Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực là bệnh lý nội sinh được đặc trưng bởi sự lặp đi lặp lại của những giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ luân phiên các giai đoạn trầm cảm điển hình và xen kẽ những giai đoạn hồi phục hoàn toàn trong quá trình phát triển bệnh lý. Vậy làm thế nào để nhận biết tình trạng này? Mời độc giả tìm hiểu tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lưỡng cực trong bài viết dưới đây.
Các tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lưỡng cực
Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực, bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám cẩn thận và yêu cầu họ thực hiện một số bài kiểm tra chuyên sâu. Những thao tác này giúp loại trừ các bệnh lý liên quan, chẩn đoán chính xác và tìm kiếm sự hiện diện của biến chứng (nếu có).
Cụ thể, quá trình chẩn đoán rối loạn lưỡng cực bao gồm các bước sau:
- Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ kiểm tra chiều cao, cân nặng cùng các chỉ số quan trọng như: huyết áp, nhiệt độ, nhịp tim…
- Xét nghiệm: Các xét nghiệm (xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu) hỗ trợ bác sĩ xác định những vấn đề thể chất liên quan đến các triệu chứng.
- Đánh giá tâm lý: Bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý sẽ trò chuyện với người bệnh về những cảm xúc, suy nghĩ cùng kiểu mẫu hành vi. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần hoàn thành một bảng câu hỏi đặc biệt để tự đánh giá tâm lý bản thân. Ngoài ra, bạn bè, người thân cũng có thể được yêu cần cung cấp thông tin về triệu chứng cùng những cơn trầm cảm, hưng cảm của bạn.
- Lập ra biểu đồ tâm trạng: Nhằm theo dõi chặt chẽ sự thay đổi của người bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ xây dựng hồ sơ tâm trạng hàng ngày, ghi nhận mô hình giấc ngủ cũng như một số yếu tố khác để phục vụ tối đa cho công tác chẩn đoán và điều trị.
Một người được xác định mắc chứng rối loạn lưỡng cực khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trong Cẩm nang Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê các dạng rối loạn tâm thần (DSM). Do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ ban hành, tài liệu này hiện đang được nhiều bác sĩ, chuyên gia, trung tâm y tế áp dụng vào quá trình chẩn đoán và điều trị.
Các tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lưỡng cực được biên soạn dựa trên từng loại hình rối loạn lưỡng cực cụ thể:
- Rối loạn lưỡng cực I: Người bệnh biểu hiện tối thiểu một cơn hưng cảm hoặc một cơn hỗn hợp, có thể có hoặc không xuất hiện giai đoạn trầm cảm điển hình. Dấu hiệu nhận biết của chứng rối loạn lưỡng cực I ở mỗi người rất khác nhau. Do đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ căn cứ vào từng đặc điểm cụ thể để chẩn đoán bệnh lý.
- Rối loạn lưỡng cực II: Bệnh nhân biểu hiện tối thiểu một giai đoạn trầm cảm chủ yếu và ít nhất một đợt hưng cảm nhẹ (không phải tình trạng hưng cảm đầy đủ hoặc hỗn hợp). Những triệu chứng rối loạn lưỡng cực II có thể dẫn đến rất nhiều khó khăn trong công việc cũng như cuộc sống của họ. Tương tự rối loạn lưỡng cực I, rối loạn lưỡng cực II cũng được nhận biết thông qua từng triệu chứng cụ thể.
- Rối loạn tâm thần chu kỳ: Người bệnh đã trải qua nhiều cơn trầm cảm và hưng cảm nhẹ (nhưng chưa bao giờ đối mặt với những cơn hưng cảm, trầm cảm chủ yếu và hỗn hợp). Để được chẩn đoán mắc bất cứ chứng rối loạn tâm thần chu kỳ nào, bệnh nhân phải sống chung với các triệu chứng từ hai năm trở lên (một năm đối với thanh thiếu niên và trẻ em). Trong khoảng thời gian này, mỗi triệu chứng không kéo dài quá hai tháng. Đồng thời, chúng có thể gây suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh một cách rõ rệt và đáng kể.
Cẩm nang Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê các dạng rối loạn tâm thần (DSM) đã đưa ra những tiêu chí rõ ràng và chi tiết về những cơn trầm cảm, hưng cảm và hỗn hợp.
Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lưỡng cực: Cơn trầm cảm chủ yếu
Để được chẩn đoán trải qua một giai đoạn trầm cảm chủ yếu, bệnh nhân cần hội đủ năm (hoặc hơn) triệu chứng trong các triệu chứng dưới đây trong khoảng hai tuần, trong đó có tối thiểu một trong hai triệu chứng là mất đi niềm vui thích và hứng thú với thế giới xung quanh hoặc tâm trạng buồn bã, chán nản.
- Trầm uất, chán nản, buồn bã, trống rỗng, khó lóc (thanh thiếu niên và trẻ em) trong ngày, gần như mỗi ngày
- Giảm hoặc mất đi niềm vui thích và hứng thú trong đa số hoạt động trong ngày, gần như mỗi ngày
- Tăng cân, sút cân đáng kể, tăng hoặc giảm cảm giác ngon miệng gần như mỗi ngày
- Ngủ nhiều hoặc mất ngủ gần như mỗi ngày
- Bồn chồn và phản ứng chậm chạp
- Mệt mỏi và cạn kiệt năng lượng gần như mỗi ngày
- Cảm giác tội lỗi, vô dụng hoặc không xứng đáng, không phù hợp gần như mỗi ngày
- Phân vân, lưỡng lự, thiếu quyết đoán, suy giảm khả năng tập trung gần như mỗi ngày
- Thường xuyên nghĩ đến cái chết, mong muốn tự tử hoặc cố gắng tự tử
Giai đoạn trầm cảm chủ yếu mang những đặc điểm sau:
- Các triệu chứng không thể đáp ứng tiêu chí của một cơn hỗn hợp.
- Các triệu chứng phải đủ nghiêm trọng để gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động hàng ngày ở nhà, trường học, cơ quan, trong các mối quan hệ và các hoạt động xã hội.
- Các triệu chứng không bắt nguồn từ tác động trực tiếp của vấn đề điều nào khác (tác dụng phụ của thuốc Tây, tình trạng cường giáp, sử dụng ma túy…).
- Các triệu chứng không liên quan đến tâm trạng đau buồn do thất tình, thất bại trong sự nghiệp, mất mát người thân…
Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lưỡng cực: Cơn hưng cảm
Cơn hưng cảm là tình trạng tâm trạng trở nên bất thường, khác biệt, mở rộng, tăng cao hoặc bị kích thích, diễn ra trong vòng tối thiểu một tuần (hoặc ít hơn một tuần nhập viện). Giai đoạn hưng cảm cần có ba (hoặc nhiều hơn) triệu chứng trong các triệu chứng dưới đây:
- Giảm nhu cầu ngủ
- Lòng tự trọng tăng cao
- Nói năng bất thường (bép xép, ba hoa, nói nhiều…)
- Suy nghĩ rối ren, lộn xộn
- Dễ dàng đãng trí
- Tham gia vào các hoạt động tiềm ẩn rủi ro (chẳng hạn uống nhiều rượu bia, đầu tư liều lĩnh, quan hệ tình dục bừa bãi…)
- Tăng mục tiêu định hướng hoạt động ở cơ quan, nhà trường, cộng đồng…
Giai đoạn hưng cảm được mang những đặc điểm sau:
- Các triệu chứng không thể đáp ứng những tiêu chí của một cơn hỗn hợp.
- Các rối loạn tâm trạng cần đủ nghiêm trọng để gây ra nhiều khó khăn đáng chú ý ở cơ quan, nhà trường, trong các mối quan hệ xã hội và các hoạt động xã hội, buộc phải nhập viện để ngăn chặn hậu quả đối với bản thân và những người xung quanh hoặc kích hoạt rối loạn tâm thần (trạng thái rời xa thực tế).
- Các triệu chứng không bắt nguồn từ tác động trực tiếp của vấn đề nào khác (tác dụng phụ của thuốc Tây, tình trạng cường giáp, sử dụng ma túy…).
Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lưỡng cực: Cơn hưng cảm nhẹ
Cơn hưng cảm nhẹ là tình trạng tâm trạng trở nên bất thường, khác biệt, mở rộng, tăng cao hoặc bị kích thích, diễn ra trong vòng tối thiểu bốn ngày. Giai đoạn hưng cảm nhẹ cần hội đủ ba (hoặc nhiều hơn) triệu chứng trong các triệu chứng dưới đây:
- Giảm nhu cầu ngủ
- Lòng tự trọng tăng cao
- Nói năng bất thường (bép xép, ba hoa, nói nhiều…)
- Suy nghĩ rối ren, lộn xộn
- Dễ dàng đãng trí
- Tham gia vào các hoạt động tiềm ẩn rủi ro (chẳng hạn uống nhiều rượu bia, đầu tư liều lĩnh, quan hệ tình dục bừa bãi…)
- Tăng mục tiêu định hướng hoạt động ở cơ quan, nhà trường, cộng đồng…
Giai đoạn hưng cảm nhẹ được mang những đặc điểm sau:
- Các triệu chứng không thể đáp ứng những tiêu chí của một cơn hỗn hợp.
- Các rối loạn tâm trạng cần đủ nghiêm trọng để gây ra một số thay đổi rõ rệt và đáng kể trong các hoạt động thường ngày.
- Các triệu chứng không đủ nghiêm trọng để dẫn đến nhiều khó khăn đáng chú ý ở cơ quan, nhà trường, trong các mối quan hệ xã hội và các hoạt động xã hội, buộc phải nhập viện để ngăn chặn hậu quả đối với bản thân và những người xung quanh hoặc kích hoạt rối loạn tâm thần (trạng thái rời xa thực tế).
- Các triệu chứng không bắt nguồn từ tác động trực tiếp của bất cứ điều gì khác (tác dụng phụ của thuốc Tây, tình trạng cường giáp, sử dụng ma túy…).
Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lưỡng cực: Cơn hỗn hợp
Các triệu chứng đáp ứng một giai đoạn trầm cảm chủ yếu và một giai đoạn hưng cảm gần như mọi ngày trong khoảng thời gian tối thiểu một tuần.
Các rối loạn tâm trạng phải đủ nghiêm trọng để gây ra nhiều khó khăn đáng chú ý ở cơ quan, nhà trường, trong các mối quan hệ xã hội và các hoạt động xã hội, buộc phải nhập viện để ngăn chặn hậu quả đối với bản thân và những người xung quanh hoặc kích hoạt rối loạn tâm thần (trạng thái rời xa thực tế).
Các triệu chứng không bắt nguồn từ tác động trực tiếp của bất cứ điều gì khác (tác dụng phụ của thuốc Tây, tình trạng cường giáp, sử dụng ma túy…).
Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lưỡng cực ở trẻ em
Những tiêu chí được sử dụng chính thức trong quá trình chẩn đoán chứng rối loạn lưỡng cực ở người lớn cũng được áp dụng đối với thanh thiếu niên và trẻ em. Tuy nhiên, các triệu chứng ở hai nhóm đối tượng này thường có những kiểu mẫu khác biệt đáng kể so với người lớn, khó có thể tóm gọn thành các dạng phù hợp, cụ thể.
Nhìn chung, những giai đoạn trầm cảm và hưng cảm ở người lớn có xu hướng xuất hiện tách biệt. Ngược lại, các triệu chứng ở trẻ em và thanh thiếu niên diễn biến thất thường và thay đổi nhanh chóng tùy thuộc vào mức độ hành vi, tâm trạng và năng lượng của bệnh nhân.
Nếu trẻ em và thanh thiếu niên từng bị căng thẳng trong một khoảng thời gian dài hoặc chấn thương tâm lý trong quá khứ, chúng ta khó có thể kết luận chính xác rằng các bé đang mắc phải chứng rối loạn lưỡng cực hay những vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
Ngoài ra, trên thực tế, những trẻ em và thanh thiếu niên bị rối loạn lưỡng cực cũng thường được chẩn đoán mắc thêm một số dạng rối loạn tâm thần khác (chẳng hạn rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn hành vi…).
Bài viết đã giới thiệu những tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lưỡng cực theo Cẩm nang Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê các dạng rối loạn tâm thần (DSM). Để kịp thời phát hiện bệnh lý và điều trị đúng hướng, độc giả cần chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa nếu nghi ngờ bản thân đang mắc phải tình trạng này.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!