Cha Mẹ Ly Hôn Ảnh Hưởng Như Thế Nào Đến Con Cái?
Cha mẹ ly hôn, ly thân ảnh hưởng rất nhiều đến con cái từ tâm lý cho đến quá trình học tập và các khía cạnh khác của cuộc sống. Chính vì vậy, các cặp đôi cần suy nghĩ thấu đáo trong cách ứng xử để giúp trẻ vượt qua tổn thương tâm lý.
Cha mẹ ly hôn, ly thân ảnh hưởng như thế nào đến con cái?
Ly thân, ly hôn là điều không ai mong muốn khi bước vào đời sống vợ chồng. Tuy nhiên, nhiều cặp đôi đã phải đi đến quyết định này vì không thể hòa hợp với bạn đời, cả hai đã có những mâu thuẫn, bất đồng sâu sắc. Thực tế, ly hôn không phải là lựa chọn tồi tệ nhất bởi việc sống chung trong không khí nặng nề, tù túng mới thật sự nỗi ám ảnh.
Kết thúc một cuộc hôn nhân đôi khi chính là cánh cửa để mở ra nhiều cơ hội mới. Quan trọng nhất là cả hai phải tôn trọng nhau và có trách nhiệm với con cái. Dù nguyên nhân có là gì, sau mỗi cuộc hôn nhân đổ vỡ, người chịu tổn thương lớn nhất vẫn là con cái.
Thực tế, rất nhiều người cố gắng nhẫn nhịn và chung sống với một người tồi tệ vì mong muốn con cái có đủ bố và mẹ, được sinh ra và lớn lên trong gia đình trọn vẹn. Tuy nhiên, nếu các cặp đôi đã không còn tình cảm, sớm muộn sẽ xảy ra xung đột và trẻ có đủ nhận thức để nhận thấy sự bất thường của bố mẹ. Chính vì vậy, ly hôn là điều cần thiết để giải thoát cả hai khỏi rào cản hôn nhân và bắt đầu cuộc sống mới.
Có thể nói, nỗi lo lắng lớn nhất khi quyết định ly hôn là sợ ảnh hưởng đến con trẻ. Hiểu rõ việc cha mẹ ly hôn ảnh hưởng như thế nào đến con cái sẽ giúp các bậc làm cha, làm mẹ có biện pháp xử lý kịp thời nhằm giúp con trẻ vượt qua và thích ứng với việc này.
Những ảnh hưởng mà trẻ phải đối mặt khi cha mẹ ly hôn:
1. Tâm trạng buồn bã kéo dài
Khi bố mẹ ly hôn, việc đầu tiên mà trẻ phải đối mặt là tâm trạng buồn bã kéo dài. Nếu như trước đây được chung sống với cả bố và mẹ thì giờ đây, trẻ chỉ có thể ở cùng với bố hoặc mẹ. Ngoài ra, việc bị chia cách với anh chị em ruột sau khi bố mẹ ly dị cũng là điều khó khăn đối với trẻ.
Phản ứng chung của trẻ khi bố mẹ ly dị là buồn bã, bi quan và chán nản kéo dài. Trẻ sẽ mất khá nhiều thời gian để có thể bình ổn lại tâm lý và trở lại với cuộc sống như bình thường. Nghiên cứu được thực hiện vào năm 2002 bởi Nhà tâm lý học E. Mavis Hetherington của Trường Đại học Virginia (Mỹ) cho thấy, trẻ sẽ mất khoảng 2 năm để có thể vượt qua những cảm xúc tiêu cực sau khi bố mẹ ly dị như sốc, mất niềm tin, lo lắng, buồn bã và đôi khi xen lẫn sự tức giận.
Tuy nhiên, thời gian để trẻ hồi phục sau khi bố mẹ ly dị phụ thuộc vào độ tuổi cụ thể. Chẳng hạn như với trẻ chỉ từ 2 – 5 tuổi, trẻ sẽ nhanh chóng quên đi sự việc này nhưng vẫn sẽ thường xuyên hỏi tại sao bố mẹ lại không sống chung hay những câu hỏi đại loại như thế.
Theo các chuyên gia, việc bố mẹ ly hôn sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến trẻ trong độ tuổi dậy thì từ 9 – 16 tuổi. Đây là giai đoạn trẻ có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý nên đôi khi có phản ứng quá khích về việc bố mẹ ly thân, ly hôn.
Trẻ sẽ giữ sự buồn bã, bi quan, lo lắng, tức giận, xấu hổ,… dai dẳng trong một thời gian dài. Đối với trẻ đã khôn lớn, việc bố mẹ ly hôn thường không ảnh hưởng quá nhiều vì bản thân trẻ đã có hiểu biết sâu sắc về cuộc sống và phần nào nhận thức được lý do dẫn đến quyết định ly hôn.
2. Tính cách tự ti và nhút nhát
Bố mẹ ly hôn có thể ảnh hưởng đến tính cách của con cái. Cụ thể, trẻ có cha mẹ ly thân, ly hôn thường có tính cách nhút nhát, tự ti và thiếu tự tin vào bản thân – đặc biệt là khi bố mẹ ly dị trong giai đoạn trẻ mới bắt đầu đến trường (6 – 12 tuổi).
Tính cách này thường hình thành khi trẻ bị bạn bè trêu chọc về việc bố mẹ ly dị, gia đình không hạnh phúc và trọn vẹn. Những lời trêu chọc từ bạn bè khiến trẻ bị tổn thương và có xu hướng sống thu mình, cô lập.
3. Khó tập trung khi học tập
Ngoài ảnh hưởng đến tâm lý, cha mẹ ly hôn còn ảnh hưởng đến việc học tập của con cái. Trong thời gian đầu, tâm lý của trẻ thường bất ổn nên khó có thể tập trung và học tập tốt. Trẻ thường có biểu hiện lơ đễnh, hay suy nghĩ trong giờ học, tiếp thu chậm, quên làm bài tập,…
Vì lý do này, các cặp đôi cần phải lựa chọn thời điểm ly hôn phù hợp. Tốt nhất, nên thông báo với con cái khi trẻ đã nghỉ hè hoặc đã hoàn thành kỳ thi quan trọng. Điều này sẽ giúp trẻ có thời gian để bình ổn lại tâm lý, qua đó giảm thiểu ảnh hưởng đối với quá trình học tập.
4. Có quan niệm lệch lạc về tình yêu
Khi bố mẹ không hạnh phúc, trẻ sẽ dễ hình thành những quan niệm lệch lạc về tình yêu. Đa phần trẻ sống trong gia đình không trọn vẹn, bố mẹ thường xuyên cãi vã và có hành vi bạo lực thường có những suy nghĩ cực đoan về tình yêu. Chẳng hạn như tình yêu là điều không cần thiết và chỉ mang lại sự đau khổ, yếu đuối và tổn thương.
Tuy nhiên, cũng có những trẻ khi lớn lên mắc phải hội chứng ám ảnh tình yêu – một dạng rối loạn tâm lý đặc trưng bởi việc khao khát được yêu và muốn kiểm soát được tình yêu. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sống trong gia đình không hạnh phúc khiến trẻ luôn khao khát cảm nhận được tình yêu. Tuy nhiên, hội chứng này gây ra rất nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, cần có các biện pháp hỗ trợ kịp thời để giúp trẻ vượt qua tổn thương tâm lý sau khi bố mẹ ly dị.
5. Nguy cơ mắc hội chứng sợ kết hôn
Hội chứng sợ kết hôn là một dạng ám ảnh sợ đặc hiệu mà người bệnh sợ hãi quá mức, dai dẳng về việc phải kết hôn và gắn kết với một người nào đó. Người mắc hội chứng này vẫn có thể yêu đương và có tình cảm với những người khác. Tuy nhiên, họ sẽ từ bỏ mối quan hệ nếu đối phương đề nghị tiến xa hơn.
Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân từ chối các mối quan hệ tình cảm để không làm tổn thương người khác và chính bản thân. Bởi người mắc hội chứng này đôi khi vẫn dành tình cảm sâu sắc nhưng vì lo sợ vấn đề kết hôn nên phải chấm dứt mối quan hệ trong miễn cưỡng. Điều này gây ra sự đau khổ và dằn vặt cho chính người bệnh.
Hiện tại, nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng sợ kết hôn vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, đã có nhiều bằng chứng cho thấy, trẻ lớn lên trong gia đình không trọn vẹn, bố mẹ ly hôn và ly thân là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc phải hội chứng này.
6. Có các hành vi chống đối
Ly hôn có thể khiến con cái bị tổn thương sâu sắc. Một số trẻ có thể phản ứng với nỗi đau bằng các hành vi chống đối, phá phách. Trong trường hợp này, trẻ thường cho rằng bố mẹ hoàn toàn không nghĩ đến mình mà chỉ nghĩ cho bản thân nên mới quyết định ly dị, ly thân.
Các hành vi chống đối đôi khi được thực hiện nhằm mục đích thu hút sự chú ý và quan tâm của bố mẹ. Lúc này, bố mẹ cần phải thấu hiểu tâm lý của con cái để có cách xử lý đúng đắn. Trên thực tế, rất nhiều gia đình không hiểu được nguyên nhân sâu xa trong các hành vi của con và quy chụp con cái hư hỏng. Điều này khiến cho trẻ càng thêm tổn thương và dễ hình thành ý nghĩ, quan điểm lệch lạc.
7. Bất thường trong quá trình phát triển nhân cách
Ngoài những ảnh hưởng trên, cha mẹ ly hôn cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách của trẻ. Bố mẹ ly hôn, ly thân, bạo lực và xung đột gia đình được xem là yếu tố thuận lợi gia tăng nguy cơ mắc phải các rối loạn nhân cách như:
- Rối loạn nhân cách ranh giới
- Rối loạn nhân cách phụ thuộc
- Rối loạn nhân cách thể kịch tính
- Rối loạn nhân cách né tránh
Tuy nhiên, đây chỉ là yếu tố thuận lợi, hoàn toàn không phải là nguyên nhân trực tiếp. Dù vậy, việc quan tâm đến tâm lý của con cái sau khi ly hôn là điều rất cần thiết để giúp con vượt qua bất ổn về tâm lý và lấy lại tinh thần lạc quan, vui vẻ vốn có.
Cần làm gì để giúp trẻ thích ứng với việc cha mẹ ly hôn?
Hậu ly hôn, các cặp đôi và con cái đều phải đối mặt với những tổn thương tâm lý. Tuy nhiên, con trẻ chưa có hiểu biết sâu sắc nên đôi khi không biết cách vượt qua và dễ hình thành những quan điểm, suy nghĩ sai lệch về tình yêu, hôn nhân và nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống.
Nếu cả hai đi đến quyết định ly dị, nên trao đổi trực tiếp và an ủi để con cái biết rằng, dù cha mẹ không còn chung sống với nhau nhưng vẫn dành tình cảm và sự quan tâm đối với con. Tùy vào độ tuổi, bố mẹ phải lựa chọn lý do phù hợp để giải thích cho việc vì sao đi đến quyết định chấm dứt mối quan hệ. Sự trung thực sẽ giúp con hiểu hơn và tôn trọng quyết định của bố mẹ. Tuy nhiên, cả hai không nên đề cập đến lỗi lầm của đối phương và chỉ trích, trách móc nhau trước mặt con cái.
Hơn ai hết, con cái là người bị tổn thương sâu sắc sau khi bố mẹ ly dị. Dù sống chung với bố hay mẹ, cả hai đều phải quan tâm đến con. Vào cuối tuần, cả hai nên dành thời gian để trò chuyện và chia sẻ cùng con những vấn đề, sự việc xảy ra trong cuộc sống. Nếu ở xa con cái, nên liên lạc với con thường xuyên qua điện thoại để giúp con cảm thấy được quan tâm, tránh cảm giác cô đơn và bị bỏ rơi.
Các cặp đôi nên ly hôn trong hòa bình và dành cho nhau sự tôn trọng để tìm ra cách giáo dục, quan tâm con cái đúng đắn. Trong trường hợp này, con trẻ khi lớn lên hầu như không gặp phải bất cứ vấn đề tâm lý nào mà ngược lại còn hiểu hơn về ý nghĩa thực sự của hôn nhân và tầm quan trọng của việc tôn trọng, thấu hiểu trong một mối quan hệ.
Ly hôn đôi khi là giải pháp tốt nhất cho một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Tuy nhiên, các cặp đôi cần hiểu được vấn đề cha mẹ ly hôn ảnh hưởng như thế nào đến con cái để lựa chọn thời điểm ly dị phù hợp và biết cách giúp con vượt qua tổn thương tâm lý. Nếu cần thiết, nên xem xét cho trẻ tham vấn tâm lý để đối mặt với việc bố mẹ không thể chung sống cùng nhau trong tương lai.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!