Rối loạn nhân cách Schizotypal là gì?
Rối loạn nhân cách Schizotypal hay còn được gọi là rối loạn nhân cách dạng phân liệt. Người mắc bệnh này thường có xu hướng hoang tưởng, suy nghĩ kỳ quặc hoặc niềm tin vào những điều kỳ ảo bí ẩn. Đặc biệt mức độ nguy hiểm của bệnh cũng khá cao nên cần nhanh chóng điều trị để phòng tránh những bất thường mà bệnh nhân gây ra.
Rối loạn nhân cách Schizotypal là gì?
Rối loạn nhân cách Schizotypal hay còn được gọi là rối loạn nhân cách loại phân liệt, được viết tắt là STPD. Đây là một trong 3 dạng chính thuộc rối loạn nhân cách nhóm A với đặc trưng về sự xa lánh những người xung quanh, hoang tưởng, có xu hướng nói chuyện một mình và cô đơn. Thống kê cho thấy tỷ lệ bệnh này chiếm 3% bệnh nhân tại Hoa Kỳ, tuy không quá cao nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.
Người mắc chứng STPD thường có những đặc trưng các suy nghĩ, hành vi và chức năng dị biệt, méo mó mang tính lan tỏa ( do gây ra các ảnh hưởng đến mọi khía cạnh cuộc sống). Đây là bệnh lý có yếu tố mãn tính, thường xuất hiện trước giai đoạn trưởng thành và có thể kéo dài đến suốt cuộc đời. Đặc biệt bệnh được đánh giá là có nhiều nét tương đồng với tâm thần phân liệt nên không được chủ quan.
Thực tế người bệnh có sự hoang tưởng, tuy nhiên thường xuất phát từ việc loay hoay không biết làm thế nào để kết nối với thế giới xung quanh. Vì thế họ thường có những lo lắng thái quá, nghi ngờ và xuất hiện những hành vi lập dị khác thường. Cụ thể một số triệu chứng điển hình của Schizotypal PD bao gồm
- Lo lắng thái quá khi giao tiếp và dẫn tới những hành động lập dị, kỳ quặc
- Cảm thấy cô đơn, thường có xu hướng đổ lỗi cho sự thất bại trong các mối quan hệ cho người khác
- Đối xử thô lỗ với người khác
- Ngôn từ luyên thuyên, kỳ quặc, khả năng diễn giải kém nên ngày càng khó khăn trong việc tạo dựng các mối quan hệ. Đôi khi họ có thể cho rẳng các vấn đề đó không quan trọng nên không quan tâm đến việc diễn giải ai hiểu hay không
- Họ không thể duy trì câu chuyện theo một nội dung nhất quán và thường thuyên chuyển chủ đề, thường là những vấn đề trừu tượng
- Ăn mặc lập dị
- Cách nhìn nhận các vấn đề khác thường, vượt xa thực tế
- Cho rằng mình nghe thấy những tiếng nói từ vũ trụ, cho rằng mình là người ngoài hành tinh
- Luôn tin vào những điều kỳ dị bí ẩn, cho rằng mình có sức mạnh đặc biệt thần bí, chẳng hạn như dự đoán được tương lai
- Hoài nghi hoặc ý tưởng paranoid.
- Khó nhận thức về những vấn đề thực tế, hoài nghi chúng, cảm xúc nghèo nàn
- Nói chuyện một mình bằng những ngôn ngữ lập dị trừu tượng mà không cần quan tâm đến những vấn đề xung quanh. họ có thể tự giao tiếp với các nhân vật hư cấu trong tưởng tưởng, có những cảm xúc và phản ứng bất thường thái quá không kiểm soát được như khóc hay lá hét..
- Có thể giao tiếp với những người mà cùng suy nghĩ chung với họ, chẳng hạn tin vào những năng lực bí ẩn của mỗi người
- Nghi ngờ quá nhiều đến mức hoang tưởng, luôn cho rằng mình có năng lực siêu nhiên nên sợ hãi những người xung quanh làm hại
- Ít thân thiết với gia đình, nhất là khi không có cùng tiếng nói, tin tưởng vào những “trọng trách” đặc biệt của bệnh nhân
- Có giai đoạn gần giống loạn thần, với những ảo tưởng hoặc ảo giác mãnh liệt, thường liên quan đến các kích thích bên ngoài
- Sống nhàn rỗi, không có nghề nghiệp, cần phải dựa vào người khác hoặc cũng có thể là kẻ vô gia cư
- Sự đơn độc và xa lánh thường làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn rất nhiều.
- Dễ dàng thay đổi tâm trạng
- Khi bị kích thích, chẳng hạn như không tin tưởng, bị chỉ trích, người bệnh có thể hung hăng, tức giận, đập phá đồ đạc, la hét để thể hiện cảm xúc
Cũng do những phản ứng bất thường thái quá của của STPD nên nhiều người thường đánh giá người mắc hội chứng này giống như một kẻ điên, kẻ tâm thần và thường xuyên xa lánh họ.
Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách Schizotypal
Một số nghiên cứu cho rằng, rối loạn nhân cách Schizotypal thường liên quan nhiều hơn về vấn đề sinh học như yếu tố di truyền hay sự bất thường tại bộ não bởi nó mang nhiều dấu hiệu của tâm thần phân liệt. Do đó nếu trong gia đình có những người rối loạn nhân cách dạng phân liệt hoặc các rối loạn tâm thần khác thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bên cạnh đó những vấn đề trong quá trình mang thai như tai nạn, tâm trạng của mẹ, lạm dụng thuốc quá mức cũng có thể làm ảnh hưởng đến ống thần kinh và gây ra các khiếm khuyết trong nhận thức.
Dù vậy sự tác động từ môi trường, các sự kiện xảy ra trong quá trình từ thời thơ ấu đến giai đoạn trưởng thành cũng tác động rất nhiều đến tâm lý, khiến nó trở nên méo mó bất thường. Những sai trái người bệnh phải chứng kiến và trải qua trong thời nhỏ dễ dẫn đến những tiềm tin vô lý, ảo tưởng về sức mạnh hay khuynh hướng khó kết nối với người lạ.
Phân biệt rối loạn nhân cách Schizotypal và một số dạng bệnh tương tự
Rất nhiều người thường nhầm lẫn giữa rối loạn nhân cách Schizotypal và rối loạn nhân cách phân liệt ScPD (Schiziod). Đây là hai dạng bệnh cùng thuộc rối loạn nhân cách nhóm A nhưng có các triệu chứng và mức độ nguy hiểm khác nhau.
Ở người ScPD thường không có sự hoang tưởng, họ không muốn kết nối với người khác, không bộc lộ cảm xúc, vô cảm, có sự trừu tượng nhưng vẫn khá thực tế. Trong khi đó người mắc chứng StPD thường có khuynh hướng muốn kết nối nhưng lại sợ hãi, hoang tưởng, ảo tưởng về sức mạnh của phản thân, có những phản ứng thái quá khiến người xung quanh cảm thấy rất sợ hãi. Ngoài ra trên thực tế ScPD có thể ngày càng ổn hơn, vẫn tham gia đời sống sinh hoạt và làm việc bình thường còn những người StPD có xu hướng thất nghiệp hoặc vô gia cư nhiều hơn. Vì vậy mức độ nguy hiểm của StPD thường cao hơn.
Bên cạnh đó rối loạn nhân cách Schizotypal và tâm thần phân liệt ( TTPL) cũng là hai bệnh rất dễ nhầm lẫn. Tuy nhiên người mắc hội chứng StPD thực tế vẫn có thể nhận thức được sự méo mó trong nhận thức của mình còn người bị TTPL hầu như chìm đắm trong những ảo tưởng của bản thân, không thoát ra được. Ngoài ra người bị TTPL còn có xu hướng căm hận gia đình và xã hội, dễ gây ra các hành động làm hại mọi người còn người StPD thường ít có khuynh hướng này hơn.
Một dạng khác rất dễ nhầm lẫn với rối loạn nhân cách Schizotypal là Schizophreniform disorder – rối loạn nhân cách loại phân liệt. Hai khái niệm này được phân biệt thông qua Tổ chức Y tế Thế giới và Hội Tâm thần học Mỹ. Trong đó Schizophreniform disorder có thể là dấu hiệu cấp tính của TTPL còn Schizotypal chỉ có dấu hiệu tương đồng, không phải TTPL.
Mặt khác, người bị StPc thường có cả dấu hiệu trầm cảm hay rối loạn lo âu do tình trạng đơn độc kéo dài và nhưng cảm xúc không được chia sẻ chấp nhận. Đôi khi có thể dễ nhầm lẫn giữa các dấu hiệu này dù người bệnh đang mắc cả hai bệnh lý cùng lúc nhưng vẫn càn phân biệt đúng cách để giúp việc điều trị đạt kết quả tốt nhất.
Do đó tốt nhất người bệnh cần nhanh chóng đến thăm khám tại các bệnh viện uy tín, có đầy đủ cơ sở vật chất cao cấp hiện đại để giúp việc thăm khám và điều trị đạt kết quả tốt hơn.
Hướng chẩn đoán rối loạn nhân cách Schizotypal
Theo tiêu chuẩn lâm sàng được giới thiệu trong sách Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, Tái bản lần thứ năm cho biết để chẩn đoán tình trạng rối loạn nhân cách StPD cần đảm bảo nhiều yếu tố. Bác sĩ sẽ làm một số trắc nghiệm, xác định xu hướng tính cách, tư tưởng, nhận thức của người bệnh, qua đó mới đưa ra hướng điều trị cho từng trường hợp.
Bác sĩ sẽ kiểm tra SPQ (câu hỏi tính cách) gồm 74 câu thẩm vấn thường được sử dụng trong chẩn đoán tình trạng bệnh. Trong đó bao gồm 9 dấu hiệu chính về sai lệch phân liệt theo phân loại quốc tế về bệnh tật (ICD-10).
Theo đó, bệnh nhân nếu mắc chứng rối loạn nhân cách Schizotypal sẽ thường có cảm giác khó chịu dữ dội và thiếu khả năng xây dựng các mối quan hệ gần gũi. Cụ thể hơn cần có ≥ 5 trong số những điều sau:
- Ý tưởng liên hệ về vai trò cao cả của ban thân, không phải hoang tưởng liên hệ như TTPL (cũng là triệu chứng tương tự nhưng có sự tin tưởng hoàn toàn, chìm đắm trong các ý niệm không thoát ra được).
- Những niềm tin kỳ quặc, hướng tới những giác quan, những hiện tượng siêu phàm hay những suy nghĩ huyền diệu không phù hợp với văn hóa và vượt xa thực tế
- Luôn cảm thấy có những trải nghiệm tri giác bất thường chẳng hạn nghe thấy tiếng nói bên tai họ
- Ngôn ngữ kì quặc hoặc suy nghĩ kỳ dị, chẳng hạn quá rập khuôn, quá hoa mỹ
- Nghi ngờ hoặc những tư duy paranoid
- Cảm xúc không phù hợp
- Hành vi/ngoại hình kỳ lạ, ăn mặc lập dị
- Không có bạn bè, xa lạ với người thân
- Sự hiện diện của ảo giác hay giao tiếp với những sự vật không tồn tại
Ngoài ra các triệu chứng này cũng cần đảm bảo yếu tố đã xuất hiện trước thời điểm trưởng thành và kéo dài trên 6 tháng. Đồng thời các dấu hiệu này cũng không được đáp ứng với các dấu hiệu rối loạn tâm thần phân liệt khác.
Hướng điều trị rối loạn nhân cách Schizotypal
Theo giai đoạn trưởng thành, các khuynh hướng của StPD sẽ cố định lại ở một mức nhất định, không có dấu hiệu thuyên giảm. Bệnh có thể theo người bệnh đến suốt cuộc đời, làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống tinh thần, chất lượng cuộc sống, khiến người bệnh ngày càng cô đơn. Tuy nhiên cũng rất ít người nhận thức và đi khám mà hầu hết đều được sự thúc dục, hỗ trợ từ gia đình.
Điều trị bằng thuốc
Việc dùng thuốc với bệnh nhân Schizotypal chỉ mang tác dụng hỗ trợ tạm thời, không thể điều trị bệnh hoàn toàn. Thường bác sĩ có thể kê các thuốc trầm cảm hay rối loạn lo âu để cải thiện các triệu chứng liên quan. Ngoài ra bác sĩ cũng có thể chỉ định một số thuốc trong điều trị TTPL như haloperidol và thiothixene trong một số trường hợp.
Bên cạnh đó risperidone (Risperdal) và) olanzapine (Zyprexa) cũng có thể hỗ trợ để giảm các nhận thức bị bóp méo cho người bệnh. Việc dùng thuốc cần đảm bảo thực hiện theo đúng chỉ định từ bác sĩ để đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh lạm dụng thuốc quá liều có thể gây hại ngược lại cho chính người bệnh.
Điều trị tâm lý
Điều trị tâm lý luôn là biện pháp được chỉ định hàng đầu với bệnh nhân bị rối loạn nhân cách nói chung. Thông qua các cuộc trò chuyện, bác sĩ có thể tìm hiểu được nguyên nhân khiến tâm lý người bệnh bị méo mó, qua đó từ từ điểm chỉnh những nhân thức, suy nghĩ người bệnh về lại với cuộc sống hằng ngày. Bác sĩ cũng giúp đỡ người bệnh trong việc học cách kết nối với những mối quan hệ xung quanh.
Đặc biệt mục tiêu chính cần thực hiện trong điều trị tình trạng này chính là cần loại bỏ việc bệnh nhân tự nói chuyện với mình hay những người không tồn tại. Qua những buổi trị liệu, tâm trạng bệnh nhân dần ổn định hơn, không còn nghi ngờ bản thân, những phản ứng thái quá cũng được giảm dần.
Một số liệu pháp được áp dụng trong điều trị rối loạn nhân cách schizotypal như
- Hành vi trị liệu nhằm nâng cao kỹ năng, thay đổi hành vi, nhận thức và các phản ứng trong môi trường xã họi bên ngoài để người bệnh có thể sớm hòa nhập với cuộc sống bình thường. Người bệnh sẽ được hướng dẫn như cử chỉ, phản ứng, hành vi hay biểu hiện trên mặt thế nào là phù hợp và được coi là bình thường trong xã hội.
- Liệu pháp nhận thức mục tiêu của phương pháp này vẫn là để người bệnh rối loạn nhân cách schizotypal có thể xác định và thay đổi mô hình nhận thức bị bóp méo. Qua đó giúp người bệnh có hướng kết nối với xã hội, điều chỉnh cảm xúc và các phản ứng đúng đắn hơn.
- Liệu pháp nhóm giúp tập hợp những bệnh nhân có cùng tình trạng bệnh để cùng hỗ trợ nhau. Thông qua những người cùng một nhóm, từng cá nhân sẽ học được cách giao tiếp và kết nối, tham gia những tình huống thực tế ngoài xã hội để biết cách giải quyết tốt hơn. Từ đó dần tăng khả năng tương tác kết nối với xã hội và những người xung quanh.
Không chỉ người bệnh mà những người thân cũng nên tham gia các lớp học trị liệu để tiện lợi cho việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân tại nhà.
Điều trị tại nhà
Điều trị tại nhà với sự hỗ trợ, tình yêu thương của gia đình luôn là biện pháp hiệu quả nhất với người rối loạn nhân cách Schizotypal . Cần chú ý rằng người bệnh này vẫn có thể nhận thức được thực tế, vì vậy gia đình cần tăng độ tin tưởng, đưa người bệnh về với thực tại, tránh những ảo tưởng viển vông, từ đó mới có thể kiểm soát dần các triệu chứng bệnh.
Gia đình cần phải dành sự yêu thương, chăm sóc kết nối với người bệnh nhiều hơn. Hãy động viên, khuyến khích, lắng nghe những cảm xúc của bệnh nhân để có họ niềm tin vào con người, vào chính mình. Hãy bắt đầu mối liên kết với xã hội từ chính gia đình, sau đó từ từ đưa người bệnh tiến đến thế giới rộng lớn hơn để bệnh nhân không cảm thấy quá sợ hãi.
Cần chú ý rằng với những ảo tưởng huyền diệu của người bệnh bạn tuyệt đối không nên thể hiện thái độ phủ nhận gay gắt vì có thể kích thích tâm lý tức giận người bệnh bùng phát. Điều gì cũng cần phải từ từ chậm rãi. Khi cảm nhận được sự quan tâm, có người trò chuyện chăm sóc, các trạng thái mơ hồ của người bệnh cũng giảm dần, các dấu hiệu tự nói chuyện một mình cũng sẽ từ đó mà biến mất.
Dù vậy cũng không thể chắc chắn rằng có thể loại bỏ hoàn toàn bệnh rối loạn nhân cách Schizotypal. Các biện pháp chỉ giúp kiểm soát những trạng thái mơ hồ, thiếu thực tế để người bệnh có thể hòa nhập vào cuộc sống tốt hơn, nâng cao đời sống tinh thần. Tuy nhiên nếu vô tình gặp các áp lực tinh thần hay sự cố nào đó, bệnh vẫn có thể bùng phát trở lại nên gia đình cần chú ý hơn.
Rối loạn nhân cách Schizotypal làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống nên cần được kiểm soát càng sớm càng tốt. Chính tình yêu thương của gia đình sẽ là liều thuốc hiệu quả nhất để chữa lành bất cứ trái tim đang tổn thương nào.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!