7 Dấu Hiệu Cho Thấy Cha Mẹ Đang Tạo Áp Lực Lên Con Cái
Trong thực tế, ai là cha mẹ đều muốn con cái mình đạt được những điều tốt đẹp và thành công trong cuộc sống. Thế nhưng đôi khi những mong mỏi đó lại khiến cho con cái cảm thấy ngột ngạt và mệt mỏi. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn biết được các dấu hiệu cho thấy cha mẹ đang tạo áp lực lên con cái và một số hậu quả khôn lường của tình trạng này.
Dấu hiệu nhận biết cha mẹ đang gây áp lực lên con cái
Hiện nay, tình trạng cha mẹ tạo nên những áp lực lên con cái không còn là điều hiếm gặp. Nó xuất hiện rất nhiều ở mỗi gia đình, thậm chí đang ở mức đáng báo động và cần phải được nhanh chóng khắc phục. Cũng bởi những hệ lụy từ các áp lực mà cha mẹ tạo ra cho con cái là vô cùng nặng nề, nó có thể làm ảnh hưởng đến tâm lý, quá trình học tập và sự phát triển lâu dài của trẻ.
Để có thể ngăn chặn được tình trạng này và những hậu quả mà nó gây ra thì bản thân các bậc phụ huynh phải sớm nhận biết được những áp lực mà mình vô tình tạo nên cho con cái. Điều này thật sự không khó, nếu bạn có những dấu hiệu sau đây thì khả năng cao con cái của bạn đang phải gánh chịu rất nhiều sự áp lực, căng thẳng và mệt mỏi.
1. Thường xuyên trách mắng, phê phán con nhiều hơn là khen ngợi
Nếu cha mẹ thường xuyên có những lời nói chê trách, phê bình con ở hầu hết các tình huống xảy ra hàng ngày thì có thể họ đang tạo nên một áp lực rất lớn đối với con cái. Trong thực tế có rất nhiều các bậc phụ huynh chỉ tập trung vào những sai lầm của con cái và ngó lơ, bỏ qua các điều tích cực, tốt đẹp mà con đã làm được. Từ đó họ sinh ra thói quen chỉ sử dụng những lời nói mắng chửi, phê phán thay vì khen ngợi, tán thưởng con cái của mình.
Nhiều bậc phụ huynh thường có quan điểm rằng việc chê bai con cái là sẽ là một động lực để con có thể phát triển và trưởng thành hơn, nếu cứ liên tục khen ngợi con sẽ làm con ỷ lại và không biết cố gắng. Tuy nhiên, việc liên tục đưa ra những lời chỉ trích, phán xét không thể thúc đẩy con tiến bộ và phát triển hơn mà ngược lại còn gây ra rất nhiều áp lực cho con.
Ngay cả người lớn cũng không thích liên tục nghe những lời chê trách hoặc khơi gợi về những lỗi lầm của mình. Trẻ con cũng như thế, do đó để có thể giúp con đạt được những thành tích tốt hơn và cố gắng nỗ lực thì cha mẹ cần phải biết cách kết hợp cả lời khen và những lời phê bình.
Khi con đạt được những thành tích tốt hoặc làm được một việc gì đó thì phụ huynh cũng nên tán thưởng, khen ngợi con, đồng thời nếu con có những hành vi sai trái thì cũng cần bình tĩnh phân tích, giúp con nhận định vấn đề thay vì cứ cố gắng chửi mắng, la rầy con.
2. Quản lý và bó buộc con quá mức
Sự quản lý quá chặt chẽ về mọi hoạt động học tập, vui chơi của trẻ cũng là một trong các dấu hiệu nhận biết cha mẹ đang tạo nên những áp lực vô hình lên con cái. Trong thực tế, nếu con còn ở độ tuổi dậy thì, chưa có đủ kinh nghiệm sống thì cha mẹ cũng cần phải quan tâm và giúp đỡ con trong một số vấn đề cần thiết.
Tuy nhiên, nếu các bậc phụ huynh tham gia vào quá nhiều các hoạt động của trẻ, kiểm soát trẻ một cách quá mức sẽ làm cản trở đến quá trình phát triển của trẻ. Nhiều gia đình luôn rà soát mọi hoạt động hàng ngày của con, từ việc con học tập, sinh hoạt, vui chơi, kết bạn, thực hiện các công việc lặt vặt cũng bị cha mẹ quản lý nghiêm ngặt.
Dĩ nhiên, cha mẹ quan tâm và chăm sóc con cái là điều đúng đắn, tuy nhiên nếu can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của trẻ, không cho trẻ có được không gian riêng tư thì lại là điều không hay. Để trẻ có thể phát triển tốt, cha mẹ nên cho phép trẻ phạm phải sai lầm và đối mặt để giải quyết chúng.
3. Dạy con tư tưởng nghiêm trọng hóa mọi vấn đề
Hiện nay có rất nhiều các bậc phụ huynh dạy con theo tư tưởng trầm trọng hóa mọi vấn đề, “được ăn cả, ngã về không”. Cụ thể như khi con đạt điểm kém hoặc hoàn thành bài thi không tốt như mong đợi thì cha mẹ thường có xu hướng nói với con rằng con sẽ chẳng còn cơ hội nào tốt hơn, con sẽ bị bạn bè trêu chọc, chê cười.
Tuy rằng trong cuộc sống có những tình huống trẻ phải thực sự nỗ lực vì đôi lúc sẽ không có thêm cơ hội nào nữa. Tuy nhiên, nếu vụt mất lần này trẻ nhỏ vẫn có nhiều cơ hội khác để chứng tỏ mình bằng một cách khác. Khi cha mẹ liên tục “gieo” vào đầu con trẻ những tư tưởng tiêu cực sẽ khiến cho trẻ cảm thấy vô cùng áp lực, tâm lý bị đè nặng.
Thậm chí có một số bậc phụ huynh không chỉ gây áp lực cho con vào những tình huống, sự kiện quan trọng mà ngay cả những việc nhỏ nhặt hàng ngày như bài kiểm tra 15 phút, cuộc thi đua trong lớp học,…cũng sẽ dạy con theo tư tưởng này. Điều này khiến cho trẻ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và lo lắng quá mức, đôi khi không thể đạt được kết quả như mong muốn. Vì thế, cha mẹ nên nhớ rằng, trẻ nhỏ có rất nhiều cơ hội để tỏa sáng, đừng nên áp đặt suy nghĩ, mong muốn của mình vào trẻ, điều này sẽ khiến con cảm thấy ngột ngạt.
4. So sánh con với những bạn cùng trang lứa
“Con nhà người ta” là câu nói thường gặp khi cha mẹ trò chuyện, dạy bảo con cái. Cha mẹ thường xuyên nhắc đến các bạn cùng trang lứa và so sánh con mình với họ, thậm chí nghĩ rằng nếu con mình được như con bé/ thằng bé kia thì tốt biết mấy. Những câu nói tưởng chừng như vô hại của cha mẹ nhưng tạo nên áp lực rất lớn lên con cái, thậm chí nếu liên tục phải gánh chịu sự so sánh này còn khiến cho trẻ có nhiều nguy cơ bị trầm cảm, rối loạn lo âu, stress nặng,…
Việc thường xuyên bị cha mẹ so sánh với các bạn khác sẽ khiến cho trẻ hình thành tâm lý tự ti, nhút nhát, không dám thể hiện bản thân và e ngại việc tham gia vào các hoạt động, lĩnh vực hàng ngày. Trẻ sẽ có tâm lý rằng mình không đủ năng lực, bản thân kém cỏi, không vượt trội bằng những đứa trẻ mà cha mẹ thường xuyên nhắc đến.
5. Đặt ra mục tiêu và kỳ vọng quá nhiều về việc học tập của con cái
Sự kỳ vọng của cha mẹ lên con cái có thể xuất phát từ lòng yêu thương, muốn con có được một cuộc sống hạnh phúc và thành công trong tương lai. Hiện nay, không ít các trường hợp cha mẹ đặt ra mục tiêu học tập quá lớn đối với con cái khiến cho các em cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và áp lực mỗi khi đến trường. Nhiều trẻ không còn đủ thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi đúng lứa tuổi vì lịch trình học tập quá bận rộn.
Vì muốn con đạt điểm cao, đứng nhất trong mọi lần kiểm tra, thi cử mà cha mẹ bắt ép con cái phải học tập liên tục. Hơn thế, rất nhiều gia đình hiện nay chỉ đánh giá năng lực của con qua điểm số mà quên đi sự nỗ lực, phấn đấu của trẻ. Các bậc phụ huynh nên nhớ rằng mỗi đứa trẻ sẽ có khả năng khác nhau và điểm số chỉ là một công cụ nhằm đánh giá và tổng kết lại những gì mà trẻ đã được giảng dạy, nó không thể quyết định được hoàn toàn năng lực và khả năng của trẻ.
6. Cha mẹ thường xuyên nóng giận, mất bình tĩnh
Đôi lúc cũng bởi những sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ dành cho con cái mà nhiều bậc phụ huynh trở nên nóng giận, dễ mất bình tĩnh, đặc biệt là khi con không đạt được những gì mà họ mong đợi. Việc thường xuyên tức giận, cáu gắt, la mắng hoặc thậm chí là đánh đập con cái sẽ tạo cho con một áp lực rất lớn, khiến cho tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một số trường hợp khác do những sự mệt mỏi, căng thẳng vì chuyện mưu sinh, áp lực từ công việc bên ngoài mà các ông bố bà mẹ lại trút hết cơn giận lên con cái. Nếu cha mẹ thường xuyên mất bình tĩnh, không kiểm soát tốt hành vi và cảm xúc của mình sẽ khiến cho trẻ luôn trong trạng thái căng thẳng, lo lắng, bất an.
7. Có tâm lý áp đặt, không lắng nghe ý kiến của trẻ
Với cương vị là những người làm cha, làm mẹ nên các bậc phụ huynh thường có tâm lý muốn con cái phải làm theo những điều mà mình mong muốn. Trong thực tế, sự định hướng của cha mẹ sẽ giúp ích rất nhiều đối với quá trình phát triển và thành công của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu cha mẹ có tâm lý áp đặt quá mức, muốn quyết định mọi vấn đề của trẻ thì cũng tạo cho trẻ những sự áp lực, căng thẳng nhất định. Cũng bởi đôi lúc những ước mơ, sở trường của con cái lại khác xa với những gì cha mẹ định hướng và mong muốn.
Trong thực tế nhận thấy rằng, có rất nhiều trẻ em chưa thực sự được lắng nghe và thấu hiểu bởi chính thành viên trong gia đình của mình, đặc biệt là cha mẹ. Các bậc phụ huynh luôn cho rằng con cái còn nhỏ, chưa đủ khả năng tự quyết định về các vấn đề của bản thân, từ đó họ sẽ tự sắp xếp theo ý riêng của mình. Một số trẻ khi đưa ra ý kiến và mong muốn cũng bị cha mẹ phớt lờ, không quan tâm. Điều này gây nên rất nhiều sự bất ổn trong tâm lý của trẻ, khiến trẻ không thể phát triển một cách trọn vẹn.
Những hậu quả mà con cái phải gánh chịu từ áp lực của cha mẹ
Những sự quan tâm, chăm sóc, lo lắng quá mức của cha mẹ đôi lúc sẽ biến thành những áp lực to lớn đối với con cái. Nếu tình trạng này không sớm được phát hiện và khắc phục tốt sẽ khiến cho trẻ phải gánh chịu rất nhiều các hậu quả nặng nề. Cụ thể như:
1. Gia tăng nguy cơ mắc phải các bệnh tâm lý
Khi những áp lực cứ liên tục đè nặng sẽ khiến cho trẻ trở nên mệt mỏi, căng thẳng và lo lắng với mọi thứ xung quanh. Sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ khiến cho trẻ cảm thấy căng thẳng mỗi khi nhắc đến việc học tập, trẻ không còn hứng thú đối với những hoạt động bên ngoài, thậm chí những sở thích, đam mê vốn có cũng dần bị giảm đi.
Lúc này trẻ dễ nảy sinh các cảm giác tiêu cực đối với việc học hành, đôi lúc do áp lực quá lớn khiến cho kết quả học tập không còn tốt, thậm chí gây ảnh hưởng đến tâm lý và hình thành các căn bệnh nguy hiểm như rối loạn lo âu, trầm cảm. Kèm theo đó khi phải đối mặt với hàng loạt các áp lực từ phía cha mẹ sẽ khiến cho trẻ bị rối loạn ăn uống, mất ngủ, cơ thể dần bị suy kiệt, nảy sinh các hành vi sai trái như gian lận trong thi cử, nói dối,…
Bên cạnh đó, khi con cái bị căng thẳng do những áp lực mà cha mẹ đang tạo nên còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe dạ dày, bị tiêu chảy, đau đầu, phát ban hoặc một số vấn đề khác. Nhiều trẻ cảm thấy chán ghét việc học, càng cố ép buộc trẻ càng nảy sinh ra tâm lý ghét bỏ cha mẹ của mình.
2. Con cái dần xa cách với cha mẹ
Có thể những sự áp lực mà con cái phải gánh chịu từ cha mẹ chỉ xuất phát từ sự yêu thương, quan tâm và muốn che chở con cái của mình. Tuy nhiên, nếu những áp lực này không sớm được tháo gỡ sẽ vô tình tạo nên một lớp rào cản rất lớn giữa cha mẹ và con cái, trẻ cũng sẽ dần sống tách biệt và không muốn tâm sự, chia sẻ với người thân của mình.
Nếu cha mẹ cứ liên tục mắng chửi, áp đặt, so sánh con cái với những người khác sẽ khiến cho trẻ có tâm lý sợ hãi, chán ghét chính những người thân thiết của mình. Trẻ sẽ có tâm lý muốn sống độc lập, che giấu mọi vấn đề mà bản thân đang gặp phải từ việc học tập cho đến các sinh hoạt hàng ngày. Điều này dần khiến cho hai thế hệ càng ngày càng xa cách, đến một thời điểm nào đó cha mẹ sẽ không còn biết được những suy nghĩ, tâm tư của con mình.
3. Buông bỏ, thái độ bất cần
Khi những áp lực mà cha mẹ tạo ra cho con cái vượt quá mức chịu đựng thì con sẽ có xu hướng buông xuôi và không còn quan tâm đến mọi thứ xung quanh. Lúc này những sự áp đặt, lời nói hay hành vi của người lớn cũng sẽ không còn tác dụng đối với trẻ. Thậm chí con còn thể hiện sự chống đối, muốn phản kháng.
Rất nhiều trường hợp trẻ dần thu mình lại, tự bao bọc mình bởi một lớp vỏ an toàn để có thể tránh khỏi những áp lực dù rất nhỏ đến từ cha mẹ. Nhiều trường hợp cha mẹ có thể mất đi con cái nếu không kịp thời phát hiện và khắc phục những hành vi, lối tư duy gây áp lực lên con mình.
Bài viết trên đây đã giúp cho bạn đọc biết được một số dấu hiệu nhận biết cha mẹ đang tạo áp lực lên con cái. Thay vì cứ cố gắng ép buộc con theo ý của mình và đạt được những kỳ vọng không phù hợp với thực tế thì cha mẹ nên khuyến khích và động viên con cố gắng hết mình trong tất cả mọi việc.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!