyền và môi trường có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng tự kỷ. Về yếu tố di truyền, một số gen có thể có khả năng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ. Thế nhưng hiện nay các chuyên gia vẫn chưa tìm được gen hoặc tổ hợp gen nào gây ra hội chứng này. Điều này cũng là một nguy cơ lớn đối với những cặp vợ chồng có người bị tự kỷ và có ý định sinh con.
Để đảm bảo an toàn và chính xác hơn, bạn nên đến thăm khám tại các bệnh viện hoặc cơ sở chuyên khoa tâm thần để biết rõ tình trạng của bản thân. Tại đây, bác sĩ cũng sẽ có cơ sở rõ ràng để cân nhắc về quyết định kết hôn và sinh con của người bệnh tự kỷ.
Bài viết trên đây đã giúp bạn đọc trả lời được cho câu hỏi “Người tự kỷ có nên lập gia đình không?”. Người tự kỷ vẫn có thể kết hôn và sinh hoạt được như bình thường nếu có thể sớm phát hiện bệnh và áp dụng các phương pháp can thiệp phù hợp. Vì thế, ngay từ nhỏ, các bậc phụ huynh nên chú ý quan tâm để có thể nhận biết sớm những biểu hiện khác lạ của trẻ, từ đó giúp trẻ cải thiện tốt khả năng phát triển tự nhiên, dần hòa nhập hơn với cuộc sống.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!