Rối loạn thách thức chống đối (ODD): Dấu hiệu nhận biết và điều trị

Rối loạn thách thức chống đối (ODD) là một chứng bệnh thường gặp ở trẻ em, các thanh thiếu trước tuổi dậy thì. Lúc này trẻ sẽ thường xuyên cáu gắt, tức giận và xuất hiện các hành vi chống đối, phản kháng lại đối với mọi người.

Rối loạn thách thức chống đối (ODD)
Rối loạn thách thức chống đối (ODD) là một chứng bệnh thường gặp ở trẻ em, các thanh thiếu trước tuổi dậy thì.

Sơ lược về rối loạn thách thức chống đối (ODD)

Rối loạn thách thức chống đối là một mô hình mang tính chất thường xuyên hoặc có thể kéo dài dai dẳng bởi những hành vi, suy nghĩ tiêu cực, thách thức, thù địch đối với những người có thẩm quyền. Theo ước tính thì hiện nay có khoảng hơn 15% các đối tượng người bệnh là trẻ em và thanh thiếu niên.

Các chuyên gia cho biết, trước khi bắt đầu tuổi dậy thì thì tỉ lệ trẻ em là nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn nữ, tuy nhiên sau khi bước qua tuổi dậy thì thì tỉ lệ này được dần thu hẹp lại. Các đối tượng bệnh thường sẽ trở nên cáu gắt, dễ tức giận, khó chịu và không thể giữ được bình tĩnh, thậm chí còn có xu hướng đổ lỗi cho người khác.

Các triệu chứng của rối loạn thách thức chống đối có thể dễ nhầm lẫn đối với các biểu hiện thông thường của trẻ nhỏ. Bởi vì hầu hết trẻ em đều sẽ có những giai đoạn khó chịu, nóng giận, chống đối. Tuy nhiên, khi trẻ bị mắc chứng bệnh ODD thì các triệu chứng ấy sẽ trở nên nghiêm trọng và thường sẽ kéo dài ít nhất 6 tháng.

Dấu hiệu nhận biết của rối loạn thách thức chống đối

Thông thường, các hành vi thách thức, chống đối có thể xuất hiện ở bất kì giai đoạn phát triển nào của trẻ. Do đó, để phân biệt và xác định cụ thể trẻ có bị chứng rối loạn thách thức chống đối cũng là một điều khó khăn.

Các triệu chứng của ODD thường sẽ xuất hiện khi trẻ đang trong giai đoạn học mẫu giáo, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp trẻ xuất hiện muộn hơn ở những giai đoạn tuổi mới lớn. Những hành vi phản kháng của trẻ có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình học tập, gia đình, các mối quan hệ xung quanh.

Rối loạn thách thức chống đối (ODD)
Trẻ bị ODD thường có những hành vi thách thức, chống đối lại cha mẹ

Tuy nhiên, để có thể nhận biết được chứng bệnh này, các chuyên gia cũng đã chỉ ra một số triệu chứng thường gặp như:

Xuất hiện các hành vi tranh cãi, thách thức

  • Rất dễ có cảm giác buồn bã, bị làm phiền
  • Thường tranh cãi, phản đối cha mẹ hoặc những người lớn tuổi hơn.
  • Có xu hướng muốn đổ lỗi cho người khác khi bản thân phạm phải sai lầm.
  • Có hành vi từ chối, thách thức lại những lời dặn dò của người lớn.

Khí sắc thường xuyên cáu gắt, dễ kích động

  • Không giữ được bình tĩnh
  • Dễ cáu gắt, tức giận và luôn cảm thấy ấm ức.
  • Dễ bị kích động và cảm thấy người khác luôn gây phiền cho bản thân.

Tính dễ thù hận

  • Luôn tỏ ra khó chịu, hằn học và hận thù
  • Có thái độ thù ghét ít nhất 2 lần trong khoảng 6 tuần.

Dựa vào các triệu chứng mà chuyên gia cũng đã chia rối loạn thách thức chống đối thành 3 cấp độ:

  • Nhẹ: Những triệu chứng chỉ xuất hiện ở duy nhất 1 môi trường (trường học, nhà, với bạn bè,…)
  • Vừa: Xuất hiện một vài triệu chứng trong ít nhất 2 môi trường.
  • Nặng: Các triệu chứng xảy ra từ 3 môi trường trở lên.

Nguyên nhân gây ra rối loạn thách thức chống đối

Hiện nay các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được các nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng rối loạn thách thức chống đối. Tuy nhiên, yếu tố di truyền và môi trường có thể là sự kết hợp góp phần tạo nên căn bệnh này.

  • Di truyền: ADN là yếu tố góp phần hình thành các tính cách của trẻ và đây cũng có thể là sự khác biệt về sinh học thần kinh xuất hiện trong các dây thần kinh và chức năng hoạt động của não bộ.
  • Môi trường: Nếu trẻ được sinh ra và lớn lơn trong một môi trường không lành mạnh, gia đình không có sự thống nhất về sự giáo dục con cái hoặc bỏ bê không quan tâm, nuôi dưỡng đến trẻ cũng là nguyên nhân có thể dẫn đến căn bệnh ODD.

Tuy nhiên, nhiều người lại lầm tưởng và đổ lỗi cho cha mẹ khi con cái mắc phải chứng rối loạn thách thức chống đối. Điều này cũng gây cản trở rất nhiều trong quá trình điều trị và khiến cho gia đình cảm thấy xấu hổ. Mặt khác, trong một số nghiên cứu chuyên khoa cho biết rằng, những sự thiếu sót từ gia đình, cha mẹ cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc phải chứng bệnh ODD.

Khi nào cần tìm đến bác sĩ?

Những đối tượng bệnh, đặc biệt là trẻ em sẽ khó có thể tự ý thức được những hành vi bất thường của chính mình. Ngược lại, trẻ thường có xu hướng đổ lỗi và tìm ra các nguyên nhân không hợp lý. Vì thế, các bậc cha mẹ nên chú ý quan sát, nếu trẻ xuất hiện các hành vi, biểu hiện bất thường ở mức độ nghiêm trọng và kéo dài thì nên đưa trẻ đến gặp các bác sĩ tâm thần nhi khoa hoặc các chuyên gia tâm lý để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.

Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn thách thức chống đối

Rối loạn thách thức chống đối là một căn bệnh diễn biến phức tạp và rất khó để nhận biết chính xác. Do đó, bạn cũng cần biết các yếu tó có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh để có biện pháp phòng tránh hiệu quả.

Rối loạn thách thức chống đối (ODD)
Những trẻ có tính khí thay đổi bất thường, khó khăn trong việc kiểm soát hành vi, cảm xúc sẽ dễ mắc chứng ODD hơn.
  • Tính khí: Những trẻ có tính khí thay đổi bất thường, khó khăn trong việc kiểm soát hành vi, cảm xúc, dễ kích động, xung đột.
  • Cách nuôi dạy trẻ: Những trẻ sinh ra trong môi trường không có kỉ luật, cha mẹ không thống nhất cách giáo dục hoặc có tầm nhìn hẹp. Đặc biệt là những trẻ từng nghiện các chất kích thích.
  • Tác động từ gia đình: Trẻ sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh rối loạn thách thức chống đối khi cha mẹ nghiện ngập, thường xuyên bất hòa, tiền sử mắc phải các bệnh về tâm thần.
  • Môi trường: Tình trạng ODD có thể phát triển nhanh chóng và chuyển biến nặng nề hơn khi trẻ không được giáp dục trong môi trường đúng đắn và đồng nhất.

Biến chứng của rối loạn thách thức chống đối

Những đối tượng khi mắc phải chứng bệnh rối loạn thách thức chống đối sẽ dễ gặp khó khăn trong công việc, học tập, các mối quan hệ gia đình, bạn bè,…Nếu tình trạng bệnh không được sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp đúng sẽ dẫn đến một số ảnh hưởng xấu như:

  • Học tập, công việc bị suy giảm trầm trọng
  • Mất dần khả năng kiểm soát hành vi, các vấn đề của bản thân
  • Rối loạn nghiện chất
  • Thường xuyên chống đối, phản kháng lại xã hội
  • Nguy cơ tự sát cao
  • Nguy cơ mắc phải các chứng rối loạn tâm thần khác như: trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giảm tập trung, tăng động, rối loạn dẫn truyền,…

Chẩn đoán rối loạn thách thức chống đối

Hiện nay vẫn chưa có bất kì nhận định nào về các phương pháp phòng ngừa bệnh rối loạn thách thức chống đối. Tuy nhiên, việc chăm sóc, nuôi dạy con cái một cách tích cực và dúng cách, đồng thời phát hiện sớm tình trạng bệnh cũng là một trong các cách ngăn ngừa những tình huống xấu xảy ra.

Do đó, khi nhận thấy các biểu hiện bất thường của trẻ nhỏ hoặc các người thân xung quanh bạn cần đưa họ đến gặp bác sĩ dể được thăm khám và chẩn đoán cụ thể. Để có thể biết rõ về tình trạng bệnh, các bác sĩ cũng cần bệnh nhân khai báo rõ về tình trạng sức khỏe tinh thần và thể chất.

Những bước cần thực hiện để chẩn đoán bệnh như sau:

  • Khám sức khỏe tổng quát
  • Nắm rõ các hành vi cư xử trong thời gian gần đây
  • Khai thác hành vi và khí sắc của đối tượng ở những môi trường khác nhau, tìm hiểu về những mối quan hệ xung quanh.
  • Biết rõ hoàn cảnh gia đình, các mối quan hệ trong gia đình.
  • Bản thân hoặc người trong gia đình có từng mắc các chứng rối loạn tâm thần khác không?

Cách điều trị rối loạn thách thức chống đối

Cha mẹ đóng vai trò cực kì quan trọng đối với quá trình điều trị căn bệnh rối loạn thách thức chống đối ở trẻ nhỏ. Tuy rằng, tình trạng bệnh chỉ được chẩn đoán đối với trẻ nhưng để cải thiện các triệu chứng bệnh cần phải xây dựng lại mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, do đó phải có sự kết hợp của cả 2 bên.

Rối loạn thách thức chống đối (ODD)
Cha mẹ cần đồng hành cùng con cái trong quá trình điều trị rối loạn thách thức chống đối.

Tùy vào từng mức độ bệnh của mỗi người mà thời gian điều trị có thể kéo dài trong vài tháng hoặc lâu hơn. Thông thường, nếu trẻ chỉ mắc phải chứng bệnh rối loạn thách thúc chống đối thì không cần sử dụng đến thuốc điều trị. Ngược lại, nếu trẻ mắc đồng thời nhiều chứng bệnh như trầm cảm, rối loạn lo âu thì thuốc cũng được xem là phương pháp hỗ trợ hiệu quả.

Các bước để có thể điều trị được chứng rối loạn thách thức chống đối, bao gồm:

  • Các chương trình đào tạo, huấn luyện: Cha mẹ cần phải tham gia vào các lớp huấn luyện và đào tạo để có thể biết được cách chăm có cho những trẻ đang mắc chứng bệnh ODD. Bên cạnh đó, phụ huynh cần phải xây dựng nhiều kỹ năng về hành vi, lời nói tích cực, thống nhất đối với trẻ. Ngoài ra, khi trẻ cùng tham gia lớp học cùng với cha mẹ cũng sẽ giúp trẻ tự kiểm soát được tốt các vấn đề đang gặp phải. Nếu có thời gian thì những người xung quanh hỗ trợ quản lý và chăm sóc trẻ như giáo viên, ông bà, anh chị cũng nên tham gia vào lớp huấn luyện.
  • Liệu pháp tương tác giữa trẻ và cha mẹ: Cha mẹ khi gặp gỡ chuyên gia sẽ được hướng dẫn cụ thể về cách tương tác với trẻ. Bên cạnh đó, một số trường hợp cha mẹ có thể được cung cấp thiết bị đeo tai để các chuyên gia có thể quan sát và đưa ra lời khuyên đúng lúc. Cách này sẽ giúp cha mẹ dần hiểu được những cách cư xử và có được kĩ năng nuôi dạy trẻ tốt hơn.
  • Dạy bé các kỹ năng để giải quyết vấn đề: Khi trẻ được học các kỹ năng này sẽ giúp trẻ dần thay đổi được các phản ứng và hành vi của bản thân theo chiều hướng tích cực hơn. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên đồng hành cũng trẻ để có thể hỗ trợ trẻ tốt nhất có thể.
  • Liệu pháp cá nhân hóa và gia đình: Đây là bước khá quan trọng bởi nó không chỉ giúp bé có thể kiểm soát tốt các cơn cáu gắt, nóng giận và kiểm soát cảm xúc tốt hơn mà cha mẹ còn hỗ trợ trong việc xây dựng các mối quan hệ, giúp bé giao tiếp thuận lợi hơn.
  • Học các kĩ năng xã hội: Lớp học này sẽ dần giúp bé linh hoạt và chủ động hơn trong việc giao tiếp và xây dựng các mối quan hệ với những người xung quanh.

Cha mẹ nên làm gì khi còn bị rối loạn thách thức chống đối?

Để có thể hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị bệnh của trẻ nhỏ, cha mẹ cũng cần quan tâm và chăm sóc trẻ đúng cách.

  • Không nên sử dụng sức mạnh để kiểm soát hoặc đe dọa hành vi của trẻ.
  • Luôn đưa ra những lời khen, khuyến khích để công nhận các hành vi tốt, tích cực của trẻ.
  • Thống nhất về những lời khuyên dành cho trẻ, nên đưa ra lời khuyên rõ ràng và hiệu quả cho trẻ.
  • Định hình và xây dựng các hành vi mà bạn muốn trẻ học hỏi và noi theo. Giúp trẻ có thể nhận thức và xác định được các hành vi đúng đăng để nâng cao và cải thiện các kỹ năng xã hội của trẻ.
  • Nên cho trẻ biết rõ về lịch trình mỗi ngày về các hoạt động mà trẻ cần thực hiện.
  • Cha mẹ và những người thân trong gia đình nên thống nhất với nhau về cách nuôi dạy và giáo dục trẻ.

Rối loạn thách thức chống đối (ODD) có thể xuất hiện ở bất kì trẻ em nào, kể cả những trẻ có tính khí hiền lành, ngoan ngoãn. Do đó, khi nhận thấy những triệu chứng của bệnh và nghi ngờ trẻ bị mắc chứng ODD thì các bậc phụ huynh nên nhanh chóng đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở uy tín và chất lượng.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *