Tổn Thương Do Thiếu Hụt Cảm Xúc Thời Thơ Ấu Và Cách Chữa Lành
Những tổn thương do thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu có thể kéo dài cho đến cuối cuộc đời và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người. Một điều đáng bất ngờ đó chính là cứ mỗi 2 đến 3 người thì sẽ có 1 người có ít nhất một trải nghiệm tổn thương thời thơ ấu.
Thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu là gì?
Thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu hay còn được biết đến với tên gọi khác là CEN – Childhood Emotional Neglect. Đây là một vấn đề tâm lý xảy ra khi cha mẹ hoặc người chăm sóc không đáp ứng được đủ các nhu cầu về mặt cảm xúc của trẻ nhỏ.
Theo nhận định của các chuyên gia thì, CEN là một trải nghiệm vô hình ở thời thơ âu, khó có thể ghi nhớ chính xác. Tuy nhiên, dù bạn không thể nhận diện được nó nhưng nó có thể đeo bám, tồn tại cho đến khi bạn trưởng thành. Đôi lúc nó còn được ví như một đám mây xám xịt che phủ cả cuộc đời, cả tương lai của bạn.
Chẳng hạn như khi một đứa trẻ hào hứng kể với cha mẹ về những hoạt động, sự kiện thú vị ở trường học nhưng lại bị phớt lờ, không quan tâm. Lâu dần sẽ sẽ bị chai sạn về mặt cảm xúc, cho rằng bản thân không còn được yêu thương, không quan trọng và ngừng việc chia sẻ, tâm sự với cha mẹ.
Tình trạng này không giống với chứng Ngược đãi cảm xúc – Emotional Abuse bởi cha mẹ sẽ không có ý bỏ mặc hay không quan tâm con mà chỉ vì một vấn đề nào đó nên không thể đáp ứng được nhu cầu của con. Vì thế, tình trạng thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu có thể gặp nhiều ở những đứa trẻ sống trong gia đình đầy đủ vật chất nhưng cha mẹ quá bận rộn.
Trong thực tế, nhiều người vẫn còn khá mơ hồ về tình trạng CEN. Cũng bởi ngay tại thời thơ ấu bạn sẽ không thể cảm nhận được những sự tổn thương đó, bởi nó hoàn toàn không diễn ra. Tuy nhiên, khi trưởng thành, bạn nhận ra bản thân có một điều bất ổn nào đó nhưng chính bạn cũng không hiểu rõ về nó. Bạn có thể ngẫm nghĩ về tuổi thơ nhưng không thể nào nhìn thấy được các sự việc vô hình. Những người mắc chứng CEN luôn có cảm giác bản thân bị thiếu hụt hoặc mất đi một thứ gì đó, cảm nhận mình không toàn diện.
Dấu hiệu cho thấy bạn đang bị thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu
Thực tế, rất khó nhận ra một người đang hoặc đã bị thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu. Cũng bởi có thể chính bản thân họ cũng không thể nhận thức được sự mất mát, thiếu hụt của bản thân bởi nó không phải là một tổn thương hữu hình.
Những đứa trẻ vẫn sẽ lớn lên, trưởng thành như bình thường tuy nhiên sẽ dần quên mất những sự kết nối với cảm xúc và cảm thấy hời hợt, thờ ơ với cha mẹ. Các chuyên gia cho biết rằng, những tổn thương do thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu có thể không gây đau đớn nhưng nó sẽ là một khoảng trống lớn cứ mãi tồn tại trong tâm thức của mỗi đứa trẻ.
Về các dấu hiệu thường gặp ở người bị thiếu hụt tình cảm thời thơ ấu, Tiến sĩ Jonice Wepp cũng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và đưa ra một số liệt kê như sau:
1. Sợ cảm giác phụ thuộc
Đây cũng chính là lý do mà những người thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu thường có xu hướng muốn sống độc lập, tự chủ. Họ có cảm giác bất an, lo lắng và tội lỗi quá mức khi phải phụ thuộc vào một ai đó vì thế họ không bao giờ nhờ vả hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của bất kì ai. Nếu một ai đó đang cố gắng gồng mình, nỗ lực không ngừng nghỉ để tránh đi sự ủng hộ, giúp đỡ và quan tâm từ những người xung quanh thì nhiều khả năng họ đang gánh chịu sự tổn thương do CEN.
2. Cảm giác trống trải, mông lung
Tùy vào những kí ức tuổi thơ, tính cách của mỗi người mà cảm giác trống trải cũng sẽ được biểu hiện một cách đa dạng và khác biệt. Có một vài người sẽ cảm thấy tê liệt, chai sạn hoàn toàn về mặt cảm xúc, họ không thể cảm nhận được tình yêu thương và không biết cách thể hiện nó. Cũng có một vài trường hợp cảm thấy trống rỗng ở ngực, bụng, cổ họng.
3. Cảm giác tội lỗi, tự trách móc, xấu hổ, giận dữ
Tất cả các cảm giác này đều đang hướng đến bản thân, họ luôn cảm thấy mình tồi tệ, đáng trách và không xứng đáng. Luôn cảm thấy lo lắng, bất an về khả năng của bản thân, cho rằng mình không thể hoàn thành tốt các công việc, nhiệm vụ được giao.
Hoặc khi xảy ra bất kì sự việc nào đó trong đời họ, cảm giác đầu tiên của họ đó chính là cảm thấy có lỗi, trở nên mặc cảm và xấu hổ cho dù đó không phải là lỗi từ phía họ. Một số người cũng sẽ có xu hướng cảm thấy hổ thẹn quá mức trước những điều mà mọi người cho là bình thường.
4. Thiếu sự thấu hiểu cho bản thân
Thông thường những người từng hoặc đang bị tổn thương do thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu sẽ luôn hà khắc với bản thân. Họ có sự đánh giá khắt khe với chính mình, tuy nhiên lại có xu hướng dễ tính và thoải mái hơn so với những người xung quanh. Đồng thời họ cũng có thể gặp phải khó khăn trong việc chia sẻ, tâm sự về câu chuyện của mình. Luôn cảm thấy có một thứ gì cản trở việc hiểu và diễn tả cảm xúc của bản thân.
5. Cảm thấy thiếu sót nghiêm trọng
Như đã chia sẻ ở trên, đây là cảm giác vô cùng khó chịu và luôn tồn tại trong tâm thức của những người từng bị tổn thương do CEN. Nhiều người luôn cảm thấy rằng có một thứ gì đó không đúng trong cuộc đời của mình nhưng họ không thể tìm hoặc xác định chúng. Từ đó họ hình thành nên các suy nghĩ tiêu cực về bản thân, chẳng hạn như “chẳng ai thích tôi”, “tôi bất ổn so với mọi người”, “tôi chẳng làm được việc gì”.
6. Khó kiểm soát cảm xúc của bản thân
Họ không thể tự điều chỉnh và cân bằng trạng thái tâm lý của mình. Chính vì thế mà khi cảm thấy buồn bã, chán chường sẽ rất khó để tự an ủi bản thân, vực dậy tinh thần. Đồng thời do những sự tổn thương cứ kéo dài dai dẳng nên họ dần không thể biểu hiện được cảm xúc của mình, luôn cảm thấy cô đơn ngay cả khi ở bên cạnh gia đình và những người thân thiết.
7. Tự đánh giá sai về bản thân
Gặp nhiều khó khăn trong việc tự đánh giá và nhận xét về những ưu, nhược điểm của chính mình. Không thể hiểu được bản thân đang thích và ghét gì, cảm thấy bất lực trong việc tìm hiểu về khả năng của mình. Dường như họ không thể hiểu được mình và thường xuyên đưa ra các nhận định sai lệch về bản thân.
Lưu ý: Những người bị tổn thương do thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu có thể tồn tại nhiều các biểu hiện nêu trên. Tuy nhiên, đây không phải là cơ sở chính xác để chẩn đoán và cũng không phải là luôn đúng với tất cả các trường hợp bị CEN.
Thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu ảnh hưởng gì đến cuộc sống?
Tình trạng thiếu hụt cảm xúc thời thơ âu tuy không gây ra các tổn thương đau đớn về mặt thể xác nhưng các nỗi đau tâm hồn có thể đeo bám cho đến khi trưởng thành. Các trải nghiệm và ảnh hưởng của mỗi người sẽ khác nhau, vì thế những tác động về cuộc sống cũng sẽ riêng biệt và có thể thay đổi theo thời gian.
Thông thường, đối với trẻ nhỏ sẽ rất khó nhận biết về sự thiếu hụt tình cảm này. Cũng bởi CEN không có biểu hiện cụ thể, nó không phải là các hành vi làm tổn thương trực tiếp, hiểu một cách khác nó thể hiện một cách vô hình, không thể nhìn được bằng mắt.
Tuy nhiên, càng lớn lên trẻ sẽ dần cảm nhận được sự thiếu hụt trong cuộc sống của bản thân, những lỗ hổng về mặt tinh thần, cảm xúc trong quá trình phát triển và hoàn thiện. Nếu ở mức độ nhẹ thì trẻ chỉ bị ảnh hưởng một phần về mặt cảm nhận, không quá mặn mà đối với cuộc sống xung quanh, có xu hướng che giấu cảm xúc của mình.
Đôi lúc trẻ cũng sẽ cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong chính mái ấm gia đình của mình và dần xa cách với cha mẹ. Còn nếu tình trạng này biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng hơn, trẻ phải liên tục vật lộn với những cảm xúc khó tả thì nhiều khả năng sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần nguy hiểm như trầm cảm, căng thẳng kéo dài, rối loạn lo âu,…
Đối với những người trưởng thành khi trải nghiệm các tổn thương do thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu sẽ dần mất đi khả năng hiểu, nhận biết, xử lý và bày tỏ, bộc lộ cảm xúc của mình. Khi còn nhỏ, họ không được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cảm xúc của bản thân nên luôn cảm thấy mặc cảm, tự ti về khả năng của mình, cho rằng mình không đủ tốt, không đủ năng lực.
Các chuyên gia cho biết rằng, những sự trống trải trong tâm hồn, cảm xúc khi không được khỏa lấp lâu ngày thì dù cho họ đã lớn nhưng vẫn chưa đủ “trưởng thành”. Bên cạnh đó, do không thể đánh giá và nhìn nhận đúng về bản thân nên có nhiều nguy cơ họ sẽ gặp phải cản trở lớn trong việc đi tìm bản ngã của chính mình.
Đặc biệt hơn, một người phải gánh chịu nhiều tổn thương do thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu sẽ có nhiều khả năng sẽ trở thành một người cha, người mẹ thờ ơ, không quan tâm và bỏ mặc cảm xúc của con cái. Nếu không thể nhận biết và sớm khắc phục tốt thì nó sẽ trở thành một vòng tròn luẩn quẩn, mãi mãi không có lối thoát và làm ảnh hưởng đến các thế hệ sau này.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của CEN lên mỗi người sẽ mỗi khác. Một số yếu tố tác động như tính cách, giới tính, độ tuổi khi trải qua sự thiếu hụt cảm xúc, năng lực của mỗi người, mức độ nhạy cảm, thứ tự sinh trong gia đình,….
Thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu – Cha mẹ có lỗi không?
Việc cha mẹ bỏ rơi cảm xúc hoặc không đáp ứng đầy đủ các nhu cầu tình cảm của con cái có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Có thể họ cũng đã từng là nạn nhân của CEN, do cuộc sống bận rộn, cơm áo gạo tiền hoặc do một số vấn đề tâm lý khác,…
Theo nhận định của một số chuyên gia thì những kiểu cha mẹ sau đây sẽ thường khiến con cái dễ bị thiếu hụt cảm xúc:
- Cha mẹ ái kỷ: Kiểu cha mẹ này chỉ quan tâm đến các vấn đề, nhu cầu của bản thân và chắc chắn con cái không được thực hiện bất kì việc gì làm tổn hại, đe dọa đến danh dự, thể diện của họ.
- Cha mẹ độc đoán: Họ đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe, bắt buộc con cái phải thực hiện và tuân thủ nghiêm nhắc các luật lệ đó và sống trong giới hạn cho phép của họ.
- Cha mẹ suy sụp: Luôn có xu hướng ép buộc, khiến đứa trẻ phải trở nên hoàn hảo, toàn diện một cách quá mức để họ không phải bận tâm, lo lắng.
- Cha mẹ dễ dãi: Con cái có thể tự do một cách thái quá đến mức vô kỷ luật.
- Cha mẹ cầu toàn: Kiểu phụ huynh này sẽ đặt kỳ vọng rất cao về con cái của mình và luôn thúc ép, gây áp lực để con đạt được những điều mà mình mong muốn.
- Cha mẹ vắng bóng: Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan mà hiện nay có nhiều bậc cha mẹ không có mặt trong quá trình phát triển và trưởng thành của trẻ.
- Cha mẹ nghiệp ngập: Những đứa trẻ sống với kiểu cha mẹ này sẽ phải đối mặt với nhiều tổn thương về cả mặt thể chất lẫn tinh thần bởi khi bước vào cơn nghiện họ sẽ hoàn toàn trở nên tệ hại, không thể kiểm soát được chính mình.
- Cha mẹ rối loạn nhân cách: Hoàn toàn không quan tâm đến cảm xúc của người khác, dù là con cái của mình.
Cách chữa lành đứa trẻ bên trong bạn
Hành trình để chữa lành những tổn thương do thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu chưa bao giờ là điều dễ dàng và đơn giản. Những tổn thương tinh thần tuy không để lại bất kì dấu vết hay đau đớn về mặt thể xác nhưng lại kéo dài dai dẳng và gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của con người.
Để có thể tự vỗ về và chữa lành đứa trẻ bên trong bạn, bạn có thể bắt đầu bằng những cách sau đây:
- Hiểu và chấp nhận bản thân: Hãy bắt đầu lục tìm những kí ức về thời thơ ấu, những mảnh vụn vỡ trong quá khứ và cùng đánh giá, xem xét về hiện tại để có được cái nhìn bao quát, tổng thể về tình trạng của bản thân. Từ đó bạn cũng sẽ dễ dàng hiểu và chấp nhận chính mình.
- Tôn trọng những mong muốn, cảm xúc của bản thân: Hãy học cái bao dung, rộng lượng hơn với chính mình. Hãy để cho những nhu cầu, cảm xúc được đáp ứng, đừng cố gắng hà khắc với bản thân. Hoặc bạn có thể đưa ra những quy định cụ thể, không quá khắt khe để cuộc sống trở nên dễ dàng, thoải mái hơn.
- Bộc lộ cảm xúc: Sau đó hãy bắt đầu bằng việc thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của chính mình. Hãy thử trò chuyện, kể về bản thân với một ai đó, tương tác nhiều hơn với bạn bè, đồng nghiệp, gia đình để dần thay đổi và lấy lại sự vui vẻ, cởi mở với các mối quan hệ.
- Tự an ủi và động viên chính mình: Những người từng trải qua CEN thường sẽ không muốn dựa dẫm, phụ thuộc vào bất cứ ai, kể cả cha mẹ. Vì thế cách tốt nhất để vượt qua những tổn thương đó chính là tự vỗ về và an ủi bản thân để có thể giữ được trạng thái tâm lý ổn định và cân bằng. Những lúc cảm thấy tuyệt vọng, bế tắc hãy tự nhắn nhủ với chính mình hoặc tìm kiếm một hoạt động thú vị nào đó để vực dậy tinh thần.
- Tìm gặp chuyên gia tâm lý: Tuy rằng những tổn thương do thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu không phải là một bệnh lý tâm thần nhưng bạn vẫn có thể tìm gặp chuyên gia để nhận được những sự hỗ trợ cần thiết. Việc trò chuyện và trao đổi với chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn dễ dàng nhìn nhận ra các vấn đề của bản thân, đồng thời bằng các liệu pháp chuyên môn mà chuyên gia sẽ giúp bạn điều chỉnh và cân bằng tốt trạng thái tâm lý. Đồng thời họ cũng sẽ thăm khám để phòng ngừa và ngăn chặn tốt các dấu hiệu xuất về tình trạng sức khỏe tâm thần, hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống.
Việc phải đối mặt và chịu đựng với những tổn thương tâm lý do thiếu hụt cảm xúc ở thời thơ ấu không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây nên nhiều cản trở đối với chất lượng cuộc sống của mỗi người. Hi vọng qua thông tin của bài viết này bạn đọc sẽ có thêm nhiều động lựa để mau chóng chữa lành các tổn thương.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!