NHC Việt Nam đồng hành cùng sinh viên Ngoại thương trong chương trình: Relationship Transceiver Station
Ngày 26/12/2021, Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam đã kết hợp với Câu lạc bộ Đồng hành cùng Sinh viên FTU2 thuộc trường Đại học Ngoại thương tổ chức buổi Webinar “Relationship transceiver station”. Chương trình thu hút hơn 200 sinh viên trường Ngoại thương 2 tham dự.
Nội dung chương trình Relationship Transceiver Station xoay quanh vấn đề thiết lập mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống từ hai góc nhìn của người hướng nội và người hướng ngoại. Trong suy nghĩ của rất nhiều người, người hướng nội thường là người sống khép kín, không hòa nhập, đôi khi còn ích kỷ. Trong khi đó, người hướng ngoại là người hời hợt, không biết quý trọng những mối quan hệ, không biết cách xây dựng, gìn giữ những mối quan hệ sâu sắc. Sự thật có phải như vậy? Và làm thế nào để tạo một mối quan hệ mới, để cải thiện mối quan hệ hiện tại và đạt được điều mình mong muốn khi bạn là người hướng nội hoặc người hướng ngoại.
Tham gia chương trình với vai trò là diễn giả, chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến đại diện cho Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam đã giúp các bạn sinh viên hiểu 3 giai đoạn trong một mối quan hệ và 5 chiến thuật để xử lý xung đột. Kiến thức được chia sẻ dựa trên các tình huống điển hình của sinh viên.
Trong các mối quan hệ, mỗi con người là một cột thu và phát sóng. Tần sóng được phát ra dựa vào mong muốn thực sự của mỗi người. Tần sóng phát ra sẽ bắt được sóng của những người có tần sóng tương tự. Đây chính là nội dung của một quy luật tự nhiên của vũ trụ, quy luật hấp dẫn. Điều này giải thích vì sao chúng ta lại có thể nói chuyện với một người lạ nào đó một cách say mê, cuốn hút nhưng đôi khi chúng ta lại không thể bắt chuyện được một người mà chúng ta muốn làm quen. Đó là vì tần sống có thể tương đồng với nhau hoặc khác nhau.
3 Giai đoạn xây dựng mối quan hệ
3 giai đoạn trong xây dựng mối quan hệ gồm có: Hòa nhập – Hòa hợp và ảnh hưởng. Chúng được thể hiện trên hình tam giác bởi mỗi giai đoạn có ảnh hưởng, tác động đến giai đoạn khác.
Trong giai đoạn đầu tiên – Hòa nhập hay còn gọi là dao động, tức là chúng ta phát ra tần sóng để cho đối phương biết rằng, chúng ta muốn tạo dựng mối quan hệ với họ. Trong giai đoạn này, điều quan trọng nhất là tạo ấn tượng cho 10 giây đầu tiên gặp gỡ. Làm thế nào làm được điều này một cách nhanh nhất? Mỗi chúng ta là một kiểu người riêng. Người thích nhìn sẽ tạo ấn tượng từ vẻ bề ngoài. Người thích nghe sẽ tạo ấn tượng từ lời nói, người thích cảm xúc sẽ tạo ấn tượng từ nụ cười hay những cái chạm. Nếu bạn đã tìm hiểu đối phương từ trước và biết được đối phương là người như thế nào thì chúng ta sẽ vận dụng kiến thức này để tạo ấn tượng ngay từ 10 giây gặp gỡ đầu tiên. Nhưng nếu bạn không biết họ là người như thế nào, bạn có thể thực hiện chiến lược “mô phỏng” để tạo ấn tượng hiệu quả. Trong giai đoạn này, người hướng ngoại sẽ có nhiều lợi thế hơn người hướng nội vì người hướng nội thường cẩn trọng hơn và tự vấn nhiều hơn.
Có một sự thật rằng, mỗi con người đều tồn tại cả sự hướng nội và sự hướng ngoại. Tuy nhiên, phần trăm hướng nội, hướng ngoại của mỗi người là khác nhau và chúng ta có thể kích hoạt phần hướng nội hoặc hướng ngoại của mình lên để tạo ra một sự cân bằng tương đối và trở nên linh hoạt hơn trong cuộc sống, để kiểm soát sự mất kiểm soát của mình trong các mối quan hệ.
Khi dao động tần sóng giao thoa với nhau và có hiện tượng cộng hưởng, mối quan hệ sẽ chuyển sang giai đoạn 2, giai đoạn biến điệu hay còn gọi là hòa hợp, tức là mong muốn mối quan hệ đi đến sự hòa hợp. Ở giai đoạn này, hai bạn bắt đầu tìm hiểu và nhận ra những điểm chung và điểm khác biệt từ hai phía. Đây là giai đoạn quyết định, là điều kiện cần để quyết định mối quan hệ sẽ đi xa hơn nữa hay không.
Ở giai đoạn 3 – giai đoạn ảnh hưởng (khuếch đại), mối quan hệ sẽ được đẩy lên giai đoạn mới sâu sắc và ý nghĩa hơn nhưng cũng phức tạp hơn rất nhiều. Bởi vậy, nếu ảnh hưởng của bạn là tích cực thì nó cũng sẽ tác động tốt đến đối phương, nhưng nếu ảnh hưởng là tiêu cực, bạn có thể phải giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong mối quan hệ này. Có rất nhiều cách để xử lý mâu thuẫn trong mối quan hệ nhưng điều quan trọng nhất mà chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến nhấn mạnh là bạn cần chịu 100% trách nhiệm cho vấn đề đó. Chỉ có như vậy, bạn mới là thuyền trưởng trong mối quan hệ đó, bất kể bạn là ai, bạn đóng vai trò gì trong mối quan hệ đó (là con hay là cha mẹ, là vợ hay là chồng). Và để xử lý mâu thuẫn, xung đột một cách tốt nhất, bạn cần quản trị con người mình để đẩy thông tin lên phần “não người” xử lý.
Theo mô hình não 3 trong 1 của nhà thần kinh học Paul McLean, suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của con người được xử lý theo 3 tầng não lần lượt từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài bao gồm: Não bò sát, não quan sát và não người. Não quan sát được ví như một cái phễu tiếp nhận và xử lý tất cả các thông tin. Sau khi xử lý xong, thông tin sẽ được chuyển đến não người (ở trên) hoặc não bò sất (ở dưới) để quyết định hành động. Nếu an toàn thì sẽ kích hoạt não người, nếu không an toàn thì sẽ kích hoạt não bò sát.
“Não bò sát” quyết định những hành động theo bản năng sinh tồn của con người. Trong một tình huống nào đó khiến bạn cảm thấy nguy hiểm, bạn sẽ tìm cách chạy hoặc tìm cách chiến đấu bảo vệ mình. Ở trạng thái này, hai bên sẽ dễ bị tổn thương.
Còn “não người” là tầng não ngoài cùng, nơi tư duy, phân tích và đưa ra các kết luận hợp lý. Não người là phần não của sự sáng tạo, tình yêu thương và trí tuệ. Để đưa ra những quyết định đúng đắn trong bất kỳ một tình huống nào, dù là mới gặp hay đã thân thiết lâu rồi, chúng ta nên đưa vấn đề lên phần “não người” để quan sát, phân tích và đưa ra giải pháp phù hợp.
Nếu ở giai đoạn thứ nhất, người hướng ngoại có lợi thế hơn thì ở giai đoạn thứ 3, người hướng nội thường có lợi thế hơn vì họ biết cách quan sát bản thân, quan sát đối phương để có những điều chỉnh hợp lý trong mối quan hệ đó. Đừng quên là hướng nội hay hướng ngoại bạn đều có trong con người mình, chỉ cần bạn kích hoạt chúng lên, bạn sẽ xử lý linh hoạt hơn.
5 Chiến lược giải quyết xung đột
Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến đã giới thiệu với các bạn sinh viên 5 chiến lược để xử lý các xung đột trong cuộc sống sinh viên. Một trong tình huống điển hình đó là bất đồng quan điểm với cha mẹ về nghề nghiệp: “Bạn luôn muốn làm công việc theo đam mê của mình, còn bố mẹ bạn luôn muốn bạn đi theo định hướng của bố mẹ”.
Tùy vào hoàn cảnh, mối quan hệ và khả năng của chính mình, bạn có thể chọn một trong 5 chiến lược để xử lý xung đột, mâu thuẫn: Cạnh tranh, hợp tác, thỏa hiệp, né tránh, phục tùng. Hoặc bạn có thể xử lý tình huống linh hoạt theo nhiều cách một lúc.
Không có đúng, không có sai, chỉ có phương án phù hợp nhất với bạn mà thôi và bạn cũng không cần lựa chọn phương án của người khác, bởi mỗi người có điểm mạnh khác nhau. Hãy biết cách quan sát chính mình để hiểu mình, biết mình thuộc kiểu người nào và hành động sao cho mình cảm thấy bình an trong tâm. Và khi giải quyết xung đột, chúng ta cần xử lý ở tầng “não người” để giải quyết vấn đề một cách tỉnh thức.
Những chia sẻ hữu ích từ chuyên gia tâm lý, Master Coach Bùi Thị Hải Yến đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các bạn sinh viên. Các bạn sinh viên cũng gửi đến chuyên gia Hải Yến nhiều tình huống, câu hỏi, thắc mắc với được chuyên gia Hải Yến giải đáp, hỗ trợ.
Với những chia sẻ chân thật dưới góc nhìn đầy kinh nghiệm, giàu giá trị từ chuyên gia Bùi Thị Hải Yến, chương trình “Relationship transceiver station” đã mang đến những thông tin, kiến thức bổ ích giúp các bạn sinh viên có được những bài học quý giá để giải quyết các mối quan hệ trong cuộc sống cũng như tiếp cận và hòa nhập với môi trường đại học một cách dễ dàng hơn. Để từ đó, các bạn sinh viên có thể tìm ra giải pháp phù hợp, phá bỏ sự e ngại, lo lắng trong chính bản thân mình để tự tin thể hiện khả năng, hoàn thiện bản thân, giúp ích cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc kết nối, hòa hợp, giải quyết xung đột, mâu thuẫn với người thân, bạn bè, đồng nghiệp… các bạn có thể để lại thông tin cho chuyên gia Bùi Thị Hải Yến tại đây.
Nếu bạn cần hợp tác với Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, bạn có thể liên hệ với chúng tôi qua email: tamlytrilieunhc@gmail.com
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!