8 Điều Con Cái Mong Chờ Cha Mẹ Thấu Hiểu Nhiều Nhất
Có rất nhiều điều con cái mong chờ cha mẹ thấu hiểu nhưng lại chẳng dễ để nói ra. Cha mẹ thường hay mặc định rằng “con con nhỏ thì đã biết gì” nhưng thực tế là những điều con biết, con suy nghĩ sẽ khiến người lớn phải bất ngờ. Hiểu được những tâm tư của con sẽ chính là chìa khóa mở cánh cửa tâm hồn giúp phụ huynh có thể kết nối, làm bạn với con dễ dàng hơn.
8 điều con cái mong chờ cha mẹ thấu hiểu mình
Người làm cha làm mẹ ai cũng mong muốn con cái mình có thể phát triển tốt nhất, toàn diện nhất, thành đạt nhất và luôn cho rằng làm theo như cha mẹ dặn sẽ luôn luôn chính xác. Trong mắt phụ huynh, con cái dù lớn bao nhiêu thì vẫn luôn là đứa con nhỏ bé, cần được bố mẹ chở che. Thế nhưng cho dù là trẻ nhỏ, con cũng có những tâm tư riêng mong muốn được cha mẹ hiểu và tôn trọng.
Trẻ con thường lớn rất nhanh, dù có bề ngoài nhỏ nhắn nhưng lại có những suy nghĩ trưởng thành đến không tưởng. Những điều con cái mong chờ cha mẹ thấu hiểu không chỉ là vì con, mà còn vì cha mẹ. Việc thấu hiểu được suy nghĩ của con sẽ là sợi dây kết nối để cha mẹ có thể làm bạn với con cái, tránh được các mâu thuẫn, xung đột không đáng có. Vậy những điều con cái mong chờ cha mẹ thấu hiểu mình là gì?
Hãy lắng nghe con
Người lớn luôn cho rằng mình đúng và bắt buộc con cái phải làm theo ý muốn của mình. Nhưng thực tế rằng, có những điều mà con chẳng hề muốn, dù nói ra cha mẹ cũng chẳng hề để tâm. Điều này khiến con cảm thấy rất buồn bã, cảm thấy không được coi trọng. Ngay cả những chuyện trong gia đình, những chuyện có liên quan đến bản thân con thì con cũng chẳng bao giờ được quyết định, ngay cả khi có những chuyện con không sai nhưng ba mẹ vẫn cứ mặc định là con không đúng.
Rất nhiều trẻ nhỏ luôn luôn thắc mắc rằng vì sao cha mẹ chưa bao giờ chịu hiểu, chịu nghe mình nói, cho mình cơ hội giải thích. Vì vậy điều con cái mong chờ cha mẹ thấu hiểu nhất chính là hãy bình tĩnh lắng nghe con ít nhất một lần. Không phải lúc nào cái cha mẹ nhìn thấy, nghe thấy cũng là sự thật. Cha mẹ luôn muốn rằng con phải lắng nghe và làm theo lời cha mẹ thì ngược lại, con cũng chỉ mong muốn cha mẹ có thể ít nhất một lần lắng nghe lời giải thích từ con.
Có những lúc con bị điểm kém do quên vở bài tập ở nhà nhưng cha mẹ vẫn luôn mặc định là do con lười biếng, con kém cỏi. Thực tế những lúc ấy con cần cha mẹ an ủi, động viên con chứ không phải là trách mắng. Chỉ cần cha mẹ lắng nghe con là biết con đã thức đến tối muộn hôm qua để học bài đến nỗi ngủ quên trên bàn học nên sáng hôm sau mới quên vở ở nhà.
Trước bất cứ vấn đề nào, phụ huynh cũng cần bình tĩnh lắng nghe con giải thích, trình bày các vấn đề. Đây cũng là cách thể hiện sự tôn trọng con. Khi đã hiểu rõ vấn đề, phụ huynh mới bắt đầu giải thích, phân tích các vấn đề để con hiểu, tránh đưa cái nhìn phiến diện và cảm xúc của mình sẽ thiếu đi tính công bằng, vô tình có thể tạo cho con cảm giác oan ức, không phục và giận dỗi, xung đột với cha mẹ.
Điều con cái mong chờ cha mẹ thấu hiểu – đừng so sánh con với người khác
“Sao cái A được 8 điểm mà con chỉ được 7,5?”; ” Sang mà xem cái B vừa học giỏi lại còn vừa biết phụ mẹ làm việc nhà, sao mà giỏi thế”; ” Con chơi với cái C mà sao không giỏi được như nó”. Việc so sánh con mình và “con nhà người ta” thực sự là một “bài ca trong truyền thuyết” của tất cả phụ huynh với mong muốn để con nỗ lực hơn, nhưng thực tế chỉ làm con thấy nhụt chí và thất vọng về bản thân hơn mà thôi.
Không ai muốn là bản sao của ai, cũng chẳng ai muốn mình bị đem so sánh với người khác, ngay chính cả phụ huynh cũng như thế, vậy vì sao lại đem con đi so sánh với người khác? Điều con cái mong chờ cha mẹ thấu hiểu chính là cảm giác bị so sánh với người khác vô cùng ấm ức, tủi thân, buồn bã, thất vọng về chính mình nên ba mẹ đừng làm như vậy nữa.
Cha mẹ hãy tin tưởng con nhiều hơn
Tất nhiên không phải cha mẹ nào cũng không tin tưởng con cái nhưng tùy theo độ tuổi mà mức độ tin tưởng khác nhau. Chẳng hạn khi một đứa trẻ 15 tuổi muốn học đàn ghita, mẹ có thể nói tay con ngắn như vậy làm sao mà chơi được. Khi cô giáo gọi điện để hỏi thăm con, mẹ đã nghĩ ngay rằng do con quậy phá hay học hành sa sút nên cô giáo mới phải gọi điện. Cha mẹ luôn nghi ngờ năng lực, nói rằng con không thể làm được sẽ khiến con nhụt chí, mất niềm tin vào chính bản thân mình.
Vì vậy, điều con cái mong chờ cha mẹ thấu hiểu chính là hãy đặt niềm tin ở con nhiều hơn. Đôi lúc cả khi con thực sự không làm được nhưng chỉ cần cha mẹ nói rằng “mẹ tin con, con sẽ làm được” hay “chỉ cần con cố gắng hết mình, cha mẹ luôn tự hào về con” là con sẽ lại tiếp tục cố gắng để không làm cha mẹ thất vọng. Dù bất cứ tình huống nào điều con muốn nhận được chính là sự tin tưởng, động viên từ cha mẹ chứ không phải là việc nghi ngờ hay nói rằng con đừng làm.
Dẫu biết rằng nhiều phụ huynh luôn không muốn khen con vì sợ con tự cao nhưng một lời động viên từ cha mẹ còn có giá trị hơn là một phần thưởng mà con nhận được. Trong các vấn đề xung quanh cũng vậy, cha mẹ cũng cần hiểu và tin tưởng con là người như thế nào, liệu có làm những chuyện như vậy hay không trước những lời bàn tán xung quanh.
Điều con cái mong chờ cha mẹ thấu hiểu – hãy tôn trọng sở thích của con
“Là con gái thì phải mặc váy màu hồng mới xinh”, “con trai thì phải chơi bóng đá”, “con phải làm bác sĩ mới thành đạt”.. Chẳng biết tự bao giờ người lớn lại luôn có những suy nghĩ như thế này và bắt buộc con cái phải thực hiện. Nhưng cha mẹ ơi, con dù nhỏ nhưng cũng có những sở thích, những ước mơ của riêng mình. Và đây cũng là điều con cái rất mong chờ cha mẹ thấu hiểu và tôn trọng những sở thích đó.
Phụ huynh thường cho rằng mình nhiều tuổi hơn, mình đã chăm sóc cho con từ thuở lọt lòng nên mình hiểu con nhất, mình biết cái gì tốt cho con. Nhưng thực tế họ chẳng hiểu gì về con cả. Thứ con muốn chưa chắc đã là thứ gì tốt nhất mà là thứ gì phù hợp nhất, thứ gì con yêu thích nhất. Chỉ khi làm được những điều đó con mới thực sự vui vẻ hạnh phúc.
Điều con cái mong chờ cha mẹ thấu hiểu chính là hãy hỏi và tôn trọng ý kiến, mong muốn của con trong mọi vấn đề có liên quan tới con. Dù lớn hay nhỏ con cũng muốn có quyền được đưa ra ý kiến, ít nhất trong những vấn đề có liên quan đến bản thân mình, chẳng hạn như trang phục, trường học hay chỉ đơn giản là việc ăn món gì.
Đừng cãi nhau trước mặt con
Tất nhiên điều này không xảy ra ở tất cả các phụ huynh nhưng cũng là điều con cái mong chờ cha mẹ thấu hiểu. Cha mẹ cãi nhau, sỉ nhục nhau, dùng những lời lẽ thiếu chuẩn mực đạo đức xã hội có thể trở thành những vết thương trong tâm trí mà con không thể nào xóa bỏ. Hơn hết hình ảnh cha mẹ hạnh phúc, hoàn hảo cũng trở nên tan vỡ trước mắt những đứa trẻ thơ ngây.
Dù trong bất cứ trường hợp nào, tức giận ra sao phụ huynh cũng tuyệt đối không nên cãi nhau trước mặt con cái. Ngay khi những cuộc tranh luận đạt mức độ cao trào, cả hai có thể buông ra lời sỉ nhục hay có các hành vi ném đồ, nói tục thì cần cố gắng kiểm soát cảm xúc và dừng lại ngay lập tức. Nếu có bất cứ vấn đề nào hãy lựa thời điểm không có con cãi hoặc cố gắng tranh luận một cách văn minh để tránh ảnh hưởng đến tâm lý, suy nghĩ của con.
Rất nhiều đứa trẻ đã phải lớn lên trong tiếng mắng chửi nhau của cha mẹ, điều này có thể tác động xấu đến cả suy nghĩ và nhận thức, tính cách của con. Trẻ có xu hướng ít nói, lầm lì hoặc bạo lực hơn bình thường. Thống kê cho thấy ở những trẻ gặp các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu thì gia đình đều có xu hướng bạo lực, cha mẹ thường xuyên cãi nhau, thiếu hòa thuận.
Điều con cái mong chờ cha mẹ thấu hiểu – đừng trách mắng con trước mặt người ngoài
Tránh mắng, la rầy hay phạt con nơi đông người là một trong những lỗi sai trong giáo dục mà rất nhiều phụ huynh gặp phải hiện nay. Nhiều người cho rằng làm cách này sẽ răn đe, khiến con cảm thấy sợ và không dám tái phạm nữa. Tuy nhiên thực tế, đôi khi nó không đạt được tác dụng này mà còn tạo thành những bóng đen tâm lý, khiến con có xu hướng nổi loạn hơn hoặc trở nên nhút nhát, sợ hãi xung quanh, không còn tin tưởng ai.
Dù là trẻ nhỏ hay người lớn thì cũng đều có lòng tự trọng, chỉ là chúng ta hay lầm tưởng trẻ con thì nhanh quên hơn mà thôi. Việc cha mẹ xử phạt trẻ trước mặt đông người, đặc biệt là bạn bè chúng cũng làm hủy hoại lòng tự trọng của trẻ, khiến trẻ xấu hổ, ngại ngùng không còn dám gặp mặt bạn bè. Ảnh hưởng tâm lý khi bị bạn bè trêu chọc cũng không phải là vấn đề mà phụ huynh có thể xem nhẹ.
Điều con cái mong chờ cha mẹ thấu hiểu chính là hãy đối xử với con như những người lớn, tôn trọng và giữ gìn thể diện cho con. Hãy xử phạt và nói chuyện với con một cách thật tế nhị, riêng tư thay vì cứ to tiếng nơi đông người.
Công nhận con thay vì chỉ chú trọng vào khuyết điểm
Mỗi khi con cố gắng đạt được điều gì đó, con sẽ đem về khoe với cha mẹ để được khen rằng con thật giỏi, thật đáng tự hào. Nhưng đáp lại nỗ lực của con, cha mẹ lại trả lời rằng chắc do “may mắn thôi” hay “đầy người được giải đấy thôi, dễ như ăn kẹo”. Điều này khiến con vô cùng hụt hẫng và tủi thân, chẳng còn muốn cố gắng nhiều nữa.
Bất cứ ai cũng thích được khen ngợi, được công nhận những nỗ lực, cố gắng của mình. Con cái thường cố gắng làm mọi thứ để được cha mẹ dành những lời khen, cảm thấy tự hào về mình. Tuy nhiên một số phụ huynh thường không như vậy. Thay vì chú ý đến thế mạnh, những điểm tốt của con cái họ lại thường chỉ chú ý đến những điều con làm chưa tốt, chê trách các khuyết điểm của con. Điều này khiến bé cực kỳ tổn thương, thất vọng và không còn muốn cố gắng.
Chẳng hạn khi con thi văn được 9 điểm, cao nhất lớp nhưng toán lại chỉ được 7 điểm. Thay vì vội vàng la mắng vì con học không đều, trách con học yếu kém môn toán thì trước tiên hãy khen học đã làm tốt môn văn. Nếu thấy con có tiềm năng phát triển tốt trong môn này, phụ huynh cũng có thể tìm hiểu về mong muốn, sở thích để tạo cơ hội cho con phát triển thế mạnh này hơn. Song song đó vẫn cần phân tích để con hiểu và cố gắng hơn trong môn toán, tránh vì quá yêu thích môn văn mà bỏ bê môn toán sẽ không được.
Hãy dành thời gian chơi với con nhiều hơn
Mặc dù càng lớn, việc trò chuyện với cha mẹ càng trở nên khó khăn hơn bởi cả hai đều không còn chung nhiều suy nghĩ, tư tưởng nhưng trong thâm tâm con luôn muốn cha mẹ có thể dành nhiều hơn để chơi cùng con hoặc chỉ đơn giản là nói chuyện cùng con. Phụ huynh thường bận rộn với việc kiếm tiền vì cho rằng chỉ cần gia đình đầy đủ thì con sẽ được vui vẻ, gia đình hạnh phúc mà quên rằng việc kết nối các thành viên với nhau cũng rất quan trọng.
Đôi khi con cũng rất muốn tâm sự, trò chuyện với cha mẹ nhưng ai cũng bận rộn, kể cả giờ ăn cơm cũng chẳng ai muốn nghe con nói cả. Khi thấy cha mẹ mệt con cũng muốn chạy ra đấm bóp, chia sẻ nhưng ai cũng đuổi con đi học bài rồi lại bận rộn làm việc. Ngay cả ngày nghỉ cuối tuần cha mẹ cũng bận việc này việc kia, cả nhà chẳng có mấy thời gian để cùng đi chơi hay chỉ đơn giản là trò chuyện thật nhiều.
Có rất nhiều điều mà điều con cái mong chờ cha mẹ thấu hiểu, tuy nhiên không hề dễ dàng để con có thể nói ra. Phụ huynh cần là người chia sẻ, chủ động trò chuyện để hiểu và dễ dàng kết nối với con hơn. Học cách để làm bạn với con chính là một thử thách lớn dành cho tất cả những người làm cha mẹ nhưng những thành quả trong quá trình phát triển hoàn thiện của con sẽ là nguồn độc lực lớn nhất để phụ huynh thay đổi và cố gắng hơn từng ngày.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!