Cha Mẹ Nên Làm Gì Khi Con Bị Bạn Bè Trêu Chọc Bắt Nạt?
Khi con bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt, bố mẹ nên có biện pháp can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, cần phải xử lý đúng cách để tránh tình trạng trẻ bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng và có thể quay trở lại trường học với tâm thế thoải mái nhất.
Các dấu hiệu nhận biết con bị bắt nạt, trêu chọc
Ngoài áp lực học tập, con trẻ còn phải đối mặt với nhiều vấn đề học đường khác như bị tẩy chay, cô lập và bắt nạt. Các hành vi trêu chọc lặp đi lặp lại có thể gây tổn hại về tinh thần và thể chất của trẻ. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến kết quả học tập và quá trình phát triển nhân cách của con. Do đó, gia đình cần phải quan tâm đúng mực để kịp thời phát hiện con trẻ đang là nạn nhân của các hành vi bắt nạt.
Hiện nay ngoài việc bắt nạt trực tiếp, trẻ cũng có thể bị bạn bè trêu chọc trên mạng xã hội, tin nhắn và qua các cuộc điện thoại. Tình trạng này được gọi là bắt nạt qua mạng (Cyberbullying). Dù không trực tiếp gây tổn thương thể chất nhưng bắt nạt qua mạng cũng ảnh hưởng đáng kể đến tinh thần của con trẻ và đôi khi có thể dẫn đến những tình huống đáng tiếc.
Để kịp thời có biện pháp xử lý, bố mẹ có thể nhận biết con bị bạn bè bắt nạt và trêu chọc qua những biểu hiện sau:
- Nếu bị bắt nạt thể chất, mẹ sẽ nhận thấy con có nhiều vết bầm tím, trầy xước trên cơ thể. Quần áo thường nhàu nhĩ và bẩn sau khi đi học về.
- Trẻ buồn bã, lo lắng, căng thẳng và hay giật mình khi bố mẹ gọi.
- Một số trẻ có biểu hiện sợ đến trường và không muốn tham gia các hoạt động tập thể.
- Trẻ có thể bị bạn bè bắt nạt để trấn lột các vật dụng như bút viết, máy tính, tiền bạc và đồ chơi. Nếu chú ý, gia đình có thể thấy trẻ bị mất mát nhiều vật dụng và thường xuyên xin tiền.
- Ít có bạn bè thân thiết hoặc thậm chí không có bạn bè.
- Mất tập trung khi học tập và thành tích học tập đi xuống.
- Lộ rõ sự bất an, lo lắng trên khuôn mặt. Một số trẻ còn có biểu hiện mất ngủ, ngủ không ngon và thường xuyên gặp phải ác mộng.
- Viện nhiều lý do để nghỉ học và đôi khi muốn bố mẹ đến trường đón về vì cảm thấy sợ hãi và ngột ngạt.
- Với trường hợp bắt nạt qua mạng, trẻ thường dành nhiều thời gian sử dụng máy tính, điện thoại. Tuy nhiên, một số trẻ có thể né tránh hoàn toàn các thiết bị điện tử vì sợ hãi khi phải đối mặt với những bài đăng ác ý nhằm hạ nhục danh dự và nhân phẩm.
- Các hành vi bắt nạt, trêu chọc của bạn bè có thể khiến trẻ trở nên bất ổn và dễ cáu kỉnh, nổi nóng. Thậm chí, trẻ có thể bùng phát các hành vi gây hấn và đánh nhau với bạn học trong lớp.
Ngoài những biểu hiện trên, trẻ bị bạn bè trêu chọc và bắt nạt cũng có một số thay đổi về thói quen ăn uống, sở thích và mất hứng thú với các hoạt động vui chơi. Nếu chú ý, mẹ sẽ thấy trẻ trở nên tự ti, giảm sút lòng tự trọng và lo sợ mơ hồ về mọi thứ.
Ảnh hưởng lâu dài của các hành vi trêu chọc, bắt nạt
Các hành vi bắt nạt ảnh hưởng nhiều đến con trẻ – cho dù là bắt nạt tinh thần hay các hành vi bắt nạt qua mạng. Đối với các hành vi bắt nạt thể chất, mẹ sẽ dễ dàng nhận thấy thông qua các dấu vết trên cơ thể. Tuy nhiên, với các hành vi đe dọa và làm tổn thương tinh thần, trẻ sẽ cố ý giấu bố mẹ vì sợ bị la mắng, trách phạt hoặc sợ không được thấu hiểu. Vì vậy, những trường hợp này chỉ được phát hiện khi tâm lý của trẻ đã bị ảnh hưởng.
Hậu quả đầu tiên của các hành vi trêu chọc, bắt nạt là trẻ trở nên tự ti, không tin tưởng vào bản thân, kết quả học tập kém do căng thẳng và sợ hãi. Về lâu dài, trẻ có thể tìm đến rượu bia, thuốc lá để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực. Ngoài ra, đây cũng có thể là cách để trẻ khẳng định bản thân và né tránh những hành vi bắt nạt từ bạn bè.
Đối với bắt nạt qua mạng, trẻ cũng phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng nặng nề – nhất là khi tốc độ lan truyền thông tin nhanh chóng như hiện nay. Nếu không kịp thời phát hiện, trẻ có thể thực hiện các hành vi nông nổi để chứng minh bản thân trong sạch.
Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp học sinh phải đối mặt với trầm cảm, rối loạn lo âu, stress, hội chứng Self-harm do bị bạn bè bắt nạt và trêu chọc lâu dài. Nếu không xử lý sớm, trẻ còn phải đối mặt với thành tích học tập kém, từ đó ảnh hưởng đến định hướng tương lai và gây ra nhiều vấn đề trong quá trình phát triển nhân cách.
Nên làm gì khi con bị bạn bè bắt nạt, trêu chọc?
Trẻ thường bị bắt nạt bởi bạn bè có quyền lực cao hơn (những đứa trẻ cao lớn, khỏe mạnh hơn, nổi tiếng trong trường, gia đình giàu có,…). Chính vì vậy, con trẻ thường không dám phản kháng và cố gắng chịu đựng để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Phần lớn học sinh đều thiếu kỹ năng và kinh nghiệm sống nên khó có thể xử lý được những vấn đề này. Do đó, gia đình nên đồng hành cùng con và giúp con trẻ thoát khỏi các hành vi trêu chọc, bắt nạt từ bạn bè.
Khi phát hiện con đang bị bạn bè bắt nạt, bố mẹ có thể xử lý vấn đề theo trình tự sau:
1. Trấn an tinh thần của con
Trước tiên, cần trò chuyện với con một cách bình tĩnh để trấn an tinh thần, tránh tình trạng hỏi dồn dập khiến trẻ hoảng loạn và sợ hãi. Lúc này, gia đình nên tạo điều kiện để trẻ giãi bày cảm xúc tiêu cực và động viên để trẻ vượt qua sự sợ hãi.
Hơn bao giờ hết, trẻ cần chỗ dựa tinh thần khi trở thành nạn nhân của bạo lực học đường và các hành vi bắt nạt thể chất, tinh thần. Bố mẹ nên tập trung vào việc lắng nghe để trẻ cảm thấy an tâm và thoải mái hơn thay vì cố gắng tìm ra nguyên nhân vào lúc này. Ngoài ra, cần nhấn mạnh để trẻ hiểu rằng trẻ hoàn toàn không có lỗi khi là nạn nhân. Nếu cần thiết, nên cho trẻ nghỉ học 1 – 2 ngày trước khi thực hiện các bước giải quyết tiếp theo.
2. Tìm hiểu cụ thể các hành vi bắt nạt, trêu chọc
Sau khi tinh thần của con đã ổn định, bố mẹ nên trò chuyện một cách bình tĩnh để nắm bắt được các hành vi bắt nạt, trêu chọc mà con phải trải qua. Tuy nhiên, cần để trẻ thoải mái, tránh hỏi dồn dập khiến trẻ hoảng loạn và không kiểm soát được cảm xúc.
Khi hỏi về vấn đề này, phụ huynh nên nhấn mạnh về việc tin tưởng con cái và sẽ luôn ở bên cạnh để bảo vệ con. Có như vậy, trẻ mới thoải mái giãi bày những suy nghĩ và kể lại những sự việc đã phải đối mặt.
3. Trao đổi trực tiếp với giáo viên
Sau khi hiểu rõ vấn đề, phụ huynh nên đến trường gặp giáo viên chủ nhiệm để trao đổi. Tuy nhiên, gia đình cần giữ bình tĩnh vì giáo viên không phải là nguyên nhân gây ra vấn đề này. Trước tiên, cần trao đổi về việc trẻ bị bạn bè trong lớp, trường học bắt nạt và đe dọa để cùng tìm hiểu nguyên nhân. Bởi đôi khi các hành vi này có thể xuất phát do mâu thuẫn và hiểu lầm.
Nếu do mâu thuẫn, gia đình và nhà trường cần giúp các em giải quyết mâu thuẫn, xích mích để xây dựng môi trường học tập lành mạnh. Tuy nhiên trong bất cứ trường hợp nào, trẻ có hành vi bắt nạt bạn bè đều phải đối mặt với những hình thức kỷ luật để học sinh trong trường ý thức được hậu quả của những hành vi này.
Đối với những hành vi bắt nạt có tính chất nghiêm trọng, vấn đề này cần được ban giám hiệu xem xét và đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp để đảm bảo môi trường học tập lành mạnh, an toàn. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể nhờ sự trợ giúp của ban giám hiệu nếu trẻ bị các học sinh trường khác bắt nạt.
4. Cải thiện sức khỏe tinh thần cho con
Sau khi giải quyết vấn đề bắt nạt ở trường học, bố mẹ cần có biện pháp cải thiện sức khỏe tinh thần cho con. Bởi lúc này, trẻ sẽ phải phải đối mặt với những tổn thương “vô hình” và khó có được tâm lý thoải mái khi đến trường.
Các biện pháp bố mẹ nên thực hiện để cải thiện tinh thần cho con sau khi bị bạn bè bắt nạt, trêu chọc:
- Đưa ra lời khuyên để trẻ hiểu đúng các hành vi bắt nạt, trêu chọc của bạn bè. Quan trọng nhất phải để trẻ biết được rằng, trẻ hoàn toàn không có lỗi trong chuyện này và không nên cảm thấy xấu hổ hay tự ti, mặc cảm.
- Thời gian đầu, bố mẹ nên đưa đón con đến trường, an ủi và động viên để trẻ lấy lại tinh thần lạc quan như trước. Ngoài ra, nên khuyên con tránh sử dụng mạng xã hội một thời gian dài để lấy lại tâm lý thoải mái nhất.
- Nên học cùng con để hỗ trợ con ôn lại kiến thức đã bỏ lỡ trong thời gian bi trêu chọc và bắt nạt. Nếu cần thiết, nên cho trẻ học thêm với gia sư để nắm vững kiến thức. Điều này sẽ giúp trẻ tự tin hơn khi đến lớp.
- Lắng nghe những suy nghĩ và nguyện vọng của con. Trong thời điểm này, con thường có những suy nghĩ tiêu cực. Vai trò của bố mẹ là giúp con lấy lại sự tự tin, lòng tự trọng và thoải mái hơn khi đến trường.
- Quan tâm con từ những điều nhỏ nhất và trang bị cho con trẻ những kỹ năng cần thiết để lựa chọn được bạn bè phù hợp. Ngoài ra, nên xây dựng mối quan hệ thân thiết để trẻ thoải mái tâm sự với bố mẹ những băn khoăn và vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Từ đó bố mẹ có thể hiểu được tâm lý và đồng hành cùng con cái trong suốt chặng đường trưởng thành.
5. Chuyển trường nếu trẻ mong muốn
Thực tế, các hành vi bắt nạt và trêu chọc từ bạn bè có thể để lại tổn thương sâu sắc về mặt tinh thần. Nếu con trẻ mong muốn, gia đình nên xem xét việc chuyển trường. Môi trường học tập lành mạnh là điều cần thiết để trẻ có thể thoải mái học tập và kết bạn. Do đó, việc chuyển trường là cần thiết nếu con bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng và bản thân bố mẹ cũng nhận thấy trường học hiện tại còn khá nhiều hạn chế trong việc quản lý học sinh.
Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bố mẹ đã biết nên làm gì khi con bị bạn bè bắt nạt và trêu chọc. Ngoài ra sau sự việc này, gia đình cần quan tâm hơn đến con trẻ và dạy cho con những kỹ năng để tránh khỏi các phiền toái trong cuộc sống.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!