Cha Mẹ Độc Hại Là Gì? Đặc Điểm Nhận Biết Và Sự Ảnh Hưởng Đến Con Cái
Cha mẹ độc hại (Toxic Parents) là những bậc cha mẹ luôn có lời nói, hành vi tiêu cực gây tổn thương nặng nề cho thể chất và tinh thần của con cái. Những đặc điểm này thường được ngụy trang dưới danh nghĩa tình thương.
Cha mẹ độc hại là gì?
Cha mẹ vốn dĩ là những người yêu thương con cái nhất và là điểm tựa vững chắc để con có thể dựa vào khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên trên thực tế, không phải bậc làm cha làm mẹ nào cũng biết cách yêu thương, chăm sóc và giáo dục con cái. Cha mẹ độc hại (Toxic Parents) được hiểu nôm na là các bậc cha mẹ có những hành vi và lời nói tiêu cực gây tổn thương tinh thần, thể chất của con cái.
Hiện nay, có hàng triệu đứa trẻ đang phải chung sống với những bậc cha mẹ độc hại. Những tổn thương thể chất và tinh thần do bố mẹ gây ra có thể để lại vết thương sâu trong tâm hồn. Ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển nhân cách và cuộc sống tương lai của trẻ. Thậm chí khi lớn lên, trẻ sẽ “vô tình” trở thành cha mẹ độc hại vì bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ, lời nói và hành vi của bố mẹ mình.
Văn hóa của người Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng đề cao “chữ hiếu”. Nhưng trong nhiều trường hợp, quan niệm này lại dung dưỡng cho những lời nói, hành vi tiêu cực. Bố mẹ có quyền kiểm soát tất cả thứ trong cuộc sống của con và con cái phải có bổn phận vâng lời bố mẹ.
Các bậc cha mẹ đôi khi cũng có những hành vi không đúng mực và thậm chí là vô lý. Tuy nhiên, con cái bắt buộc phải nghe theo và cấm kỵ việc bày tỏ quan điểm trái ngược. Hành vi không đồng thuận với lời nói, quan điểm của bố mẹ đều bị cho là hỗn láo và bất hiếu. Sự áp đặt của các bố mẹ khiến con cái mệt mỏi và ngột ngạt trong chính gia đình của mình. Nhưng sự thật đáng buồn là con cái không thể rời bỏ bố mẹ dù bố mẹ có cay nghiệt như thế nào.
Đặc điểm nhận biết cha mẹ độc hại
Cha mẹ độc hại luôn có những lời nói, hành vi gây tổn thương sâu sắc thể chất và tinh thần của con cái. Những hành vi này bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ cho đến khi trưởng thành. Tuy nhiên, trẻ và những người xung quanh luôn cho rằng, những hành vi từ bố mẹ đều xuất phát từ việc yêu thương con cái.
Vốn dĩ cha mẹ luôn là người yêu thương con cái vô điều kiện và làm tất cả vì con. Tuy nhiên, không phải ai làm cha làm mẹ cũng vì con cái. Thực tế, nhiều người xem con cái như công cụ để thỏa mãn bản thân và mong chờ được nhận lại nhiều hơn.
Những đặc điểm của cha mẹ độc hại rất dễ bị nhầm lẫn với cách thức nuôi dạy con thông thường. Họ thường cố che giấu mục đích thực sự của bản thân bằng những lý tưởng cao cả như muốn tốt cho con, muốn con có tương lai xán lạn,…
Cha mẹ độc hại thường có những biểu hiện sau:
1. Đề cao ý nguyện của bản thân và xem nhẹ cảm nhận của con
Đặc điểm đầu tiên của các kiểu cha mẹ độc hại là luôn đề cao ý nguyện, mong muốn của bản thân và hoàn toàn không quan tâm con cái muốn gì hay nghĩ gì. Tất cả mọi quyết định trong cuộc sống của con đều phải thông qua bố mẹ. Khi con cái có ý kiến ngược lại, bố mẹ sẽ dùng quyền lực, tiền bạc để ép con phải nghe theo ý của mình.
2. Muốn con cái thực hiện ước mơ của mình
Các bậc cha mẹ độc hại có thể muốn con cái hoàn thành ước mơ còn dang dở của mình. Điều này cho thấy sự ích kỷ và độc hại của bố mẹ. Nếu may mắn, con cái có thể yêu thích và theo đuổi ước mơ như bố mẹ mong muốn. Trong trường hợp ngược lại, các bậc cha mẹ sẽ ép buộc con thực hiện bằng được ước mơ đang còn dang dở của bản thân.
Bố mẹ có thể xoa dịu tâm lý của con bằng một số câu nói như Bố mẹ biết thế mạnh của con là gì, hướng đi nào giúp con tỏa sáng,… Khi trẻ chấp nhận theo đuổi ước mơ, bố mẹ sẽ có sự quan tâm đặc biệt khiến trẻ nhầm lẫn rằng bố mẹ thực sự yêu thương mình.
3. Có phản ứng và cảm xúc quá khích
Nuôi dạy con cái là một quá trình dài đòi hỏi sự kiên nhẫn, thấu hiểu và chia sẻ. Đương nhiên trong quá trình này, bố mẹ cũng sẽ đôi lần nổi nóng trước những lỗi lầm của con. Tuy nhiên, một gia đình hạnh phúc sẽ ít có sự nổi nóng, giận dữ vì bố mẹ luôn cố gắng kiềm chế để mang đến cho con cái môi trường lành mạnh nhất.
Ngược lại, bố mẹ độc hại luôn muốn thỏa mãn bản thân và không hề quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ của con. Do đó, họ thường có những phản ứng, cảm xúc quá khích như giận dữ, cáu kỉnh, thù ghét và cay nghiệt. Bên cạnh cảm xúc quá khích, cha mẹ độc hại cũng sẽ có lời nói, hành vi tiêu cực khiến con trẻ bị tổn thương và luôn cho rằng bản thân đã phạm phải tội lỗi nặng nề.
4. Hà khắc với con cái
Dạy con cần có sự nghiêm khắc để trẻ biết nên làm gì và không nên làm gì. Tuy nhiên, bố mẹ độc hại thường hà khắc trong cách giáo dục con cái. Họ rất ít khi quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc của con.
Khi con không đạt được kết quả cao, bố mẹ thường phản ứng bằng cách chì chiết, đay nghiến, quát tháo và thậm chí là đánh đập. Những bậc cha mẹ độc hại hiếm khi khen ngợi và khích lệ khi trẻ ngoan ngoãn và đạt được thành tích cao trong học tập.
5. Luôn đổ hết lỗi lầm cho con trẻ
Trong mọi hoàn cảnh, bố mẹ độc hại luôn đổ mọi lỗi lầm cho con cái thay vì trò chuyện để nắm rõ sự việc và đánh giá khách quan. Thậm chí, họ gieo vào đầu con cái những suy nghĩ méo mó như con quá hư hỏng và vô dụng nên xứng đáng bị đối xử tệ (lời nói chỉ trích, quát mắng hay hành vi đánh đập). Điều này khiến trẻ vừa đau đớn về thể chất vừa cảm thấy tổn thương về mặt tinh thần.
6. Coi nhẹ suy nghĩ và cảm xúc của con
Một điểm chung của cha mẹ độc hại là coi nhẹ cảm xúc, suy nghĩ của con cái. Họ rất ít khi lắng nghe con cái tâm sự và cho rằng đây là điều không cần thiết. Khi con cái có suy nghĩ trái ngược, bố mẹ sẽ đưa ra những quan điểm méo mó để bảo vệ niềm tin của mình và ép buộc con cái phải nghe theo.
Bố mẹ độc hại cũng có thể bắt buộc con phải học cách kiềm chế cảm xúc theo chiều hướng tiêu cực như không cho trẻ khóc lóc, buồn bã, lo lắng,… vì cho rằng đây là biểu hiện của kẻ thất bại. Tuy nhiên, việc ép buộc trẻ kìm nén cảm xúc có thể dẫn đến nhiều vấn đề tâm lý và ảnh hưởng đến tính cách của trẻ trong tương lai.
7. Không tôn trọng sự riêng tư của con
Bố mẹ độc hại cho rằng bản thân có quyền kiểm soát tất cả cuộc sống của con. Vì vậy, họ thường không tôn trọng sự riêng tư của con cái. Thậm chí họ có những hành vi xâm phạm nghiêm trọng như đọc nhật ký của con, vào máy tính để đọc mail, tin nhắn,…
Bố mẹ độc hại thường không ngần ngại cho trẻ biết bản thân đã thực hiện những hành vi này. Nếu nhận thấy trẻ có biểu hiện không vừa ý, bố mẹ sẽ lập tức trách phạt và tiếp tục những lời nói, hành vi gây tổn thương trẻ nghiêm trọng.
8. Khống chế con bằng quyền lực và tiền bạc
Khi còn nhỏ, bố mẹ là tất cả đối với con cái. Khi con không nghe lời, các bậc cha mẹ độc hại thường khống chế con bằng quyền lực và tiền bạc. Vì trẻ chưa chủ động được trong cuộc sống nên trẻ bắt buộc phải làm theo yêu cầu của bố mẹ để có thể tiếp tục được học tập.
9. Lặp lại các hành vi, lời nói gây tổn thương trẻ
Trong lúc nóng giận, bố mẹ có thể có những lời nói và hành vi gây tổn thương trẻ. Tuy nhiên, bố mẹ lành mạnh sẽ biết cách điều chỉnh để bù đắp cho con và tạo dựng cho con cái môi trường sống lành mạnh. Ngược lại, cha mẹ độc hại sẽ lặp đi lặp lại các hành vi, lời nói này vì không hề quan tâm đến cảm xúc của con cái mà chỉ muốn thỏa mãn bản thân.
Các kiểu cha mẹ độc hại phổ biến
Cha mẹ độc hại luôn có những hành vi, lời nói tiêu cực khiến cho thể chất và tinh thần của con trẻ bị tổn thương nặng nề. Dựa vào đặc điểm, các chuyên gia tâm lý chia thành 6 kiểu cha mẹ độc hại bao gồm:
1. Cha mẹ chưa trọn vẹn
Cha mẹ chưa trọn vẹn chỉ về các bậc cha mẹ không đáp ứng được nhu cầu của trẻ mà luôn mong chờ trẻ lớn lên sẽ đáp ứng được những yêu cầu của bản thân chẳng hạn như tiền bạc, danh dự, tình yêu thương, sự chăm sóc,… Kiểu cha mẹ này thường không hoàn thành tốt trách nhiệm của bản thân và đứa trẻ vô tình trở thành cha mẹ của chính bố mẹ mình.
2. Cha mẹ bạo hành thể xác
Khi nuôi dạy con, bố mẹ có thể đánh mắng khi trẻ phạm phải lỗi lầm. Tuy nhiên, cần phân biệt hành vi đánh con với các hành vi bạo lực thể xác. Kiểu cha mẹ bạo hành thể xác luôn dùng bạo lực trong mọi trường hợp như khi con cãi lời, phạm lỗi, không đạt kết quả cao trong học tập,…
Các hành vi bạo lực từ kiểu bố mẹ này đôi khi xuất phát từ việc họ có cảm xúc tức giận do những áp lực trong cuộc sống. Và lúc này, con cái trở thành đối tượng để “xả giận”. Chính vì vậy, các chuyên gia luôn khuyến khích bố mẹ phải biết cách kiểm soát cơn giận đối với con cái để giảm thiểu tối đa những hành vi bạo lực và tạo cho con môi trường sống lành mạnh.
3. Cha mẹ bạo hành lời nói
Ngoài các hành vi bạo lực, có một kiểu cha mẹ bạo hành tinh thần của con bằng lời nói. Trong mắt con cái, lời nói của bố mẹ luôn đáng tin cậy. Những lời nói cay nghiệt, trách móc và chì chiết khiến trẻ nghĩ rằng bản thân thực sự là người có lỗi, vô dụng và yếu kém.
Khi con không đạt được kết quả học tập cao, phạm lỗi và không nghe lời, bố mẹ sẽ có lời nói khiến con bị tổn thương lòng tự trọng. Ngoài ra, kiểu bố mẹ này thường hay so sánh con với những người ưu tú hơn.
Bạo hành lời nói khó nhận biết hơn bạo hành thể xác. Dù vậy, con cái vẫn sẽ bị tổn thương và dễ hình thành cảm xúc xấu hổ, tự ti trong cuộc sống. Nhiều bậc cha mẹ tin rằng, những lời nói này sẽ khích lệ trẻ cố gắng để đạt được kết quả cao và thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, những câu nói gây tổn thương tinh thần lại chính là “con dao” cướp đi sự tự tin và lạc quan vốn có.
4. Cha mẹ kiểm soát
Cha mẹ kiểm soát là kiểu cha mẹ độc hại rất phổ biến ở các nước Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Với danh nghĩa là người sinh ra trẻ, cha mẹ cho mình quyền tự quyết định tất cả mọi thứ liên quan đến con và kiểm soát từng lời nói, hành động của con cái.
Không chỉ trong văn hóa, các tôn giáo cũng cho rằng bố mẹ nắm quyền lực tuyệt đối trong cuộc sống của con và con cái được cho là bất hiếu nếu tranh luận hay có những hành vi đi ngược lại với bố mẹ mình.
Khi còn nhỏ, việc kiểm soát con cái là cần thiết vì lúc này trẻ chưa ý thức được hậu quả từ hành vi của bản thân. Tuy nhiên, kiểu cha mẹ kiểm soát thường xâm phạm quá mức vào quyền riêng tư của con cái. Họ kiểm soát con từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành bằng quyền lực, đe dọa, tiền bạc và tội lỗi. Thậm chí, một số bậc cha mẹ còn ép buộc con phải thực hiện đúng di nguyện trước khi mất.
5. Cha mẹ nghiện rượu
Cha mẹ nghiện rượu là kiểu bố mẹ độc hại gây ra nhiều tổn thương tinh thần và thể xác cho con. Đối với kiểu bố mẹ này, con cái hầu như không được hưởng bầu không khí gia đình đúng nghĩa. Ngược lại, mọi sự chú ý để đổ dồn vào người bố hoặc người mẹ nghiện rượu.
Cha mẹ nghiện rượu thường không có đủ tỉnh táo để nuôi dạy con cái và luôn có những lời nói, hành vi không đúng mực. Thậm chí khi say rượu, bố mẹ tìm đến con cái để quát nạt, đánh mắng nhằm xả giận. Trẻ sống với bố mẹ nghiện rượu có thể gặp phải nhiều vấn đề về tâm lý và méo mó về nhân cách.
6. Cha mẹ lạm dụng tình dục
Trong tất cả các kiểu cha mẹ độc hại, cha mẹ lạm dụng tình dục gây ra trải nghiệm kinh khủng nhất đối với con cái. Khi còn nhỏ, trẻ không ý thức được những hành vi này. Tuy nhiên khi đã có nhận thức, trẻ sẽ cảm thấy tổn thương và mơ hồ về chính gia đình mình. Những đứa trẻ phải sống chung với kiểu cha mẹ độc hại này rất khó có thể vượt qua ám ảnh tâm lý và nhiều khả năng sẽ gặp phải các vấn đề tâm lý về lâu dài.
Cha mẹ độc hại và những ảnh hưởng đến con cái
Việc giáo dục con cái là điều không đơn giản. Tuy nhiên, sai lầm trong nuôi dạy con khác hẳn với cha mẹ độc hại. Các bậc cha mẹ độc hại luôn đề cao bản thân và không hiểu được ý nghĩa thực sự của gia đình. Tình yêu thương thực chất chỉ là vỏ bọc bên ngoài để hợp thức hóa lời nói và hành vi tiêu cực gây tổn thương trẻ.
Con cái của những bậc cha mẹ độc hại sẽ phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng như:
1. Giảm chỉ số IQ
Chỉ số IQ của những trẻ có cha mẹ độc hại thường thấp hơn những trẻ được nuôi dạy trong môi trường lành mạnh. Nguyên nhân là do các hành vi, lời nói tiêu cực gây tổn thương mạnh mẽ đến tâm lý và thể chất của trẻ. Trẻ sẽ dành nhiều thời gian để lý giải vì sao bố mẹ lại có lời nói, hành vi như vậy với bản thân.
Ngoài ra, việc kiểm soát và đàn áp con cái quá mức có thể khiến não bộ chậm phát triển. Hơn nữa, trước những lời nói và hành vi gay gắt của bố mẹ, trẻ sẽ hình thành nỗi sợ với chính gia đình của mình. Sợ hãi quá mức và dai dẳng cũng tác động tiêu cực đến quá trình phát triển tư duy của trẻ.
2. Khó kiểm soát cảm xúc
Cảm xúc là thứ rất khó kiểm soát. Tuy nhiên trong một số hoàn cảnh, chúng ta phải kiểm soát cảm xúc của bản thân để tránh những tình huống đáng tiếc.
Trẻ sống với các bậc cha mẹ độc hại – đặc biệt là kiểu cha mẹ bạo hành tinh thần, thể xác và nghiện rượu gần như không biết cách quản lý cảm xúc của chính mình. Bởi bố mẹ của trẻ hoàn toàn không chế ngự cơn tức giận, nóng nảy trước mặt con và có những lời nói, hành vi làm tổn thương con cái mà không chút suy nghĩ.
Nhiều nghiên cứu được thực hiện đều cho thấy, trẻ sống với bố mẹ độc hại dễ nổi giận, cáu kỉnh và khả năng kích động cao hơn so với những trẻ khác. Khi chứng kiến những hành vi tiêu cực của bố mẹ thường xuyên, trẻ cho rằng những hành vi này là hoàn toàn bình thường và sẽ có cách nuôi dạy tương tự đối với con của mình.
3. Thiếu tính kỷ luật
Ngoài việc không kiểm soát được cảm xúc, trẻ được sinh ra bởi bố mẹ độc hại sẽ trở thành người có lối sống cẩu thả và thiếu tính kỷ luật. Tình trạng này thường gặp ở trẻ có kiểu bố mẹ nghiện rượu và cha mẹ không trọn vẹn. Vì không được giáo dục đúng cách, trẻ lớn lên sẽ có xu hướng sống theo bản năng và làm việc, sinh hoạt tùy ý không theo bất cứ khuôn khổ nào.
Ngoài ra, thiếu tính kỷ luật cũng có thể gặp ở trẻ có cha mẹ kiểm soát quá mức. Do bị kiểm soát, kìm kẹp quá mức từ nhỏ đến lớn, trẻ ao ước được sống thoải mái khi rời xa vòng tay của bố mẹ. Vì vậy, trẻ có thể trở thành người sống cẩu thả, phóng khoáng và thiếu tính kỷ luật vì không muốn con cái của mình sau này phải chịu đựng như bản thân trong quá khứ.
4. Trẻ có xu hướng nghiện rượu và chất kích thích
Trẻ được nuôi dạy bởi các bậc cha mẹ độc hại thường không có những đức tính tốt và trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi những thói quen xấu từ bố mẹ. Do đó, trẻ thường có xu hướng nghiện rượu và chất kích thích khi đến tuổi vị thành niên hoặc đầu giai đoạn trưởng thành.
Ngoài ra, một số trẻ có thể chọn dùng rượu bia, chất gây nghiện để giải tỏa lo âu, căng thẳng và cảm xúc dồn nén. Bởi dù nhận thấy bố mẹ có những hành vi, lời nói không đúng nhưng con cái không thể rời xa bố mẹ. Suy nghĩ này khiến trẻ dằn vặt, mệt mỏi và nặng nề dai dẳng.
5. Méo mó trong nhân cách
Gia đình là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách của trẻ. Nếu sống cùng với bố mẹ độc hại, trẻ có thể phát triển các dạng nhân cách bất thường như rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế, rối loạn nhân cách né tránh, rối loạn nhân cách phụ thuộc,… Các dạng nhân cách này đều gây ra phiền toái cho cuộc sống và về lâu dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe.
Các bậc cha mẹ độc hại luôn tìm lý do để cho con cái thấy rằng những lời nói, hành vi của bản thân đều là đúng đắn. Lúc này, trẻ còn nhỏ nên không đủ sâu sắc để hiểu được quan điểm của bố mẹ là hoàn toàn sai lệch. Về lâu dài, trẻ đem những quan điểm méo mó của bố mẹ bước vào tuổi trưởng thành. Do đó, trẻ khó có thể tránh khỏi những hành vi và suy nghĩ khác thường, không phù hợp với chuẩn mực xã hội.
6. Gia tăng các vấn đề tâm lý
Khi còn nhỏ, con cái luôn cho rằng bố mẹ là cả thế giới đối với mình. Bố mẹ mang đến sự sống, tình yêu thương, hành động quan tâm hay nhưng điều thực tế hơn là thức ăn, nhà cửa và bất cứ điều gì trẻ cần thiết cho cuộc sống. Vì vậy, con cái buộc phải vâng lời và làm theo tất cả những gì bố mẹ yêu cầu.
Tuy nhiên, cách nuôi dạy độc hại sẽ tạo ra một bản sao tương tự. Trẻ sống cùng với bố mẹ độc hại sẽ dễ phát triển các vấn đề tâm lý như rối loạn nhân cách và stress. Ngoài ra, những méo mó trong tâm lý cũng khiến trẻ dễ bị trầm cảm, rối loạn lo âu khi đối mặt với thực tại khác xa với tưởng tượng của bản thân.
Một số trẻ khi lớn lên ý thức được bố mẹ đang có những lời nói, hành vi tiêu cực và không phù hợp. Tuy nhiên, trẻ không thể tranh luận hay rời bỏ bố mẹ như với bạn bè, người yêu hay bất cứ mối quan hệ nào khác. Vì vậy, trẻ buộc phải sống chung với những người đã gây ra tổn thương tâm lý và thể chất cho chính mình. Điều này cũng sẽ gia tăng các vấn đề tâm lý và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.
Làm thế nào khi có cha mẹ độc hại?
Việc lớn lên trong một gia đình độc hại thực sự là trải nghiệm không hề dễ chịu. Dù không thể thay đổi quá khứ, bạn vẫn có thể tạo dựng hạnh phúc cho bản thân và tránh xa những người đã làm tổn thương mình. Tuy nhiên như đã đề cập, bố mẹ và con cái luôn có mối liên hệ mật thiết nên rời bỏ gia đình thực sự là một việc không hề dễ dàng.
Để chữa lành tổn thương do cha mẹ độc hại gây ra, bạn có thể áp dụng một số cách sau:
1. Không bắt buộc phải tha thứ cho bố mẹ
Trong văn hóa của người Á Đông và nhiều tôn giáo, con cái không có quyền thù hận hay chỉ ra lỗi sai của bố mẹ. Tuy nhiên, điều này không thực sự đúng bởi nhiều bậc cha mẹ gây ra tổn thương nặng nề cho con cái. Khi chia sẻ vấn đề mình gặp phải với mọi người, điều bạn nhận lại đa số là lời khuyên nên tha thứ cho bố mẹ.
Tuy nhiên, tha thứ không giúp giải tỏa những cảm xúc dồn nén mà ngược lại có thể khiến tâm lý của bạn trở nên nặng nề hơn. Vì vậy, hãy hiểu rằng bạn không nhất thiết phải tha thứ cho bố mẹ nếu bị tổn thương nặng nề cả về thể chất và tinh thần. Nên để bản thân có một khoảng thời gian bình tâm và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống. Khi tâm lý đã thoải mái, bạn có thể quyết định tha thứ cho bố mẹ mình hay không.
Trải nghiệm khi sống cùng bố mẹ độc hại thực sự không hề dễ dàng. Vì vậy, không ai có thể hiểu hết những gì bạn phải trải qua. Hãy tôn trọng cảm xúc của bản thân trước những lời khuyên và lời chỉ trích của những người xung quanh.
2. Đừng cố thay đổi bố mẹ
Cha mẹ độc hại gần như không bao giờ thay đổi. Việc cố thay đổi họ chỉ mang lại sự mệt mỏi cho chính bạn. Mặc dù vậy, bạn có thể thay đổi phản ứng của mình với cách cư xử không đúng mực của bố mẹ. Việc cư xử khác đi có thể khiến bố mẹ cảm thấy không hài lòng và nổi nóng. Tuy nhiên, bạn nên phớt lờ cảm xúc của bố mẹ và tập trung cho cuộc sống của bản thân.
Nghe thì có vẻ ích kỷ nhưng việc nghe theo những gì bố mẹ nói thực sự rất mệt mỏi. Nếu tất cả đều phải diễn ra theo sự sắp xếp của bố mẹ, cuộc đời này sẽ không còn là của riêng bạn. Vì vậy, hãy sống cho bản thân và từ chối những yêu cầu vô lý từ gia đình.
3. Tạo khoảng cách, ranh giới với bố mẹ
Khi bắt đầu phản kháng lại những hành vi, lời nói độc hại của bố mẹ, bạn sẽ nhận được những lời chỉ trích như bất hiếu và ích kỷ. Tuy nhiên, hơn ai hết, bạn là người hiểu rõ những gì mình đã phải trải qua và chỉ có bạn mới tự chữa lành được vết sẹo trong tâm hồn.
Cha mẹ độc hại đã quen với việc kiểm soát và điều khiển con cái. Do đó, khi bạn tạo ra ranh giới, họ có thể nổi nóng và không chấp nhận điều này. Nếu đã đủ khả năng lo cho bản thân, bạn có thể dọn ra ở riêng để tránh mâu thuẫn. Thực tế, việc dung hòa với bố mẹ độc hại thực sự không hề dễ dàng. Vì vậy, bạn nên bỏ ngoài tai những lời chỉ trích từ người khác.
4. Học cách tự chăm sóc bản thân
Thông thường, trẻ ở tuổi vị thành niên và giai đoạn đầu trưởng thành đã ý thức được những hành vi lệch lạc của bố mẹ. Tuy nhiên ở thời điểm này, con cái vẫn phải sống phụ thuộc vào gia đình do chưa có đủ năng lực để tìm kiếm việc làm. Dù vậy, bạn nên bắt đầu lối sống tự lập và biết cách chăm sóc cho bản thân.
Khi đã có đủ khả năng, bạn có thể rời khỏi bố mẹ và sống tự lập. Việc này có thể bị quy chụp là bất hiếu và ích kỷ. Tuy nhiên, hãy nhớ lại những trải nghiệm tồi tệ mà bạn phải trải qua và ý thức được rằng bạn xứng đáng với những điều tốt hơn. Dù bố mẹ có cay nghiệt với bản thân bao nhiêu, bạn cũng nên bày tỏ lòng biết ơn bằng cách hỗ trợ tài chính cho bố mẹ hằng tháng.
5. Tìm kiếm sự giúp đỡ
Trong 6 kiểu cha mẹ độc hại, có một số kiểu gây ra tổn thương nặng nề như bố mẹ bạo hành thể chất, bố mẹ nghiện rượu và lạm dụng tình dục. Trước những hành vi méo mó của bố mẹ, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người bản thân tin tưởng như họ hàng, thầy cô giáo và có thể trình báo cơ quan chức năng nếu cần thiết.
Những năm gần đây, nhiều sự việc trẻ bị bố mẹ bạo hành, đánh dập được phát giác. Điều này cho thấy thực trạng cha mẹ độc hại đang diễn ra hằng ngày và hàng triệu trẻ em phải đối mặt với những tổn thương nặng nề về thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, hãy dũng cảm tìm kiếm sự giúp đỡ để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn.
Không ai có quyền lựa chọn cha mẹ và đôi khi bạn trở thành người kém may mắn khi phải sống chung với cha mẹ độc hại. Tuy nhiên, chưa bao giờ là quá muộn để thay đổi cuộc sống và hướng đến những điều tích cực. Có thể những trải nghiệm trong quá khứ sẽ không thể nào chữa lành nhưng việc thay đổi sẽ giúp cuộc sống tốt đẹp hơn và con cái của bạn sẽ không phải đối mặt với những điều tương tự.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!