Suy nghĩ quá nhiều là bệnh gì? Có hại gì cho sức khỏe?
Suy nghĩ quá nhiều không đơn thuần là thói quen khi gặp phải những vấn đề, vướng mắc trong cuộc sống mà đôi khi còn là biểu hiện của bệnh lý. Nếu không cải thiện sớm, tình trạng này có thể gây ra nhiều tác hại, hậu quả đối với sức khỏe thể chất và tâm thần.
Suy nghĩ quá nhiều là bệnh gì?
Suy nghĩ quá nhiều có thể xảy ra khi phải đối mặt với những vấn đề nan giải trong cuộc sống như khó khăn trong việc học, nghề nghiệp, mâu thuẫn trong các mối quan hệ, con cái hư hỏng, tài chính,… Thông thường, suy nghĩ là hoạt động tư duy để có thể đánh giá lại vấn đề, sự việc đã xảy ra, từ đó rút ra kinh nghiệm hoặc tìm hướng giải quyết hợp lý nhất.
Tuy nhiên, suy nghĩ không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích. Thực tế, không ít người suy nghĩ tiêu cực, bi quan quá nhiều về những vấn đề trong cuộc sống. Ở những trường hợp này, suy nghĩ thường thiếu sự sáng suốt và chủ yếu quẩn quanh với những ý nghĩ vụn vặt, không tìm được lối thoát.
Về bản chất, suy nghĩ không phải là hành vi tiêu cực. Do đó, không ít người băn khoăn về việc “Suy nghĩ quá nhiều có tốt hay không?”. Trên thực tế, tất cả các hoạt động đều chỉ mang lại lợi ích nếu duy trì với tần suất hợp lý bao gồm cả suy nghĩ.
Suy nghĩ quá nhiều hoàn toàn không phải là một thói quen tốt. Nếu xảy ra trong thời gian ngắn, tình trạng này chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ và thể trạng trong vài ngày. Tuy nhiên khi suy nghĩ tiêu cực quá nhiều kéo dài, đây có thể là biểu hiện của bệnh lý. Vậy, suy nghĩ quá nhiều là bệnh gì?.
Theo các chuyên gia tâm lý, suy nghĩ quá nhiều có thể là biểu hiện của một số bệnh lý sau:
1. Suy nghĩ quá nhiều – Biểu hiện của bệnh rối loạn lo âu
Suy nghĩ quá nhiều là biểu hiện thường gặp của bệnh rối loạn lo âu – đặc biệt là rối loạn lo âu lan tỏa. Chứng bệnh này đặc trưng bởi sự lo lắng hoặc sợ hãi thái quá, không tương xứng với vấn đề và đối tượng. Sự sợ hãi, lo âu thường kéo dài liên tục trong ít nhất 6 tháng dẫn đến nhiều ảnh hưởng đối với chức năng xã hội, nghề nghiệp và sức khỏe thể chất.
Đặc điểm chung của người bị rối loạn lo âu là dành nhiều thời gian suy nghĩ về nỗi sợ và nguồn gốc của sự lo lắng. Đối với người bị rối loạn lo âu lan tỏa, bệnh nhân thường suy nghĩ nhiều về những vấn đề trong cuộc sống, tưởng tượng tình huống xấu nhất có thể xảy ra và nỗ lực tìm ra giải pháp để đối phó. Mặc dù trên thực tế, tình huống xấu nhất gần như không có khả năng xảy ra, mức độ của vấn đề cũng không nghiêm trọng và thường không đáng phải lo âu quá mức.
Vì bị sự lo lắng và sợ hãi thái quá chi phối nên khi suy nghĩ, bệnh nhân rất thường quanh đi quẩn lại những suy nghĩ không có lối thoát. Suy nghĩ của bệnh nhân bị rối loạn lo âu thường rất bi quan và tiêu cực. Do đó càng suy nghĩ, bệnh nhân càng gia tăng mức độ lo âu, buồn rầu và chán nản.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc rối loạn lo âu tăng lên đáng kể. Chứng bệnh này có thể dẫn đến trầm cảm, lạm dụng chất kích thích, nghiện rượu bia,… Nếu không thoát khỏi sự sợ hãi và lo âu, bệnh nhân có thể hình thành ý nghĩ, hành vi tự sát để giải thoát bản thân.
2. Stress (căng thẳng)
Stress thực chất là các phản ứng của cơ thể nhằm thích nghi với một hoặc nhiều áp lực, vấn đề, sự kiện xảy ra trong cuộc sống. Trong đó, thường gặp nhất là áp lực về tài chính, khó khăn trong công việc, học tập, bệnh tật và những mâu thuẫn với bạn bè, người thân.
Trên thực tế, stress không hẳn chỉ gây ra những tác động tiêu cực. Bởi căng thẳng thần kinh xảy ra trong thời gian ngắn có thể cải thiện mức độ tập trung, tăng nguồn năng lượng thể chất, giảm buồn ngủ và tạo động lực để con người vượt qua những thử thách, nhiệm vụ.
Tuy nhiên, nếu các tác nhân gây stress diễn ra thường xuyên, cơ thể có thể bị căng thẳng kéo dài. Khi phải đối mặt với stress dai dẳng, cơ thể sẽ xuất hiện các biểu hiện như mất ngủ, căng thẳng, uể oải, mệt mỏi và suy nghĩ quá nhiều. Nếu không thoát khỏi tình trạng này, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng thứ phát như đau nửa đầu, kém tập trung khi học tập – làm việc, giảm ham muốn tình dục,…
3. Suy nhược thần kinh
Suy nhược thần kinh là tình trạng loạn thần chức năng (rối loạn chức năng vỏ não do não bộ phải làm việc quá sức). Tình trạng này gặp chủ yếu ở người từ 18 – 45 tuổi lao động nặng nhọc, làm việc quá 8 giờ/ ngày hoặc phải đối mặt với các sang chấn tâm lý. Các nghiên cứu cho thấy, suy nhược thần kinh gặp chủ yếu ở những trường hợp có tiền sử gia đình mắc bệnh, thần kinh yếu, sinh sống trong môi trường có nhiều tiếng ồn, mắc các bệnh mãn tính, nan y,…
Đặc điểm chung của chứng bệnh này là tâm trạng thay đổi thất thường, mất ngủ, rối loạn cảm giác (kim châm, nóng lạnh thất thường, run rẩy chân tay, lưỡi bị mất cảm giác,…), buồn bã, uể oải, mệt mỏi và dành nhiều thời gian để suy nghĩ về các sự kiện đã xảy ra hoặc những vấn đề nan giải trong cuộc sống. Suy nhược thần kinh được chẩn đoán khi các triệu chứng trên diễn ra liên tục trong 3 tháng.
Suy nghĩ nhiều quá có tác hại gì cho sức khỏe?
Suy nghĩ quá nhiều vốn không phải là thói quen tốt. Ảnh hưởng đầu tiên của thói quen này là khiến tâm trạng trở nên thất thường, hay buồn bã, chán nản, dễ cáu kỉnh và nổi giận. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ “Suy nghĩ nhiều quá có tác hại gì đối với sức khỏe?”.
Theo các bác sĩ Thần kinh, suy nghĩ tiêu cực quá nhiều ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Tác hại của tình trạng này có mức độ khá đa dạng tùy theo từng trường hợp cụ thể.
1. Hậu quả của việc suy nghĩ quá nhiều đối với sức khỏe thể chất
Ít người biết rằng, suy nghĩ quá nhiều ảnh hưởng đáng kể với sức khỏe thể chất. Khi suy nghĩ, não bộ phải hoạt động quá mức và căng thẳng dẫn đến tình trạng mất cân bằng các yếu tố nội sinh. Điều này ảnh hưởng đến tín hiệu thần kinh và làm thay đổi hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.
Một số hậu quả của việc suy nghĩ quá nhiều đối với sức khỏe thể chất bao gồm:
- Mất ngủ, khó ngủ, thường xuyên gặp ác mộng, ngủ chập chờn và dễ thức giấc
- Suy giảm trí nhớ
- Căng cơ dẫn đến đau vai gáy, nhức mỏi cơ thể
- Đau đầu, đau nửa đầu, choáng đầu
- Rối loạn tiêu hóa (đau vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, trào ngược dạ dày, táo bón, đầy hơi, chướng bụng, giảm vị giác, chán ăn,…)
- Gia tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa dẫn đến tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn lipid máu,…
- Làm nghiêm trọng các bệnh thể chất sẵn có, đặc biệt là các bệnh về tim mạch, các bệnh liên quan đến hệ thần kinh trung ương, viêm xương khớp mãn tính, các bệnh nội tiết, chuyển hóa,…
- Gia tăng nguy cơ đột tử, đột quỵ ở người cao tuổi và có các bệnh lý nền
- Gây rối loạn kinh nguyệt, gia tăng nguy cơ vô sinh – hiếm muộn ở nữ giới
- Giảm hormone testosterone, giảm chất lượng – số lượng tinh trùng và gia tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới
Ngoài ra, để giải thoát bản thân khỏi những suy nghĩ bi quan, tiêu cực, không ít người lựa chọn hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và chất kích thích. Đây đều là những thói quen thiếu lành mạnh, ảnh hưởng nhiều sức khỏe thể chất và gia tăng biến chứng của những bệnh lý sẵn có.
2. Tác hại của suy nghĩ nhiều quá đối với sức khỏe tâm thần
Bên cạnh thể chất, sức khỏe tâm thần cũng bị ảnh hưởng đáng kể do suy nghĩ quá nhiều. Trên thực tế, đây là một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý. Với những người có sẵn các bệnh tâm thần, thói quen suy nghĩ quá nhiều có thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và dẫn đến những biến chứng nặng nề.
Một số tác hại của thói quen suy nghĩ nhiều quá đối với sức khỏe tâm thần:
- Thay đổi tâm trạng, cảm xúc trở nên bất ổn
- Suy nghĩ quá nhiều cũng ảnh hưởng đến khả năng tập trung và tư duy
- Thay đổi cách nhìn nhận về những sự việc xảy ra xung quanh cuộc sống
- Dần hình thành những quan niệm, nhận thức méo mó
- Gia tăng nguy cơ stress, rối loạn lo âu, suy nhược thần kinh, trầm cảm,…
- Làm tái phát các bệnh tâm thần trước đây như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hoang tưởng,…
- Ở trẻ em và thanh thiếu niên, suy nghĩ quá nhiều cũng ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách.
Trên thực tế, suy nghĩ quá nhiều gây ra rất nhiều tác hại đối với sức khỏe thể chất và tâm thần. Ngoài những tác hại kể trên, tình trạng này còn ảnh hưởng đến hiệu suất học tập, lao động, từ đó làm giảm cơ hội nghề nghiệp, gia tăng nguy cơ thất nghiệp và thu nhập không ổn định.
Tại sao không nên suy nghĩ tiêu cực quá nhiều?
Tại sao không nên suy nghĩ quá nhiều là thắc mắc của rất nhiều bạn đọc. Sở dĩ, các bác sĩ luôn khuyến khích người bệnh không nên suy nghĩ nhiều, thay vào đó nên dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn bởi thói quen này gây ra rất nhiều tác hại đối với sức khỏe.
Có thể thấy, suy nghĩ tiêu cực quá nhiều hoàn toàn không tìm ra hướng giải quyết hay giải pháp nào tối ưu cho những vấn đề, áp lực trong cuộc sống. Ngược lại, những suy nghĩ này nhấn chìm tất cả các cảm xúc tích cực, ảnh hưởng đến khả năng học tập, làm việc,… Một số nghiên cứu cũng cho thấy, ngoài những tác hại đối với sức khỏe, suy nghĩ quá nhiều cũng gia tăng các xung đột, mâu thuẫn trong cuộc sống. Đồng thời tăng tỷ lệ sử dụng rượu bia, hút thuốc lá và chất gây nghiện.
Chính vì vậy, bạn không nên suy nghĩ quá nhiều về những vấn đề nan giải trong cuộc sống. Thay vào đó, hãy chuẩn bị cho bản thân một thể trạng tốt và tinh thần khỏe mạnh để đương đầu với khó khăn, thử thách.
Lời khuyên cho người thường xuyên suy nghĩ quá nhiều
Như đã đề cập, suy nghĩ quá nhiều gây ra không ít tác hại đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Về cơ bản, thói quen này hầu như không giúp bạn giải quyết bất cứ vấn đề hay thử thách nào. Mặc dù hiểu rõ tác hại nhưng việc gạt bỏ hoàn toàn những suy nghĩ tiêu cực không phải là việc dễ dàng.
Để loại bỏ dần thói quen này và có đời sống lành mạnh hơn, bạn nên tham khảo một số lời khuyên sau đây:
- Học cách chia sẻ với những người xung quanh về nỗi lo lắng, băn khoăn của bản thân để giải tỏa cảm xúc và đưa tâm lý về trạng thái bình thường. Với vị trí là người ngoài cuộc, bạn bè và người thân sẽ có cách nhìn nhận khách quan và hướng giải quyết phù hợp hơn. Vì vậy thay vì suy nghĩ quá nhiều, bạn nên chủ động chia sẻ để nhận được lời khuyên hữu ích và sự đồng cảm từ những người xung quanh.
- Việc suy nghĩ tiêu cực quá nhiều sẽ dẫn đến cách nhìn nhận bi quan, tâm trạng chán chường và buồn bã. Thay vì vậy, bạn nên lên kế hoạch cụ thể để có thể vượt qua thử thách và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Ví dụ nếu bạn thường xuyên bị sếp phàn nàn về hiệu suất công việc, nên lên kế hoạch cụ thể những việc cần làm để tránh thiếu sót, ngủ sớm để duy trì sự tỉnh táo và dành thời gian rảnh rỗi để trau dồi kiến thức, kỹ năng.
- Tập thể dục được xem là liệu pháp giải tỏa căng thẳng và lo lắng hiệu quả. Tập các bộ môn thể dục từ 30 – 60 phút mỗi ngày có thể giúp bạn gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực và trở nên sáng suốt, minh mẫn hơn. Không chỉ giúp gạt bỏ các suy nghĩ tiêu cực, tập thể dục thường xuyên còn hỗ trợ nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.
- Xây dựng chế độ ăn hợp lý cũng là cách giải tỏa lo âu và tránh suy nghĩ quá nhiều. Theo các chuyên gia, chế độ ăn giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất, probiotic và chất béo lành mạnh,… rất tốt cho người bị stress và mắc chứng lo âu. Ngược lại, rượu bia, thức uống chứa nhiều caffeine, đồ ăn chứa nhiều đường và chất béo bão hòa có thể gia tăng mức độ lo lắng, phiền muộn.
- Nếu không thể chia sẻ với bạn bè, người thân, bạn có thể viết những suy nghĩ của bản thân vào nhật ký thay vì quẩn quanh với những suy nghĩ tiêu cực. Viết nhật ký là cách giải tỏa cảm xúc hữu hiệu, đồng thời giúp bạn nhìn lại và tìm ra giải pháp phù hợp cho các vấn đề mà bản thân đang gặp phải.
- Có thể thực hiện một số liệu pháp thư giãn, giải tỏa lo lắng và phiền muộn như liệu pháp mùi hương, tắm nước ấm, chăm sóc cây cối, chơi đùa với thú cưng, mua sắm, nghe nhạc, vẽ tranh, đan len,…
- Cân nhắc trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc nếu không thể kiểm soát tình trạng suy nghĩ quá nhiều. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất cứ phương pháp điều trị nào.
Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về các vấn đề “Suy nghĩ quá nhiều là bệnh gì? Hậu quả và tác hại đối với sức khỏe?”. Nếu tình trạng không cải thiện khi áp dụng các lời khuyên trên, bạn nên tìm gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả nhất.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!