Những phương pháp can thiệp giáo dục cho trẻ tự kỷ
Tự kỷ là một hội chứng rối loạn, không phải là bệnh, vì thế hiện nay không có bất kì loại thuốc điều trị nào. Tuy nhiên, các trẻ tự kỷ sẽ được cải thiện tốt bằng các phương pháp can thiệp giáo dục. Tùy vào tình trạng và mức độ tự kỷ của mỗi trẻ mà các chuyên gia sẽ tư vấn và gợi ý cho phụ huynh biện pháp thích hợp nhất.
Những phương pháp can thiệp giáo dục cho trẻ tự kỷ
Tự kỷ là một nhóm các rối loạn phức tạp về sự phát triển của bộ não. Mỗi đối tượng bệnh khác nhau sẽ có những biểu hiện riêng biệt, tùy vào mức độ bệnh của mỗi người. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh đều có liên quan đến khả năng giao tiếp, quan hệ xã hội và những hành vi bất thường. Hội chứng này thường khởi phát vào khoảng 3 năm đầu đời của trẻ và kéo dài cho đến hết cuộc đời.
Tình trạng tự kỷ nếu không được phát hiện và can thiệp sớm sẽ khiến cho trẻ gặp khó khăn trong vấn đề giao tiếp, ngôn ngữ, ứng xử, đôi lúc xuất hiện các hành vi gây tổn thương đến bản thân. Hiện nay, phương pháp can thiệp giáo dục luôn được khuyến khích để khắc phục chứng tự kỷ. Tại Việt Nam, hiện cũng có rất nhiều các phương pháp giúp mang lại hiệu quả tốt cho người bệnh. Tuy nhiên, vì có quá nhiều nên các bậc phụ huynh cũng gặp một ít khó khăn đối với việc lựa chọn phương pháp phù hợp cho trẻ.
Sau đây là một số phương pháp giáo dục thường được áp dụng để cải thiện cho trẻ tự kỷ.
1. Phương pháp dạy trẻ tự kỷ mới RDI (Can thiệp Phát triển Quan hệ Xã hội)
Với phương pháp này, cha mẹ cần phải thường xuyên giao tiếp với trẻ bằng nét mặt, cử chỉ, ánh mắt chứ không đơn thuần là việc giao tiếp bằng ngôn ngữ, lời nói. Các chuyên gia cho biết rằng, khi trẻ được trang bị nhận thức đúng đắn và hiệu quả thì ngôn ngữ sẽ phát ra vào một thời điểm chín muồi.
Phương pháp dạy trẻ tự kỷ mới RDI được hai bác sĩ tâm thần Stanley Greenspan và Serena Weider nghiên cứu và đề xuất. Chương trình này sẽ bao gồm 3 yếu tố chính, đó là:
1. Dựa trên mối quan hệ
- Tập trung vào phát triển cảm xúc thay vì phát triển trí tuệ
- Dựa trên 6 giai đoạn phát triển cảm xúc để trẻ có thể đạt được các kỹ năng cơ bản đáp ứng cho việc học hỏi sau này.
2. Dựa trên sự phát triển cảm xúc: 6 giai đoạn phát triển cảm xúc mà trẻ cần học đó là:
- Tự điều chỉnh và quan tâm đến thế giới xung quanh.
- Sự gần gũi
- Giao tiếp hai chiều
- Giao tiếp phức tạp
- Cảm xúc
- Suy nghĩ với cảm xúc
3. Sự khác biệt của mỗi cá nhân
Xử lý giao tiếp, thính giác không lời hoặc bằng cử chỉ, khả năng hiểu và dùng ngôn ngữ, lời nói, xử lý thị giác – không gian, làm việc theo chuỗi và đặt kế hoạch vận động, tự quản lý, phản ứng cảm giác.
Chương trình đào tạo sẽ bao gồm 3 phần:
- Mỗi ngày phụ huynh nên chơi với trẻ 3 đến 5 tiếng, mỗi lần chơi kéo dài khoảng 20 đến 30 phút.
- Nhà tâm lý, nhà âm ngữ trị liệu, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, giáo việc và các chuyên gia trong lĩnh vực khác sẽ cùng làm việc với trẻ.
- Phụ huynh sẽ nhận xét về cách tương tác và đáp ứng của trẻ dựa trên những giai đoạn phát triển cảm xúc.
Ưu điểm của RDI: Thay vì tập trung vào việc phát triển trí tuệ thì phương pháp này sẽ chú trọng vào việc phát triển cảm xúc, khuyến khích trẻ chủ động trong việc tương tác và giao tiếp với xã hội.
Khuyết điểm của RDI: Đối với phương pháp can thiệp phát triển quan hệ xã hội sẽ không dạy cho trẻ cách học, cách phát triển trí tuệ giống như các trẻ cùng trang lứa, quá trình ban đầu để tương tác với trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn.
2. Phương pháp dạy trẻ tự kỷ ABA ( Ứng dụng phân tích hành vi)
Phương pháp dạy trẻ tự kỷ được viết tắt là ABA – Applied Behaviour Analysis là phương pháp can thiệp giáo dục trẻ tự kỷ được quan tâm và áp dụng nhiều nhất. Đây cũng là phương pháp dạy trẻ tự kỷ được đánh giá là hữu hiệu nhất hiện nay. ABA là một biện pháp tiếp cận khoa học nhằm hiểu được các hành vi của trẻ nhỏ. Những nguyên tắc trị liệu sẽ được ứng dụng cho các hành vi quan trọng mang tính chất xã hội.
Dựa trên lý thuyết khoa học về hành vi mà phương pháp dạy trẻ tự kỷ ABA được ra đời. Trước khi bắt đầu chương trình can thiệp giáo dục cho mỗi trẻ tự kỷ, các chuyên gia sẽ tiến hành đánh giá ban đầu để có thể kiểm tra được các kỹ năng hiện có của trẻ và kỹ năng nào đang bị thiếu hụt. Sau khi có kết quả cụ thể mới bắt đầu lựa chọn những bài tập, các tài liệu thích hợp đối với mỗi trẻ.
Nội dung rèn luyện chung của mỗi buổi sẽ bao gồm đầy đủ các kỹ năng đối với từng lĩnh vực khác nhau như kiến thức, xã hội, giao tiếp, vận động, tự chăm sóc, vui chơi,…Những kỹ năng này sẽ được chia nhỏ thành các kỹ năng thành phần và sẽ được sắp xếp theo trình tự phát triển tự nhiên, từ đơn giản đến phức tạp.
Ưu điểm: Phương pháp dạy trẻ tự kỷ ABA sẽ giúp trẻ học được thêm các kỹ năng mới hoặc những kỹ năng mà trẻ đang bị thiếu hụt so với lứa tuổi. Trẻ cũng sẽ biết thêm nhiều hành vi để áp dụng trong nhiều tình huống khác nhau. Cách dạy của phương pháp can thiệp giáo dục này cũng rất rõ ràng, dễ dạy, rất hiệu quả trong quá trình chuyển đổi từ những hành vi tiêu cực sang tích cực.
Khuyết điểm: Cần kiên trì trong thời gian dài.
3. Phương pháp TEACCH ( Division of Treatment and Education of Autistic and Children with Communication Handicaps )
TEACCH ( Division of Treatment and Education of Autistic and Children with Communication Handicaps ) là phương pháp điều trị và giáo dục trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật về giao tiếp đã được áp dụng khắp cả một tiểu bang tại Mỹ. Những kỹ năng học của trẻ sẽ được đánh giá thông qua PEP: những biểu hiện tâm lý giáo dục. Phương pháp can thiệp này sẽ khác với tiêu chuẩn phát triển bình thường của trẻ, nó bắt đầu từ mức độ của trẻ và giúp trẻ dần phát triển đến mức độ cao nhất có thể.
Một số bài học cụ thể được áp dụng trong phương pháp TEACCH như nhận thức, bắt chước, vận động tinh, vận động thô, kỹ năng hiểu biết, phối hợp tay và mắt, kỹ năng ngôn ngữ,…
Ưu điểm của TEACCH: Chương trình giáo dục có thể đáp ứng được nhu cầu của trẻ, giúp trẻ bị tự kỷ dần hiểu được các yêu cầu và cách thức để đáp ứng chúng. Quá trình đào tạo sẽ tập trung vào những kỹ năng đã có sẵn ở trẻ chứ không nhìn vào những khuyết điểm.
Khuyết điểm của TEACCH: Phương pháp này rất gò bó, cần nhiều nhân lực và tập trung vào các đồ dùng giảng dạy.
4. Phương pháp PECS (picture exchane communication system) – hệ thống giao tiếp trao đổi hình
Trong chương trình tự kỷ Delaware, nhà tâm lý Andrew Bondy và nhà âm ngữ trị liệu- Lori Frost đã đề ra phương pháp PECS. Đây là phương pháp đổi hình ảnh theo những nhu cầu mà trẻ mong muốn dựa trên biện pháp ABA. Theo thống kê có khoảng hơn 50% các trẻ tự kỷ không nói, tuy nhiên bạn vẫn phải dạy cho trẻ quy tắc là con phải tỏ ý muốn khi trẻ không biết nói, đây chính là cấu hình theo phương pháp này. PECS sẽ dạy trẻ theo cách, từ những hình riêng lẻ trẻ sẽ bắt đầu sắp xếp theo các câu nhiều chữ. Trước tiên trẻ phải biết cách đưa bình nước cho người lớn khi muốn được uống nước hoặc chỉ tay vào hình ảnh ly nước ở bất cứ đâu, sau đó sẽ dần mở rộng các ý khác.
Nhiều ý kiến cho rằng, cách dạy này sẽ gây ảnh hưởng và cản trở đến việc học nói và ngôn ngữ của trẻ. Tuy nhiên trong thực tế nhận thấy rằng, nó hoàn toàn không gây khó khăn đối với việc học nói sau này của trẻ. Vì thế cha mẹ cũng không nên quá lo ngại về phương pháp sử dụng hình sẽ làm trẻ không thể nói về sau mà ngược lại phương pháp này còn giúp cải thiện khả năng của trẻ tự kỷ. Trong thực tế, có nhiều trẻ áp dụng phương pháp PECS trong vài tháng đã có thể tập nói được, tuy nhiên vẫn chưa có chứng minh cụ thể để xác định rằng bé biết nói là do sự phát triển tự nhiên hay nhờ vào phương pháp PECS.
Ưu điểm:
- Phương pháp rõ ràng, cụ thể, có chủ ý, trẻ tự động tham gia.
- Có thể giúp trẻ mở rộng trình độ giao tiếp.
- Phát triển giao tiếp chức năng nhanh đối với trẻ tự kỷ
- Phát triển được lời nói ở trẻ.
Khuyết điểm:
- Cần có thời gian dài để chuẩn bị hình ảnh và tài liệu
- Chỉ tập trung vào khả năng giao tiếp mà bỏ qua các lĩnh vực khác như vận động, xã hội.
Thông tin bài viết trên đây đã giúp cho bạn đọc biết thêm về những phương pháp can thiệp giáo dục trẻ bị tự kỷ. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến thăm khám và chẩn đoán cụ thể tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Ở đây các chuyên gia sẽ tư vấn và đưa ra gợi ý phù hợp cho mỗi tình trạng tự kỷ khác nhau.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!