Rối loạn hành vi là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
Rối loạn hành vi thường có xu hướng xuất hiện chủ yếu ở trẻ nhỏ hoặc lứa tuổi vị thành niên. Người bệnh thường không kiểm soát được các hành vi của bản thân hay khó khăn khi thực hiện những hành vi theo chuẩn mực quy tắc của xã hội. Phát hiện và điều trị bệnh sớm sẽ giúp giảm tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về cả thể chất lẫn trí não của trẻ nhỏ.
Rối loạn hành vi là gì?
Rối loạn hành vi có thể hiểu đơn giản là một nhóm các vấn đề bất thường về hành vi và cảm xúc thường gặp phải chủ yếu ở trẻ nhỏ hay người trong lứa tuổi vị thành niên. Người mắc bệnh này này có xu hướng không kiểm soát được những hành vi xấu hay cảm thấy khó khăn nếu thực hiện theo đúng những quy chuẩn xã hội hay những quy tắc khuôn khổ được đặt ra.
Bệnh khá khó phát hiện bởi người lớn đôi khi thường cho rằng những hành vi bất thường này là do trẻ nghịch ngợm, hư hỏng, quậy phá chứ không cho rằng là một bệnh tâm lý. Chẳng hạn với những đứa trẻ thích bấm chuông cửa rồi chạy, thích đánh nhau thậm chí là ăn trộm, có thể đó không phải là bản tính xấu xa sẵn có mà do trẻ đang gặp các vấn đề về tinh thần cần phải được điều trị sớm.
Rối loạn hành vi thường được chia làm 3 dạng chính dựa trên độ tuổi
- Rối loạn hành vi trẻ em thường sẽ bắt đầu có dấu hiệu trước khi bé được 10 tuổi
- Rối loạn hành vi tuổi vị thành niên thường xuất hiện trong nhóm 13-19 tuổi với mức độ nguy hiểm cao hơn, do lúc này bé bắt đầu có các nhận thức rõ ràng về đời sống xung quanh
- Rối loạn hành vi không xác định khi không thể xác định chính xác thời điểm phát bệnh.
Tùy vào các triệu chứng và cách cư xử, bệnh cũng chia thành những nhóm sau
- Rối loạn thách thức chống đối
- Rối loạn cư xử, cuồng phóng hỏa, ăn cắp vặt
- Rối loạn bùng phát gián đoạn
Trẻ mắc chứng rối hoạn hành vi có thể được chẩn đoán đi kèm với hạn chế cảm xúc tiền xã hội ( limited prosocial emotions) khiến bệnh có xu hướng trầm trọng hơn. Việc điều trị bệnh cần thực sự kiên trì trong thời gian dài và cần kết hợp cả dùng thuốc và sự hỗ trợ của gia đình mới thực sự có tác dụng.
Dấu hiệu của rối loạn hành vi
Trẻ bị rối loạn hành vi thường có xu hướng sống khép mình, không thường bộc lộ cảm xúc rõ ràng. Tuy nhiên bé có thể không thực sự cảm nhận được sự tức giận khó chịu của những người khác với những hành vi của mình. Hoặc dù cảm nhận được nhưng bé vẫn không thể kiểm soát được những hành vi sai trái của bản thân.
Các dấu hiệu điển hình của bệnh thường bao gồm
- Cư xử giận dữ hung hãn, luôn gây hấn, không đúng với lứa tuổi. Bé thường cáu gắt với những người xung quanh, độc ác với thú cưng, thường xuyên đập phá đồ đạc. Chẳng hạn đi học thì giật tóc bạn bè, thích làm tổn thương động vật hay xé đồ đạc để bản thân cảm thấy vui vẻ hơn. Do đó những người xung quanh thường có cảm giác sợ hãi và xa lãnh trẻ.
- Với trẻ trong độ tuổi vị thành niên thường tự tìm đến những chất kích thích như uống rượu, hút thuốc, đặc biệt khi bị người lớn cấm cản sẽ càng cố gắng thực hiện những hành vi này.
- Không thực hiện theo kế hoạch được đề ra hoặc cố gắng phá hủy nó
- Không thực hiện các các quy định, chuẩn mực, quy tắc trong xã hội, đạo đức và thường xuyên có những hành vi tiêu cực quá với độ tuổi
- Có hoạt động tình dục ngay từ khi còn nhỏ
- Có xu hướng thực hiện những hành vi gian dối như nói dối, ăn cắp, trốn học, đánh nhau,…
- Có xu hướng gây tổn hại cho chính bản thân và những người xung quanh
- Khó thích ứng với xã hội, đặc biệt với những nơi khuân khổ và phép tắc
Theo thời gian, mức độ những hành vi nguy hiểm ngày càng được tăng cao. Ví dụ ở tuổi nhỏ có thể là táy máy, ăn cắp vặt nhưng lớn lên sẽ thực hiện những phi vụ trộm cắp lớn hơn. Xu hướng bạo lực của người bị rối loạn hành vi cũng cao hơn người bình thường rất nhiều. Tất nhiên kéo theo đó là những nguy hại cho trật tự an ninh xã hội mà nhóm người này gây ra cũng trầm trọng hơn rất nhiều.
Thường để chẩn đoán chính xác tình trạng này, bác sĩ sẽ đưa ra 3 câu hỏi để xác định tính cách và xu hướng hành vi của trẻ thông qua câu trả lời. Nếu trẻ có từ 3 dấu hiệu rối loạn hành vi trở lên mới có thể xác định bệnh đồng thời các hành vi này đã kéo dài trên 6 tháng và có gây ra những ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ và những người xung quanh. Nói chung việc chẩn đoán cần có sự hỗ trợ của các bác sĩ chuyên môn để đảm bảo chính xác nhất.
Nguyên nhân gây rối loạn hành vi
Rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này. Có thể liên quan đến các khuyến khuyết tại não bộ hoặc những vấn đề di truyền, những ám ảnh tâm lý trong gia đình mà bé không thể vượt qua. Thống kê cũng cho thấy người có giới tính nam, từng sống trong hoàn cảnh nghèo đói khổ sở cũng có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn hẳn.
Tổn thương thùy trán
Thùy trán là cơ quan quan trọng trong bộ não, nó đảm nhiệm việc điều chỉnh các kỹ năng nhận thức của con người như kỹ năng xử lý tình huống, biểu đạt cảm xúc hay kỹ năng ghi nhớ. Thùy trán chính là một trong những yếu tố giúp thể hiện đặc trưng cho tính cách cá nhân. Vì vậy việc tổn thương thùy trán có thể làm các chức năng không được thực hiện và gây ra sự rối loạn trong thực hiện các hành vi.
Tổn thương thùy trán bao gồm cả các yếu tố do gen, do di truyền, những chấn thương làm tổn thương não. Những ảnh hưởng tại thùy trán có thể gây ra những vấn đề sau
- Giảm khả năng kiểm soát xử lý các xung đột
- Thiếu kỹ năng hành động theo kế hoạch
- Khả năng năng học hỏi, ghi nhớ giảm sút thông qua kinh nghiệm tiêu cực trong quá khứ
Theo đó các nghiên cứu cũng cho thấy nếu cha, mẹ mắc các vấn đề tâm lý trước đó thì sinh con ra cũng rất dễ gây những bất thường ở thùy trán. Có thể là các vấn đề bẩm sinh hoặc tăng nguy cơ phát bệnh hơn trong những giai đoạn phát triển tâm sinh lý.
Yếu tố môi trường
Những tác động từ môi trường xung quanh, đặc biệt là gia đình cũng rất dễ gây ra những dị dạng về tâm lý của người bệnh. Đặc biệt trong giai đoạn vị thành niên, khi trẻ đang háo hức tìm kiếm những điều mới lạ trong cuộc sống hằng ngày. Trong đó những vấn đề liên quan đến gia đình chính là tác nhân chính làm thay đổi nhận thức của trẻ.
Cụ thể những tác động từ bên ngoài khiến trẻ gặp những bất thường trong tâm lý bao gồm
- Nam giới
- Cha mẹ hay những người trong cùng gia đình nghiệp ngập, dùng bia rượu nhiều, đời sống phóng túng, trộm cắp hay có những hành vi trái ngược với đạo đức xã hội
- Phương pháp giáo dục con cái kém hợp lý, thường xuyên quát mắng, quá nghiêm khắc, sử dụng bạo lực hoặc có những hình phạt đáng sợ, chẳng hạn nhốt bé vào tủ quần áo hay phòng tối. Tuy nhiên việc quá chiều chuộng con kể cả những việc sau trái kém phù hợp hay thiếu sự quan tâm cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh lý này.
- Các vấn đề trong xã hội hay trường học như trẻ bị bắt nạt, cô lập, áp bức cũng có thể tác động gây ra những vấn đề tâm lý từ thủa nhỏ.
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao
Dựa vào những nguyên nhân gây bệnh trên cùng những thống kê trên thực tế, những đối tượng thường có nguy cơ mắc bệnh cao gồm
- Giới tính nam
- Sống ở thành phố
- Người từng hoặc đang sống trong hoàn cảnh nghèo khó, bị bóc lột hay áp bức
- Trong gia đình có người mắc các vấn đề về sức khỏe tinh thần, chẳng hạn như trầm cảm khi mang thai ở người mẹ.
- Có cha mẹ hay anh chị em cùng gia đình nghiện rượu, thuốc cấm, làm những công việc phi pháp
- Gia đình kém hạnh phúc, bị bạo lực ngôn từ hay cả thể xác
- Trẻ bị bỏ rơi hoặc lạm dụng
- Trẻ đã trải qua các sự kiện gây chấn động mạnh
Rối loạn hành vi có nguy hiểm không?
Trong mắt những người bình thường, người mắc chứng rối loạn hành vi thường được coi là người xấu và bị mọi người xa lánh. Điều này có thể càng khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng, thậm chí có thể làm hại người khác để giải tỏa những ham muốn cảm xúc của bản thân. Đồng thời những khái niệm về bệnh rối loạn hành vi cũng chưa thực sự phổ biến nên cũng không có quá nhiều người cho rằng người có những hành vi xấu xa này đang mắc bệnh.
Cần hiểu rằng đây là một dạng bệnh lý, không phải xu hướng bộc phát. Chẳng hạn với những người đi ăn trộm bình thường, họ vẫn ý thức được đây là một việc xấu và không nên làm. Tuy nhiên với những người rối loạn hành vi, đôi khi dù có cuộc sống no đủ họ vẫn có thể đi ăn trộm để thỏa mãn tâm trí, họ không ý thức được hành vi mình làm khiến người khác tổn hại và khó chịu. Những hành vi của họ thường khá bốc đồng, bộc phát trước khi suy nghĩ thấu đáo.
Người bệnh thường cảm thấy cô độc, khó tìm kiếm việc làm lâu dài khiến cuộc sống ngày càng khó khăn và bấp bệnh hơn. Những xu hướng hành vi khiến người mắc bệnh dễ vướng phải vòng lao lý, có thể do trộm cắp, bạo lực giết người hay thậm chí là do hiếp dâm nếu không sớm có biện pháp điều trị.
Mặt khác việc điều chỉnh hành vi cho những người này cũng không phải là điều dễ dàng hay nhanh chóng mà cần thật sự kiên trì. Trong đó gia đình vẫn đóng những vai trò quan trọng để sớm kiểm soát các triệu chứng bệnh này.
Hướng đều trị rối loạn hành vi
Thường với người bệnh có các hành vi giận dữ, gian dối hoặc phá hoại hay những người mắc phải các vấn đề khác về tinh thần thường có tiên lượng điều trị kém hơn. Tuy nhiên, việc phát hiện và điều trị toàn diện vẫn sẽ đem lại những tác dụng tích cực trong phục hồi và cải thiện tình trạng tốt hơn.
Tùy vào những nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng bệnh mà hướng điều trị khác nhau. Ví dụ với những trẻ bị lạm dụng hay gặp các vấn đề tâm lý tại nơi ở, cần chuyển bé đến nơi khác để gỡ các nút thắt ám ảnh tâm lý cho trẻ. Bên cạnh đó thực sự cần đến sự hỗ trợ từ các bác sĩ và đặc biệt không thể thiếu tình yêu thương chân thành từ gia đình để có thể sớm kiểm soát bệnh.
Điều trị y khoa
Sau khi xác định chính xác tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tìm cách nói chuyện, trị liệu tâm lý với trẻ để giúp người bệnh để có những nhận thức rõ ràng hơn trong những hành động của bản thân. Bác sĩ có thể áp dụng các biện pháp trị liệu tâm lý hành vi (Cognitive behavior therapy), trị liệu đa phương thức để kiểm soát được các cảm xúc giận dữ bạo lực của bệnh nhân.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu khoa học cũng cho thấy việc sử dụng một số loại thuốc có thể giúp kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh. Bao gồm
- Thuốc chống tâm thần đặc biệt Risperidone giúp hạn chế được những hành vi hung hăng, kích động, bạo lực của bệnh nhân
- Thuốc kích thích ( Methylphenidate) và alpha agonist giúp kiểm soát các giảm thiểu kích động liên quan đến ADHD ( rối loạn tăng động giảm chú ý) và CDD (rối loạn hành vi gây rối).
- Thuốc ổn định cảm xúc như Lithium và Acid Valproic ( Depakote) giúp giảm gây hấn
Việc điều trị y khoa cùng bác sĩ là vô cùng cần thiết không chỉ nhằm xác định chính xác bệnh và các loại thuốc phù hợp mà còn giúp khơi gợi tâm trí người bệnh để tìm chính xác nguyên nhân gây bệnh nếu người thân không biết chính xác. Tuy nhiên việc điều trị với bác sĩ hay các loại thuốc không thể mang tác dụng điều trị bệnh tuyệt đối mà chỉ giúp kiểm soát các dấu hiệu nguy hiểm tạm thời.
Bác sĩ cũng có thể áp dụng việc điều trị tâm lý cá nhân hay tâm lý nhóm để nâng cao khả năng tự đánh giá và tạo cảm giác đồng hành cùng người bệnh. Tuy nhiên việc điều trị tâm lý nhóm có thể không được áp dụng hiệu quả với những người bị mắc bệnh trong tình trạng nặng.
Bên cạnh đó các bác sĩ cũng sẽ giúp hỗ trợ việc hướng dẫn phụ huynh các chăm sóc trẻ phù hợp. Phụ huynh nên đưa trẻ đi thăm khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi các tiến triển phục hồi. Hãy nhớ càng đưa trẻ đi khám và điều trị sớm thì tiên lượng bệnh càng tốt hơn.
Điều trị cùng gia đình
Như đã nói việc điều trị y khoa chỉ hỗ trợ phần nào, người bệnh không thể phụ thuộc vào các loại thuốc mãi được vì vừa tốn kém chi phí lại gây hại cho chính bản thân. Đây là tâm bệnh, một bệnh về tâm lý nên hãy dùng chính tình yêu thương của gia đình để làm lành những tổn thương của bệnh nhân. Gia đình cần phải thực sự kiên trì và kiên nhẫn trong suốt quá trình điều trị thực sự thay đổi được nhưng xu hướng tiêu cực của người bệnh.
Tuy nhiên, với một số bệnh nhân các vấn đề về gia đình có thể chính là nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ có thể yêu cầu làm các đánh giá với gia đình, nếu liên quan đến các tác nhân này có thể phải xem xét việc chuyển người bệnh đến môi trường phù hợp hơn để tốt cho các vấn đề trị liệu. Hoặc gia đình cần phải cam kết trong việc thiết lập lại không khí, các mối quan hệ lành mạnh giữa những người trong gia đình để người bệnh không bị những ảnh hưởng xấu khác tác động.
Gia đình cũng cần kiểm soát tốt hơn những sinh hoạt, diễn biến tâm lý của bệnh nhân, bao gồm cả việc uống thuốc. Tuy nhiên cần phải thực sự tinh tế, không nên tạo cho bé cảm giác gò bó khuân khổ bởi người mắc bệnh này thường rất ghét những quy tắc luật lệ. Trò chuyện, tâm sự, kết nối với người bệnh nhiều hơn để đưa các nhận thức phù hợp với đúng những quy chuẩn thông thường.
Bên cạnh đó nếu đang trong độ tuổi đi học, cần có sự kết nối với nhà trường, giáo viên, bạn bè xung quanh của bé để tăng tính kết nối xã hội, đưa bé hòa nhập với cuộc sống. Phụ huynh cũng có thể tìm kiếm các trường họp dành cho trẻ mắc các vấn đề về sức khỏe tinh thần để hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả hơn.
Mỗi gia đình cần phải dành nhiều thời gian quan tâm đến con, tránh những tác động ảnh hưởng đến tâm lý bé để hạn chế nguy cơ rối loạn hành vi. Hãy tạo cho bé một môi trường sống thật tốt, định hướng những hành vi đúng đắn ngay từ thủa nhỏ để tránh những tâm lý sai lệch làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và cả tương lai của bé.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!