Phỏng vấn tạo động lực: Kỹ thuật hữu hiệu trong trị liệu tâm lý
Phỏng vấn tạo động lực được áp dụng nhằm khuyến khích sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động của bệnh nhân. Phương pháp kỹ thuật này ngày càng được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại nhiều khó khăn, đòi hỏi sự kiên nhẫn của bệnh nhân và người tham vấn trong một quá trình dài.
Phỏng vấn tạo động lực là gì?
Kỹ thuật phỏng vấn tạo động lực (Motivational Interviewing – MI) là một phương pháp được ứng dụng trong trị liệu tâm lý. Đây là một dạng trị liệu hiện đại, không dùng thuốc hay bất kỳ thiết bị hỗ trợ nào. Phương pháp MI đòi hỏi cần có một quá trình dài để trị liệu.
Giải thích đơn giản về phương pháp này, đó chính là một cách để trao đổi, giao tiếp giữa tham vấn viên (bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý) và bệnh nhân. Cuộc phỏng vấn này với mục đích giúp bệnh nhân có động lực để từ đó thay đổi tâm lý, suy nghĩ và hành vi.
Phỏng vấn tạo động lực (MI) sẽ trao đổi sâu sắc về vấn đề mà bệnh nhân mong muốn thay đổi. Từ đó, thông qua các giai đoạn của phỏng vấn sẽ giúp bệnh nhân có thêm động lực để sẵn sàng thay đổi tích cực hơn. Buổi phỏng vấn phải luôn là không khí cởi mở, thoải mái và bệnh nhân hợp tác trên tinh thần tự nguyện không ép buộc.
Quá trình đòi hỏi sự nỗ lực của tham vấn viên và cả bệnh nhân. Tham vấn viên phải giúp bệnh nhân nhìn nhận ra được giá trị của sự thay đổi, tìm được động lực để vượt qua khó khăn và giải quyết các vấn để về tâm lý. Khi đã có động lực, bệnh nhân sẽ dễ dàng cam kết thay đổi.
Điều quan trọng là bệnh nhân phải nhìn nhận được lý do và mục đích họ cần thay đổi. Tham vấn viên cũng cần khai thác sâu và khơi gợi về các lý do đó, giúp cho bệnh nhân có động lực mạnh mẽ hơn, chấp nhận thay đổi hành vi của mình.
Xem thêm: Các phương pháp Tâm lý trị liệu cơ bản thường được sử dụng
Cách thực hiện phỏng vấn tạo động lực
Mỗi phương pháp trị liệu tâm lý luôn cần có thời gian và đó là cả một quá trình, phỏng vấn tạo động lực cũng không ngoại lệ. Sự tích cực của bệnh nhân sẽ xuất hiện một cách chậm rãi qua từng giai đoạn. Tham vấn viên phải kiên nhẫn và tinh tế trong quá trình đồng hành cùng bệnh nhân.
Phỏng vấn tạo động lực sẽ có 4 giai đoạn chính, tuy nhiên mỗi tham vấn viên sẽ có những kinh nghiệm và kỹ năng riêng để áp dụng phù hợp cho từng đối tượng bệnh nhân.
- Giai đoạn 1: Tiếp cận vấn đề.
Đây là giai đoạn khá quan trọng, như một sự làm quen trước khi bắt đầu trò chuyện sâu giữa tham vấn viên và bệnh nhân. Giai đoạn đầu tiên này giúp đặt nền móng vững chắc cho các giai đoạn sau được hiệu quả hơn.
Giai đoạn tiếp cận vấn đề với mục đích chính là thiết lập mối quan hệ và sự tin tưởng giữa tham vấn viên và thân chủ. Vì ở những bước sau, họ sẽ trao đổi sâu sắc mọi vấn đề cần giải quyết nên việc khiến bệnh nhân tin tưởng để có thể bộc lộ hết những suy nghĩ, mong muốn, mơ ước là điều rất cần thiết.
Tin tưởng sẽ giúp việc lắng nghe và thấu hiểu được dễ dàng hơn. Tham vấn viên phải thể hiện cho bệnh nhân thấy được sự tôn trọng quyền tự chủ và sự thấu hiểu dành cho họ. Đòi hỏi người tham vấn phải có kỹ năng giao tiếp và ứng xử khéo léo, luôn lắng nghe và thấu hiểu cho hoàn cảnh của bệnh nhân.
Một cuộc phỏng vấn tạo động lực sẽ bắt đầu hiệu quả hơn nếu người tham vấn biết cách đặt những câu hỏi mở nhưng không quá phức tạp và khó hiểu. Với mục đích có được cái nhìn khách quan hơn về vấn đề mà bệnh nhân mắc phải, đồng thời xóa bỏ khoảng cách và rào cản giữa hai bên.
Cần đảm bảo rằng bệnh nhân luôn thoải mái, an toàn, tự chủ và hoàn toàn tự nguyện cho cuộc phỏng vấn. Vì suy cho cùng, quan trọng nhất vẫn là chính bản thân bệnh nhân tự tạo động lực để thay đổi cho mình. Để tiến trình diễn ra suôn sẻ, tham vấn viên cần soạn trước một số câu hỏi có nhiều hướng trả lời để tạo thêm câu chuyện.
- Giai đoạn 2: Đặt ra mục tiêu, định hướng thay đổi.
Sau khi đã tin tưởng và nói chuyện tự nhiên hơn, cuộc phỏng vấn sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Hai bên sẽ cùng phân tích, tìm hiểu các vấn đề mà bệnh nhân đang gặp phải. Tìm ra ưu nhược điểm của vấn đề và xác định thứ tự ưu tiên trong việc giải quyết vấn đề đó. Sau đó, sẽ đặt ra một mục tiêu chung và cách để thay đổi.
Đòi hỏi bệnh nhân phải thành thật với cảm xúc và suy nghĩ của mình, từ đó chia sẻ với tham vấn viên. Người tham vấn cũng cần nhạy bén để xác định được đâu là trọng tâm của vấn đề đang gặp phải. Hai bên cần nhận diện rõ ràng được nguồn cơn, bản chất và lý do tồn tại của vấn đề. Từ đó việc định hướng thay đổi sẽ dễ dàng hơn.
Vì ý thức sẽ quyết định hành động nên việc phải thay đổi từ trong nhận thức trước sẽ là giai đoạn không thể bỏ qua. Bệnh nhân cần phải thấy rõ những khó khăn mà mình đang đối mặt, giải bày trực tiếp với tham vấn viên để buổi phỏng vấn được chi tiết và sâu rộng hơn.
Bệnh nhân cũng phải có ý thức về việc đặt mục tiêu để giúp định hướng và thay đổi được hành vi của mình. Trong giai đoạn này, tham vấn viên cần thể hiện được thái độ hợp tác, lắng nghe và thấu hiểu với bệnh nhân. Áp dụng các câu hỏi mở để phát triển được câu chuyện, giữ được sự phản hồi liên tục giữa hai bên và tóm tắt được vấn đề.
Việc quan sát và chú ý là điều bắt buộc trong giai đoạn này đối với các tham vấn viên. Vì nó sẽ quyết định được chất lượng của buổi phỏng vấn. Đòi hỏi phải tìm ra được cốt lõi của vấn đề và ghi nhận được biểu hiện của bệnh nhân đối với vấn đề đó.
- Giai đoạn 3: Khơi gợi, tạo động lực.
Đây là giai đoạn khó khăn nhất của phỏng vấn tạo động lực, khó khăn cho cả bệnh nhân lẫn người tham vấn. Khi đã hiểu được vấn đề và xác định được mục đích, mong muốn của bệnh nhân, lúc này tham vấn viên sẽ chuyển đến giai đoạn khơi gợi và động viên.
Việc khơi gợi của tham vấn viên sẽ giúp cho bệnh nhân nhìn nhận ra được động cơ, lý do để thay đổi. Thảo luận về động lực và niềm tin để thay đổi được hành vi của bệnh nhân. Người bệnh cần rất nhiều sự gợi ý, thúc đẩy để có thể phát hiện ra được lý do mạnh mẽ khiến họ phải quyết tâm thay đổi.
Nhiệm vụ của tham vấn viên là có thể khơi gợi được trong bệnh nhân những động cơ, lý do cần thay đổi và kết quả tuyệt vời khi thay đổi hành vi là như thế nào. Để trong suy nghĩ của bệnh nhân phát triển ra được nguồn động lực mạnh mẽ từ đó thúc đẩy hành động thay đổi của mình theo chiều hướng tích cực.
Tham vấn viên cần khơi gợi được niềm tin cho bệnh nhân, để bệnh nhân hiểu rằng chỉ có thay đổi mới có thể tốt hơn, hạnh phúc hơn. Tin rằng họ mạnh mẽ và có khả năng thay đổi được hành vi của mình. Đồng thời, cũng phải giải quyết được những mâu thuẫn, nghi ngờ, lưỡng lự trong bệnh nhân để không gây cản trở cho quá trình điều trị.
Để thực hiện được giai đoạn này, tham vấn viên phải luôn luôn bày tỏ được sự đồng cảm và chấp nhận những mọi suy nghĩ và quyết định của bệnh nhân. Vai trò của tham vấn viên ở bước này chỉ nên là gợi ý động cơ và lý do bệnh nhân nên thay đổi. Không nên thúc ép hay bắt buộc bệnh nhân phải theo bất kỳ quy tắc hay suy nghĩ nào.
- Giai đoạn 4: Lập kế hoạch thay đổi
Sau giai đoạn khơi gợi và tìm ra được định hướng của việc thay đổi, bệnh nhân và người tham vấn sẽ cùng nhau qua giai đoạn cuối. Đây là bước cần nhiều thời gian và nỗ lực cố gắng của bệnh nhân.
Người tham vấn sẽ hỗ trợ bệnh nhân nhận thức ra các khía cạnh của sự thay đổi và củng cố thêm sự cam kết thay đổi. Lúc này, bệnh nhân phải thật sự sẵn sàng và quyết tâm thực hiện. Bệnh nhân thực hiện theo đúng các bước đã triển khai kế hoạch để tham vấn viên có thể theo dõi được tiến độ và điều chỉnh nếu cần.
Khi người bệnh đã xác định rõ được vấn đề và những việc cần thay đổi, hai bên sẽ cùng lập một kế hoạch rõ ràng về định hướng thay đổi, cách thực hiện hoạt động chi tiết nhất có thể. Nhưng kế hoạch cần tối giản, ngắn gọn và chọn lọc nhất để đạt hiệu quả cao.
Bệnh nhân cần bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, thay đổi lối sống theo từng bước. Việc thay đổi không thể thực hiện trong thời gian ngắn, vì thế bệnh nhân cần kiên trì, không nên vội vàng tránh mất động lực trong quá trình thực hiện thay đổi. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, tham vấn viên cũng có thể trợ giúp nhưng không được áp đặt.
Lưu ý rằng sự quyết tâm và động cơ thay đổi của bệnh nhân phải xuất phát từ chính bệnh nhân. Việc lập kế hoạch hành động cũng nên do chính bệnh nhân thực hiện mới có thể tạo nên sự thay đổi bền vững. Những thay đổi về suy nghĩ trong các giai đoạn trước sẽ giúp bệnh nhân quyết tâm hơn để thay đổi về hành vi của mình.
Người tham vấn cần duy trì thái độ hợp tác, chấp nhận của mình trong suốt giai đoạn thực hiện phỏng vấn và thay đổi của bệnh nhân. Tôn trọng quyền quyết định của bệnh nhân để củng cố thêm niềm tin trong họ. Tham vấn viên chỉ nên tư vấn, đưa lời khuyên mà không can thiệp vào quá trình thay đổi của bệnh nhân.
Xem thêm: Điều trị rối loạn lo âu bằng liệu pháp tâm lý trị liệu
Những trường hợp cần phỏng vấn tạo động lực
Phương pháp điều trị bằng phỏng vấn tạo động lực (MI) được áp dụng trong nhiều lĩnh vực và nhiều mối lo ngại khác nhau liên quan đến vấn đề tâm lý, hành vi con người.
Thông thường, phương pháp này được dùng để nhằm thay đổi ý thức của một con người, từ đó họ có động lực để thay đổi hành động. Điều này sẽ phù hợp cho một số trường hợp bệnh nhân như:
- Cai nghiện
Bệnh nhân đang trong quá trình nghiện một thứ gì đó không lành mạnh: thuốc lá, ma túy, bia rượu, game, mạng xã hội, bạo lực, cờ bạc,… mong muốn có cơ hội được thay đổi nhưng chưa thể xác định rõ vấn đề và động lực thúc đẩy.
- Cải thiện ăn uống, cân nặng
Những người đang cần cải thiện cân nặng và điều chỉnh lại chế độ ăn uống. Bệnh nhân đang trong giai đoạn béo phì, cần định hướng và thay đổi thói quen ăn uống vô độ của mình nhưng không đủ quyết tâm và ý chí.
- Điều trị bệnh
Các bệnh nhân đang trong giai đoạn chữa trị các bệnh hiểm nghèo như: ung thư, HIV, lao, mất trí nhớ,… thường rơi vào tình trạng stress, bế tắc, tiêu cực dẫn đến việc thiếu quyết tâm điều trị. Cần thay đổi suy nghĩ để giúp họ có thêm niềm tin và nghị lực vượt qua bệnh tật.
- Rối loạn lo âu, bệnh tâm lý
Rối loạn lo âu, mắc bệnh tâm lý cũng khiến cho người bệnh dễ mắc vào những tình trạng mệt mỏi căng thẳng cần được giải tỏa. Phỏng vấn tạo động lực giúp họ có cái nhìn tích cực hơn, đỡ áp lực trong việc điều trị tâm lý.
Nguyên tắc cốt lõi trong phỏng vấn tạo động lực
Khi thực hiện phỏng vấn, nghĩa là người bệnh sẽ thường xuyên tiếp xúc và trò chuyện cùng tham vấn viên. Tuy là một buổi nói chuyện dựa trên tinh thần thoải mái, vui vẻ và tự nguyện, nhưng những người tham vấn vẫn phải có các nguyên tắc cốt lõi để buổi phỏng vấn có kết quả tốt đẹp.
Một số nguyên tắc cơ bản trong tham vấn tâm lý trị liệu cần tuân thủ đối với phương pháp phỏng vấn tạo động lực:
- Hợp tác phát triển
Đây được xem là điều tiên quyết và cần thiết trong quá trình điều trị. Tham vấn viên luôn phải hòa nhã, nhẹ nhàng, duy trì hòa khí đôi bên. Xem bệnh nhân như một đối tác trong một buổi thương lượng. Luôn đề cao tinh thần bệnh nhân và đem lợi ích của bệnh nhân lên hàng đầu. Giúp người bệnh có thể thân thiết, gắn bó và tự tin chia sẻ.
- Chấp nhận
Luôn chấp nhận con người và bản chất thật của bệnh nhân. Bệnh nhân chỉ có thể mở lòng chia sẻ với tham vấn viên khi họ thật sự cảm thấy có thể được thừa nhận và tôn trọng. Chấp nhận cả những khuyết điểm và phần tối trong con người của bệnh nhân.
Chấp nhận không có nghĩa là thỏa hiệp và tán thành với mọi điều của bệnh nhân. Tham vấn viên có thể đưa ra những gợi ý, lời khuyên để bệnh nhân có thể tham khảo và điều hướng kế hoạch thay đổi đúng đắn hơn.
- Thấu hiểu, đồng cảm
Giữ tinh thần đồng cảm và thấu hiểu là điều quan trọng trong mọi cuộc nói chuyện. Tham vấn viên chỉ có thể hiểu được bệnh nhân khi chịu đồng cảm với hoàn cảnh và lắng nghe tình trạng của họ.
Khi rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng, bệnh nhân rất cần những lời động viên và quan tâm đến từ sự thấu hiểu của người khác. Tham vấn viên cần thể hiện được sự xúc động và cảm thông khi lắng nghe những chia sẻ của bệnh nhân. Vì chỉ có cảm xúc mới giúp hai bên được gắn kết và làm việc hiệu quả hơn.
- Tôn trọng
Một nguyên tắc “vàng” để trở thành một tham vấn viên giỏi đó là luôn tôn trọng khách hàng (bệnh nhân). Tham vấn viên luôn phải giữ thái độ tôn trọng trong suốt quá trình làm việc. Tôn trọng mọi suy nghĩ, nhận thức, định hướng và giải pháp của bệnh nhân, không nên can thiệp vào áp đặt lên những quyết định của người bệnh.
Không bao giờ được phân cấp độ với bệnh nhân, cho rằng mọi quyết định và suy nghĩ của mình là đúng đắn. Vì chỉ có bệnh nhân mới thật sự hiểu bản thân của họ và những quyết định đưa ra đều có lý do, nên các tham vấn viên cần tôn trọng điều đó.
- Gợi ý
Trong suốt quá trình điều trị, các tham vấn viên chỉ nên dừng ở mức độ gợi ý và cho ý kiến tham khảo. Không xen vào sâu những định hướng và mong muốn của bệnh nhân, để họ có cơ hội được lên kế hoạch cho chính bản thân mình. Khơi gợi lên những động lực và niềm tin giúp bệnh nhân mạnh mẽ và nỗ lực hơn.
Mọi quyết định và kế hoạch đều nên xuất phát từ chính bản thân bệnh nhân, vì chỉ có như vậy khả năng thay đổi hành vi mới cao hơn. Tham vấn viên có thể cho lời khuyên và tư vấn để quá trình điều trị được hiệu quả và tốt hơn.
Những kỹ năng cần biết khi phỏng vấn tạo động lực
Ngoài những nguyên tắc khi làm việc với bệnh nhân, các tham vấn viên cũng nên bổ trợ cho mình những kỹ năng cần thiết. Những kỹ năng này giúp việc phỏng vấn được thuận lợi và hiệu quả hơn.
Các kỹ năng có thể được trau dồi qua đào tạo mà cũng có thể qua việc trải nghiệm thực tế từ đó rút ra kinh nghiệm và cải thiện kỹ năng.
- Kỹ năng đặt câu hỏi
Việc phỏng vấn tất nhiên sẽ xoay quanh các câu hỏi để khai thác thông tin từ đối phương. Vì thế các tham vấn viên cần có cho mình được kỹ năng đặt câu hỏi để đào sâu được vấn đề cốt lõi.
Các câu hỏi nên là câu hỏi mở, để bệnh nhân có nhiều cơ hội trả lời hơn. Tạo điều kiện để bệnh nhân chia sẻ và các tham vấn viên cũng có thể thấu hiểu được vấn để từ bệnh nhân.
Câu hỏi nên linh động để có thể thay đổi dễ dàng trong nhiều trường hợp. Ngoài ra, người tham vấn cần đơn giản hóa và ngắn gọn câu hỏi để bệnh nhân dễ hiểu, tránh trả lời lan man thiếu trọng tâm.
- Kỹ năng lắng nghe
Không phải ai cũng có thể lắng nghe và thấu hiểu người khác, đây cũng là kỹ năng quan trọng cần có của một tham vấn viên. Lắng nghe mọi điều, mọi suy nghĩ và mong muốn của bệnh nhân dựa trên sự đồng cảm và thấu hiểu.
Không phán xét và đánh giá bất kỳ quyết định hay suy nghĩ nào của bệnh nhân. Các tư vấn viên cần lắng nghe kỹ và rõ để có thể nhìn nhận được vấn đề mà bệnh nhân đang cần giải quyết.
- Kỹ năng chia sẻ
Sau khi lắng nghe thì các tham vấn viên cần chia sẻ và đồng hành cùng bệnh nhân. Chia sẻ những vấn đề mà bệnh nhân đang lo lắng và thiếu tự tin để đưa ra lời khuyên đúng nhất. Chia sẻ qua lại giữa hai bên sẽ khiến cuộc phỏng vấn trở nên thoải mái và nhẹ nhàng hơn.
Việc chia sẻ với bệnh nhân sẽ giúp tham vấn viên hiểu thêm được nhiều thứ và khác thác thê được thông tin từ phía đối phương. Bệnh nhân cũng sẽ cảm thấy tin tưởng và an toàn hơn khi chia sẻ những suy nghĩ thầm kín của mình cho người tham vấn.
- Kỹ năng ghi nhận
Việc ghi nhận và tóm tắt lại vấn đề của bệnh nhân cũng là một kỹ năng cần thiết của tham vấn viên. Giúp người tham vấn có thể liên kết lại vấn đề của bệnh nhân, chọn lọc các thông tin cốt lõi khi hai bên làm việc với nhau.
Khi ghi nhận, cũng là lúc bệnh nhân có cơ hội khái quát và nhìn nhận lại vấn đề và thông tin mà họ đã chia sẻ. Mục đích việc ghi nhận thông tin có thể giúp tham vấn viên gợi ý được các định hướng thay đổi hiệu quả hơn cho bệnh nhân.
- Kỹ năng cung cấp thông tin
Kỹ năng cung cấp thông tin của tham vấn viên sẽ giúp cho bệnh nhân có thêm được nhiều định hướng và động lực thay đổi. Giúp bệnh nhân có cơ hội tham khảo thêm để hiểu và thay đổi được suy nghĩ trong cách nhìn nhận về vấn đề của mình.
Chỉ nên chia sẻ khi bệnh nhân có nhu cầu, không nên ép buộc bệnh nhân phải tuân theo những thông tin, vì nó chỉ mang tính chất tham khảo. Các thông tin chỉ giúp bệnh nhân hiểu thêm về mong muốn của mình, tránh các thông tin có ý phản bác lại suy nghĩ của bệnh nhân.
- Kỹ năng chú ý dấu hiệu thay đổi
Trong quá trình điều trị, tham vấn viên cần có khả năng quan sát được các dấu hiệu thay đổi của bệnh nhân, kể cả trong suy nghĩ và hành động. Giải tỏa những mâu thuẫn và mối bận tâm khiến cản trở quá trình nỗ lực thay đổi của bệnh nhân.
Đòi hỏi sự nhạy bén và tinh tế của người tham vấn để nhìn nhận được tình trạng thay đổi của bệnh nhân. Nếu chưa có kết quả tốt, cần tiếp tục nói chuyện và động viên bệnh nhân, củng cố thêm niềm tin và động lực để thay đổi. Có thể gợi ý điều chỉnh kế hoạch nếu nhận thấy dấu hiệu không khả quan, để việc thay đổi có hiệu quả hơn.
Lợi ích của phỏng vấn tạo động lực trong trị liệu tâm lý
Phỏng vấn tạo động lực được xem là một kỹ thuật hữu hiệu trong việc trị liệu tâm lý bởi sự hiệu quả thật sự của nó. Trên thực tế, đã có rất nhiều đối tượng bệnh nhân tìm đến phương pháp này nhằm thay đổi hành vi của họ.
Theo nghiên cứu cho biết đã có rất nhiều ca cai nghiện thành công các chất kích thích không lành mạnh thông qua quá trình điều trị bởi phương pháp phỏng vấn tạo động lực. Hiệu quả của phương pháp này là không thể phủ nhận vì nó không chỉ là cuộc nói chuyện bình thường, mà nó là quá trình củng cố niềm tin và động lực cho bệnh nhân.
Xem thêm: Trị liệu tâm lý có thực sự mang lại hiệu quả?
Từ việc giúp bệnh nhân có thể thay đổi được nhận thức, suy nghĩ, giúp họ có thêm động lực để thay đổi hành vi. Lợi ích của phương pháp này không thể nhìn thấy trong thời gian ngắn, mà nó là cả một hành trình khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cả bệnh nhân và người tham vấn.
Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thật sự hiệu quả đối với các bệnh nhân đã có mong muốn hoặc nguyện vọng thay đổi. Những bệnh nhân này chỉ cần được định hướng và tạo thêm động lực để giúp họ thay đổi được hành vi của mình. Điều kiện cần thiết của phương pháp này chính là bệnh nhân phải có ý thức về sự thay đổi.
Vì phương pháp này dựa trên tinh thần tự nguyện cao, sẽ phù hợp với những người đang có ý định thay đổi nhưng còn phân vân và chưa có đủ niềm tin. Còn với trường hợp những bệnh nhân chưa sẵn sàng và không có mong muốn thay đổi thì phương pháp này không phù hợp.
Một số lợi ích được ghi nhận qua sự trị liệu của việc phỏng vấn tạo động lực:
- Củng cố thêm động lực, niềm tin, lý do để thay đổi hành vi của bản thân.
- Phỏng vấn tạo động lực giúp bệnh nhân từ bỏ được hành vi không lành mạnh.
- Giúp người bệnh có cơ hội được quyết định trong quá trình điều trị.
- Bệnh nhân trở nên tự tin, mạnh dạn và quyết tâm hơn.
- Mang lại một tương lai tích cực.
- Bệnh nhân được lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ.
- Có cơ hội tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất.
Để đạt được hiệu quả nhanh chóng, ngoài sự nỗ lực của bệnh nhân, còn cần cả sự trợ giúp của người tham vấn, gia đình, bạn bè và xã hội. Nên theo dõi, quan tâm và đồng hành cùng bệnh nhân trong suốt quá trình trị liệu. Vì người thân chính là động lực lớn nhất giúp bệnh nhân có thể quyết tâm vượt qua khó khăn và bệnh tật.
Phỏng vấn tạo động lực là một phương pháp tâm lý hiện đại và được khuyến khích phổ biến rộng rãi hơn. Tuy nhiên phương pháp này cũng đòi hỏi sự quyết tâm cao độ và niềm tin từ bệnh nhân. Nếu đã có mong muốn thay đổi, hãy đến thăm khám ngay các phòng khám và bác sĩ có uy tín để được kiểm tra và tiến hành sớm nhất có thể.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!