Rối loạn nhân cách kịch tính (HPD) là gì? Nhận biết và hướng điều trị
Người mắc chứng rối loạn nhân cách kịch tính (HPD) thường có xu hướng kịch tính hóa các vấn đề một cách thái quá nhằm thu hút sự chú ý quan tâm từ những người xung quanh. Các xu hướng hành vi, cảm xúc của họ không lành mạnh và kết quả là ảnh hưởng rất nhiều đến các mối quan hệ, tinh thần và đời sống của người bệnh.
Rối loạn nhân cách kịch tính (HPD) là gì?
Rối loạn nhân cách kịch tính có tên khoa học là Histrionic personality disorder (gọi tắt HPD) là một dạng rối loạn nhân cách thuộc nhóm B. Thống kê tại Mỹ cho thấy có đến 3,8 triệu người Mỹ trưởng thành mắc chứng bệnh này và con số này vẫn đang không có dấu hiệu ngừng tăng lên. Trong đó xu hướng nữ giới mắc bệnh cao hơn hẳn nam giới.
Theo đó người mắc chứng HDP thường có tâm lý méo mó, họ thường có gắng diễn đạt mọi chuyện một cách thái quá, kịch tích hơn nhằm thu hút sự chú ý từ những người xung quanh. Họ thường gặp những rắc rối trong cách cứ xử giữa con người và con người, đôi khi hành động một cách cứng nhắc và kém lành mạnh. Ít người nhận thức được mình đang mắc bệnh bởi ho cho rằng việc hành động như thế là hết sức bình thường.
Những dấu hiệu đặc trưng của bệnh bao gồm
- Diễn tả các vấn đề và câu chuyện một cách lố lăng, thái quá
- Làm quá mọi vấn đề, đôi khi có thể đem bệnh tình hoặc tự tử ra để khiến mọi người quan tâm nhiều hơn
- Nói nhiều, nói liên tục, nói to, sử dụng những từ hoa mỹ khi kể chuyện tuy nhiên lại không có chiều sâu, người nghe thường không hiểu nội dung câu chuyện muốn nói đến vấn đề gì
- Lòng tự trọng của người bệnh được dựa trên sự chấp nhận của người khác
- Sử dụng ngoại hình để khiêu khích tình dục, quyến rũ hoặc khiến người khác chú ý. Đôi khi họ cũng thể hiện một sự ngoan ngoãn để khiến người khác chú ý quan tâm hơn
- Không có ý thức định hướng
- Có tính ám thị cao
- Liên tục đòi hỏi, có nhu cầu mình cần là trung tâm vũ trụ. Nếu không đạt được mong muốn rất dễ bị ám ảnh, stress
- Nếu bị chỉ trích hay nhận được sự góp ý cũng vô cùng nhạy cảm và khó chịu
- Dễ bị ảnh hưởng bởi người khác, nhất là những người được họ cho là có quyền lực hoặc có thể quyết định cuộc đời của họ
- Biểu hiện sự dễ dãi trong tình dục, tuy nhiên không phải do có nhu cầu hay ham muốn mà chỉ để thu hút sự quan tâm
- Nhanh chán với cái cũ và luôn khao khát sự mới lạ
- Ích kyỷ, bàng quan với những người xung quanh, chỉ muốn mọi người dành sự quan tâm cho mình. Khi có một người khác vượt trên họ dễ sinh ra tâm lý ghen ghét, đố kỵ..
- Có xu hướng cho rằng bạn bè cần phải đối xử thân mật gần gũi hơn
Người mắc chứng HPD có thể xuất hiện các dấu hiệu từ thời thiếu niên hoặc thời gian đầu của tuổi trưởng thành, tuy nhiên nếu bệnh bùng phát trong độ tuổi trung niên thường khó phát hiện và điều trị hơn.
Nói chung đặc trưng của những người mắc chứng rối loạn nhân cách kịch tính chính là làm quá mọi vấn đề với khao khát được chú ý nhiều hơn, tin rằng mình là trung tâm của vũ trụ. Họ không nhìn đời bằng con mắt thực tế mà thường phòng đại mọi vấn đề gấp nhiều lần. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chính cuộc sống và tinh thần của người bệnh.
Nguyên nhân gây chứng rối loạn nhân cách kịch tính
Yếu tố sinh học di truyền và các tác động của môi trường xã hội vẫn chính là những tác nhân gây nên các rối loạn tâm thần, điển hình như rối loạn nhân cách kịch tính. Cụ thể một số yếu tố chính có thể tác động và gây bệnh bao gồm
- Di truyền từ cha mẹ. Các nghiên cứu đều cho thấy những đặc điểm tính cách này đều có tính chất di truyền từ cha mẹ. Ngoài ra sự bất thường trong tâm lý của cha mẹ trước đó, những vấn đề khi mang thai và gây ra những khiếm khuyết thần kinh cũng là một trong những tác nhân chính gây HPD ở nhiều người
- Cha mẹ có các hệ tính cách này và thông qua giao tiếp chung sống, trẻ dần bắt chước theo
- Trải nghiệm cô đơn, thiếu sự quan tâm từ cha mẹ từ thủa ấu thơ. Những đứa trẻ thường cố gắng làm mọi việc để thu hút sự chú ý của cha mẹ, chẳng hạn như giả đau bệnh.. sau đó dần dần tính cách này theo đến khi trưởng thành nhưng với mức độ cao hơn
- Người bị hạn chế về mặt giáo dục
- Người mờ nhạt nhưng luôn khao khát được chú ý
- Người thiếu sự quan tâm yêu thương từ gia đình, công việc
Hướng chẩn đoán rối loạn nhân cách kịch tính
Bất cứ ai cũng thích thú khi được nhiều người quan tâm, có những người cũng luôn cố gắng để được chú ý, tuy nhiên không phải ai có những tính cách này cũng mắc hội chứng HPD. Tốt nhất người bệnh nên tìm đến sự hỗ trợ từ bác sĩ để thăm khám và chẩn đoán bệnh chính xác, qua đó mới đưa ra được hướng điều trị phù hợp.
Bác sĩ có thể tìm hiểu về tâm lý cảm xúc của bệnh nhân qua câu hỏi hay các tinh huống để xác định xu hướng hành vi tính cách. Tiêu chuẩn xác định rối loạn nhân cách kịch tính cần phải có ít nhất 5 hoặc trên 5 các triệu chứng phía trên. Cụ thể như
- Người bệnh cảm thấy khó chịu bực bội khi họ không được chú ý hoặc không phải là trung tâm được quan tâm nhiều nhất
- Có xu hướng tương tác hay kiểm soát các mối quan hệ bằng cách quyến rũ tình dục hoặc khiêu khích không thích đáng
- Cảm xúc thay đổi nhanh chóng và biểu cảm nông cạn của cảm xúc
- Dùng ngoại hình để khích thích sự chú ý, tò mò của người khác
- Bài phát biểu cực kỳ ấn tượng tuy nhiên không có chiều sâu, mơ hồ, khó hiểu
- Tự kịch tính hóa các vấn đề được thể hiện rõ thông qua cử chỉ, điệu bộ, và thể hiện cảm xúc quá mức
- Tính ám thị
- Các triệu chứng đến hơn hơn giai đoạn trưởng thành
Bên cạnh đó việc thăm khám với bác sĩ còn nhằm phân biệt chính xác với các bệnh lý tâm thần khác có các triệu chứng tương tự như rối loạn nhân cách ranh giới, ái kỷ, hay dạng phụ thuộc. Đây cũng là các dạng rối loạn nhân cách thuộc nhóm B nên thường có xu hướng biểu đạt thái quá và rất dễ nhầm lẫn.
Hướng điều trị rối loạn nhân cách kịch tính
Tùy vào mức độ bệnh, giai đoạn bệnh mà hướng điều trị có thể khác nhau. Tuy nhiên cần hiểu rằng người mắc chứng HPD hầu như không có nhận biết được mình đang mắc bệnh, cách hành xử và thái độ của mình là thái quá so với bình thường. Do đó nhiệm vụ quan trọng trong điều trị bệnh này chính là định hướng nhận thức quay trở lại mức bình thường cho người bệnh. Đây không phải là một việc dễ dàng và cần rất nhiều thời gian để người bệnh có những nhận thức đúng đắn hơn.
Điều trị y khoa
Tỷ lệ trầm cảm của những người rối loạn nhân cách kịch tính thường rất cao do họ không đạt được sự chú ý mà bản thân mong muốn. Vì vậy bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc chống trầm cảm, thuốc ổn định cảm xúc để hỗ trợ điều trị trong một số trường hợp. Nếu không có các dấu hiệu nguy hiểm, việc dùng thuốc thường không được khuyến khích nhiều vì gây hại cho cơ thể và có nhiều tác dụng phụ.
Trị liệu tâm lý luôn là biện pháp ưu tiên hàng đầu với người mắc chứng HPD. Tuy nhiên cũng gặp nhiều khó khăn nếu người bệnh không chấp nhận và không chịu hợp tác với bác sĩ tâm lý, thậm chí có thể làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Dù vậy khi đã nói chuyện được với bệnh nhân, bác sĩ sẽ nói rõ hơn để người bệnh thực sự hiểu, đồng thời đưa ra các nhân thức, các hành vi bình thường cho người bệnh. Kèm theo đó các bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân và người nhà cách kiểm soát cảm xúc để không bị kích thích làm thái quá các vấn đề lên.
Cần chú ý rằng với rối loạn nhân cách kịch tính hầu hết sẽ được điều trị riêng lẻ, ít điều trị bằng nhóm. Bởi khi đến những nơi đông người, người bệnh sẽ bị khao khát sự chú ý, cố gắng thể hiện sự nhiễu loạn khiến việc điều trị thất bại.
Thay đổi môi trường sống
Trong thời gian điều trị người bệnh có thể xem xét thay đổi nơi sống, chẳng hạn chuyển đến những nơi yên bình, ít người hơn. Bởi khi vẫn còn sống trong những nơi đông đúc thì khao khát được chú ý vẫn không thể loại bỏ đồng thời người bệnh còn dễ ức chế hơn khi những việc làm của mình không được ai quan tâm.
Bạn có thể thể hiện vai trò, tài năng của mình qua những công việc có ích hơn thay vì làm những việc vô bổ. Chẳng hạn giúp đỡ một cụ già đẩy xe lên dốc, chăm sóc những chú chó bị bỏ rơi.. Thông qua những hành động này bạn vừa góp ích cho xã hôi, vừa nhận được sự tán thưởng một cách thật lòng đồng thời còn giúp gắn kết các mối quan hệ để giúp bạn cảm giác ổn hơn.
Hãy bắt đầu cố gắng thay đổi từ những điều nhỏ nhất, từ từ tâm trạng bạn sẽ ổn định hơn. Tất nhiên có thể bệnh không thể loại bỏ hoàn toàn tuy nhiên việc kịch tính hóa các vấn đề cũng được thuyên giảm phân nào.
Sự đồng hành cùng gia đình
Thật khó khăn nếu người bệnh phải tự điều trị, chống chọi với những khó khăn trong tâm lý một mình. Sự cô đơn chính là lý do khiến người bệnh khao khát được chú ý hơn, được quan tâm nhiều hơn. Vì vậy sự đồng hành của gia đình sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị của người HPD.
Gia đình có thể hướng người bệnh tới những hoạt động có ích như chơi thể thao, trò chuyện tâm sự cùng nhau. Luôn lắng nghe người bệnh nói và thể hiện một sự chân thành tán thưởng họ. Khi người bệnh cảm nhận được sự quan tâm yêu thương chân thành, những vết xước trong quá khứ cũng được làm lành, những khao khát được chú ý cũng được dần thuyên giảm.
Bên cạnh đó người bệnh cũng nên tham gia học thiền hay học cách hít thở. Đây đều là hai liệu pháp giúp cân bằng tâm trạng, tránh những trạng thái kích thích thể hiện bản thân. Khi gặp các vấn đề khiến tính cách kia có thể xuất hiện trở lại hãy hít thở thật sâu để trấn tĩnh bản thân và xử lý tình huống một cách bình thường.
Nói thì có vẻ dễ nhưng thực tế con đường điều trị rối loạn nhân cách kịch tính không hề dễ dàng và đơn giản. Người bệnh cần hết sức kiên trì, quyết tâm bởi sẽ luôn có gia đình và những người yêu thương bạn thật lòng luôn luôn ủng hộ, lo lắng cho bạn.
Thực tế vẫn có những người bị rối loạn nhân cách kịch tính vẫn có đời sống như bình thường, không ảnh hưởng quá nhiều, vẫn giúp ích cho xã hội sau khi được điều trị sớm. Vì vậy nếu nhận thấy sức khỏe tinh thần của bản thân có dấu hiệu bất thường, bạn nên nhanh chóng đến các cơ sở trị liệu tâm lý để được thăm khám điều trị càng sớm càng tốt.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!