Bệnh rối loạn nhân cách phụ thuộc (DPD): Triệu chứng nhận biết và điều trị
Rối loạn nhân cách phụ thuộc (DPD) tuy không phải là một trong những căn bệnh tâm lý phổ biến nhưng nó vẫn gây ảnh hưởng đến gần 2% dân số toàn thế giới. Đây là một loại của rối loạn nhân cách biểu hiện bởi sự lo lắng, hoảng sợ khi phải ở một mình.
Bệnh rối loạn nhân cách phụ thuộc (DPD) là gì?
Rối loạn nhân cách phụ thuộc (Dependent Personality Disorder -DPD) là một trong các rối loạn sức khỏe tâm thần thuộc vào nhóm C của căn bệnh rối loạn nhân cách. Đây là nhóm bệnh được biểu hiện bởi sự lo lắng, hoảng sợ khi phải ở một mình. Bệnh nhân sẽ luôn muốn dựa dẫm, tìm đến sự giúp đỡ của những người xung quanh để có thể đáp ứng và thỏa mãn những mong muốn về tinh thần và thể chất, kể cả những việc đơn giản nhất.
Trong thực tế, mỗi chúng ta đều sẽ có lúc cần đến sự quan tâm, giúp đỡ của người khác. Tuy nhiên, đối với những người bị rối loạn nhân cách phụ thuộc hoàn toàn không có khả năng để ở một mình, họ luôn cần sự có mặt và hiện diện của những người xung quanh. Họ sẽ dựa vào người khác để có thể hoạt động, trấn an bản thân. Hầu hết các hoạt động, chức năng sống và cảm xúc của họ đều sẽ phụ thuộc vào người khác.
Căn bệnh này có thể xảy ra đối với bất kì đối tượng nào, kể cả nam hoặc nữ. Thường sẽ hình thành và xuất hiện ở tuổi dậy thì và kéo dài về sau. Căn bệnh này sẽ làm suy giảm các chức năng sống, khiến người bệnh kém linh hoạt hơn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ.
Triệu chứng của rối loạn nhân cách phụ thuộc
Để biết được một người có bị mắc chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc hay không, thì bạn cũng cần biết rõ những triệu chứng của căn bệnh này.
- Hầu hết các hoạt động, công việc quan trọng trong cuộc sống đều cần có sự hướng dẫn, chỉ đạo của người khác.
- Luôn cảm thấy khó khăn và không thể đưa ra lựa chọn, quyết định cho những sự việc diễn ra hàng ngày nếu không có sự góp ý, lời khuyên từ người khác.
- Họ khó có thể biểu hiện được sự phản đối, không hài lòng đối với người khác vì sợ bị mất đi người hỗ trợ, giúp đỡ.
- Mất rất nhiều thời gian để có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác để thực hiện một công việc mà họ không hứng thú, yêu thích.
- Không tự tin vào khả năng của bản thân nên khó có thể tự bắt đầu để thực hiện bất cứ việc gì, mặc dù việc đó nằm trong khả năng của bản thân.
- Khi các mối quan hệ với người thân bị rạn nứt và kết thúc sẽ nhanh chóng tìm kiếm một sự giúp đỡ từ những người khác.
- Luôn cảm thấy lo lắng, bất an và hoảng sợ khi phải ở một mình vì họ cảm thấy không có ai chăm sóc và giúp đỡ họ.
- Dễ bị tổn thương, tủi thân vì những lời từ chối nhỏ nhặt.
- Sợ hãi và mang nỗi ám ảnh lớn về việc bị người khác bỏ rơi, luôn cảm thấy bản thân bị cô lập.
- Luôn suy nghĩ và bận tâm về việc không có ai chăm sóc và lo lắng cho bản thân.
Những người bệnh rối loạn nhân cách phụ thuộc thường luôn đưa ra yêu cầu về sự trấn an, quan tâm của người khác. Đồng thời họ cũng có thể gây nên những hành vi làm tổn thương bản thân hoặc những người bệnh cạnh khi các mối quan hệ hiện tại bị chấm dứt.
Đặc biệt, khi phải ở một mình, người bệnh sẽ xuất hiện những nỗi sợ, sự lo lắng, hồi hộp, bất an, vô vọng, hoảng loạn một cách thái quá. Các biểu hiện này cũng có phần tương đồng với những chứng bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng này khiến cho người bệnh trở nên kém linh hoạt, các chức năng sống bị suy giảm đáng kể và khiến họ cảm thấy đau khổ thì có nhiều khả năng họ đang bị rối loạn nhân cách phụ thuộc.
Nguyên nhân gây ra rối loạn nhân cách phụ thuộc
Theo nhận định của các chuyên gia thì bệnh rối loạn nhân cách phụ thuộc có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, kể cả chủ quan và những yếu tố khách quan.
- Trải nghiệm không vui ở quá khứ: Đây được xem là nguyên nhân phổ biến nhất và có thể gây ám ảnh lâu dài đối với người bệnh. Tuổi thơ từng bị bỏ rơi hoặc lạm dụng cũng sẽ khiến gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Sự quan tâm quá mức của gia đình: Khi bạn được sinh ra trong một gia đình luôn bảo bọc và che chở sẽ khiến cho bạn có cảm giác cần phải phụ thuộc. Đầu tiên sẽ là những sự phụ thuộc đối với người thân trong gia đình, sau đó sẽ là bạn bè, đồng nghiệp, người yêu.
- Di truyền: Tuy đây không phải là một căn bệnh di truyền, nhưng các chuyên gia cho biết rằng, nếu trong gia đình có tiền sử mắc các chứng rối loạn lo âu thì con cái sinh ra sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn đối với những người bình thường.
Chẩn đoán bệnh rối loạn nhân cách phụ thuộc
Việc có thể chẩn đoán bệnh sớm cũng góp phần giúp cho quá trình điều trị được diễn ra thuận lợi hơn. Các bác sĩ chuyên môn sẽ tiến hành kiểm tra thể chất của người bệnh để xem xét và đánh giá xem các triệu chứng có phải bắt nguồn từ các bệnh lý khác hay không. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng có thể yêu cầu xét nghiệm máu để biết được hàm lượng hormone trong cơ thể. Nếu xét nghiệm không mang lại kết quả thì các bác sĩ có thể tư vấn cho bạn đến gặp một chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Đối với những bác sĩ tâm thần sẽ tiến hành chẩn đoán và tìm hiểu rõ về các triệu chứng mà bạn đang mắc phải. Đồng thời họ sẽ khai thác về tiền sử bệnh lý của bạn và những người thân trong gia đình và nhận định về trạng thái tâm lý của bạn. Do đó, để kết quả chẩn đoán chính xác nhất, người bệnh cần chia sẻ thoải mái và thành thật với bác sĩ về những biểu hiện, suy nghĩ mà bạn đang gặp phải. Thông thường, một người mắc phải từ trên 5 triệu chứng của bệnh mới có thể chẩn đoán là rối loạn nhân cách phụ thuộc.
Các điều trị rối loạn nhân cách phụ thuộc
Cũng giống như các chứng rối loạn tâm thần khác, rối loạn nhân cách phụ thuộc cũng sẽ được điều trị chính bằng phương pháp tâm lý trị liệu và sử dụng thuốc. Tùy thuộc vào mức độ bệnh của mỗi người mà các chuyên gia sẽ áp dụng phương pháp chữa bệnh phù hợp nhất.
1. Tâm lý trị liệu
Để điều trị được bệnh rối loạn nhân cách phụ thuộc, các bác sĩ tâm lý sẽ tập trung vào việc làm thuyên giảm các triệu chứng và biểu hiện của bệnh bằng liệu pháp tâm lý, khởi đầu bằng tâm lý trị liệu. Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ dần hiểu rõ được những hành vi, suy nghĩ sai lệch của bản thân và nhận thức rõ về tình trạng sức khỏe của chính mình.
Từ đó, các chuyên gia tâm lý cùng với người bệnh có thể định hướng và đưa ra một số cách để làm mới cuộc sống của họ, đồng thời sẽ giúp họ xây dựng lại được các mối quan hệ lành mình và gia tăng lòng tự trọng của bản thân. Lâu dần các nút thắt trong lòng cũng được tháo gỡ và dần chấp nhận, thích nghi được với cuộc sống hiện tại.
Tuy nhiên, tâm lý trị liệu chỉ có thể áp dụng được với người bệnh trong một khoảng thời gian ngắn để tạo dựng cho họ không gian sống an toàn. Nếu duy trì thực hiện quá lâu sẽ khiến cho bệnh nhân có nhiều nguy cơ phụ thuộc vào chuyên gia tâm lý.
2. Sử dụng thuốc điều trị
Một số trường hợp bệnh nặng hoặc các triệu chứng diễn biến phức tạp hơn thì người bệnh cũng có thể nhờ vào sự hỗ trợ của thuốc để giúp giảm bớt các chứng lo lắng, hoảng sợ. Tuy nhiên, sử dụng thuốc không thể mang lại kết quả về mặt tinh thần nên các bác sĩ vấn ưu tiên áp dụng phương pháp tâm lý trị liệu hoặc kết hợp đồng thời cả hai.
Đối với những trường hợp bắt buộc phải sử dụng thuốc để điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn sử dụng của bác sĩ, không được tự ý ngưng giảm liều dùng khi chưa có sự chỉ định của chuyên gia. Đồng thời, các loại thuốc điều trị cũng có nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ, do đó nếu trong quá trình sử dụng có xuất hiện bất kì vấn đề nào, bệnh nhân cần thông báo ngay với chuyên gia để được xử lý kịp thời.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc để điều trị rối loạn nhân cách phụ thuộc:
- Không tự ý mua thuốc về sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Không dùng lại đơn thuốc cũ hoặc áp dụng đơn thuốc của bệnh nhân khác.
- Không tự ý tăng giảm liều lượng sử dụng thuốc.
- Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng thích hợp, tránh xa tầm tay trẻ nhỏ và thú cưng.
- Tiến hành thăm khám đúng theo lịch của bác sĩ để theo dõi bệnh tình cụ thể hơn.
- Trong quá trình điều trị tuyệt đối không sử dụng rượu bia, thuốc lá, các chất gây nghiện.
Lưu ý: Bên cạnh hai phương pháp điều trị nêu trên, người bệnh cũng cần kết hợp với việc thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày, xây dựng lối sống tự lập và lành mạnh để góp phần cải thiện sức khỏe, đẩy lùi bệnh lý nhanh chóng và hiệu quả, hạn chế các nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.
Rối loạn nhân cách phụ thuộc (DPD) là một chứng bệnh không phổ biến nhưng nó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và làm suy giảm chức năng sống của người bệnh. Do đó, ngay khi nhận thấy các triệu chứng biểu hiện của bệnh, bạn cần nhanh chóng tìm đến bệnh viện, các cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và can thiệp kịp thời.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!