Tác Hại Của Việc Đánh Mắng Con Cái Cha Mẹ Cần Lưu Ý

Việc đánh mắng con cái không thể khiến chúng trở nên nghe lời và ngoan ngoãn hơn mà ngược lại hình thức giáo dục này có thể gây ra rất nhiều các hậu quả nghiêm trọng. Vậy những tác hại của việc đánh mắng con cái là gì? Làm sao để ngừng trách mắng con cái?

Tác Hại Của Việc Đánh Mắng Con Cái
Đánh mắng con cái thường xuyên có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với trẻ nhỏ

Tác hại của việc cha mẹ đánh mắng con cái

Trong thực tế, không phải lúc nào con cái cũng ngoan ngoãn và vâng lời cha mẹ. Cũng sẽ có những lúc trẻ nghịch ngợm, phá phách hoặc phạm phải những lỗi sai khiến cha mẹ không hài lòng. Trong trường hợp này các bậc phụ huynh lại có nhiều xu hướng chửi mắng, la rầy con cái hoặc đôi lúc sẽ sử dụng đến đòn roi, trừng phạt con theo nhiều cách khác nhau. Nhiều người cho rằng phải sử dụng các biện pháp mạnh như thế mới có thể răn đe và giáo dục con tốt hơn.

Tuy nhiên, trong nhiều nghiên cứu cho biết rằng, đánh mắng con cái cũng là một trong các hành động ngược đãi trẻ nhỏ về mặt tinh thần. Nếu thường xuyên bị la mắng, đánh phạt thì trẻ sẽ có nhiều khả năng mắc phải các bệnh tâm lý như trầm cảm, lo âu.

Tiến sĩ – Bác sĩ Lim Boon Leng – Bác sĩ thần kinh của Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Tâm lý người Singapore cũng đã từng chia sẻ rằng “Cha mẹ quát mắng con thường xuyên sẽ gây ra những tổn thương cực nguy hiểm cho trẻ nhỏ”. Những trẻ này sẽ có xu hướng trở nên nhút nhát, sợ sệt, quá trình phát triển hành vi cũng bị cản trở rất nhiều.

Để hiểu thêm về những tác hại nghiêm trọng của việc đánh mắng con cái thì các bậc làm cha làm mẹ nên xem qua những thông tin sau đây:

1. Ảnh hưởng đến không khí gia đình

“La mắng con cái chỉ khiến cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên căng thẳng. La mắng chưa bao giờ tạo ra sự đồng cảm, nó chỉ khiến 2 bên mâu thuẫn gay gắt hơn” – phân tích của nhà tâm lý học Laura Markham. Thực tế, mỗi lần bạn đánh mắng con cái sẽ khiến cho không khí gia đình trở nên căng thẳng và vô cùng mệt mỏi. Việc giận dữ của cha mẹ sẽ làm phá vỡ bầu không khí thoải mái và yên bình giữa các thành viên.

Việc con cái thường xuyên bị la mắng, trách phạt sẽ khiến trẻ có tâm lý sợ sệt, lo lắng và không còn muốn gần gũi, thân thiết với cha mẹ của mình. Nếu tình trạng này cứ liên tục kéo dài và không được khắc phục tốt sẽ càng khiến cho trẻ xa cách và né tránh cha mẹ nhiều hơn, trẻ không còn muốn chia sẻ các vấn đề trong cuộc sống, từ đó mối quan hệ tình cảm giữa đôi bên cũng bị rạn nứt.

Hơn thế một số trường hợp bất đồng quan điểm về việc nuôi dạy và giáo dục con cái cũng có thể làm ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng. Rất nhiều gia đình thường hay xuất hiện tình trạng mẹ rất cưng chiều nhưng cha lại thường xuyên nóng nảy, la mắng con cái. Khi cả hai không có cùng quan điểm và cách dạy bảo con cái sẽ gây ra những bất đồng không đáng có, không khí gia đình lại càng trở nên căng thẳng và ngột ngạt.

2. Cha mẹ đánh mắng sẽ làm con cái trở nên tiêu cực

Hiện nay, không ít các trường hợp con cái bị cha mẹ đánh mắng nhưng không rõ nguyên nhân vì sao hoặc cảm thấy uất ức vì đó không phải là lỗi sai của mình. Việc thường xuyên la mắng, đánh đập con cái không thể làm cho trẻ trở nên tốt hơn mà ngược lại càng khiến cho trẻ bị tiêu cực cả về suy nghĩ và hành vi.

Tác Hại Của Việc Đánh Mắng Con Cái
Trẻ sẽ có xu hướng trẻ nên tiêu cực hơn nếu cha mẹ liên tục la mắng, đánh phạt

Trong một thí nghiệm được thực hiện bởi các nhà tâm lý đã nhận thấy rằng những đứa trẻ thường xuyên bị đánh mắng sẽ có nhiều khả năng gặp phải các vấn đề về nhân cách như hèn nhát, nhu nhược, thiếu sự quyết đoán, thờ ơ với mọi thứ,…Một số trẻ sau khi lớn lên sẽ có xu hướng luôn sử dụng ngôn ngữ thô bạo hoặc những hành vi bạo lực để giải quyết vấn đề. Cũng bởi cha mẹ chính là hình mẫu lý tưởng để con cái có thể noi theo và học hỏi.

3. Trẻ sẽ không biết nhận sai và sửa sai lầm

Tác hại nghiêm trọng nhất của việc thường xuyên đánh mắng con cái đó chính là trẻ sẽ không biết nhận lỗi và sửa chữa sai lầm của mình. Nhiều bậc phụ huynh do các áp lực từ cuộc sống hoặc những sự bực tức bên ngoài, không thể kiềm chế tốt cảm xúc của mình mà liên tục quát mắng, chửi bới con cái nhưng không cho con biết được đúng sai, nguyên nhân lỗi sai của mình ở đâu.

Về lâu dài trẻ sẽ không còn khả năng phân biệt được những điều đúng sai, trẻ luôn cảm thấy bản thân làm những điều sai trái, sợ bị cha mẹ trách phạt, la mắng. Từ đó trẻ cũng sẽ có nhiều xu hướng sợ sệt, không dám làm bất cứ công việc gì và trở nên nhút nhát, rụt rè với mọi thứ xung quanh. Ngược lại cũng có một số trường hợp trẻ trở nên bất cần, không còn biết nhận lỗi và liên tục phạm phải sai lầm.

4. Trẻ sẽ phản ứng ngược, không nghe lời

Thường xuyên đánh mắng con cái có thể làm thay đổi hoàn toàn hành vi của một đứa trẻ nhưng theo hướng tiêu cực hơn. Khi cha mẹ sử dụng những lời nói trách mắng hoặc những hành vi răn đe sẽ không thể khiến trẻ tiếp thu tốt vấn đề, trẻ không thể tự rút ra bài học cho chính bản thân mình. Ngược lại khi liên tục bị mắng chửi, thậm chí là vô cớ thì sẽ trẻ có tâm lý muốn phản kháng, “chiến đấu” và cố ý làm trái lại với những gì cha mẹ mong muốn.

Tác Hại Của Việc Đánh Mắng Con Cái
Con cái sẽ trở nên ngang bướng, chống đối nếu cha mẹ thường xuyên đánh mắng

“Tức nước vỡ bờ”, khi nỗi uất ức càng tăng cao thì các em sẽ có xu hướng chống đối, thực hiện những hành vi như la hét, đập phá với mục đích muốn giành chiến thắng trong các cuộc tranh cãi. Lúc này trẻ sẽ không còn phân định được đúng sai và luôn cho rằng mình là người đúng, người đang bị đổ oan. Nếu cha mẹ càng cố gắng đánh mắng con cái thì sẽ càng khiến trẻ không nghe lời và càng chống lại dữ dội hơn.

5. Nguy cơ bị trầm cảm nếu trẻ thường xuyên bị cha mẹ đánh mắng

Các chuyên gia tâm lý cho biết rằng, những đứa trẻ thuở nhỏ thường xuyên bị cha mẹ đánh mắng sẽ phải sử dụng cả đời để có thể chữa lành được những vết thương bên trong tâm hồn. Nếu trẻ thường xuyên bị người lớn la mắng, đánh đập sẽ khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, lo lắng và bất an, nhiều trường hợp trẻ có thể rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn, thậm chí là trầm cảm.

Tâm lý của trẻ em rất ngây thơ, trong sáng và mỏng manh. Do đó trước sự trách phạt, la mắng khắt khe của cha mẹ sẽ khiến cho trẻ dễ bị tổn thương, luôn căng thẳng và mệt mỏi. Hơn thế, một số trẻ còn cho rằng bản thân không xứng đáng để nhận được tình yêu thương từ mọi người xung quanh, tự tìm cách thu hẹp chính mình và cố gắng tách rời với xã hội. Từ đó trẻ cũng có nhiều nguy cơ mắc phải các chứng rối loạn tâm thần như rối loạn lo âu, tự kỷ, rối loạn nhân cách,…

6. Những đứa trẻ bị cha mẹ đánh mắng sẽ có IQ thấp

Trong một số nghiên cứu chuyên khoa nhận thấy rằng, những người thường xuyên bị bạo lực bằng ngôn ngữ sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực đối với IQ, đặc biệt là trẻ em. Đây cũng chính là một trong các tác hại nguy hiểm của việc cha mẹ thường xuyên đánh mắng con cái.

Một vài thí nghiệm cũng đã nhận thấy rằng, trẻ em thường xuyên bị la mắng, trách phạt bằng lời nói sẽ có kích thước não nhỏ hơn so với những bạn cùng trang lứa được nhận nhiều lời khen ngợi, khuyến khích. Hơn thế, kích thước của não bộ sẽ có mối liên hệ vô cùng chặt chẽ đối với sự phát triển của trí tuệ. Chính vì thế, nếu những người có thể tích não nhỏ hoặc giảm dần theo thời gian thì chỉ số IQ cũng sẽ thấp hơn so với mức bình thường.

Tác Hại Của Việc Đánh Mắng Con Cái
Thường xuyên bị bạo lực bằng ngôn ngữ trẻ sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực đối với IQ

Đặc biệt hơn, dựa vào “hiệu ứng gợi ý” trong lĩnh vực tâm lý học nhận thấy rằng, khi cha mẹ thường xuyên la mắng, sử dụng những lời nói tiêu cực dành cho con sẽ dần khiến con có xu hướng nội tâm hóa những nhận định, phán xét của cha mẹ về bản thân. Lâu dần trẻ sẽ có suy nghĩ rằng bản thân là một người vô dụng, khờ khạo, thậm chí là biến thành những đứa trẻ ngốc nghếch, lười biếng giống như những gì cha mẹ từng nói.

7. Trẻ không biết cách xem trọng và yêu thương bản thân

Thông thường, cha mẹ sẽ cho rằng việc la mắng, trách phạt con là một hành động nhằm giúp con có thể phát triển tốt hơn, góp phần hỗ trợ con có được định hướng đúng đắn hơn trong tương lai. Tuy nhiên, việc đánh mắng con cái lại gây ra tác hại vô cùng nghiêm trọng, nhất là việc con trẻ không còn biết cách yêu thương và xem trọng bản thân mình.

Khi thường xuyên lắng nghe những lời trách mắng, phê bình và những lỗi lầm mà cha mẹ dành cho mình thì nhiều trẻ sẽ có xu hướng nghĩ rằng bản thân vô dụng, làm bất cứ điều gì cũng là sai trái và không đáng được người khác tôn trọng. Về lâu về dài trẻ sẽ có xu hướng bỏ bê bản thân, tập theo lối sống buông thả, nổi loạn hoặc có những hành vi tiêu cực như đánh nhau, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, các chất kích thích, chất gây nghiện, lún sâu vào các tệ nạn xã hội.

8. Trẻ khó kiểm soát và quản lý cảm xúc của mình

Như đã chia sẻ ở trên, trẻ em chính là tấm gương phản chiếu chân thực nhất về thái độ, tính cách và hành vi của những người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ. Nếu các bậc phụ huynh càng lo lắng, kiểm soát con cái quá nhiều thì càng khiến cho trẻ gặp phải khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc của chính mình.

Tác Hại Của Việc Đánh Mắng Con Cái
Những đứa trẻ phải đối mặt thường xuyên với những cơn tức giận của cha mẹ sẽ rất khó kiểm soát cảm xúc

Các nhà tâm lý học nhận thấy rằng, những đứa trẻ thường xuyên phải đối mặt với những cơn tức giận, đánh mắng của cha mẹ sẽ rất khó để học cách kiểm soát và quản lý cảm xúc của bản thân. Cũng chính vì thế, bạn sẽ dễ nhìn thấy những đứa trẻ này sẽ liên tục khóc lóc, la hét, nóng giận hoặc có thể cố gắng cãi lại với cha mẹ mỗi khi bị trách phạt.

Lâu dần trẻ cũng sẽ có xu hướng đối xử với bạn bè, người thân hoặc bất cứ ai xung quanh theo cách đó. Thậm chí khi lớn lên trẻ cũng sẽ có nhiều khả năng dạy dỗ con cái theo cách đánh mắng. Những đối tượng này sẽ gặp phải nhiều cản trở sau khi trưởng thành, khó có thể thành công trong công việc.

9. Tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất

Việc đánh mắng con cái không chỉ gây nên những tác hại về tinh thần mà còn làm ảnh hưởng đến cả thể chất. Khi trẻ liên tục bị la mắng, đánh phạt thì sẽ có xu hướng cảm thấy lo lắng, căng thẳng, áp lực và bất an. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho sức đề kháng của cơ thể dần bị suy giảm và không còn nhiều khả năng để bảo vệ sức khỏe thể chất.

Các chuyên gia cho biết rằng, những chấn thương về mặt tinh thần do cha mẹ thường xuyên la mắng sẽ khiến cho trẻ có nhiều nguy cơ gặp phải các bệnh nguy hiểm. Cụ thể như gia tăng nguy cơ mắc phải các bệnh mãn tính, bị chứng rối loạn tự miễn, các bệnh mạch máu, rối loạn nội tiết tố,…hoặc thậm chí có trường hợp đe dọa đến tính mạng.

Làm sao để cha mẹ ngừng đánh mắng con cái?

Chắc hẳn rằng không bậc phụ huynh nào có thể ngó lơ trước những sai lầm của con cái, đặc biệt là những lỗi lầm cha mẹ đã từng phải nhắc nhở nhiều lần. Tuy nhiên, khi con phạm lỗi, cha mẹ cần phải biết cách giữ bình tĩnh, tránh gây ra những tác động tiêu cực đến trẻ. Việc này có thể rất khó nhưng nếu rèn luyện trong một khoảng thời gian bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được cơn nóng giận của mình và ngừng đánh mắng con cái.

Tác Hại Của Việc Đánh Mắng Con Cái
Cha mẹ nên học cách giữ bình tĩnh trước mỗi lỗi lầm của con cái

1. Không nên la hét về những việc bình thường

Các bậc phụ huynh thường sẽ có xu hướng sử dụng những tông giọng cao, lớn tiếng để ra lệnh, sai bảo con cái làm một việc gì đó. Ví dụ như yêu cầu con “Đi ăn cơm ngay”, “Tắt tivi nhanh”, “Học bài đi”,…Thực chất ra những điều này bạn chỉ cần nói chuyện một cách nhẹ nhàng cũng có thể khiến trẻ làm theo. Đôi lúc những lời nói lớn tiếng sẽ khiến trẻ cảm thấy không được tôn trọng và có xu hướng làm trái lại.

Vì thế, hãy cố gắng luyện tập cách nói nhỏ nhẹ hơn, không nên la hét trong mọi tình huống, sử dụng những ngôn ngữ nhẹ nhàng với con cái, đừng nên trầm trọng hóa mọi vấn đề. Cha mẹ nên nói chuyện với con bằng một tông giọng bình thường. Điều này sẽ giúp cho các bậc phụ huynh hình thành cho con một thói quen tốt, giúp trẻ phân biệt được lúc nào cha mẹ đang nóng giận và dễ dàng nhìn thấy lỗi sai của mình hơn.

2. Học cách giữ bình tĩnh mỗi khi trẻ phạm sai lầm

Thông thường, phản ứng của các bậc phụ huynh khi thấy con cái hư, phá phách hoặc phạm phải sai lầm đó chính là tức giận. Lúc này cha mẹ sẽ ngay lập tức la mắng, trách phạt con cái. Để khắc phục được tình trạng này bạn cần phải học cách kiểm soát cảm xúc và biết cách giữa bình tĩnh.

Vào những lúc này bạn hãy thử đi ra một chỗ khác, đi bộ 5 phút hoặc uống một cốc nước lọc để làm dịu bớt cơn nóng giận, ổn định lại trạng thái tâm lý của bản thân. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy bình tĩnh hơn, tránh việc vội vàng đưa ra những lời mắng chửi vô ý đối với con cái.

3. Nói chuyện với con sau khi đã bình tĩnh

Sau khi lấy lại sự bình tĩnh và giảm bớt các cơn tức giận thì bạn có thể quay lại để nói chuyện với con. Tốt nhất nên chọn không gian yên tĩnh và chỉ có hai người, tránh việc nói về lỗi lầm của con trước mặt những người khác. Trong lúc này bạn nên từ từ phân tích về những lỗi lầm của trẻ, đặt ra nhiều giả thuyết và tìm hiểu về nguyên nhân khiến trẻ dẫn đến sai lầm. Điều này sẽ giúp cho trẻ biết cách lắng nghe và hiểu hơn về những hành vi sai trái của mình để hạn chế tối đa tình trạng tái phạm về sau.

Phương pháp giảng dạy nào sẽ giúp trẻ trở nên vâng lời hơn?

Việc sử dụng đòn roi hoặc thường xuyên la mắng con cái sẽ gây nên nhiều tác hại tiêu cực, đồng thời khiến trẻ càng bướng bỉnh, không nghe lời cha mẹ. Vì thế để có thể khiến con ngoan ngoãn hơn, các bậc phụ huynh có thể áp dụng các phương pháp giảng dạy sau đây:

Tác Hại Của Việc Đánh Mắng Con Cái
Thay vì đánh mắng, cha mẹ hãy đặt cho con những quy tắc cụ thể mỗi khi con phạm phải sai lầm

1. Đừng nói “Không nên”, hãy nói “Nên”

Thông thường, các bậc cha mẹ thường nhắc nhở con cái “không nên” làm cái này, “không nên” làm cái kia nhưng lại không giúp trẻ đưa ra giải pháp và hướng dẫn cho trẻ những điều cần phải làm. Việc liên tục nói “không nên” làm một việc gì đó sẽ khiến trẻ phải xử lý lượng thông tin gấp đôi so với bình thường. Đồng thời trẻ sẽ không biết làm thế nào mới đúng và hậu quả là trẻ sẽ lại mắc phải các sai lầm trước đó.

Do đó, cha mẹ hãy dạy con bằng cách hướng dẫn con “nên” làm gì. Thay vì nói con “không nên vứt đồ chơi lung tung” thì hãy thử nói ” con nên bỏ đồ chơi vào thùng đồ chơi nhé”. Nếu con làm theo những gì bạn hướng dẫn thì đừng tiếc với con một lời khen để con cảm thấy vui vẻ và có động lực làm nhiều việc đúng đắn hơn.

2. Kiên nhẫn quan sát và dẫn dắt trẻ

Rất nhiều bậc phụ huynh đã rơi vào tình trạng khi yêu cầu con cái thực hiện một điều gì đó nhưng khi quay lại vẫn không thấy trẻ làm sẽ bắt đầu trở nên nóng giận, la hét và đánh mắng trẻ. Để có thể giúp trẻ nghe lời hơn trong trường hợp này thì cha mẹ kiên nhẫn quan sát trẻ, đưa ra những sự dẫn dắt, gợi ý nếu trẻ không làm theo đúng yêu cầu ban đầu.

Thay vì nói rằng “con phải nhặt đồ chơi ngay” thì hãy từ từ dẫn dắt trẻ “đồ chơi của con rớt trên sàn kìa, giờ mình phải làm gì đây?”. Nếu lúc này trẻ vẫn chưa biết nên làm gì thì cha mẹ có thể hướng dẫn trước cho trẻ bằng cách lấy đồ chơi bỏ vào thùng, như thế trẻ sẽ học theo và những lần sau sẽ biết cách sắp xếp đồ đạc của mình. Để có thể dạy con thật tốt, trước hết cha mẹ cần phải thực sự kiên nhẫn, không nên vội vã, hấp tấp sẽ khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt và dễ sinh ra những phản ứng tiêu cực.

3. Hãy đặt ra những quy tắc và hình phạt cụ thể

Chắc chắn rằng con cái sẽ không thể hoàn toàn tuân theo lời cha mẹ, sẽ có đôi lúc trẻ phạm phải sai lầm hoặc bướng bỉnh tùy vào lứa tuổi. Để có thể giảm bớt những trận đòn roi hoặc những cơn la mắng dữ dội thì cha mẹ cần phải đặt ra quy tắc cụ thể đối với trẻ. Ví dụ như quy định cụ thể thời gian ăn uống, thời gian xem tivi, vui chơi, chơi xong phải tự bảo quản và cất giữ đồ chơi đúng vị trí,…

Đặc biệt khi đặt ra những quy định cho trẻ thì cha mẹ cũng cần phải giải thích cho trẻ biết được lợi ích và những hậu quả nếu trẻ không làm đúng theo quy định. Đi kèm với đó chính là những hình phạt mà trẻ cần phải chịu nếu làm sai quy tắc. Ví dụ như nếu con chơi xong nhưng không biết dọn dẹp đồ chơi thì ngày hôm sau con sẽ bị phạt không được chơi nữa hoặc nếu con xem tivi quá giờ quy định thì sẽ cắt giảm thời gian xem của con vào ngày hôm sau.

Tuy nhiên, tùy vào tính cách của mỗi đứa trẻ mà cha mẹ cần phải lựa chọn hình thức răn đe phù hợp. Có thể hình thức phạt này sẽ phù hợp với đứa trẻ này nhưng không hiệu quả với đứa trẻ khác. Cha mẹ có thể thay đổi cách phạt nếu thấy trẻ vẫn chưa vâng lời.

Đánh mắng, sử dụng những lời nói nặng nề, tiêu cực với con cái chưa bao giờ là hình thức giáo dục hoàn hảo. Đừng để việc đánh mắng con cái gây ra những tác hại nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và sự phát triển sau này của trẻ. Hi vọng thông qua bài viết này các bậc phụ huynh có thể nhanh chóng thay đổi hành vi của mình để có thể giúp con hoàn thiện hơn.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *