Rối Loạn Nhân Cách Dạng Đa Nghi Và Những Điều Cần Biết
Rối loạn nhân cách dạng đa nghi đặc trưng bởi sự hồ nghi vô căn cứ, thái quá về động cơ, mục đích của những người xung quanh. Đây là một trong những dạng rối loạn nhân cách khó điều trị do người bệnh luôn nghi ngờ mọi thứ và có tính cách cứng nhắc, bảo thủ.
Rối loạn nhân cách dạng đa nghi là gì?
Rối loạn nhân cách dạng đa nghi (Tiếng Anh: Paranoid Personality Disorder – PPD) còn được gọi là rối loạn nhân cách hoang tưởng và rối loạn nhân cách Paranoid. Đúng như tên gọi, người mắc phải chứng bệnh này luôn có sự đa nghi dai dẳng về động cơ, mục đích trong lời nói và hành vi của những người xung quanh. Người bệnh cho rằng, tất cả các hành vi đều bắt nguồn từ ý đồ xấu và muốn hãm hại bản thân.
Rối loạn nhân cách dạng đa nghi được xếp vào nhóm A của rối loạn nhân cách. Đặc điểm chung của các dạng nhân cách nhóm A là hành vi kỳ quái, suy nghĩ lập dị và khác thường. Trong đó, những người bị rối loạn nhân cách dạng đa nghi có sự nghi ngờ dai dẳng, thái quá và vô căn cứ. Sự đa nghi quá mức khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi học tập, làm việc, gần như không có bạn bè thân thiết và sống cô độc, không có bạn đời.
Theo thống kê, khoảng 4.4% dân số thế giới đang đối mặt với rối loạn nhân cách dạng đa nghi. Tương tự như các rối loạn nhân cách khác, bệnh lý chỉ được chẩn đoán ở người từ 18 tuổi trở lên. Nếu không được điều trị, người bệnh có thể mắc phải các rối loạn tâm lý, tâm thần khác.
Nhận biết rối loạn nhân cách dạng đa nghi
Rối loạn nhân cách dạng đa nghi có biểu hiện đặc trưng là sự đa nghi vô lý, thái quá, dai dẳng và không tin tưởng bất cứ ai ngoài bản thân mình. Các triệu chứng thường khởi phát ở tuổi trưởng thành và kéo dài trong nhiều năm nếu không can thiệp điều trị.
Người bị rối loạn nhân cách dạng đa nghi sẽ có những biểu hiện như:
- Nghi ngờ vô căn cứ: Bệnh nhân rối loạn nhân cách dạng đa nghi thường trực sự nghi ngờ vô căn cứ và dai dẳng về động cơ, mục đích trong lời nói và hành vi của người khác. Người bệnh luôn cho rằng những người xung quanh đang âm mưu hãm hại hoặc chống lại bản thân dù không có bất cứ bằng chứng nào.
- Không tin tưởng và nghi ngờ về sự trung thành: Bệnh nhân hầu như không tin tưởng bạn bè, đồng nghiệp, cộng sự hay bất cứ ai. Tuy nhiên, sự nghi ngờ thường được người bệnh giấu kín và hiếm khi thể hiện ra bên ngoài.
- Miễn cưỡng tâm sự với người khác: Người bệnh luôn cho rằng những người xung quanh sẽ chống lại bản thân nên miễn cưỡng tâm sự và xây dựng mối quan hệ thân thiết vì lo sợ người khác sẽ có hành vi chống lại bản thân.
- Luôn nghi ngờ sự chung thủy của người yêu/ bạn đời: Người bị rối loạn nhân cách đa nghi luôn cho rằng người yêu/ bạn đời không chung thủy với bản thân và luôn thu thập các bằng chứng để chứng minh điều này. Trong mối quan hệ tình cảm, bệnh nhân thường kiểm soát đối phương quá mức với những hành động như kiểm tra điện thoại, đưa đón khi đi học, đi làm, liên tục đặt ra câu hỏi về việc gặp gỡ ai, đi đâu,…
- Thù hận dai dẳng: Người bệnh có xu hướng thù địch dai dẳng nếu như bị người khác phê bình và chỉ trích. Thậm chí, bệnh nhân hình thành sự thù hận do các hành vi vô tình, không ác ý từ những người xung quanh.
- Nhận thấy sự đe dọa, ẩn ý trong lời nói: Người bị rối loạn nhân cách dạng đa nghi luôn cho rằng người khác đang cố ý đe dọa và ẩn ý hạ thấp bản thân trong những lời nói hoàn toàn bình thường. Chẳng hạn như khi nhận được lời đề nghị giúp đỡ, họ sẽ cảm thấy người đó đang ẩn ý bản thân yếu kém, không thể tự thực hiện mọi việc một mình. Đồng thời cho rằng lời khen, động viên là cách để ép họ làm việc một cách siêng năng và chăm chỉ hơn.
- Thường xuyên gây hấn, bạo lực: Do nghi ngờ về động cơ và mục đích của người khác nên bệnh nhân có thể phản ứng lại bằng cách nổi khùng, tức giận, có các hành vi gây hấn, hung hăng và bạo lực. Ngoài ra, người có dạng nhân cách này rất đề phòng và luôn cảnh giác với mọi thứ – ngay cả khi ở trong nhà riêng.
- Có các phán đoán sai lầm: Người bị rối loạn nhân cách dạng hoang tưởng luôn hồ nghi một cách vô lý, dẫn đến những phán đoán sai lầm, phi thực tế và thiếu logic. Sự nghi ngờ của bệnh nhân hoàn toàn không có căn cứ và người bệnh không thay đổi suy nghĩ ngay cả khi những người xung quanh cho thấy các bằng chứng xác thực.
- Ngạo mạn, tự cao: Bệnh nhân thường ngạo mạn, kiêu căng và đánh giá cao bản thân. Tuy nhiên, nhiều người bệnh cố ý che giấu sự tự cao bằng thái độ khiêm tốn và lễ độ. Rối loạn nhân cách dạng đa nghi cũng khiến người bệnh mất đi khả năng phê phán và luôn có thái độ miệt thị, khinh bỉ với những người phê bình, chỉ trích bản thân.
- Phạm vi biểu lộ cảm xúc bị thu hẹp: Người bị rối loạn nhân cách dạng đa nghi ít biểu lộ cảm xúc. Bệnh nhân thường tỏ ra lạnh lùng, xa cách và không quan tâm đến người khác nhưng bên trong là sự bất an, căng thẳng và lo lắng vì cho rằng người khác đang cố ý hãm hại mình. Những người có dạng nhân cách này không bao giờ bộc lộ sự lạc quan, vui vẻ, hạnh phúc hay sung sướng.
Người bị rối loạn nhân cách dạng đa nghi thường sống cô độc và tách biệt với mọi người do sự hồ nghi vô căn cứ, đa nghi thái quá và dai dẳng. Tuy nhiên, bản thân bệnh nhân cảm thấy thoải mái khi ở một mình. Bên cạnh những tác động tiêu cực, dạng nhân cách này cũng giúp người bệnh ít bị phân tâm và tập trung tốt vào công việc – đặc biệt là những công việc thiên về nghiên cứu.
Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách dạng đa nghi
Tương tự như các rối loạn nhân cách khác, các chuyên gia chưa thể xác định nguyên nhân gây rối loạn nhân cách dạng đa nghi. Tuy nhiên, một số nguyên nhân và yếu tố đã được xác định có liên quan bao gồm:
- Di truyền
- Mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh
- Các trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ (đặc biệt là những sự kiện như bị lừa dối tình cảm, lạm dụng thể chất, bị bỏ rơi,…)
- Nam giới (tỷ lệ cao hơn nhiều lần so với nữ giới)
- Những người bị khiếm thính (do không nghe được lời nói của người khác nên họ có xu hướng đề phòng và nghi ngờ một cách vô căn cứ)
- Người sống trong chế độ chuyên chế, không được tự do và bị gò bó quá mức cũng có nguy cơ cao phát triển rối loạn nhân cách dạng đa nghi.
Rối loạn nhân cách dạng đa nghi có ảnh hưởng gì không?
Người bị rối loạn nhân cách dạng đa nghi sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề trong cuộc sống cũng như sức khỏe. Sự hồ nghi vô căn cứ khiến cho người bệnh dễ xung đột với người khác, không có bạn bè hay đồng nghiệp thân thiết. Với gia đình, bệnh nhân cũng không có mối liên hệ và thường lựa chọn sống riêng để tránh những va chạm, mâu thuẫn.
Do tính cách kỳ dị, những người bị rối loạn nhân cách dạng đa nghi hầu như không có các mối quan hệ tình cảm. Tuy nhiên, vẫn có một số người kết hôn nhưng mối quan hệ thường tan vỡ do người bệnh nghi ngờ về lòng chung thủy và kiểm soát bạn đời quá mức. Những hành vi bạo lực, gây hấn cũng khiến người bệnh gặp rắc rối với chính quyền và thường xuyên phải đối mặt với các vụ kiện tụng.
Người bị rối loạn nhân cách dạng đa nghi mất khả năng phê phán bản thân, ngạo mạn, kiêu căng và phóng đại quá mức năng lực, ngoại hình của chính mình. Do đó, bệnh nhân thường có thái độ gay gắt, miệt thị và xúc phạm nặng nề những người phản đối quan niệm của bản thân. Thậm chí, người bệnh còn có các hành vi tự hủy hoại và tự sát để chứng minh quan niệm, lý tưởng của mình là đúng đắn.
Vì những lý do này, người bị rối loạn nhân cách dạng đa nghi thường sống đơn độc, có xu hướng lạm dụng chất và nghiện rượu bia. Nếu không được điều trị, các triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn theo thời gian dẫn đến rối loạn hoang tưởng và một số vấn đề tâm lý khác như rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực,… Trong một số trường hợp, bệnh nhân vẫn có thể duy trì cuộc sống và đạt được thành tựu trong sự nghiệp nếu tích cực điều trị, đồng thời nhận được sự hỗ trợ và quan tâm của những người xung quanh.
Chẩn đoán rối loạn nhân cách dạng đa nghi
Rối loạn nhân cách thường được chẩn đoán khi triệu chứng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của những rối loạn tâm thần khác. Với rối loạn nhân cách dạng đa nghi, bác sĩ sẽ khai thác triệu chứng và loại trừ các bệnh lý có triệu chứng tương tự như rối loạn hoang tưởng, rối loạn nhân cách chống đối xã hội, tâm thần phân liệt và trạng thái hưng cảm/ trầm cảm kèm loạn thần trong rối loạn lưỡng cực.
Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng. Ngoài ra, người bệnh cũng phải thực hiện một số xét nghiệm thường quy, đánh giá chức năng tuyến giáp, gan, thận và thực hiện trắc nghiệm tâm lý trước khi đưa ra chẩn đoán cuối cùng.
Các phương pháp điều trị rối loạn nhân cách dạng đa nghi
Nhân cách (tính cách) là đặc điểm riêng tạo nên sự khác biệt của mỗi cá thể. Tuy nhiên, một số người có thể phát triển các dạng nhân cách bất thường với sự méo mó trong cảm xúc, tư duy, hành vi, tính cách cứng nhắc, thiếu sự linh hoạt và khó hòa nhập với xã hội. Những trường hợp có các đặc điểm trên được xác định là rối loạn nhân cách.
Nhân cách là kết quả của di truyền và tác động từ các yếu tố tâm lý – xã hội. Do đó, để điều chỉnh những bất thường về nhân cách, phải kết hợp nhiều phương pháp mới có thể mang lại kết quả khả quan. Đối với bệnh nhân rối loạn nhân cách dạng đa nghi, điều trị thường bao gồm các phương pháp sau:
1. Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý là phương pháp điều trị chính đối với rối loạn nhân cách nói chung và rối loạn nhân cách dạng đa nghi nói riêng. Với người mắc chứng bệnh này, quá trình trị liệu sẽ diễn ra khó khăn hơn do bệnh nhân luôn hồ nghi về mục đích và động cơ của chuyên gia. Do đó, chuyên gia phải xây dựng được mối quan hệ tin tưởng bằng cách thừa nhận tất cả những quan điểm mà bệnh nhân bày tỏ.
Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân từ chối điều trị vì cho rằng chuyên gia tâm lý đang cố ý chống đối và rắp tâm hãm hại bản thân. Nhiều người còn có hành vi hung hăng, miệt thị do sự đa nghi thái quá. Do đó, trị liệu tâm lý cho người bị rối loạn nhân cách dạng đa nghi phải được thực hiện bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm.
Hiện tại, liệu pháp nhận thức hành vi là phương pháp mang lại hiệu quả nhất đối với rối loạn nhân cách dạng đa nghi. Bệnh nhân chủ yếu được trị liệu cá nhân vì trị liệu nhóm và gia đình có thể khơi gợi sự hồ nghi vô căn cứ. Quá trình trị liệu cần có sự hỗ trợ của liệu pháp hóa dược để tránh các phản ứng cực đoan đối với nhà trị liệu như xúc phạm, thóa mạ và đôi khi có hành vi bạo lực.
Mặc dù được đánh giá là phương pháp có hiệu quả nhất nhưng quá trình trị liệu tâm lý diễn ra rất khó khăn và nhiều trường hợp cho kết quả hạn chế. Chính vì vậy, cần phải có sự hợp tác và hỗ trợ từ những người thân trong gia đình.
Mục tiêu chính của trị liệu tâm lý là giúp bệnh nhân giảm sự nghi ngờ vô căn cứ, đánh giá khách quan về bản thân và những người xung quanh. Đồng thời trang bị kỹ năng để có thể hòa hợp trong các mối quan hệ, học cách thấu hiểu, chia sẻ và bày tỏ cảm xúc.
2. Liệu pháp hóa dược
Hiện tại, vẫn chưa có loại thuốc đặc trị dành cho bệnh nhân rối loạn nhân cách dạng đa nghi. Các loại thuốc được sử dụng chỉ với mục đích giảm nhẹ triệu chứng và kiểm soát các hành vi hung hăng, bạo lực trong quá trình trị liệu tâm lý.
Bệnh nhân thường được chỉ định dùng thuốc an thần, thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm,… Ngoài ra, bệnh nhân có thể phải dùng thêm thuốc chẹn beta để giảm cảm giác lo lắng, bồn chồn, bất an cùng với các triệu chứng thể chất đi kèm.
3. Các biện pháp hỗ trợ
Điều trị rối loạn nhân cách dạng đa nghi còn tồn đọng nhiều hạn chế và khó khăn. Do đó, ngoài các phương pháp chính, bản thân người bệnh và gia đình nên thực hiện thêm một số biện pháp hỗ trợ:
- Gia đình cần bày tỏ sự thấu hiểu, đồng cảm với người bệnh, tránh tình trạng tranh cãi về quan niệm và lý tưởng sống.
- Xây dựng môi trường sống lành mạnh, hạn chế tối đa mâu thuẫn và xung đột.
- Các thành viên trong gia đình nên thể hiện sự quan tâm và tình yêu thương để bệnh nhân hình thành sự đồng cảm, thấu hiểu và có sự quan tâm nhất định đến gia đình.
- Bệnh nhân nên giữ lối sống lành mạnh, tránh xa bia rượu, thuốc lá và chất kích thích.
- Gia đình nên cho bệnh nhân phát triển thế mạnh của bản thân và tránh bày tỏ thái độ khen ngợi hay chỉ trích. Bởi người mắc chứng bệnh này có thể cho rằng những lời nói này có ẩn ý sâu xa với mục đích xấu.
- Sống chung với người bị rối loạn nhân cách dạng đa nghi thật sự không dễ dàng. Do đó, những thành viên trong gia đình nên trang bị kiến thức về bệnh và có thể trị liệu tâm lý để ổn định tinh thần, tránh sự xáo trộn và bất ổn về cảm xúc.
Rối loạn nhân cách dạng đa nghi là một trong những dạng rối loạn nhân cách khó điều trị, có khuynh hướng tiến triển mãn tính và dai dẳng. Do đó, quá trình điều trị cần phải có sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình và nhân viên y tế.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!