Cha Mẹ Nên Làm Gì Để Giải Quyết Mâu Thuẫn Với Con Cái?
Cha mẹ cần làm gì để giải quyết các mâu thuẫn với con cái là điều rất nhiều người quan tâm. Phụ huynh cần “rắn”, “mềm” đúng lúc, thẳng thắn chia sẻ và giải quyết các vấn đề từ sớm, tránh để con có suy nghĩ ấm ức khó chịu. Tôn trọng và coi con như một người bạn cũng là cách để hòa hợp mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái tốt hơn.
Làm gì để giải quyết mâu thuẫn với con cái
Sự khác biệt giữa góc nhìn của hai thế hệ chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra những mối bất hòa, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Chẳng hạn bố mẹ luôn muốn con ngủ sớm và dậy sớm, trong khi đó người trẻ hiện nay thường có xu hướng thức khuya và ngủ nướng cho thật đã. Hoặc trong cách ăn mặc, phụ huynh luôn muốn những cô con gái mặc đồ dịu dàng, váy vóc nhẹ nhàng nhưng người con lại thích phong cách hầm hố với quần jean và áo da đen.
Có rất nhiều các vấn đề có thể làm nảy sinh mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, nếu không được giải quyết sớm sẽ khiến cả hai bên không hiểu nhau, không tìm được tiếng nói chung. Việc hóa giải những hiểu lầm rất cần có sự chủ động của một trong hai phía, trong đó cha mẹ nên là người mở lòng để hiểu rõ về con hơn. Tình cảm gia đình là một thứ vô cùng thiêng liêng và tốt đẹp, có thể sưởi ấm trái tim giá lạnh của bất cứ ai, vì vậy cha mẹ hãy chủ động để giải quyết các mâu thuẫn không đáng có càng sớm càng tốt.
Bình tĩnh trong mọi vấn đề
Cho dù con làm gì sai hay khi cả hai bên đang tranh luận bất cứ một vấn đề nào đó gay gắt nhưng cha mẹ cũng đều phải cố gắng giữ bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc của bản thân trong mọi tình huống. Cha mẹ chính là tấm gương để con cái noi theo nên việc bạn nổi nóng, tức giận, to tiếng hay thậm chí là ném đồ, nói tục khi dạy con cũng sẽ khiến con bị ảnh hưởng, học theo. Học cách kiểm soát cảm xúc cũng là phương pháp quan trọng nếu muốn giải quyết mâu thuẫn với con cái.
Não bộ sẽ chỉ suy nghĩ theo cách mà chúng ta muốn, nhất là khi tức giận. Vì vậy trong mọi vấn đề, nếu tức giận phụ huynh sẽ khó nhìn nhận nó một cách khách quan, chỉ luôn cho rằng mình đúng mà không nghĩ đến cảm xúc, suy nghĩ của con. Trong trường hợp con không sai mà bị phụ huynh khiển trách sẽ có tâm lý oan ức khiến mối quan hệ ngày càng trở nên căng thẳng hơn.
Tốt nhất khi đang cảm thấy nóng giận, bực tức phụ huynh khoan hãy xử lý mâu thuẫn hay đưa ra bất cứ kết luận nào mà hãy đợi đến khi bình tĩnh lại, tâm trí được cân bằng. Nhìn nhận mọi việc theo nhiều chiều hướng, không nhìn bằng con mắt của cha mẹ đối với con cái mà là vị trí của một người trung gian để có cái nhìn công tâm nhất.
Tôn trọng và lắng nghe con
Hầu hết trẻ em Việt Nam đều được dạy dỗ là luôn phải nghe lời cha mẹ và cha mẹ cũng luôn áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái, ít cho con đưa ra ý kiến của bản thân. Trẻ khi đến tuổi vị thành niên và ở các độ tuổi lớn hơn đang hoàn thiện dần về nhận thức, tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều hơn nên dần có những tâm lý thay đổi, muốn phát triển và thể hiện bản thân hơn. Nhưng khi về nhà lại không được cha mẹ công nhận. Điều này khiến con cảm thấy ấm ức, buồn bã, dễ nảy sinh xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con cái tuổi vị thành niên.
Bố mẹ không thể nào sống thay cuộc đời cho con cái, vì vậy cũng không thể mãi mãi áp đặt suy nghĩ của mình, bắt con phải làm thế này, thế kia. Ngay từ việc học tập, ăn mặc hay sở thích, cho dù rằng mục đích phụ huynh làm như thế là muốn tốt cho con nhưng trong suy nghĩ của con đó chỉ là sự áp đặt, cho rằng cha mẹ thật “ích kỷ”.
Ở một số trẻ vị thành niên hoặc trẻ bị stress căng thẳng hay trầm cảm có liên quan đến yếu tố gia đình luôn thường có chung một câu hỏi là vì sao cha mẹ không chịu lắng nghe chúng nói. Phụ huynh đôi lúc cũng cần hạ cái tôi của bản thân, chịu khó lắng nghe những chia sẻ của con để hiểu rằng con cần gì, muốn gì thì mới có thể kết nối được với con. Chỉ khi cả hai có thể ngồi xuống trò chuyện, lắng nghe nhau thì mâu thuẫn mới có thể được giải quyết.
Học cách tôn trọng, lắng nghe con cái cũng là bài học mà rất nhiều phụ huynh cần có nếu thực sự muốn hiểu con, hóa giải những hiểu lầm, giải quyết mâu thuẫn với con cái. Để cho con thấy rằng cha mẹ luôn lắng nghe, luôn tôn trọng con cũng là cách để dạy con cách tôn trọng cha mẹ và những người khác.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần thể hiện sự tôn trọng con qua những hành động như gõ cửa trước khi vào phòng con, hỏi ý kiến của con trước khi mua món đồ gì đó cho con hay cho cả gia đình. Trong các cuộc họp hay các sự kiện trọng gia đình, cha mẹ cũng có thể cho con phát biểu ý kiến, đóng góp ý tưởng để con thấy rằng mình cũng rất quan trọng, cha mẹ luôn tin tưởng mình.
Chủ động trong giải quyết mâu thuẫn với con cái
Phụ huynh thường hay có suy nghĩ rằng con cái thì phải xin lỗi cha mẹ, dù cho cha mẹ có sai đi chăng nữa, việc phụ huynh mở lời trước sẽ rất xấu hổ. Trong khi đó con cái cũng thường rất ngại ngùng khi phải mở lời trước sau khi vừa giận cha mẹ, một số khác có suy nghĩ rằng mình không sai, cảm thấy oan ức nên nhất định cũng ương bướng không chịu mở lời nói chuyện trước.
Tất nhiên mâu thuẫn sẽ không thể nào được giải quyết nếu một trong hai không chịu “xuống nước” trước. Trong gia đình, mâu thuẫn này không được giải quyết sẽ có thể tự bỏ qua, mọi người có vẫn có thể nói chuyện với nhau như bình thường nhưng trong tâm trí lại đang hình thành những bức tường chắn vô hình khiến các thành viên khó hòa hợp như trước.
Cha mẹ hãy luôn là người chủ động giải quyết mâu thuẫn với con cái, mở lời nói chuyện trước và giải quyết các vấn đề thẳng thắn với con. Hãy hỏi con rằng trong chuyện vừa xảy ra, con thấy mình là người sai hay đúng, cách suy nghĩ của con về sự việc đó như thế nào. Sau khi nghe được sự suy nghĩ chân thật từ con, cha mẹ hãy cùng phân tích các vấn đề và tìm cách giải quyết để thỏa đáng suy nghĩ của đôi bên.
Bản thân cha mẹ phải là người dạy, người thực hành việc xin lỗi và cảm ơn. Bởi nếu cha mẹ chưa bao giờ nói xin lỗi con, ngay cả khi đã biết rằng mình sai thì làm thế nào có thể bắt buộc con biết nói lời xin lỗi. Hãy luôn nhớ rằng, phụ huynh chính là tấm gương sáng nhất, chân thực nhất để con học theo hằng ngày.
Đặt ra các chuẩn mực để giải quyết mâu thuẫn với con cái
Cha mẹ cần phải biết “rắn”, “mềm” đúng lúc, không phải cứ bình tĩnh cho qua mọi chuyện tức là các mâu thuẫn có thể giải quyết. Cần thông qua các sự kiện này để đặt ra những tiêu chuẩn, quy định riêng giữa cha mẹ và con cái để tránh tái diễn. Việc thống nhất trước các quy tắc là cách để con tự rèn luyện cho mình những kỷ cương và khi con vi phạm sẽ tự biết nhận lỗi, không tái diễn lại các mâu thuẫn đó.
Phụ huynh và con cái hãy cùng nhau xây dựng các nguyên tắc riêng trong gia đình để làm các chuẩn mực giúp giải quyết mâu thuẫn với con cái khi cần thiết. Chẳng hạn con không được đi chơi quá 10 giờ đêm, nếu sai sẽ bị phạt làm việc nhà, tái phạm 3 lần sẽ phạt không được đi chơi cuối tuần. Hay cha mẹ không được tự ý kiểm tra đồ dùng cá nhân của con, không được tự ý vào phòng con khi chưa gõ cửa, nếu vi phạm sẽ phải tăng tiền ăn vặt cho con..
Tất nhiên tất cả các quy tắc này cần có sự đóng góp ý kiến và thống nhất của tất cả các thành viên trong gia đình. Phụ huynh không thể tự ý đặt ra các quy định nếu không có sự đồng thuận của con. Việc có các quy tắc này không chỉ góp phần giảm thiểu các mâu thuẫn phát sinh mà còn giúp rèn luyện cho con ý thức cá nhân, biết cách sống có trách nhiệm hơn.
Chia sẻ và trò chuyện cùng con nhiều hơn
Có một câu nói rằng “sinh con ra mới hiểu lòng cha mẹ”, điều này ý nói chỉ khi đã có con mới có thể hiểu hết nỗi niềm, cảm xúc, suy nghĩ của cha mẹ mình ngày xưa. Khoảng cách giữa các thế hệ, môi trường sống, cách giáo dục khiến phụ huynh và con cái ít khi song song đồng hành trong suy nghĩ. Mặt khác việc cha mẹ quá bận rộn làm việc, kiếm tiền, con cái quá bận học tập cũng chính là nguyên nhân khiến cả hai dần xa cách nhau mặc dù đang sống chung dưới một mái nhà.
Để giải quyết mâu thuẫn với con cái cũng như hạn chế được các xung đột sau này, phụ huynh nên dành thời gian nói chuyện, chia sẻ với con nhiều hơn. Ở bất cứ độ tuổi nào con cũng có nhu cầu được nói chuyện và chia sẻ. Cha mẹ chính là người con tin tưởng nhất, có thể nói ra được những vấn đề khó khăn mà con không biết cách giải quyết. Khi cả hai hiểu nhau hơn thì những mâu thuẫn cũng sẽ dần xuất hiện ít hơn.
Mỗi ngày hãy dành ít nhất 30 phút – 1 tiếng để trò chuyện cùng con, chẳng hạn như vào lúc cả nhà đang ăn cơm hay trước khi con đi ngủ. Hỏi con rằng hôm nay thế nào, có chuyện gì vui muốn kể cho cha mẹ nghe không. Nếu con có điều gì cảm thấy buồn phiền phụ huynh nên hỏi riêng con để con dễ chia sẻ hơn. Nếu việc học tập hay công việc không ổn hay động viên thay vì trách mắng hay phê bình con. Việc cha mẹ quan tâm đến niềm vui, nỗi buồn chắc chắn sẽ khiến con cảm thấy hạnh phúc vì được sống trong tình yêu thương vô bờ bến từ cha mẹ.
Làm bạn với con
Khi xã hội đang ngày càng phát triển hơn, mỗi ngày lại có hàng nghìn các thiết bị máy móc tân tiến ra đời, phụ huynh không thể nào cũng dùng tư tưởng “thời của bố mẹ” để làm chuẩn mực dạy con cái được. Tất nhiên điều này không sai, mỗi thời kỳ đều có một cái hay riêng nhưng nó không phù hợp.
Chẳng hạn nói rằng thời của bố mẹ không có điện thoại vẫn được điểm cao, kiến thức lúc nào cũng có đủ trong sách vở nên không cần mua điện thoại, không cần phải lắp mạng. Trong khi đó ở thời điểm hiện tại, tất cả thông tin trao đổi trong học tập đều được trao đổi qua mạng xã hội, các kiến thức cũng được mở rộng nhiều hơn ngoài phạm vi sách vở. Vì vậy nếu không có mạng, không có điện thoại con sẽ trở nên thụt lùi về nhiều mặt so với bạn bè.
Chỉ trò chuyện thì chưa đủ để làm bạn với con, chưa có thể giải quyết mâu thuẫn với con cái hoàn toàn. Hãy đặt mình ở vị trí ngang hàng với con, tìm hiểu những thứ mà con thích thú để dễ dàng chia sẻ với con hơn. Tham gia mạng xã hội cũng là một cách dễ dàng hòa nhập, tiếp cận với đời sống của con trẻ tốt nhất. Thực tế mạng xã hội cũng là một cánh cửa giúp phụ huynh biết được nhiều điều thú vị hơn, tinh thần cũng tươi trẻ năng động hơn rất nhiều.
Việc giải quyết mâu thuẫn với con cái chưa bao giờ là dễ dàng với các bậc làm cha làm mẹ. Phụ huynh cần học cách làm bạn với con ngay từ khi con còn nhỏ, tôn trọng suy nghĩ của con và luôn bình tĩnh trong bất cứ các xung đột nào. Tình cảm gia đình hòa thuận, gắn bó chính là nền tảng để con phát triển bản thân một cách tốt nhất ở cả hiện tại và tương lai.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!