Kiểm Soát Con Cái Quá Mức: Những Sai Lầm Cha Mẹ Nên Tránh
Thông thường, các bậc phụ huynh hay cho rằng con cái còn nhỏ nên chưa thể tự quyết định được các công việc hàng ngày và cần phải được sự giám sát, theo dõi của người lớn. Tuy nhiên việc cha mẹ kiểm soát con cái quá mức lại có thể gây ra rất nhiều các tác hại nghiêm trọng, thậm chí là hủy hoại cả tương lai của trẻ nhỏ.
Tại sao cha mẹ lại kiểm soát con quá mức?
Kiểm soát con cái quá mức hay còn được nhiều người gọi là kiểu “cha mẹ trực thăng”. Khái niệm này được tiến sĩ Haim Ginott sử dụng vào năm 1969 nhằm chỉ những bậc phụ huynh thường xuyên bảo vệ, kiểm soát, theo dõi con cái một cách quá mức, về mọi khía cạnh trong cuộc sống của trẻ. Hình ảnh trực thăng ý ám chỉ việc cha mẹ sẽ quan sát và đi theo con 24/24.
Hiện nay, cách nuôi dạy này cũng khá phổ biến, nhiều bậc phụ huynh cho rằng chỉ có như thế mới giúp con tốt hơn. Ngoài ra, cũng có rất nhiều các nguyên nhân sâu xa của phong cách giáo dục này. Cụ thể như:
- Lo lắng cho tương lai của con: Hầu hết các bậc phụ huynh đều có cảm giác lo sợ rằng những điều mà con làm trong hiện tại sẽ gây ảnh hưởng hoặc cản trở đến tương lai của con. Cũng chính vì nỗi lo đó mà nhiều cha mẹ luôn cố gắng bao bọc, kiểm soát để con không phạm phải sai lầm.
- Sợ rằng con bị tổn thương: Bậc làm cha làm mẹ nào cũng sẽ hết lòng yêu thương con cái của mình, họ luôn muốn mang đến cho con những điều tốt đẹp và hi vọng con sẽ vui vẻ, hạnh phúc. Vì thế nhiều người có tâm lý sợ rằng con sẽ bị tổn thương, thất vọng vì một chuyện gì đó trong cuộc sống. Từ đó họ sẽ có xu hướng muốn che chở, quan tâm và kiểm soát con chặt chẽ để con có thể tránh khỏi những điều đó.
- Sự kỳ vọng quá lớn: Việc cha mẹ kiểm soát con cái quá mức cũng có thể xuất phát từ sự kỳ vọng. Cha mẹ muốn con đạt được những thành tích cao trong học tập nên sẽ ép buộc con phải tập trung vào việc học, kiểm soát tất cả thời gian của con để tránh con lơ là, mất tập trung.
- Sự đền bù: Có thể những “cha mẹ trực thăng” đã từng bị thiếu vắng sự yêu thương, quan tâm và bảo vệ từ cha mẹ của mình nên họ muốn bù đắp những tổn thương đó cho con cái. Đây thực sự là một hành động rất bình thường, đôi lúc cần phải tán dương. Tuy nhiên, lại có một số bậc phụ huynh lại thể hiện tình yêu quá mức, dành cho con quá nhiều sự bảo bọc, che chở biến đó thành sự giám sát, kiểm soát quá mức.
- Áp lực từ những người xung quanh: Đôi lúc cách nuôi dạy “trực thăng” lại bị ảnh hưởng từ những người xung quanh. Nếu bạn bè của họ là những người dạy con theo phong cách này thì có thể họ sẽ có xu hướng “bắt chước” vì cho rằng nếu không làm như thế thì sẽ trở thành cha mẹ không đủ tốt.
Các biểu hiện cho thấy cha mẹ đang kiểm soát con cái quá mức
Mỗi người sẽ có cách dạy dỗ và chăm sóc con cái riêng, tuy nhiên đôi lúc sự quan tâm, che chở quá mức của các bậc phụ huynh lại vô tình biến thành sự kiểm soát khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt và mệt mỏi. Nếu bạn đang nuôi dạy con theo các cách sau thì chứng tỏ bạn đang kiểm soát, quản lý con cái một cách thái quá.
- Không khuyến khích hoặc thậm chí không cho phép con tự quyết định bất cứ việc gì của bản thân, dù là việc nhỏ nhặt.
- Không để con tự đi bộ hoặc sử dụng phương tiện cá nhân để đến trường, con không được phép tự chơi bên ngoài, kể cả đó là khu vực an toàn.
- Tự ý làm bài tập về nhà dùm con mặc dù con không cần đến sự hỗ trợ.
- Theo dõi và quan sát nghiêm ngặt tiến trình học tập của con, đảm bảo mọi thứ phải thật hoàn hảo.
- Yêu cầu con cái phải thực hiện đúng theo các nguyên tắc mà cha mẹ đã đặt ra.
- Không cho phép con can thiệp hoặc tham gia đóng góp ý kiến và các quyết định của cha mẹ, cho dù việc đó có liên quan đến con.
- Không xem trọng lời nói của trẻ, mỗi khi trẻ đưa ra câu hỏi thường phớt lờ hoặc không muốn giải thích.
- Luôn cho rằng bản thân đúng, con cái phải làm theo những điều cha mẹ hướng dẫn.
- Thao túng và kiểm soát tất cả các mối quan hệ của trẻ, thậm chí là xâm phạm cả quyền cá nhân, quản lý các phương tiện liên lạc của con.
- Sử dụng rất nhiều các biện pháp cưỡng chế quá mức.
Tác hại của việc kiểm soát con cái quá mức
Xét về khía cạnh của bậc làm cha làm mẹ thì cách nuôi dạy con cái theo kiểu “trực thăng” có thể có lợi. Theo nghiên cứu nhận thấy rằng những bậc phụ huynh có nhiều sự liên quan đến cuộc sống của con cái sẽ giúp cho họ cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ hơn. Tuy nhiên, mặt lợi ích này không đến với con cái, ngược lại việc kiểm soát quá mức còn có thể gây ra hàng loạt các tác hại nghiêm trọng.
Chuyên gia tâm lý Emily Loeb tại Đại học Virginia của Mỹ đã từng thực hiện một nghiên cứu kéo dài suốt 19 năm về những tác hại của việc kiểm soát con cái quá mức. Kết quả của cuộc nghiên cứu cũng đã được công bố trên tạp chí Child Development, cho thấy “Việc nuôi dạy quá độc đoán của cha mẹ sẽ gây những tác động tiêu cực đến tâm lý con trong suốt quãng đời sau này”.
Cuộc nghiên cứu được tiến hành dựa trên 184 trẻ em có độ tuổi khoảng 13 và các đối tượng này được theo dõi cho đến năm 32 tuổi. Khi bắt đầu nghiên cứu, những đứa trẻ 13 tuổi sẽ được đưa vào một căn phòng cùng với những người bạn thân thiết. Một đứa trẻ sẽ nhờ người bạn của mình tư vấn về một vấn đề khó khăn mà bản thân đang khó giải quyết. Các nhà nghiên cứu sẽ bắt đầu quan sát về phản ứng của những đứa trẻ này trong suốt thời gian thảo luận.
Qua đó, nhà nghiên cứu cũng nhận định được rằng “Những đứa trẻ bị cha mẹ kiểm soát gặp nhiều khó khăn khi đưa ra ý kiến thảo luận, sự trợ giúp cho bạn bè”. Đặc biệt hơn là những đứa trẻ bị cha mẹ kiểm soát quá mức sẽ không nhận được nhiều sự yêu thích của bạn bè cùng lứa, khả năng suy nghĩ và nhận xét về các vấn đề xã hội cũng sẽ yếu kém hơn.
Sau đó, các chuyên gia tâm lý cũng sẽ tiếp tục tiến hành cuộc khảo sát ở những đứa trẻ này lúc chúng ở độ tuổi 15, 16, 27 và 31. Loeb nhận thấy “Những thanh thiếu lớn lên trong sự kiểm soát chặt chẽ của cha mẹ còn rất khó khăn khi tiếp nhận hoặc yêu cầu sự hỗ trợ từ người khác”. Đặc biệt chúng cũng sẽ ít có được các mối quan hệ lãng mạn, trình độ học vẫn cũng yếu kém, ngay cả khi nền tảng xã hội và điểm khởi đầu rất tốt. Những tác động tiêu cực của việc kiểm soát con cái quá mức có thể kéo dài trong suốt 30 năm đầu đời của trẻ.
Một số nghiên cứu khác nhận thấy rằng, việc con cái bị kiểm soát quá mức từ lúc nhỏ sẽ khiến cho trẻ mất dần khả năng tự giải quyết vấn đề, khi lớn lại sẽ dễ bị cô lập, kiệt sức vì không biết xoay sở thế nào khi xa cha mẹ. Thậm chí có một số nhận định cho rằng cách nuôi dạy con theo kiểu kiểm soát chặt chẽ sẽ dễ khiến cho con bị trầm cảm khi trưởng thành vì lúc này con sẽ cảm thấy không hài lòng và bị thất vọng khi thiếu đi sự bao bọc của người lớn.
Khi có cha mẹ luôn kiểm soát, con cái sẽ không còn cơ hội để đối mặt và học hỏi từ những sai lầm của bản thân, không thể tự đưa ra bất kì quyết định nào cho cuộc sống của chính mình. Những sự lựa chọn dù là nhỏ nhặt cũng cần phải thông qua ý kiến của cha mẹ, điều này khiến cho trẻ dần bị mất đi lòng tự trọng.
Theo ý kiến của nhiều nhà tâm lý học ở Mỹ thì trẻ càng ngoan ngoãn, nghe lời và bị kiểm soát quá mức sẽ càng gặp phải nhiều vấn đề tâm lý. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy bởi hầu hết những đứa trẻ này không có quyền quyết định bất kì điều gì, trẻ sẽ không có được sự tự do, riêng tư và phải sống một cuộc đời theo ý muốn của cha mẹ.
Thậm chí nhiều gia đình có cách dạy quá khắt khe lại quản luôn cả việc kết hôn, hạnh phúc cả đời của con cái. Đôi lúc có thể mọi người xung quanh nhìn vào sẽ cảm thấy ngưỡng mộ, ao ước có được một gia đình tâm lý, chu toàn tất cả mọi việc. Nhưng thực chất bên trong, những đứa con đã phải chịu đựng rất nhiều, chịu nhiều sự đè nén về mặt tinh thần, thậm chí có những trường hợp lựa chọn cái chết để tự giải thoát cho chính mình.
Cần làm gì để tránh việc kiểm soát con cái quá mức?
Dù là người lớn hay trẻ nhỏ cũng cần phải có sự riêng tư cũng như không gian tự do nhất định. Mặc dù kinh nghiệm sống của con trẻ vẫn chưa đầy đủ, dễ mắc phải các sai lầm hoặc thất bại trong cuộc sống nhưng đó lại là một phần cần thiết đối với mỗi chúng ta. Việc quan tâm, chăm sóc và che chở cho con cái hoàn toàn không sai nhưng bạn cần để con có được một không gian riêng tư, thoải mái phát triển và thể hiện bản thân.
Cha mẹ hãy cứ để con vui chơi, sinh hoạt trong tầm kiểm soát, nhưng đừng can thiệp hoặc giám sát quá chặt chẽ, điều này sẽ dễ khiến cho con nảy sinh tâm lý khó chịu, sợ hãi. Vậy các bậc phụ huynh cần làm gì để hạn chế tình trạng kiểm soát con cái quá mức?
- Đầu tiên, khi nhận ra sự kiểm soát quá mức của mình đối với con cái thì cha mẹ cần phải bình tĩnh và trao đổi thẳng thắn với con. Hãy lắng nghe xem những suy nghĩ của con và con đang mong muốn điều gì ở mình. Đừng cố quyết định mọi thứ theo cảm nhận của bản thân mà hãy lắng nghe ý kiến của con, những điều mà con đang phải gánh chịu.
- Cha mẹ hãy nghĩ đến những tác hại tiêu cực của việc quá nghiêm khắc và kiểm soát con cái quá mức. Hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân rằng bạn muốn con sống dựa dẫm vào mình cả đời hay muốn con có thể phát triển tốt trong tương lai? Cha mẹ nên hiểu rằng, bản thân không thể bao bọc, che chở cho con suốt cuộc đời, vì vậy hãy để con tự do phát triển và đương đầu với cuộc sống.
- Hãy để con tự thực hiện các công việc trong khả năng của mình. Khi con đã đủ lớn, cha mẹ nên để con tự dọn dẹp phòng ngủ, tự xếp quần áo, buộc dây giày, thay quần áo, tắm rửa,…Đừng cố gắng can thiệp quá nhiều vào các công việc hàng ngày của con, vì bạn không thể nào giúp con thực hiện chúng cả đời.
- Tùy vào lứa tuổi của trẻ mà cha mẹ hãy để cho trẻ tự đưa ra quyết định về những việc xoay quanh cuộc sống của trẻ. Có thể đơn giản là việc lựa chọn trang phục, món ăn, ước mơ hoặc lớn lên một chút trẻ có thể tự chọn các hoạt động ngoại khóa theo sở thích. Cha mẹ chỉ nên đưa ra những lời khuyên và giúp trẻ định hướng đúng đắn, đừng thay trẻ quyết định tất cả mọi việc.
- Khi con xảy ra những bất đồng, mâu thuẫn giữa bạn bè, đồng nghiệp hoặc cấp trên. Cha mẹ đừng nên xen vào để giải quyết mọi việc mà hãy dạy cho con cách ứng phó, tự khắc phục các vấn đề, xung đột của mình.
- Hãy cho phép con được thất bại, sai lầm. Có thể đối với những cha mẹ đang có xu hướng kiểm soát con quá mức thì việc này sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên bạn cần hiểu rằng ai trong chúng ta cũng sẽ mắc phải các sai lầm trong cuộc sống, những sự thất bại không phải là điều xấu mà nó chính là bài học quý báu để con trẻ có thể phát triển tốt hơn.
- Cha mẹ nên dạy cho con các kỹ năng sống cần thiết để con có thể tự chăm sóc chính mình. Bởi vì dù gia đình cho điều kiện và thời gian thế nào thì phụ huynh cũng không thể bên cạnh và lo lắng cho con mãi được. Vì thế khi trẻ đã dần lớn hơn thì cha mẹ nên dạy cho các kỹ năng như dọn dẹp, nấu ăn, giặt giũ, tương tác xã hội, cách cư xử đúng mực,…
- Sau cùng, nếu đã cố gắng thay đổi và áp dụng hầu hết các biện pháp nhưng không thấy hiệu quả thì cách tốt nhất bạn hãy tìm gặp chuyên gia tâm lý. Các nhà trị liệu sẽ giúp bạn tháo gỡ được những nút thắt và sai lầm trong cách giáo dục con cái. Từ đó bạn sẽ dần thay đổi được lối suy nghĩ, biết cách nuôi dạy con phù hợp hơn để có thể giúp trẻ phát triển một cách trọn vẹn nhất.
Cha mẹ cần phải quan tâm, chăm sóc và quản lý con, tuy nhiên nếu kiểm soát con cái quá mức sẽ vô tình trở thành một “liều thuốc độc” giết hại chính đứa con của mình. Hi vọng qua những thông tin của bài viết này, các bậc phụ huynh sẽ nhìn nhận lại cách nuôi dạy con trẻ và nhanh chóng thay đổi biện pháp giáo dục của mình để giúp con có được môi trường phát triển tốt nhất.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!