Đau đầu do suy nhược thần kinh và cách xử lý
Đau đầu do suy nhược thần kinh là tình trạng khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, thường xuyên xuất hiện những cơn đau nhức ở vùng đầu. Nếu không được can thiệp và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp sẽ gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và cả cuộc sống của bệnh nhân.
Biểu hiện của đau đầu do suy nhược thần kinh
Biểu hiện của chứng đau đầu do suy nhược thần kinh khá giống với tình trạng đau đầu do ảnh hưởng từ các yếu tố khác như tâm lý căng thẳng, thay đổi thời tiết đột ngột, bệnh thiếu máu,…Cũng chính vì vậy là nhiều bệnh nhân không thể xác định được triệu chứng đau đầu của mình xuất phát từ nguyên nhân nào. Vấn đề này khiến cho rất nhiều người bệnh cảm thấy lo lắng và khó lựa chọn phương pháp khắc phục phù hợp.
Để xác định và biết rõ tình trạng đau đầu có phải do bệnh suy nhược thần kinh gây nên hay không bạn cần tiến hành thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín và chất lượng. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn chưa thể đến trực tiếp thăm khám và chẩn đoán bệnh thì có thể nhận biết qua một số biểu hiện đặc trưng sau đây:
- Cảm thấy mệt mỏi, cơ thể uể oải, thiếu sức sống, không muốn vận động hoặc thực hiện bất cứ công việc gì.
- Khi suy nghĩ hoặc gặp phải căng thẳng, áp lực cơn đau đầu sẽ gia tăng mạnh mẽ.
- Đau đầu thường sẽ kèm theo triệu chứng mất ngủ, ngủ không sâu giấc, hay tỉnh giấc lúc nửa đêm và khó ngủ lại.
- Trí nhớ suy giảm, hay quên, đôi lúc có thể quên cả những điều mới nói hoặc những sự việc mới vừa xảy ra.
- Sợ tiếng ồn, mất tập trung, không thể tiếp thu thông tin, hiệu suất công việc, học tập suy giảm.
- Cơn đau âm ỉ, dần lan ra cả đầu, cảm giác nặng đầu như đang đội mũ hoặc có vật nặng trên đầu.
Nếu tình trạng đau đầu của bạn diễn ra liên tục và có kèm với những triệu chứng trên thì nhiều khả năng suy nhược thần kinh là nguyên nhân gây ra chứng đau đầu. Đối với những người bệnh chỉ xuất hiện cơn đau đầu trong những lúc làm việc quá sức hoặc do căng thẳng kéo dài thì có thể đến tiệm thuốc để mua thuốc uống. Tuy nhiên, khi chứng đau đầu do suy nhược thần kinh cứ kéo dài liên tục và không có dấu hiệu thuyên giảm thì bạn cần phải đến gặp trực tiếp bác sĩ để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần phân biệt rõ với tình trạng đau đầu mạn tính, đặc biệt là đối với chứng đau nửa đầu hoặc đau đầu do thiếu máu não.
- Đau nửa đầu: Người bệnh sẽ thấy đau nhức 1 bên đầu và kèm theo các triệu chứng như sợ tiếng ồn, sợ ánh sáng, buồn nôn.
- Đau đầu do thiếu máu: Bệnh nhân sẽ xuất hiện các cơn đau đầu với nhiều mức độ khác nhau, bên cạnh đó còn cảm thấy hoa mắt, nặng đầu, ù tai, chóng mặt, trí nhớ suy giảm, tê bì nhức mỏi tay chân.
Cách xử lý chứng đau đầu do suy nhược thần kinh
Suy nhược thần kinh không phải là một bệnh lý nguy hiểm, nó không gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Thông thường, người bệnh chỉ cần nhanh chóng thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi hàng ngày sẽ giúp cải thiện các triệu chứng bệnh.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh nặng, các cơn đau đầu diễn ra dữ dội và thường xuyên sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, làm giảm hiệu suất công việc của bệnh nhân. Tình trạng này cần phải áp dụng thêm các biện pháp y khoa mới có thể khắc phục tốt được.
Thông thường, sau khi chẩn đoán chứng đau đầu là do bệnh suy nhược thần kinh gây ra thì các bác sĩ sẽ cân nhắc để lựa chọn biện pháp xử lý phù hợp đối với từng người bệnh. Một số phương pháp phổ biến như:
1. Sử dụng thuốc Tây
Sử dụng thuốc tây được xem là phương pháp điều trị nhanh chóng các triệu chứng của bệnh suy nhược thần kinh, đặc biệt là tình trạng đau đầu. Dựa vào nhiều yếu tố khác nhau như tuổi tác, thể trạng, mức độ bệnh mà các chuyên gia sẽ cân nhắc lựa chọn loại thuốc cho phù hợp.
Một số loại thuốc thường được áp dụng như:
- Thuốc an thần, trấn tĩnh: Những loại thuốc an thần sẽ giúp người bệnh thư giãn, đầu óc cũng thoải mái hơn, giảm bớt tình trạng đau nhức. Tuy nhiên, người bệnh cần sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh tình trạng quen thuốc.
- Thuốc tăng cường tuần hoàn và dinh dưỡng cho não bộ: Điển hình như ginkgo biloba, piracetam,…
- Thuốc giảm đau: Các loại thuốc này thường được sử dụng bởi công dụng rất nhanh, tuy nhiên chúng lại gây nên nhiều ảnh hưởng đối với gan nếu sử dụng thường xuyên hoặc dùng với liều cao. Người bệnh nên sử dụng cách xa bữa ăn và nên uống nhiều nước mỗi ngày. Thuốc giảm đau thường được dùng chính là các chất dẫn của paracetamol.
- Các loại vitamin: Nhiều người hay lầm tưởng rằng các loại vitamin chỉ có công dụng bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, trong thực tế, nhóm thuốc này cung cấp nhiều yếu tố vi lượng với công dụng giúp chuyển hóa các chất trong cơ thể, cải thiện tình trạng mệt mỏi.
Tuy rằng các loại thuốc điều trị suy nhược cơ thể có tác dụng khá nhanh, giúp kiểm soát tốt triệu chứng đau đầu, mệt mỏi. Nhưng chúng lại có nhiều nguy cơ gây nên các tác dụng phụ không mong muốn như buồn nôn, chóng mặt, hoa mắt, khó chịu,…Do đó, người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc khi có chỉ định cụ thể của bác sĩ chuyên khoa, không được tự ý tăng giảm liều dùng.
2. Áp dụng các bài thuốc Đông y
Trái ngược hoàn toàn với những loại thuốc tây chữa suy nhược cơ thể, các bài thuốc từ Đông y có tác dụng chậm nhưng lại rất lành tính và an toàn cho người bệnh. Trong Y học cổ truyền chia suy nhược thành nhiều thể bệnh khác nhau, tùy vào từng thể mà các thầy thuốc sẽ kê đơn thuốc chữa bệnh phù hợp nhất.
Một số bài thuốc Đông y chữa chứng đau đầu do suy nhược thần kinh như:
- Bài thuốc 1: Gồm 0,6g chu sa, 6g phục linh, 6g táo nhân, 6g cam thảo, 12g mạch môn, 12g quy đầu, 12g bạch thược, 12g sinh địa, 12 hoàng liên.
- Bài thuốc 2: Gồm 6g quy đầu, 6g phục thần, 6g viễn trí, 6g mộc hương, 6g long nhãn, 12g hoàng kỳ, 12g bạch truật và 12g đẳng sâm.
- Bài thuốc 3: Gồm 8g đan bì, 8g táo nhân, 8g bạch thược, 8g phục linh, 8g bá tử nhân, 8g trạch tả, 8g đan bì, 12g thục địa, 12g kim anh tử, 12g liên nhục và 12g hoài sơn.
Các bài thuốc Đông y còn có thể mang lại hiệu quả cho những tình trạng đau đầu mạn tính như đau đầu do thiếu máu não, đau nửa đầu,…Tuy nhiên, người bệnh cũng cần tìm đến các cơ sơ Y học cổ truyền chất lượng để được thăm khám và kê đơn thuốc điều trị thích hợp nhất.
3. Thay đổi lối sống tích cực
Nhanh chóng thay đổi lối sống tích cực và lành mạnh sẽ giúp cho chứng đau đầu dần được thuyên giảm và cải thiện tốt các triệu chứng khác của bệnh suy nhược thần kinh. Khi xuất hiện các cơn đau đầu bạn nên tạm dừng công việc và dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn.
Một số lời khuyên dành cho người bị suy nhược thần kinh như:
- Sắp xếp và lên kế hoạch hợp lý cho công việc, quá trình học tập của bản thân để tránh tình trạng làm việc quá sức. Người bệnh cần dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi.
- Hạn chế căng thẳng, áp lực kéo dài. Ngoài giờ học hay làm việc bạn có thể gặp gỡ bạn bè, tham gia vào các câu lạc bộ, hoạt động tập thể để giảm bớt áp lực.
- Giữ tinh thần thật thoải mái, vui vẻ, lạc quan.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và lạnh mạnh, chú ý bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho bữa ăn hàng ngày. Đối với người bị suy nhược thần kinh nên lựa chọn các thực phẩm giúp an thần, hỗ trợ tốt cho hệ tuần hoàn. Ngoài ra, người bệnh cũng cần hạn chế các món ăn cay nóng, chiên rán nhiều dầu mỡ, những thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn nhiều chất độc hại.
- Bệnh nhân nên đảm bảo giấc ngủ chất lượng, ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày và nên rèn luyện thói quen ngủ sớm trước 23 giờ. Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, tình trạng đau đầu đôi lúc có thể xuất hiện do thiếu ngủ, ngủ không sâu giấc.
- Thường xuyên vận động và rèn luyện thân thể bằng các bài tập thể dục thể thao. Mỗi ngày chỉ cần 30 phút đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp, yoga, thiền cũng giúp cho sức khỏe của bạn được nâng cao, hạn chế tình trạng đau đầu do suy nhược thần kinh. Tuy nhiên, người bệnh cũng không nên tập luyện quá sức và cần lựa chọn các môn thể thao phù hợp với sức khỏe.
- Đặc biệt, người bệnh nên hạn chế sử dụng bia rượu, thuốc lá, các chất kích thích, chất gây nghiện trong quá trình điều trị bệnh.
Đau đầu do suy nhược thần kinh là tình trạng có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể nhầm lẫn với các nguyên nhân gây đau đầu khác, vì thế người bệnh cần tiến hành thăm khám để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, từ đó mới có thể áp dụng đúng phương pháp điều trị.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!