Stress kéo dài có nguy hiểm không?
Stress là một trạng thái tâm lý khá phổ biến, nó có thể xuất hiện đối với bất kì ai, đặc biệt là những trường trưởng thành thường chịu các áp lực về công việc, gia đình, xã hội. Tình trạng stress kéo dài có thể gây ra rất nhiều các ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.
Các dấu hiệu nhận biết stress kéo dài
Stress là một trong các trạng thái thần kinh mà cơ thể phản ứng lại khi phải cố gắng thích nghi với môi trường xung quanh. Đây là một hiện tượng khá phổ biến đối với cuộc sống hiện đại ngày nay. Con người thường xuyên phải đối diện với những áp lực về tài chính, gia đình, công việc, xã hội nên thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng.
Tuy nhiên, nếu tình trạng căng thẳng, stress kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Để có thể ngăn chặn được các hậu quả mà stress có thể gây ra, đầu tiên bạn cần nắm rõ những dấu hiệu nhận biết của tình trạng này, cụ thể như sau:
- Mất tập trung, trí nhớ suy giảm
Khi rơi vào trạng thái stress kéo dài sẽ làm cho người bệnh không còn hứng thú để thực hiện bất kì công việc nào, họ luôn cảm thấy đầu óc trống rỗng, không thể tập trung được. Ngoài ra, trí nhớ của những người bị stress kéo dài cũng suy giảm đáng kể, họ có thể quên trước quên sau, không hoàn thành được các công việc được giao.
- Đau đầu, cơ thể đau nhức
Tình trạng căng thẳng kéo dài không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến những cơn đau đầu dữ dội, cơ thể dần suy kiệt và mệt mỏi, thiếu sức sống. Điều này có thể lý giải là do sự giải phóng các chất có hại trong não bộ, các hormone hạnh phúc bị rối loạn làm cho hệ thần kinh bị suy giảm chức năng.
- Rối loạn cảm xúc
Đây được xem là một trong các dấu hiệu khá đặc trưng của tình trạng căng thẳng, stress kéo dài. Người bệnh luôn trong trạng thái ức chế, rất dễ xúc động. Họ có thể không vừa lòng đối với những người xung quanh, những hiện tượng xảy ra hàng ngày cũng làm cho họ cảm thấy khó chịu, cáu gắt. Hầu hết người bệnh thường không thể kiểm soát tốt hành vi của mình và biểu đạt cảm xúc một cách thái quá.
- Rối loạn giấc ngủ
Do người bệnh thường xuyên căng thẳng, suy nghĩ về những điều tiêu cực và cảm thấy lo lắng, bồn chồn nên rất khó đi vào giấc ngủ, ngủ không ngon giấc, thường mơ gặp ác mộng. Theo thống kê thì hiện chỉ có khoảng gần 20% các trường hợp căng thẳng kèm theo triệu chứng ngủ nhiều, còn khoảng hơn 80% còn lại đều bị khó ngủ, giấc ngủ chập chờn, không sâu giấc.
Stress kéo dài có nguy hiểm không?
Stress kéo dài có nguy hiểm không? Theo nhận định của các chuyên gia thì stress kéo dài rất nguy hiểm. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người bệnh mà còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiêu hóa, hen suyễn,….
Một số ảnh hưởng nghiêm trọng mà stress kéo dài có thể gây ra như:
1. Gia tăng nguy cơ bị tim mạch
Các nhà khoa học đã cho biết rằng, những tổn thương về hệ thần kinh, đặc biệt là stress sẽ làm giảm lượng máu lưu thông đến tim mạch từ đó làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc khiến cho cơ quan này hoạt động kém đi. Vì thế, những đối tượng đã có tiền sử về bệnh tim cần phải hạn chế tối đa những tình huống gây lo lắng, căng thẳng để bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
2. Hen suyễn
Trong một số nghiên cứu chuyên khoa cho thấy tình trạng căng thẳng, stress kéo dài sẽ khiến cho bệnh hen suyễn phát triển nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho biết nếu bố mẹ gặp phải tình trạng căng thẳng mạn tính sẽ làm gia tăng mắc bệnh hen suyễn ở con cái.
Điều này cũng đã được chứng minh qua một nghiên cứu đánh giá về sự ảnh hưởng của việc bố mẹ bị stress đến tỉ lệ mắc bệnh hen suyễn ở con trẻ (khảo sát được thực hiện trên các đối tượng được sinh sống cùng điều kiện). Sau một thời gian kết quả cho thấy những trẻ em này đều có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn so với bình thường.
3. Béo phì
Tình trạng stress lâu ngày không được can thiệp sẽ khiến cho cơ thể tích tụ nhiều mỡ thừa, đặc biệt là ở vùng bụng. Tuy nhiên, khi mỡ thừa tập trung nhiều ở phần bụng sẽ làm tăng những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhiều nguy cơ dẫn đến béo phì. Bởi vì khi stress, cơ thể sẽ dần tiết ra rất nhiều hormone cortisol làm cho lượng mỡ thừa không được chuyển hóa tốt, dần tích tụ lại trong cơ thể.
4. Đau đầu
Stress được xem là một trong các nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng đau đầu. Khi người bệnh luôn trong trạng thái căng thẳng, suy nghĩ về những vấn đề tiêu cực sẽ làm cho hệ thần kinh bị tác động và hoạt động kém đi, gây nên những cơn đau đầu dữ dội, thông thường sẽ đau ở đỉnh đầu, đau nửa đầu hoặc đau hai bên đầu.
5. Đái tháo đường
Các nhà tâm lý học cho biết rằng, nếu stress kéo dài và không được điều trị sẽ khiến cho tình trạng đái tháo đường càng trở nên nghiêm trọng. Bệnh sẽ có khả năng phát triển theo hai chiều hướng sau:
- Tình trạng căng thẳng quá mức sẽ khiến cho người bệnh hình thành nên những thói quen không lành mạnh, điển hình là hiện tượng ăn uống không kiểm soát, rối loạn ăn uống.
- Bên cạnh đó, stress còn có khả năng làm gia tăng nồng độ glocose bên trong máu ở những trường hợp bị đái tháo đường tuýp 2.
6. Nguy cơ mắc trầm cảm và lo âu
Trong một khảo sát của các nhà tâm lý học cho thấy những đối tượng bị stress kéo dài sẽ có nhiều nguy cơ biến chứng thành trầm cảm, rối loạn lo âu nếu không được can thiệp kịp thời. Nghiên cứu này thực hiện trên hai nhóm người, đó là người bị stress tạm thời và người stress kéo dài. Kết quả cho thấy rằng nhóm người thường xuyên bị stress, căng thẳng sẽ dần mất đi khả năng phục hồi của trí não, các chỉ số test đều cho kết quả gần với mức trầm cảm.
7. Stress kéo dài có thể dẫn đến teo não và suy giảm trí nhớ
Khi tâm trạng căng thẳng, stress lâu ngày sẽ làm cho các tế bào ở não bộ dần bị thiếu hụt oxi khiến cơ quan này không thể hoạt động được tốt hoặc có trường hợp bị chết dần. Trường đại học Yale cũng đã có rất nhiều nghiên cứu về tình trạng stress, họ cho biết rằng khi tình trạng stress kéo dài sẽ làm cho chất xám bị giảm đi đáng kể, não bộ dần sẽ bị teo lại dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ, khó có thể tập trung.
8. Vấn đề về đường tiêu hóa
Đường ruột còn được xem như bộ não thứ 2 của cơ thể con người, tại đây có chứa hàng trăm các tế bào thần kinh và hỗ trợ sản xuất ra những hormone thần kinh. Cơ quan này hoạt động một cách độc lập và có mối liên hệ vô cùng mật thiết với hệ thần kinh trung ương.
Do đó, khi bị stress kéo dài sẽ làm cho các tín hiệu dần truyền thần kinh đi qua dây thần kinh phế vị bị ảnh hưởng nghiêm trọng làm cho các hoạt động ở dạ dày bị ngưng trệ. Tình trạng này sẽ làm gia tăng nguy cơ các căn bệnh về dạ dày, tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày,…
Bên cạnh đó, stress còn làm ảnh hưởng đến chức năng và quá trình hoạt động của đường ruột, hệ khuẩn chí đường ruột cũng sẽ bị mất cân bằng gây nên một số bệnh lý như viêm ruột, hội chứng ruột kích thích,…Người bệnh sẽ thường xuyên gặp phải các triệu chứng như tiêu chảy, táo bón, đau bụng, khó tiêu,…
9. Lão hóa sớm
Trên thực tế, bạn sẽ nhận thấy những người luôn vui vẻ, lạc quan, suy nghĩ tích cực sẽ có khuôn mặt trẻ trung và đầy sức sống hơn. Ngược lại những người thường xuyên chịu áp lực, căng thẳng sẽ có biểu hiện số tuổi già hơn.
Trong một nghiên cứu đã so sánh ADN của những người mẹ thường xuyên gặp phải các vấn đề căng thẳng với những người phụ nữ bình thường đã giúp các chuyên gia phát hiện ra một vùng đặc biệt xuất hiện trên nhiễm sắc thể có tác động đến quá trình lão hóa của con người. Stress có khả năng làm gia tăng tốc độ lão hóa cao hơn người bình thường từ 9 đến 17 năm.
10. Stress kéo dài làm giảm tuổi thọ
Điều này đã được chứng minh qua một nghiên cứu đánh giá về những ảnh hưởng của stress đối với sức khỏe con người. Các chuyên gia tiến hành quan sát những người lớn tuổi phải thực hiện việc chăm sóc người thân. Kết quả nhận thấy những người này chịu áp lực khá lớn và có tỉ lệ tử vong cao hơn 60% so với những người cùng độ tuổi và không cần phải chăm sóc bất kì ai.
11. Nguy cơ gây đột quỵ
Tình trạng stress kéo dài sẽ làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người bệnh. Tình trạng đột quỵ thường sẽ xảy ra khi con người xuất hiện những cảm xúc quá mức và đang gặp phải những vấn đề về tâm lý. Trong một số nghiên cứu chuyên khoa nhận thấy rằng những người thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng sẽ có khả năng bị đột quỵ cao hơn người bình thường. Nhiều trường hợp nghiêm trọng còn có thể cướp đi cả tính mạng của người bệnh.
Cách khắc phục stress kéo dài hiệu quả
Được biết tình trạng stress kéo dài sẽ gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất cùa người bệnh. Vì thế, khi nhận thấy những triệu chứng của stress bạn nên nhanh chóng áp dụng các phương pháp sau đây để cải thiện bệnh hiệu quả và an toàn:
- Tập yoga: Yoga là một trong các bộ môn hỗ trợ cân bằng cảm xúc, ổn định tinh thần tốt nhát. Việc kết hợp giữa việc thở và các đông tác uyển chuyển, nhẹ nhàng sẽ giúp não bộ được thư giãn và giảm các triệu chứng của stress một cách nhanh chóng. Những người thường xuyên tập yoga cũng sẽ hạn chế được nguy cơ gặp phải căng thẳng, stress.
- Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ và stress có mối quan hệ vô cùng mật thiết với nhau. Chúng không chỉ có mối quan hệ nguyên nhân – kết quả mà còn mất ngủ kéo dài còn làm gia tăng mức độ stress của người bệnh. Vì thế, bạn nên kiểm soát và duy trì giấc ngủ của mình để cải thiện các rối loạn tâm lý. Tốt nhất bạn cần đảm bảo ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày và ngủ trước 23 giờ.
- Tăng cường vận động: Các chuyên gia cũng cho biết rằng, việc thường xuyên vận động sẽ giúp não bộ sản sinh ra các hormone hạnh phúc, thư giãn giúp ức chế cảm giác căng thẳng hiệu quả. Mỗi ngày bạn nên dành ra khoảng 30 phút để đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đánh cầu lông,…để giúp nâng cao sức khỏe tốt hơn.
- Ngồi thiền: Bên cạnh các bài tập yoga hữu ích thì ngồi thiền cũng được xem là phương pháp giảm stress hiệu quả và an toàn. Thiền định sẽ giúp bạn có được suy nghĩ tích cực hơn, giảm bớt các nỗi lo lắng, suy tư, ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
- Viết nhật lý: Thói quen viết nhật ký sẽ giúp cho bạn giải tỏa các muộn phiền trong lòng. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh rằng, việc viết ra những cảm xúc, suy nghĩ lên trang giấy sẽ giúp cân bằng tâm trạng và ổn định tinh thần tốt hơn. Bạn nên rèn luyện thói quen này để ngăn ngừa các tình huống căng thẳng, stress kéo dài.
- Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống hàng ngày cũng góp phần gia tăng chức năng của não bộ và giúp cho hệ thần kinh được bảo vệ tốt hơn. Bạn nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể và hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê, ma túy,…
- Học chia sẻ: Thay vì một mình gánh chịu những áp lực, căng thẳng bạn hãy tập cách chia sẻ và tâm sự với những người xung quanh. Việc này sẽ giúp bạn xua tan những lo lắng, suy nghĩ tiêu cực, đồng thời nhận lại những lời khuyên bổ ích giúp bạn giải quyết các vấn đề khó khăn.
- Cười nhiều hơn: Nụ cười chính là liều thuốc tốt nhất cho tâm trạng của bạn. Nếu đang rơi vào trạng thái stress bạn hãy lựa chọn cách xem một bộ phim hài, câu chuyện vui nhộn hoặc trò chuyện với những người tích cực để được truyền năng lượng giúp đánh bại các triệu chứng của căng thẳng.
- Áp dụng các liệu pháp thư giãn: Dành thời gian để thư giãn sẽ giúp bạn bình tâm lại và cảm thấy đầu óc được thoải mái hơn. Bạn có thể áp dụng các liệu pháp massage, châm cứu, bấm huyệt để cải thiện trạng thái cơ thể.
- Gặp chuyên gia tâm lý: Nếu đã áp dụng hầu hết các cách điều trị trên nhưng tình trạng căng thẳng, stress kéo dài vẫn không thuyên giảm thì bạn nên nhanh chóng tìm đến các chuyên gia tâm lý. Hiện nay, hầu hết các bác sĩ sẽ sử dụng liệu pháp tâm lý trị liệu để có thể giúp cho người bệnh giải tỏa căng thẳng và biết cách kiểm soát cảm xúc của bản thân.
Những thông tin của bài viết trên đây đã giúp bạn có câu trả lời cho thắc mắc “Stress kéo dài có nguy hiểm không?”. Đồng thời bạn đọc cũng biết được cách giúp giảm stress hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, nếu tình trạng stress kéo dài và không cải thiện được bạn nên tìm đến các chuyên gia tâm lý để được thăm khám và hỗ trợ tốt hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!