11 Lý Do Tạo Ra Khoảng Cách Giữa Cha Mẹ Và Con Cái
Sự khác biệt về thế hệ là lý do cốt lõi tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Vì có cách suy nghĩ và quan điểm khác nhau nên bố mẹ không hiểu được tâm lý con, đồng thời có những hành vi và lời nói khiến trẻ bị tổn thương.
11 Lý do tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái
Khi còn nhỏ, con cái có mối liên hệ chặt chẽ với gia đình. Lúc này, trẻ còn chưa hình thành suy nghĩ và quan niệm riêng nên rất nghe lời bố mẹ. Khác với khi còn nhỏ, trẻ ở tuổi dậy thì và vị thành niên bắt đầu hình thành suy nghĩ có tính cá nhân nên bố mẹ cũng cần khéo léo trong cách giáo dục. Nếu vẫn giữ cách giáo dục như trước đây, giữa bố mẹ và con cái sẽ có khoảng cách.
Khoảng cách giữa bố mẹ và con cái bắt nguồn từ những lý do rất đơn giản. Tuy nhiên nếu không được cải thiện sớm, con cái sẽ dần sống tách biệt và ít chia sẻ với gia đình. Tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và đời sống tinh thần của con – nhất là khi con có ít bạn bè và gặp phải nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Một thực trạng đáng buồn là hiện nay bố mẹ và con cái thiếu sự quan tâm, chia sẻ lẫn nhau. Bố mẹ vì quá bận rộn mà bỏ quên việc chia sẻ, lắng nghe và giải đáp cho con những vướng mắc trong cuộc sống. Dần dần con hình thành suy nghĩ không cần đến bố mẹ và né tránh câu hỏi quan tâm từ những người thân trong gia đình.
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, lý do con cái có khoảng cách với cha mẹ là do trẻ ngang bướng và hư hỏng do chơi với bạn xấu. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là lỗi từ phía cha mẹ. Dưới đây là 11 lý do tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái:
1. Không dành nhiều thời gian bên cạnh con
Ngày nay, cuộc sống bận rộn đã chiếm gần hết quỹ thời gian trong ngày. Vì quá mải mê với công việc, bố mẹ không có nhiều thời gian để chia sẻ và trò chuyện cùng con cái. Hơn nữa khi thấy ba mẹ quá bận rộn, trẻ cũng có xu hướng ít chia sẻ vì sợ gia đình phiền lòng về bản thân.
Theo thời gian, giữa bố mẹ và con cái sẽ có khoảng cách lớn. Nhiều bố mẹ vì quá bận rộn nên không thể lắng nghe câu chuyện của con mà thường gạt đi. Điều này khiến trẻ bị tổn thương và không cảm nhận được tình cảm của bố mẹ dành cho mình.
Ở giai đoạn dậy thì, tâm sinh lý của trẻ có nhiều thay đổi. Chính vì vậy, con trẻ rất dễ bị tổn thương nếu bố mẹ không thấu đáo trong cách ứng xử. Vì vậy dù bận rộn như thế nào đi chăng nữa, bố mẹ cũng cần có một khoảng thời gian để tâm sự, lắng nghe và đưa ra cho con những lời khuyên hữu ích. Sự quan tâm đúng mực của bố mẹ chính là điểm tựa cho con mỗi khi gặp phải những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
2. Luôn thể hiện uy quyền với con
Khi còn nhỏ, bố mẹ thường dùng uy quyền để răn đe và chỉnh đốn trẻ. Lúc này, hiểu biết của trẻ về thế giới còn khá hạn chế nên trẻ sẽ cảm thấy bản thân có lỗi và ngoan ngoãn nghe theo lời bố mẹ.
Tuy nhiên khi bước vào giai đoạn dậy thì, con muốn được đối xử như một người trưởng thành chứ không phải là một đứa trẻ. Do đó, việc bố mẹ luôn thể hiện uy quyền trong cách giáo dục sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu, ngột ngạt và dần xa cách với gia đình. Thậm chí, cách giáo dục này còn khiến trẻ hình thành tâm lý thù địch và chống đối bố mẹ.
3. Quan điểm khác biệt về định hướng tương lai
Khi còn nhỏ, những lời từ bố mẹ rất thuyết phục và trẻ dễ dàng nghe theo sự sắp xếp của gia đình. Ngược lại khi đã trưởng thành và có suy nghĩ riêng, trẻ luôn muốn tự quyết định và đưa ra lựa chọn trong cuộc sống của bản thân. Tuy nhiên, việc con trẻ thay đổi khiến bố mẹ cảm thấy không thoải mái và bắt đầu trách móc, đổ lỗi cho con hư hỏng.
Ở tuổi vị thành niên, con đã xác định được mình thích gì và muốn làm gì. Do đó, trẻ có thể muốn được học thêm những lớp năng khiếu để phát triển thế mạnh của bản thân. Trong suy nghĩ của bố mẹ, con trẻ còn nhỏ và chưa ý thức được những quyết định của mình. Vì vậy, phản ứng chung của nhiều phụ huynh là cấm cản và ép buộc con học theo những gì bản thân mong muốn.
Khác biệt về định hướng tương lai sẽ ngày càng trở nên sâu sắc nếu bố mẹ không biết cách hóa giải mâu thuẫn. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh đe dọa không chu cấp tiền bạc và những nhu cầu cần thiết khác nếu trẻ không thực hiện theo kế hoạch của bố mẹ.
4. Xâm phạm quá mức vào cuộc sống của con
Trong mắt của cha mẹ, con cái luôn nhỏ dại và chưa thể tự chủ trong cuộc sống. Thay vì công nhận những suy nghĩ, quan điểm riêng của con, họ thường có xu hướng cấm cản và đe dọa với mong muốn con trẻ tránh xa thói hư tật xấu.
Khác với khi còn nhỏ, trẻ ở tuổi vị thành niên đã bắt đầu ý thức được sự riêng tư và yêu cầu được tôn trọng như một người trưởng thành. Tuy nhiên, vì lo sợ con hư hỏng nên không ít bậc phụ huynh đọc trộm nhật ký, tin nhắn, vào trang cá nhân của con,…
Nếu con cái phát hiện ra điều này, giữa cha mẹ và con cái sẽ bắt đầu hình thành khoảng cách. Trẻ sẽ có suy nghĩ bố mẹ không tôn trọng và yêu thương mình. Dần dần trẻ sẽ ít trò chuyện và không muốn chia sẻ những vấn đề đang phải đối mặt.
5. Trách móc, chỉ trích con trong mọi hoàn cảnh
Rất nhiều cha mẹ có thói quen trách móc, chỉ trích con trong mọi hoàn cảnh dù là chuyện nhỏ hay chuyện lớn. Khi con cái gặp phải vấn đề, việc bố mẹ làm đầu tiên là trách móc con vì sao lại để những chuyện như thế này xảy ra hay đại loại là những câu như vậy.
Nhiều vấn đề xảy ra trong cuộc sống có thể không phải lỗi do con trẻ. Vì vậy, việc bố mẹ liên tục trách móc và chỉ trích con trong mọi hoàn cảnh sẽ khiến con bị tổn thương và dần xa cách với gia đình.
6. Luôn nhắc đến sự hy sinh dành cho con cái
Nhiều bố mẹ hay nhắc đến sự hy sinh và nỗi vất vả đã phải trải qua trong quá trình nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, việc này chỉ khiến cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con trẻ trở nên xấu hơn theo thời gian. Bởi con có thể suy nghĩ rằng bố mẹ đang cường điệu hóa mọi thứ lên để ép buộc con làm theo mong muốn của bản thân.
Trong trường hợp này, con cái sẽ trở nên xa cách và sống tách biệt với gia đình. Hơn nữa, thói quen than vãn của bố mẹ cũng khiến cho con cảm thấy nặng nề và mệt mỏi. Việc đề cập thường xuyên đến nỗi vất vả và sự hy sinh khiến trẻ hình thành tâm lý xem nhẹ bố mẹ và có xu hướng thiếu trách nhiệm với gia đình.
7. Bố mẹ không giữ lời hứa với con
Người lớn thường đưa ra những lời hứa hẹn với mong muốn tạo cho con động lực để cố gắng trong học tập. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ thất hứa vì quá mải mê với công việc hoặc cho rằng trẻ đã quên đi lời hứa. Nhưng thực tế, trẻ nhỏ nhớ rất kỹ những lời nói và hứa hẹn của bố mẹ.
Nếu tình trạng này thường xuyên lặp lại, con trẻ sẽ hình thành tâm lý xa cách và không muốn chia sẻ với bố mẹ. Bởi trẻ sẽ có suy nghĩ bố mẹ lại tiếp tục hứa và không thực hiện. Ngoài ra, cách giáo dục này của bố mẹ cũng khiến con hình thành thói quen xấu là thất hứa và thiếu trách nhiệm với lời nói.
8. Không nghĩ đến cảm nhận của con
Cha mẹ độc hại là những người luôn trách móc, chì chiết con cái mà không hề nghĩ đến cảm nhận của con. Vì vậy, nhiều bậc phụ huynh có thể vô tình trở thành cha mẹ độc hại mà không hề hay biết. Khi những cảm xúc tiêu cực chi phối, bố mẹ có thể làm tổn thương con cái bằng những lời nói cực đoan.
Có thể trong mắt bố mẹ, những lời nói này là hoàn toàn bình thường nhưng với sự nhạy cảm vốn có, trẻ có thể cho rằng bố mẹ đang trách móc và thất vọng về bản thân. Những câu nói nặng nề sẽ khiến cho tình cảm giữa con và gia đình bị sứt mẻ, dần dần trẻ sẽ tạo ra khoảng cách với bố mẹ.
9. Luôn cho mình là đúng
Trong mắt bố mẹ, con cái dù có lớn khôn cũng đều là những đứa trẻ. Do đó khi có mâu thuẫn xảy ra, bố mẹ luôn luôn cho mình là đúng và nghĩ rằng con cái luôn sai. Tuy nhiên, phản ứng cứng nhắc và cố chấp của các bậc phụ huynh lại chính là lý do tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái.
Trẻ sống chung với bố mẹ luôn cho rằng mình là đúng sẽ hình thành tính cách tương tự và tương lai cũng sẽ trở thành kiểu cha mẹ như vậy. Trong mắt con cái, hành động này của bố mẹ chính là sự áp đặt và bất công. Dù trẻ có giải thích như thế nào, bố mẹ cũng đều cho rằng trẻ đã sai và phải nghe lời. Dần dần, trẻ có thể không muốn chia sẻ hay giải thích bất cứ điều gì vì cho rằng những lời giải thích này đều không mang lại kết quả và bố mẹ sẽ lại tiếp tục trách móc bản thân.
10. Thiên vị giữa con cái
Với con cái, bố mẹ cần đối xử công bằng để tạo cho trẻ tính cách tốt và cảm thấy được tôn trọng trong chính gia đình của mình. Ngược lại, việc thiên vị giữa con cái là lý do tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và các con.
Thái độ thiên vị của bố mẹ sẽ khiến cho trẻ cảm thấy bị chèn ép, ngột ngạt trong chính gia đình của mình. Về lâu dài, trẻ sẽ lựa chọn sống thu mình và ngại chia sẻ vì cho rằng bản thân đang bị xem nhẹ. Hơn nữa, trẻ được thiên vị cũng sẽ có xu hướng hống hách và ích kỷ. Do đó, cách đối xử của bố mẹ với con cái cũng cần được điều chỉnh kịp thời để tránh những ảnh hưởng về lâu dài.
11. Luôn so sánh con với người khác
Luôn so sánh con với người khác cũng là lý do tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Bố mẹ nào cũng mong muốn con trở nên ưu tú và đặt được thành tích cao trong học tập. Tuy nhiên, đôi khi trẻ không có thế mạnh trong các môn học và dù đã rất cố gắng cũng không thể đạt được thành tích như mong muốn.
Việc so sánh con với người khác là thói quen của rất nhiều phụ huynh. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, đây là cách để tạo động lực và giúp con học tập tốt hơn. Tuy nhiên, thói quen này vô tình khiến con cảm thấy không được tôn trọng và có suy nghĩ bản thân vô dụng, yếu kém.
Thay vì so sánh con với người khác, bố mẹ hãy tạo động lực học tập cho con bằng những câu nói khích lệ và một số câu chuyện truyền cảm hứng. Quan trọng nhất phải để con hiểu rằng, ý nghĩa thực sự của học tập là rèn luyện tính cách và nâng cao giá trị của bản thân nhằm phục vụ cho cuộc sống tương lai của chính con.
Trên đây là 11 lý do tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Hy vọng qua những thông tin hữu ích này, các bậc phụ huynh sẽ hiểu hơn về con trẻ và có cách ứng xử phù hợp. Khi nhận thấy con đang dần sống tách biệt với gia đình, nên tìm giải pháp kịp thời để xây dựng lại mối quan hệ chặt chẽ với con cái.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!