Bài Quiz Test Kiểm Tra Trầm Cảm Online Tại Nhà Nhanh Nhất
Các bài Quiz test kiểm tra trầm cảm có thể thực hiện tại nhà thông qua hình thức online. Mục đích của các bài test này là đánh giá sơ bộ nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và một số bài kiểm tra còn giúp xác định loại, mức độ của bệnh.
Khi nào cần làm bài Quiz test kiểm tra trầm cảm?
Trầm cảm (rối loạn trầm cảm) là chứng bệnh tâm lý phổ biến nhất hiện nay. Tổ chức y tế thế giới – WHO đã công nhận bệnh lý này có mức độ ảnh hưởng đối với sức khỏe, cuộc sống của con người đứng thứ 2 chỉ sau các bệnh lý về tim mạch. Điều này phần nào cho thấy những ảnh hưởng nặng nề mà bệnh nhân trầm cảm phải đối mặt.
Mặc dù là bệnh lý rất phổ biến nhưng không phải ai cũng có hiểu biết về đặc điểm bệnh, triệu chứng, tiến triển và cách điều trị. Sự hiểu biết hạn chế chính là nguyên nhân khiến cho bệnh nhân và những người không xung quanh không nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường. Từ đó chậm trễ trong việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị.
Về cơ bản, trầm cảm là một dạng rối loạn cảm xúc có tiến triển dai dẳng và tiên lượng đa dạng. Nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả nặng nề cả về sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Thậm chí, một số người bị trầm cảm nặng không còn khả năng lao động, sống tách biệt với xã hội và trở thành gánh nặng của gia đình.
Tuy nhiên, nếu được thăm khám sớm, bệnh lý này sẽ được kiểm soát thông qua việc dùng thuốc, trị liệu tâm lý và liệu pháp sốc điện. Dù quá trình điều trị mất khá nhiều thời gian nhưng nếu tích cực điều trị, bệnh nhân có thể học tập, làm việc như bình thường và vượt qua những cảm xúc tiêu cực do trầm cảm gây ra.
Đặc điểm của bệnh trầm cảm là khởi phát từ từ với những triệu chứng mờ nhạt ở giai đoạn đầu. Chính vì vậy, không ít người chỉ nghĩ đây là biểu hiện thông thường khi trải qua những chuyện không may như mất người thân, thất bại trong công việc, ly thân, ly hôn, tai nạn bất ngờ,… Để kịp thời thăm khám và điều trị, bạn nên thực hiện bài Quiz test kiểm tra trầm cảm nếu có những biểu hiện sau:
- Cảm giác buồn bã, chán nản kéo dài và sâu sắc dần theo thời gian.
- Không thể thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực dù bản thân rất muốn.
- Mất và giảm hứng thú với những sở thích trước đây của bản thân.
- Cơ thể uể oải, mệt mỏi do giảm năng lượng.
- Giảm khả năng tập trung, sai sót nhiều trong quá trình làm việc, học tập kém, trí nhớ suy giảm,…
Ngoài ra, nếu gia đình có tiền sử bị trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và bản thân vừa trải qua sang chấn tâm lý, bạn nên thực hiện bài Quiz test kiểm tra trầm cảm để đánh giá nguy cơ mắc bệnh. Qua đó chủ động trong việc thăm khám và điều trị.
Các bài Quiz test kiểm tra trầm cảm tại nhà
Hiện nay, có khá nhiều bài test trầm cảm tại nhà. Bạn có thể dễ dàng thực hiện các bài kiểm tra online để đánh giá nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, tất cả các bài test trầm cảm đều chỉ có giá trị tham khảo, hoàn toàn không được xem như chẩn đoán của bác sĩ.
Nếu kết quả của bài kiểm tra cho thấy bạn có nguy cơ cao, nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết nhằm phục vụ cho quá trình chẩn đoán. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị trầm cảm, bạn có thể thực hiện các bài test sau:
1. Bài kiểm tra trầm cảm Burns
Bài kiểm tra trầm cảm Burns (Burns Depression Checklist) được nghiên cứu bởi Bác sĩ David D. Burns – giảng viên Khoa Tâm thần học và Khoa học hành vi tại Đại học Stanford. Trong suốt sự nghiệp của mình, bác sĩ đã thăm khám, chẩn đoán và điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân trầm cảm. Vì vậy, ông đã nghiên cứu bài test Burns để người bệnh có thể phát hiện sớm bệnh lý và can thiệp điều trị kịp thời.
Sau khi thực hiện bài kiểm tra, bạn nên cân nhắc đến gặp bác sĩ chuyên khoa nếu kết quả cho thấy bạn có khả năng cao bị trầm cảm. Kết quả của bài kiểm tra có thể không chính xác do cảm xúc của con người là yếu tố dễ bị chi phối. Do đó, nếu thực hiện ngay sau khi bản thân bị thất vọng, buồn bã do trải qua chuyện sự việc không mong muốn, bài kiểm tra sẽ có kết quả không khách quan. Dù vậy, nếu cảm xúc bi quan, buồn bã kéo dài, việc thăm khám và điều trị là điều cần thiết.
2. Bài test kiểm tra trầm cảm Beck
Ngoài bài Quiz test kiểm tra trầm cảm tại nhà của bác sĩ David D. Burns, bạn cũng có thể thực hiện thêm bài kiểm tra trầm cảm Beck để có đánh giá khách quan hơn về nguy cơ mắc bệnh lý này. Bài kiểm tra bao gồm 21 câu hỏi và mỗi câu hỏi sẽ có mức điểm đạt từ 0 – 3 điểm. Sau khi thực hiện bài kiểm tra, bạn cần cộng số điểm của 21 câu hỏi để xem kết quả.
Bảng câu hỏi của bài test kiểm tra trầm cảm Beck:
Câu hỏi 1:
- Mức điểm 0: Tôi không cảm thấy buồn bã
- Mức điểm 1: Nhiều khi có cảm giác buồn bã và chán nản
- Mức điểm 2: Cảm giác buồn bã, chán nản thường trực và không thể dứt ra được
- Mức điểm 3: Cảm giác buồn bã sâu sắc, đau khổ, cảm thấy bản thân bất hạnh
Câu hỏi 2:
- Mức điểm 0: Hoàn toàn không nản lòng, bi quan hay suy nghĩ tiêu cực về tương lai.
- Mức điểm 1: Suy nghĩ nhiều về tương lai với cảm giác chán nản và bi quan.
- Mức điểm 2: Không cảm thấy mong đợi bất cứ điều gì trong tương lai.
- Mức điểm 3: Cảm thấy cuộc sống hiện tại đang rất tệ và sẽ tệ hơn trong tương lai.
Câu hỏi 3:
- Mức điểm 0: Không có cảm giác thất bại
- Mức điểm 1: Có cảm giác bản thân thất bại, yếu kém hơn những người xung quanh.
- Mức điểm 2: Cảm giác bản thân đã có quá nhiều thất bại trong cuộc sống/ Hoặc có cảm giác bản thân rất ít khi làm được điều gì đáng giá và có ý nghĩa.
- Mức điểm 3: Cảm thấy bản thân chính xác là một kẻ thất bại/ Cảm thấy thất bại hoàn toàn khi làm bố mẹ/ chồng/ vợ,…
Câu hỏi 4:
- Mức điểm 0: Không bất mãn với cuộc sống/ Vẫn có hứng thú với những sở thích trước đây
- Mức điểm 1: Luôn cảm thấy buồn và giảm hứng thú với những sở thích trước đây.
- Mức điểm 2: Còn rất ít sự thích thú cho những điều mà bản thân yêu thích trước đây và cảm thấy không thỏa mãn về bất cứ điều gì trong cuộc sống.
- Mức điểm 3: Không hài lòng với tất cả/ Mất hứng thú hoàn toàn với tất cả các sở thích.
Câu hỏi 5:
- Mức điểm 0: Biết được bản thân không gây ra bất cứ tội lỗi nào nghiêm trọng cả.
- Mức điểm 1: Cảm thấy bản thân có lỗi trong nhiều việc/ Dành nhiều thời gian suy nghĩ, dằn vặt vì nghĩ bản thân là kẻ vô dụng, tội lỗi và không xứng đáng.
- Mức điểm 2: Cảm thấy bản thân hoàn toàn có tội/ Luôn cho rằng bản thân tồi tệ và không xứng đáng với những điều tốt đẹp.
- Mức độ 3: Có niềm tin mạnh mẽ về việc bản thân tồi tệ, vô dụng/ Luôn luôn cho rằng bản thân đã phạm phải tội lỗi nghiêm trọng.
Câu hỏi 6:
- Mức điểm 0: Không có cảm giác đang bị trừng phạt.
- Mức điểm 1: Có cảm giác bản thân sẽ bị trừng phạt vì những lỗi lầm đã gây ra/ Có cảm giác những điều xui rủi, tệ hại sẽ đến với bản thân.
- Mức điểm 2: Cảm thấy bản thân chắc chắn sẽ bị trừng phạt.
- Mức điểm 3: Muốn bị trừng phạt để thoát khỏi cảm giác tội lỗi, hối hận/ Có cảm giác bản thân đang bị trừng phạt cho những lỗi lầm đã gây ra.
Câu hỏi 7:
- Mức điểm 0: Bản thân không có gì thay đổi và không cảm thấy thất vọng về bản thân.
- Mức điểm 1: Cảm thấy thất vọng và mất lòng tin về bản thân.
- Mức điểm 2: Cảm thấy chán ghét bản thân, thậm chí ghê tởm chính mình.
- Mức điểm 3: Căm thù bản thân và ghét bản thân sâu sắc.
Câu hỏi 8:
- Mức điểm 0: Không phê phán hay đổ lỗi cho bản thân.
- Mức điểm 1: Tự cười chê sự yếu đuối và lỗi lầm của bản thân/ Phê phán chính mình nhiều hơn trước kia.
- Mức điểm 2: Khiển trách chính mình vì những lỗi lầm đã gây ra.
- Mức điểm 3: Chỉ trích, khiển trách bản thân về mọi điều tệ hại xảy ra trong cuộc sống/ Xu hướng đổ lỗi cho bản thân trước những điều không may xảy ra.
Câu hỏi 9:
- Mức điểm 0: Không có ý nghĩ tự sát và không có bất cứ ý nghĩ nào về việc tự làm hại bản thân.
- Mức điểm 1: Có ý nghĩ làm hại bản thân nhưng không thực hiện/ Có ý nghĩ tự sát nhưng không thực hiện.
- Mức điểm 2: Có ý tưởng tự sát/ Có cảm giác gia đình sẽ tốt hơn nếu bản thân chết đi/ Có suy nghĩ chết đi cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.
- Mức điểm 3: Có suy nghĩ tự tử nếu có cơ hội.
Câu hỏi 10:
- Mức điểm 0: Không khóc lóc nhiều hơn trước kia.
- Mức điểm 1: Khóc nhiều hơn trước và trở nên nhạy cảm hơn.
- Mức điểm 2: Dễ khóc và đôi khi khóc lóc vì những điều rất nhỏ nhặt/ Khóc thường xuyên và không kiểm soát được hành vi của chính mình.
- Mức điểm 3: Muốn khóc nhưng không thể khóc được.
Câu hỏi 11:
- Mức điểm 0: Không căng thẳng, hay bồn chồn nhiều hơn trước kia.
- Mức điểm 1: Dễ cáu kỉnh, bực tức hơn trước kia/ Dễ bồn chồn, lo âu, căng thẳng hơn bình thường.
- Mức điểm 2: Luôn luôn cáu kỉnh và khó kiểm soát được sự tức giận/ Căng thẳng, bồn chồn thường trực dẫn đến tình trạng khó có thể ngồi yên.
- Mức điểm 3: Kích động, bồn chồn không thể kiểm soát và thường phải đi lại hoặc làm việc gì đó để giải tỏa.
Câu hỏi 12:
- Mức điểm 0: Vẫn giữ được sự quan tâm đến mọi người và các hoạt động yêu thích như trước đây.
- Mức điểm 1: Ít quan tâm đến mọi người và mọi thứ xung quanh.
- Mức điểm 2: Mất hầu hết sự quan tâm đến mọi thứ và những người xung quanh, kể cả người thân và bạn bè thân thiết.
- Mức điểm 3: Không quan tâm và cũng không cần đến bất cứ ai.
Câu hỏi 13:
- Mức điểm 0: Vẫn có thể quyết định mọi thứ một cách dễ dàng và chính xác như trước đây.
- Mức điểm 1: Khó khăn đưa ra quyết định hơn so với trước đây.
- Mức điểm 2: Khó đưa ra quyết định ngay cả với những việc không quá quan trọng/ Thường chỉ đưa ra quyết định khi có sự hỗ trợ và giúp đỡ từ những người xung quanh.
- Mức điểm 3: Không thể quyết định bất cứ việc gì – kể cả khi có sự hỗ trợ từ người thân và bạn bè.
Câu hỏi 14:
- Mức điểm 0: Không có cảm giác bản thân là người vô dụng/ Không cảm thấy bản thân xấu xí.
- Mức điểm 1: Cảm thấy buồn bã vì bản thân già nua, thiếu hấp dẫn/ Cho rằng bản thân đánh mất đi những giá trị trước đây mình từng có.
- Mức điểm 2: Cảm thấy bản thân vô dụng, xấu xí hơn những người xung quanh.
- Mức điểm 3: Cho rằng bản thân xấu xí, ghê tởm và hoàn toàn vô dụng.
Câu hỏi 15:
- Mức điểm 0: Vẫn giữ được sức khỏe và sự năng động như trước đây.
- Mức điểm 1: Phải cố gắng để bắt đầu làm một việc gì/ Cảm thấy sức khỏe kém hơn, thường xuyên mệt mỏi và uể oải.
- Mức điểm 2: Rất cố gắng nếu muốn bắt đầu làm một việc gì đó/ Không đủ sức lực để thực hiện nhiều việc như trước đây.
- Mức điểm 3: Không thể hoàn thành bất cứ việc gì.
Câu hỏi 16:
- Mức điểm 0: Giấc ngủ không thay đổi so với trước kia.
- Mức điểm 1: Ngủ hơi ít hoặc hơi nhiều so với trước kia.
- Mức điểm 2: Ngủ nhiều hoặc ngủ ít hơn đáng kể so với trước kia.
- Mức điểm 3: Ngủ liên tục nhiều giờ trong ngày hoặc ngủ rất ít, giấc ngủ chỉ kéo dài 2 – 3 giờ, ngủ chập chờn và không sâu giấc.
Câu hỏi 17:
- Mức điểm 0: Không cảm thấy mệt mỏi hơn khi làm việc/ Không dễ cáu kỉnh, nổi nóng hơn trước.
- Mức điểm 1: Dễ mệt khi làm việc/ Dễ nổi nóng, bực bội, cáu kỉnh hơn trước kia.
- Mức điểm 2: Mệt mỏi khi làm tất cả mọi việc/ Cáu kỉnh, bực bội và tức giận nhiều hơn so với thời gian trước đây.
- Mức điểm 3: Luôn mệt mỏi khi làm bất cứ mọi việc/ Luôn cảm thấy bực bội và cáu kỉnh.
Câu hỏi 18:
- Mức điểm 0: Vị giác và thói quen ăn uống không thay đổi so với trước kia.
- Mức điểm 1: Ăn ngon miệng hơn hoặc vị giác kém hơn so với trước đây.
- Mức điểm 2: Ăn ngon miệng hơn nhiều hoặc chán ăn rõ rệt so với giai đoạn trước.
- Mức điểm 3: Luôn có cảm giác thèm ăn hoặc cảm thấy không ngon miệng khi ăn bất cứ thứ gì.
Câu hỏi 19:
- Mức điểm 0: Không sụt cân và vẫn giữ được khả năng chú ý như trước đây.
- Mức điểm 1: Sụt cân trên 2 kg/ Không giữ được sự chú ý tốt như trước đây.
- Mức điểm 2: Sụt cân trên 4kg/ Không tập trung trong quá trình học tập và làm việc.
- Mức điểm 3: Sụt cân trên 6 kg.
Câu hỏi 20:
- Mức điểm 0: Không lo lắng về sức khỏe nhiều hơn trước/ Không cảm thấy mệt mỏi nhiều hơn trước kia.
- Mức điểm 1: Dễ mệt mỏi/ Có cảm giác lo lắng trước các biểu hiện cơ thể như táo bón, khó chịu ở dạ dày, đau nhức vai gáy, đau đầu,…
- Mức điểm 2: Luôn cảm thấy mệt mỏi khi làm tất cả mọi thứ/ Lo lắng quá mức về sức khỏe.
- Mức điểm 3: Quá mệt mỏi khi làm bất kỳ việc gì/ Quá tập trung đến các cảm giác trên cơ thể và lo lắng thái quá về tình trạng sức khỏe.
Câu hỏi 21:
- Mức điểm 0: Không có thay đổi về ham muốn, hứng thú tình dục so với trước đây.
- Mức điểm 1: Ít, giảm hứng thú tình dục so với trước đây.
- Mức điểm 2: Rất ít khi có ham muốn tình dục.
- Mức điểm 3: Mất hoàn toàn ham muốn tình dục.
Lưu ý: Số điểm tối đa cho mỗi câu hỏi là 3 điểm. Trước khi lựa chọn, bạn cần suy nghĩ kỹ và khách quan trong câu trả lời để kết quả phản ánh chính xác tình trạng sức khỏe mà bạn đang gặp phải.
Đối chiếu kết quả:
- Nếu tổng số điểm <14 điểm thì không có biểu hiện trầm cảm
- Trường hợp điểm tổng từ 14 – 19 điểm có khả năng bị trầm cảm nhẹ
- Nếu điểm số từ 20 – 29 điểm, bạn đang có biểu hiện của bệnh trầm cảm mức độ vừa
- Trường hợp >30 điểm được xác định có khả năng đang bị trầm cảm nặng
Trong trường hợp dương tính khi thực hiện bài test kiểm tra trầm cảm Beck, bạn có thể xác định loại trầm cảm thông qua một số tiêu chuẩn sau:
- Tổng số điểm >14 điểm và số điểm chiếm ưu thế từ câu số 1 – 15 thì khả năng cao mắc trầm cảm nội sinh.
- Tổng số điểm >14 điểm và số điểm chiếm ưu thế hơn từ câu 16 – 21 thì có thể là biểu hiện của trầm cảm tâm căn (do sang chấn, tổn thương tâm lý).
Cần làm gì khi sau khi thực hiện bài Quiz test trầm cảm?
Trong trường hợp các bài kiểm tra cho kết quả âm tính (không có khả năng hoặc ít có khả năng bị trầm cảm), bạn có thể yên tâm phần nào về sức khỏe tâm thần của bản thân. Tuy nhiên, trầm cảm có thể gây ra các triệu chứng rất mờ nhạt ở giai đoạn đầu. Vì vậy, bạn nên xem xét thêm biểu hiện về cảm xúc, hành vi và suy nghĩ của bản thân để thực hiện lại bài test, sau đó tìm gặp bác sĩ nếu kết quả thay đổi theo chiều hướng tiêu cực.
Với những người nhận kết quả dương tính (khả năng cao bị trầm cảm), nên sàng lọc qua một số yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh ví dụ như mới trải qua sang chấn tâm lý, sử dụng chất gây nghiện, lạm dụng rượu bia, tiền sử gia đình mắc các rối loạn cảm xúc, bản thân bị stress mãn tính,… Nếu có các yếu tố nguy cơ này, khả năng cao là bạn đang mắc phải bệnh trầm cảm.
Đối mặt với việc bản thân mắc bệnh lý tâm thần thực sự là cảm giác không hề dễ chịu. Tuy nhiên trước khi mọi thứ tồi tệ hơn, bạn nên tìm gặp bác sĩ để chẩn đoán và tư vấn điều trị. Hiện tại, quá trình điều trị vẫn còn một số hạn chế nhưng về cơ bản có thể kiểm soát được triệu chứng và giúp bệnh nhân bình thường hóa cuộc sống. Đặc biệt, những trường hợp thăm khám sớm và tích cực điều trị sẽ có khả năng phục hồi cao, thời gian điều trị không kéo dài và nguy cơ tái phát thấp.
Trên đây là hai bài Quiz test kiểm tra trầm cảm có thể thực hiện tại nhà. Nếu kết quả cho thấy bạn có nguy cơ cao, nên sắp xếp thời gian đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn điều trị trong trường hợp cần thiết. Như đã đề cập, bài test hoàn toàn không phải là chẩn đoán và đôi khi không phản ánh khách quan tình trạng sức khỏe của bạn do nhiều lý do khác nhau.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!