Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là gì?

Là một trong những định hướng cụ thể của ngành tâm lý trị liệu, liệu pháp nhận thức – hành vi có thể thay đổi suy nghĩ và cải thiện sức khỏe tinh thần của nhiều bệnh nhân. 

Định nghĩa liệu pháp nhận thức – hành vi

Liệu pháp nhận thức – hành vi (Cognitive Behavioral Therapy – CBT) là phương pháp can thiệp xã hội tập trung vào việc tiếp cận, thách thức các biến dạng nhận thức (niềm tin, suy nghĩ, thái độ), thay đổi hành vi tiêu cực, điều hòa cảm xúc và phát triển chiến lược ứng phó với các vấn đề nan giải trong cuộc sống cá nhân.

Định nghĩa liệu pháp nhận thức – hành vi
Tìm hiểu khái niệm về liệu pháp nhận thức – hành vi

Trong quá trình trị liệu, chuyên gia tâm lý sẽ đồng hành với người bệnh xuyên suốt liệu trình cụ thể. Phương pháp này giúp chúng ta nhận ra nhiều suy nghĩ cực đoan, không chính xác đang tồn tại bên trong tâm trí, từ đó cân nhắc phản hồi tình huống một cách hiệu quả hơn.

Được phát triển bởi nhà tâm thần học Aaron Beck, liệu pháp nhận thức – hành vi ra đời dựa trên lý thuyết nhận thức. Beck đã phát triển nhiều quy trình cụ thể để thách thức các niềm tin và giả định của những bệnh nhân trầm cảm, giúp họ thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực, thực tế và cảm thấy thoải mái, lạc quan hơn.

Kỹ thuật trị liệu này là công cụ đặc biệt hữu ích trong quá trình điều trị những dạng rối loạn về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn trầm cảm, rối loạn ăn uống, rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý… Bên cạnh đó, những người bình thường cũng có thể hưởng lợi từ liệu pháp nhận thức – hành vi thông qua việc học cách quản lý căng thẳng trong cuộc sống thường nhật.

Liệu pháp nhận thức – hành vi không đơn thuần tập trung vào những điều đang diễn ra bên trong tâm trí mà còn tiếp cận chúng một cách khoa học và có hệ thống. Trong đó, mỗi buổi trị liệu đều đề ra mục tiêu cụ thể nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị và thiết lập mối quan hệ tương hỗ về mặt lợi ích.

Người bệnh có thể thoải mái chia sẻ những vướng mắc cá nhân mà không sợ bị đánh giá, phán xét, còn nhà trị liệu có thể nắm bắt toàn bộ vấn đề của bạn sau quá trình lắng nghe chủ động và khách quan. Hơn nữa, trong phạm vi các buổi trị liệu, người bệnh không cần đưa ra bất kỳ quyết định cụ thể nào cả.

Để hỗ trợ người trị liệu phán đoán những hình mẫu và trạng thái cảm xúc của bản thân, chuyên gia trị liệu sẽ áp dụng các kỹ thuật sau:

  • Việt nhật ký
  • Luyện tập chánh niệm
  • Thách thức niềm tin
  • Thư giãn
  • Bài tập về tư duy, thể chất, giao tiếp

Nhằm nâng cao kết quả trị liệu, các bài tập về nhà (bao gồm đọc, thực hành, viết luận) được xem là điều cần thiết. Những hoạt động này đòi hỏi đức tính tự giác trong quá trình điều trị.

Đa số liệu trình trị liệu nhận thức – hành vi diễn ra trong vòng 16 buổi với thời lượng 1 tiếng/buổi. Sau khi kết thúc, bệnh nhân có thể phát triển niềm tin và hành vi tích cực, đồng thời giải quyết tốt những thử thách dài hạn trong cuộc sống cá nhân.

Nhờ vào tính chất rõ ràng, khoa học và khả năng tháo gỡ nhiều vấn đề nan giải, liệu pháp nhận thức – hành vi có thể cải thiện những bệnh lý và hội chứng sau:

  • Trầm cảm
  • Rối loạn lo âu
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
  • Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý
  • Rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt
  • Rối loạn ăn uống
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Rối loạn tình dục
  • Vấn đề về tâm trạng
  • Vấn đề về kiểm soát cơn giận
  • Hội chứng ruột kích thích
  • Hội chứng mệt mỏi mạn tính
  • Tình trạng phụ thuộc vào chất kích thích
  • Những cơn đau mạn tính

Các thành tố cơ bản của liệu pháp nhận thức hành vi

Hiệp hội Tâm lý Trị liệu Nhận thức Hành vi Anh Quốc cho biết, liệu pháp nhận thức – hành vi bao gồm hàng loạt liệu pháp dựa trên những nguyên tắc và khái niệm xuất phát các hình mẫu tâm lý về hành vi, cảm xúc của con người. Liệu pháp gồm nhiều hình thức tiếp cận điều trị rối loạn cảm xúc cùng chuỗi biện pháp hỗ trợ liên tục khác.

Các hướng tiếp cận của liệu pháp nhận thức hành vi
Liệu pháp nhận thức – hành vi bao gồm 6 thành tố cơ bản.

Theo các chuyên gia sức khỏe tâm thần, những cách tiếp cận liên quan đến liệu pháp này là:

  • Liệu pháp nhận thức
  • Liệu pháp hành vi biện chứng
  • Liệu pháp đa kiểu mẫu
  • Liệu pháp hành vi – cảm xúc hợp lý

Nhìn chung, liệu pháp nhận thức – hành vi là một quá trình từng bước điều chỉnh nhận thức và thay đổi hành vi của bệnh nhân.

Để kiểm soát chứng rối loạn lo âu mang tính xã hội, bệnh nhân có thể đơn giản tưởng tượng bản thân đang ở trong tình huống xã hội tiềm ẩn chứa yếu tố dẫn đến lo âu.

Kế đó, họ sẽ bắt đầu tập luyện trò chuyện với gia đình, bạn bè, người quen của mình. Thông qua việc tiếp cận từ từ cho đến khi đạt được mục tiêu cuối cùng, quá trình trị liệu sẽ không còn là nỗi ám ảnh lớn đối với bệnh nhân.

Liệu pháp nhận thức – hành vi bao gồm 6 thành tố cơ bản. Mỗi hướng đi đều dựa trên những giả thuyết, triết lý cơ bản. Việc nắm vững toàn bộ triệu chứng, nguyên nhân hình thành, nguyên tắc điều trị và phương thức tiếp cận giúp nhà trị liệu xây dựng chiến lược hợp lý và lên kế hoạch chi tiết cho liệu trình điều trị.

  • Thứ nhất

Cách thức mỗi người thấu hiểu những sự kiện trong cuộc sống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xác định cách thức họ phản ứng với những sự kiện này.

Ngay từ đầu, chuyên gia trị liệu sẽ nhận diện các suy nghĩ tiêu cực (cô đơn, buồn chán) cùng những hành vi không lành mạnh hiện tại của thân chủ, sau đó, xác định những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến quan điểm của bệnh nhân, cuối cùng tìm thấy những sự kiện đang xảy đến với người bệnh và cách thức họ đối mặt với chúng.

  • Thứ hai

Thân chủ được xem là bị tiêu cực thái quá với những niềm tin của mình. Họ phải chịu đựng sự tổn thương, đau đớn đến từ việc kém thích nghi với từng tình huống cụ thể và thiếu khả năng đề ra chiến lược hợp lý.

  • Thứ ba

Liệu pháp nhận thức – hành vi tập trung vào việc hợp tác và tham gia từng phiên tham vấn một cách chủ động, trực tiếp đưa ra một số đề xuất về cách thức thảo luận và bài tập về nhà, đồng thời khuyến khích thân chủ chủ động bày tỏ những vấn đề mà họ quan tâm. Việc thực hành ngoài phòng tham vấn hoặc hoàn thành các bài tập về nhà thể hiện sự chủ động phối hợp của người bệnh.

  • Thứ tư

Liệu pháp nhận thức – hành vi chú trọng giải quyết vấn đề, nhấn mạnh vào vấn đề trước mắt ngay từ đầu, tập trung xử lý và hạn chế hậu quả trong hiện tại.

Do đó, nhà tham vấn cần tìm kiếm nguyên nhân, xây dựng mực tiêu, hướng dẫn bệnh nhân nhận diện những niềm tin không lành mạnh (khuynh hướng và tiến trình suy nghĩ cực đoan), kiểm tra tính chính xác của niềm tin một cách có hệ thống, động viên thân chủ tham gia vào chuỗi thực nghiệm (trong đó hành vi hiện tại được điều chỉnh một cách có hệ thống).

  • Thứ năm 

Chuyên gia tâm lý tiến hành trị liệu nhận thức – hành vi theo hướng giáo dục tâm lý với mục tiêu hướng dẫn người bệnh trở thành “người dẫn đường” của chính mình, từ đó ngăn ngừa tái phát hiệu quả.

  • Thứ sáu

Những buổi tham vấn trị liệu trong liệu pháp này được thiết kế theo một cấu trúc hoàn thiện và tổng thể, với nhiều bước khác nhau, cụ thể là xác định mục tiêu, biên soạn nội dung hoạt động, kết thúc liệu trình và lượng giá kết quả.

Hệ thống niềm tin cốt lõi của liệu pháp nhận thức – hành vi

Liệu pháp nhận thức – hành vi chú trọng điều hòa tâm trạng và cải thiện hành vi của thân chủ, căn cứ vào mức độ sâu sắc niềm tin của họ (niềm tin vào chính mình và thế giới xung quanh).

Các chuyên gia cho biết, niềm tin được hình thành từ chính kinh nghiệm của chúng ta. Khi đã có một niềm tin cụ thể, chúng ta vô thức chọn lọc những điều phù hợp với niềm tin của bản thân, đồng thời phủ nhận những điều không phù hợp.

Thông qua việc sửa đổi niềm tin tiêu cực (những niềm tin không lành mạnh, không phù hợp), chúng ta có thể nhìn nhận những sự kiện trong cuộc sống hay ưu – nhược điểm của bản thân theo hướng lạc quan, thực tế hơn.

Hệ thống niềm tin cốt lõi
Liệu pháp nhận thức – hành vi chú trọng điều hòa tâm trạng và cải thiện hành vi của thân chủ, căn cứ vào mức độ sâu sắc niềm tin của họ.

Kinh nghiệm hình thành niềm tin

Chúng ta luôn phân tích và khái quát vấn đề từ kinh nghiêm trọng quá khứ. Điều này cho phép chúng ta dự đoán những điều có thể xảy ra trong tương lai. Sự học hỏi theo cảm xúc cũng diễn ra tương tự cơ chế này.

Ví dụ, những đứa trẻ bị lạm dụng hoặc bị bỏ rơi sẽ nhìn nhận cuộc sống một cách cực đoan theo bản năng tự nhiên, từ đó đưa ra nhiều kết luận tiêu cực, không chính xác về bản thân và thế giới xung quanh.

Liệu pháp nhận thức – hành vi quan tâm đặc biệt về những tầng bậc trong hệ thống niềm tin. Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng rối nhiễu tâm lý hoặc các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Có ba tầng bậc chính mà chúng ta cần lưu ý, đó là:

  • Suy nghĩ tự động tiêu cực là những suy nghĩ không phù hợp được tạo thành tự nhiên bên trong tâm trí của mỗi chúng ta và tác động tiêu cực đến các phản ứng cảm xúc đối với từng sự kiện cụ thể diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Có ba dạng suy nghĩ tự động chủ yếu, bao gồm: quan điểm về bản thân, quan điểm về thế giới và quan điểm về thế giới.
  • Lý giải bất thường là những giả định lâu dài về chính mình và thế giới, có mối quan hệ mật thiết với những suy nghĩ tiêu cực. Hay nói cách khác, những suy nghĩ tiêu cực từ hàng loạt kinh nghiệm của bản thân chính là nguồn gốc của một số cách lý giải bất thường.
  • Niềm tin cốt lõi là nền tảng của những niềm tin vững chắc, ổn định về bản thân, thế giới, tương lai và các mối quan hệ của một người nào đó. Niềm tin cốt lõi ẩn giấu bên trong và khó nhận diện hơn hẳn những suy nghĩ tự động. Chúng chỉ có tự thể hiện bản thân trong đa số giả định khái quát về chúng ta và thế giới nội tâm của chúng ta.

Niềm tin tạo nên quan điểm

Việc hiểu biết đầy đủ và cặn kẽ về các niềm tin cốt lõi cũng như cơ chế tự vệ giúp chuyên gia trị liệu thấu hiểu, đồng cảm với thân chủ, từ đó thiết lập mối tương tác tương hỗ bền vững với sự trợ giúp của những công cụ phù hợp. Trong liệu pháp này, bộ công cụ hữu ích được nhà trị liệu sử dụng trong việc thách thức suy nghĩ tự động tiêu cực và niềm tin cốt lõi là phương pháp Socrates (hay bộ câu hỏi  Socrates).

Nguyên tắc hoạt động của liệu pháp nhận thức – hành vi

Cách thức vận hành của liệu pháp này tương đối phức tạp. Hiện nay, tùy đã có nhiều lý thuyết về nguyên tắc hoạt động nhưng giới chuyên môn vẫn chưa tìm thấy lời lý giải thấu đáo, rõ ràng nhất cho vấn đề này.

Trên thực tế, liệu pháp nhận thức – hành vi có thể hoạt động đồng thời theo nhiều cách thức khác nhau. Một số cách thức có thể tham gia vào những liệu pháp khác, trong khi một số cách thức chỉ tồn tại riêng biệt ở kỹ thuật trị liệu này.

Học hỏi kỹ năng ứng phó

Liệu pháp nhận thức – hành vi hướng dẫn bệnh nhân kỹ năng đối mặt và giải quyết vấn đề của họ. Những người bị rối loạn lo âu có thể học cách tránh xa các tình huống căng thẳng, khơi gợi nỗi sợ hãi của họ. Việc từ từ đương đầu với những nỗi sợ hãi giúp họ kiểm soát bản thân tốt hơn và nâng cao kỹ năng đối phó một cách tự nhiên.

Một người đang phiền muộn có thể ghi chép những cảm xúc cá nhân để nhìn nhận chúng thực tế hơn, từ đó phá vỡ trạng thái tâm trạng đi xuống theo hình xoắn ốc. Những người bệnh có vấn đề lâu dài liên quan tới những người xung quanh cần kiểm tra giả định về động cơ của họ thay vì liên tục giả định về những điều tồi tệ có thể xảy đến.

Thay đổi niềm tin và hành vi

Những chiến lược đối phó mới có thể kéo theo nhiều thay đổi lâu dài về lối hành xử và thái độ cơ bản. Bệnh nhân trầm cảm sẽ cảm thấy mình là một thành viên bình thường trong xã hội chứ không phải một kẻ yếu đuối, kém cỏi vì mắc bệnh về tinh thần. Thậm chí, họ có thể thiết lập một cách nhìn nhận khác với lối nghĩ thông thường, rằng thật ra, suy nghĩ chỉ là suy nghĩ, không hơn không kém.

Xây dựng dạng mối quan hệ mới

Quan hệ 1 – 1 giữa thân chủ và chuyên gia trị liệu đưa bệnh nhân bước vào một dạng mối quan hệ hoàn toàn mới lạ mà họ lần đầu được trải nghiệm. Trong mối quan hệ “cộng tác” này, họ sẽ tích cực tham gia vào quá trình thay đổi chính mình.

Nhà trị liệu sẽ cố gắng tìm hiểu quan điểm và xu hướng phản ứng của họ, từ đó lên kế hoạch điều trị chi tiết. Thân chủ có thể dễ dàng tiết lộ những tâm tư thầm kín và được xoa dịu căng thẳng cho bản thân vì chuyên gia tâm lý không hề phán xét hay đánh giá họ.

Sau đó, họ đưa ra những quyết định sáng suốt và chín chắn hơn khi cần lật mở và đối mặt với vấn đề. Lúc này, mỗi cá nhân có thể tháo gỡ khúc mắc của chính mình mà không bị bất kỳ ai tác động và dẫn dắt.

Giải quyết những vướng mắc trong cuộc sống

Liệu pháp nhận thức – hành vi thường mang đến kết quả khả quan vì đã giúp thân chủ giải quyết những vấn đề nan giải khiến họ băn khoăn, lo lắng trong một khoảng thời gian dài.

Một bệnh nhân lo âu có thể làm một công việc lặp lại nhàm chán, trở nên tự ti và ngại thay đổi bản thân. Một người trầm cảm có thể không tha thiết gặp gỡ, giao lưu với thế giới xung quanh. Một người đang sa lầy trong một mối quan hệ độc hại có thể đang cố gắng tìm ra giải pháp cho mâu thuẫn hiện tại.

Kỹ thuật trị liệu này sẽ hướng dẫn chúng ta tiếp cận vấn đề theo hướng khác đi, kiểm soát những cảm xúc xáo trộn, từ đó tiến tới đối phó khéo léo với khúc mắc trong lòng.

Ứng dụng liệu pháp nhận thức – hành vi trong quá trình tham vấn trị liệu tâm lý

Nội dung cốt lõi của liệu pháp này là cảm xúc và suy nghĩ quyết định hành vi của chúng ta. Chẳng hạn, nếu một người suy nghĩ quá nhiều về tai nạn đường băng, các vụ máy bay rơi hay những thảm họa hàng không thì họ có xu hướng né tránh việc đi máy bay.

Ứng dụng
Cách thức chuyên gia tâm lý tương tác với thân chủ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác trị liệu và tham vấn tâm lý.

Mục tiêu của liệu pháp nhận thức – hành vi là giúp bệnh nhân nhận ra rằng tuy không thể điều khiển mọi thứ trên đời nhưng họ có thể kiểm soát cách thức bản thân thấu hiểu, tiếp nhận và giải quyết những vấn đề trong cuộc sống cá nhân.

Trong công tác trị liệu và tham vấn tâm lý, cách thức chuyên gia tâm lý tương tác với thân chủ đóng vai trò vô cùng quan trọng vì hoạt động này diễn ra xuyên suốt và liên tục trong suốt liệu trình điều trị.

Suốt quá trình hành nghề, nhà trị liệu không chỉ đào sâu kiến thức chuyên ngành mà còn thường xuyên trau dồi kỹ năng. Đây là bài học cơ bản mà giới chuyên môn luôn nhắc nhở lẫn nhau. Bên cạnh đó, các phản hồi từ người được trị liệu cũng vô cùng cần thiết. Thông qua những thông tin này, chuyên nhà trị liệu có thể chủ động cập nhật, điều chỉnh liệu trình và nâng cao năng lực – trình độ.

Trong khoảng thời gian trị liệu, chuyên gia sẽ luôn lắng nghe, thấu hiểu và chấp nhận bệnh nhân một cách trọn vẹn bằng tất cả trái tim. Đây chính là chìa khóa vạn năng giúp nhà trị liệu mở ra cánh cửa tâm hồn của thân chủ.

Ngoài những điều kiện có sẵn cần thiết như: bộ câu hỏi, hồ sơ bệnh tật, không gian tham vấn yên tĩnh, kiến thức chuyên môn, nhà trị liệu cần hội đủ kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, thấu cảm, quan sát…

Liệu pháp nhận thức – hành vi đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong quá trình điều trị rối loạn lo âu, rối loạn hoảng sợ, trầm cảm, nghiện ngập…

Kỹ thuật trị liệu này đang được nghiên cứu cẩn thận và kỹ lưỡng một phần vì quá trình điều trị tập trung một cách có hệ thống vào những mục tiêu chữa bệnh cụ thể và kết quả đạt được có thể đo lường khá dễ dàng.

Liệu pháp nhận thức – hành vi rất phù hợp với những đối tượng thích tự suy xét bản thân. Để tối ưu hiệu quả điều trị, mỗi bệnh nhân cần sẵn sàng đầu tư thời gian và công sức để nhận diện, lý giải những cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của bản thân. Tuy việc tự phân tích bản thân thực sự khó khăn nhưng đây là cách tốt nhất để khám phá cách thức các yếu tố nội tâm tác động đến hành vi bên ngoài.

Kỹ thuật trị liệu này cũng phù hợp với những người đang tìm kiếm một liệu trình điều trị ngắn hạn và không quá phụ thuộc vào thuốc Tây. Một trong những ưu điểm vượt trội của liệu pháp nhận thức – hành vi chính là giúp bệnh nhân rèn luyện và phát triển nhiều kỹ năng hữu ích cho hiện tại lẫn tương lai.

Ưu điểm và nhược điểm của liệu pháp nhận thức – hành vi

Liệu pháp nhận thức – hành vi cố gắng thiết lập những mối quan hệ khác bản chất so với những liệu pháp khác. Một số liệu pháp khuyến khích người bệnh phụ thuộc vào chuyên gia trị liệu (như một phần của liệu trình điều trị).

Trong khi đó, mối quan hệ hai bên trong kỹ thuật điều trị này thì khác. Liệu pháp nhận thức – hành vi thiên về việc xác lập một mối quan hệ bình đẳng nhằm tập trung cao độ vào vấn đề.

Nhà trị liệu sẽ thường xuyên yêu cầu người bệnh phản hồi và đưa ra cảm nhận về kết quả điều trị. Beck sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa kinh nghiệm cộng tác (Collaborative Empiricism) để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp toàn diện giữa nhà trị liệu và thân chủ của họ.

Ưu điểm

Hơn 500 thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh rằng, liệu pháp nhận thức – hành vi giúp giảm đáng kể nhũng triệu chứng của:

  • Rối loạn tâm thần (lạm dụng chất kích thích, trầm cảm chủ yếu, ám sợ xã hội, rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống…)
  • Vấn đề tâm lý (vấn đề về gia đình, vấn đề về hôn nhân, sự thù địch – giận dữ…)
  • Vấn đề y tế (mất ngủ, đau nhức nửa đầu, đau lưng mạn tính…)

Hiện nay, các nhà khoa học đang nghiên cứu sâu hơn về việc kết hợp sử dụng thuốc Tây và trị liệu nhận thức – hành vi đối với những bệnh nhân hoang tưởng, ảo giác hoặc đang gặp phải những vấn đề kinh niên liên quan đến mối quan hệ với người khác.

Thêm vào đó, kỹ thuật này còn có nhiều ưu điểm như:

  • Có thể kết hợp với nhiều phương pháp khác khi người bệnh không thể đáp ứng với thuốc điều trị đơn lẻ
  • Liệu trình trị liệu tương đối ngắn
  • Hình thức tiến hành đa dạng và linh hoạt thông qua sách hướng dẫn hay gặp gỡ trò chuyện
  • Nội dung điều trị bao gồm nhiều chiến lược thiết thực và hữu ích cho cuộc sống thường nhật, ngay cả khi đã kết thúc điều trị

Nhược điểm

Nhìn chung, liệu pháp nhận thức – hành vi thường có rất ít rủi ro. Ban đầu, thân chủ sẽ cảm thấy khó chịu khi buộc phải đối mặt với những trải nghiệm, cảm xúc khắc nghiệt, thực tế và phũ phàng nếu họ tham gia vào liệu pháp tiếp xúc.

Buồn bã, khóc lóc, tức giận cũng là một phần của liệu trình. Không chỉ dừng lại, hiếm khi, bệnh nhân cũng rơi vào trạng thái kiệt sức về mặt thể chất.

Hơn nữa, độc giả cần lưu ý rằng, liệu pháp này không thể chữa khỏi mọi bệnh lý hoặc giúp đỡ thân chủ hoàn toàn bình phục chỉ sau một khoảng thời gian ngắn. Để đạt được kết quả điều trị cao nhất, bệnh nhân nên cam kết cởi mở, tích cực và kiên trì theo đuổi liệu trình. Bên cạnh đó, chuyên gia tâm lý cần có trình độ chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm chắc chắn, vững vàng.

Ưu điểm và nhược điểm
Để đạt được kết quả điều trị cao nhất, bệnh nhân nên cam kết cởi mở, tích cực và kiên trì trong quá trình chữa bệnh.

Các nhược điểm của liệu pháp nhận thức – hành vi là yêu cầu thân chủ phải:

  • Hợp tác với nhà trị liệu và tuân thủ đúng liệu trình điều trị
  • Thường xuyên tham gia các buổi nói chuyện và hoàn thành bài tập về nhà
  • Trực tiếp đối diện với nỗi lo lắng và những cảm xúc giấu kín (vì vậy, giai đoạn đầu của quá trình này vô cùng khó khăn)

Ngoài ra, nội dung của liệu pháp chú trọng phát triển khả năng thay đổi bản thân (cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của người bệnh), do đó, không thể giải quyết những vấn đề xã hội khác. Đồng thời, kỹ thuật này chỉ tập trung tháo gỡ từng vấn đề cụ thể trong hiện tại, không thể loại bỏ tận gốc nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến các căn bệnh tinh thần (chẳng hạn tuổi thơ bất hạnh).

Các khai thác tối đa liệu pháp nhận thức – hành vi

Kỹ thuật trị liệu này không thể phát huy hiệu quả với mọi bệnh nhân. Tuy nhiên, bạn có thể tối đa hóa kết quả điều trị bằng cách:

Chủ động hợp tác với chuyên gia tâm lý

Liệu pháp nhận thức – hành vi sẽ mang đến hiệu quả cao nhất khi bệnh nhân tham gia tích cực và chia sẻ thoải mái trong quá trình điều trị. Hãy đảm bảo rằng bạn và nhà trị liệu đồng thuận về những vấn đề chủ yếu và cách thức xử lý chúng. Cùng nhau, các bạn có thể thiết lập mục tiêu khả thi và đánh giá tiến bộ chính xác theo từng khung thời gian cụ thể.

Trung thực và cởi mở

Sự thành công của liệu pháp phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng bộc bạch cảm xúc, suy nghĩ, trải nghiệm và thái độ cầu thị, học hỏi của người bệnh.

Bám sát liệu trình điều trị

Khi cảm thấy chán nản và thiếu mất động lực, nhiều người đã bỏ qua một số buổi tham vấn, từ đó gây gián đoạn công tác điều trị. Trong mọi trường hợp, hãy luôn kiên trì và chủ động theo đuổi liệu trình. Đây chính là điều kiện quan trọng đảm bảo kết quả điều trị.

Hoàn thành bài tập về nhà

Chuyên gia trị liệu có thể yêu cầu thân chủ đọc sách, viết nhật ký hoặc thực hiện một số nhiệm vụ sau mỗi buổi trò chuyện. Những hoạt động này là một phần thiết yếu của quá trình chữa bệnh. Do đó, đừng sao lãng nhé!

Không trông đợi kết quả tức thì

Những tổn thương cảm xúc, tình cảm thường sâu sắc, khắc khoải và đau đớn. Vì vậy, vào khoảng thời gian đầu, bạn có thể gặp nhiều khó khăn khi buộc phải đối mặt với những xung đột bắt nguồn từ những năm tháng xưa cũ. Tuy nhiên, thông thường, sau đó, vấn đề này có thể được cải thiện đáng kể.

Nếu bệnh tình không thuyên giảm sau một khoảng thời gian áp dụng, người bệnh cần trao đổi trực tiếp với nhà trị liệu để điều chỉnh kế hoạch chữa bệnh hoặc thay đổi phương hướng tiếp cận. Cuối cùng, điều quan trọng nhất trong quá trình điều trị vẫn là sự hợp tác và cam kết của mỗi bệnh nhân. Thế nên, đừng bao giờ bỏ cuộc nhé!

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *