Sợ Tiếp Xúc Với Người Lạ: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Sợ tiếp xúc với người lạ là tình trạng khá phổ biến ở trẻ em. Tuy nhiên, không ít người trưởng thành cũng gặp phải tình trạng này do thiếu kỹ năng xã hội, tính cách tự ti, nhút nhát,… Nỗi sợ khi gặp gỡ, giao tiếp với người lạ có thể được cải thiện nếu có biện pháp khắc phục phù hợp.
Sợ tiếp xúc với người lạ – Nguyên nhân do đâu?
Sợ tiếp xúc với người lạ là tình trạng e ngại, sợ hãi và thiếu tự tin khi giao tiếp với những người không quen biết. Tình trạng này gặp nhiều hơn ở trẻ em do trẻ chưa có đầy đủ kỹ năng xã hội và chưa hiểu biết sâu sắc về cuộc sống xung quanh. Chính vì vậy, trẻ không tránh khỏi cảm xúc e ngại, sợ hãi khi tiếp xúc với những người không thân quen.
Khi trò chuyện với người lạ, chúng ta không thể tránh khỏi cảm giác ngượng ngùng và e ngại. Tuy nhiên, đây là phản ứng tâm lý thông thường, không phải là biểu hiện của chứng sợ tiếp xúc với người lạ. Những người có biểu hiện này thường không cảm thấy thoải mái, thậm chí khó chịu và sợ hãi khi phải gặp gỡ, trò chuyện với những người không thân thiết.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng sợ tiếp xúc với người lạ. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất:
1. Gia đình bảo bọc quá mức
Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng trẻ sợ tiếp xúc với người lạ là do gia đình bảo bọc quá mức. Với bố mẹ, con cái luôn là đứa trẻ yếu đuối cần được bảo bọc và chăm sóc. Tuy nhiên, việc bảo bọc con quá mức sẽ khiến trẻ ngại giao tiếp với người lạ và không biết cách kết bạn. Khi đến trường, trẻ sẽ dễ bị cô lập vì không mở lòng với bạn bè đồng trang lứa.
Ngược lại nếu gia đình cho trẻ vui chơi và kết bạn từ sớm, trẻ sẽ dễ dàng mở rộng các mối quan hệ khi đến trường. Bên cạnh đó, trẻ cũng sẽ không e ngại khi gặp gỡ và giao tiếp với người lạ.
2. Trẻ thiếu kỹ năng giao tiếp
Trong những năm đầu đời, gia đình cần dạy cho trẻ kỹ năng giao tiếp và những kỹ năng mềm cần thiết để phục vụ cho cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều gia đình chỉ chú trọng đến việc phát triển thể chất mà quên mất trẻ cũng cần trang bị những kỹ năng này. Nếu thiếu kỹ năng giao tiếp, trẻ sẽ có xu hướng ngại và sợ tiếp xúc với người lạ.
Việc thiếu kỹ năng giao tiếp gây ra rất nhiều phiền toái cho trẻ. Chính vì vậy, gia đình cần chú ý đến vấn đề này trong quá trình nuôi dạy con – nhất là những năm đầu đời. Nếu được tạo dựng nền tảng vững chắc, con cái sẽ dễ dàng phát triển về thể chất, tư duy và không gặp khó khăn trong việc kết bạn.
3. Tính cách nhút nhát, tự ti
Người có tính cách nhút nhát, tự ti thường gặp phải tình trạng sợ/ ngại tiếp xúc với người lạ. Trong khi đó, những người có tính cách hoạt bát, vui vẻ dễ dàng hòa nhập với những người xung quanh và hầu như không e ngại khi gặp gỡ, trò chuyện với những người không thân quen. Thậm chí, rất nhiều người yêu thích cảm giác kết bạn, tìm hiểu một người bạn mới.
Tính cách thiếu tự tin, e ngại, nhút nhát sẽ hạn chế phần nào các mối quan hệ trong cuộc sống và giới hạn cơ hội phát triển. Chính vì vậy, gia đình cần rèn cho con trẻ tính cách tự tin ngay từ khi còn nhỏ. Đối với người lớn đã hình thành tính cách này, việc thay đổi sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, nên hiểu rằng, thay đổi tính cách mang đến nhiều lợi ích cho bản thân. Trong khi giữ tính cách nhút nhát, tự ti gây ra nhiều hạn chế và trở ngại khi giao tiếp, học tập, làm việc,…
4. Ảnh hưởng từ anh chị em trong nhà
Rất nhiều trẻ có biểu hiện sợ tiếp xúc với người lạ do bị ảnh hưởng bởi anh chị em trong nhà. Trong quá trình phát triển, trẻ sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi gia đình và bạn bè. Vì vậy, nếu anh chị em trong nhà có tính cách nhút nhát, tự ti và ngại tiếp xúc với người lạ, trẻ cũng sẽ hình thành tâm lý tương tự.
5. Biểu hiện của bệnh rối loạn lo âu xã hội
Trong nhiều trường hợp, sợ tiếp xúc với người lạ có thể là biểu hiện của rối loạn lo âu xã hội. Đây là một dạng rối loạn lo âu thường gặp, đặc trưng bởi nỗi sợ dai dẳng và quá mức về những tình huống xã hội như trò chuyện, gặp gỡ với người lạ, trò chuyện qua điện thoại, phát biểu trước đám đông, hẹn hò, sử dụng nhà vệ sinh công cộng, ăn trước mặt người lạ,…
Người mắc chứng bệnh này luôn sợ hãi những tình huống tưởng chừng như rất bình thường. Bên cạnh nỗi sợ, người bệnh còn có biểu hiện lo âu, căng thẳng và luôn dự đoán những hậu quả tiêu cực nhất khi bản thân tham gia vào các tình huống xã hội. Vì bị nỗi sợ chi phối nên người bệnh tỏ ra ngần ngại khi học tập, làm việc và thường có xu hướng né tránh những tình huống kể trên.
Người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội chỉ cảm thấy thoải mái khi trò chuyện với những người thân quen như bạn thân, bố mẹ, anh chị em trong gia đình,… Việc sợ hãi các tình huống xã hội khiến bệnh nhân gặp rất nhiều phiền toái trong cuộc sống. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, bản thân người bệnh sẽ phải đối mặt với một loạt những hậu quả nghiêm trọng.
Cách khắc phục chứng sợ tiếp xúc với người lạ
Sợ, ngại tiếp xúc với người lạ là tình trạng khá phổ biến ở trẻ em. Thanh thiếu niên và người lớn ít gặp phải tình trạng này do đã có đầy đủ kỹ năng mềm và hiểu biết nhất định về cuộc sống. Ngại tiếp xúc với người lạ thường sẽ được cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể kéo dài dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe và phiền toái trong cuộc sống.
Để cải thiện tình trạng sợ tiếp xúc với người lạ, bạn có thể áp dụng một số cách sau đây. Nếu trẻ còn nhỏ tuổi, gia đình cần hỗ trợ để trẻ vượt qua nỗi sợ và tự tin hơn trong cuộc sống:
1. Trò chuyện nhiều hơn với những người xung quanh
Điều đầu tiên cần làm để vượt qua nỗi sợ tiếp xúc với người lạ là trò chuyện nhiều hơn với những người xung quanh. Khi trò chuyện thường xuyên với bố mẹ, anh chị em, bản thân sẽ cải thiện khả năng giao tiếp, học cách hiểu cảm xúc của người khác thông qua lời nói và biểu cảm khuôn mặt. Bên cạnh đó, việc trò chuyện cũng giúp những thành viên trong gia đình trở nên gắn kết hơn.
Có thể nói, giao tiếp là cách hiệu quả nhất giúp con trẻ cải thiện khả năng giao tiếp, tăng vốn từ hiệu quả và nhanh chóng. Trong những năm đầu đời, gia đình nên dành nhiều thời gian để trò chuyện và chia sẻ với con cái. Điều này sẽ giúp con có nền tảng vững chắc để tự phát triển khả năng ngôn ngữ và những kỹ năng xã hội khác.
Người lớn có biểu hiện sợ tiếp xúc với người lạ cũng cần dành nhiều thời gian giao tiếp với bạn bè, người thân thay vì sống khép kín. Giao tiếp mỗi ngày giúp bạn trở nên tự tin hơn và giảm phần nào cảm giác sợ hãi, e ngại khi gặp gỡ với những người chưa thân quen. Ngược lại, nếu càng ít giao tiếp, nỗi sợ có thể sẽ lớn dần hơn và bạn sẽ gặp phải tình trạng lúng túng, khó kiểm soát, lời nói và hành vi khi gặp gỡ người lạ.
2. Cải thiện kỹ năng mềm
Thiếu kỹ năng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến chứng sợ tiếp xúc với người lạ. Vì vậy để vượt qua nỗi sợ, cần cải thiện kỹ năng mềm của bản thân. Trước tiên, cần giữ suy nghĩ lạc quan, lối sống tích cực và vui vẻ để thoải mái hơn khi giao tiếp với những người xung quanh. Đây là bước đầu để bạn có thể vượt qua nỗi sợ và tự tin khi giao tiếp với người lạ.
Kỹ năng mềm bao gồm khá nhiều kỹ năng, trong đó kỹ năng giao tiếp là quan trọng và cần thiết nhất. Để tự tin khi trò chuyện, bạn cần lưu ý một số vấn đề như cần nhìn thẳng vào mắt của người khác khi trò chuyện (hoặc có thể nhìn vào khoảng trống ở chính giữa mắt nếu ngại giao tiếp bằng mắt), điều chỉnh tốc độ và âm lượng để tạo cảm giác dễ chịu, giữ khuôn mặt bình tĩnh, thoải mái và phát âm rõ ràng. Những yếu tố này sẽ giúp bạn tự tin hơn khi trò chuyện với người khác. Qua mỗi cuộc trò chuyện thành công, bạn sẽ tự tin hơn và giảm bớt nỗi sợ khi gặp gỡ người lạ.
Ngoài kỹ năng giao tiếp, bạn cũng cần trau dồi những kỹ năng như làm việc nhóm, kỹ năng tranh luận, kỹ năng quản lý thời gian,… Hiện tại, đã có khá nhiều trung tâm đào tạo những kỹ năng này dành cho cả trẻ em và người lớn. Có đầy đủ kỹ năng cần thiết sẽ giúp bạn tự tin và thoải mái hơn trong các tình huống xã hội.
3. Tập kết bạn với những người đồng trang lứa
Để dần vượt qua nỗi sợ khi tiếp xúc với người lạ, bạn nên tập kết bạn với những người đồng trang lứa. Đối với trẻ còn đi học, hãy tập trò chuyện với những người bạn mới, chưa thân thiết. Vì có cùng độ tuổi nên bạn sẽ có cảm giác thoải mái hơn khi trò chuyện và dễ dàng tìm vấn đề để duy trì cuộc trò chuyện lâu dài.
Kết bạn sẽ giúp bạn mở rộng các mối quan hệ, hiểu được chính mình và tìm cho bản thân những người bạn thú vị. Bên cạnh gia đình, bạn bè cũng là người giúp đỡ bạn vượt qua nỗi buồn và những khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, đừng ngần ngại kết bạn với những người đồng trang lứa.
Nếu đã đi làm, bạn có thể kết bạn với đồng nghiệp có cùng chức vụ và trạc tuổi. So với người có chức vụ cao và lớn tuổi, việc kết bạn với những người trạc tuổi sẽ dễ dàng và cũng thoải mái hơn. Về lâu dài, bạn sẽ quên đi nỗi sợ và cảm thấy thoải mái khi trò chuyện với người lạ.
4. Chia sẻ nỗi sợ với người thân, bạn bè
Nếu không thể tự mình vượt qua nỗi sợ, bạn nên trò chuyện với người thân và bạn bè để được chia sẻ, động viên. Những lời khuyên từ bạn bè, người thân sẽ giúp bạn có động lực vượt qua nỗi sợ và tự tin hơn. Ngoài ra, việc chia sẻ cũng sẽ giúp bạn thoải mái hơn về mặt tinh thần. Tránh tình trạng kìm nén quá mức khiến cho tâm lý trở nên nặng nề, căng thẳng và mệt mỏi.
5. Tìm gặp chuyên gia tâm lý
Trong trường hợp nỗi sợ về việc tiếp xúc với người lạ nghiêm trọng dần theo thời gian, bạn nên tìm gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ. Với trẻ nhỏ, gia đình cũng cần xem xét việc cho trẻ can thiệp tâm lý sớm để tránh những hậu quả lâu dài. Các chuyên gia tâm lý sẽ đánh giá tình trạng cụ thể của từng người, sau đó xem xét can thiệp liệu pháp phù hợp để điều chỉnh suy nghĩ và hành vi cho phù hợp.
Thông qua việc tham vấn, trị liệu tâm lý, tình trạng sợ tiếp xúc với người lạ sẽ được cải thiện dần theo thời gian. Ngoài ra, chuyên gia tâm lý cũng sẽ hướng dẫn cho khách hàng những kỹ năng cần thiết như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng kiểm soát cảm xúc,… để chủ động trong cuộc sống và hạn chế tối đa các tình huống phiền toái, xung đột.
Sợ tiếp xúc với người lạ là tình trạng khá phổ biến ở trẻ em và đôi khi cũng có thể gặp ở người trưởng thành. Nếu tình trạng không có cải thiện, nên xem xét việc tìm gặp chuyên gia để vượt qua nỗi sợ và trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn. Tránh trường hợp chủ quan khiến nỗi sợ lớn dần gây ảnh hưởng sâu sắc đối với quá trình học tập, nghề nghiệp, các mối quan hệ và nhiều khía cạnh khác của cuộc sống.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!