Đặc Điểm Tâm Lý Của Trẻ Khi Có Cha Mẹ Ly Hôn
Khi cha mẹ ly hôn, tâm lý của trẻ sẽ có nhiều xáo trộn và thay đổi. Nắm bắt được đặc điểm tâm lý của con sẽ giúp bố mẹ biết cách ứng xử phù hợp, qua đó giúp con cái vượt qua tổn thương khi gia đình tan vỡ.
Đặc điểm tâm lý của những trẻ khi có cha mẹ ly hôn
Bất đồng, mâu thuẫn sâu sắc trong đời sống hôn nhân sẽ đi đến đỉnh điểm và kết thúc bằng quyết định ly hôn. Khi bước vào cuộc sống vợ chồng, ai cũng mong muốn bản thân và đối phương có thể đồng hành để cùng nhau vượt qua một chặng đường dài. Tuy nhiên, cuộc sống luôn có những sự việc xảy ra ngoài ý muốn và đôi khi hành trình phải dừng lại sớm hơn dự định.
Ly hôn là quyết định khó khăn đối với mỗi cặp đôi – nhất là những cặp vợ chồng đã có con cái. Đối mặt với sự đổ vỡ của hôn nhân, rất khó có thể tránh khỏi cảm giác buồn bã, xót xa và đau khổ. Người lớn thường biết cách kiểm soát cảm xúc và vực dậy sau tổn thương. Ngược lại, con trẻ hoàn toàn không hiểu được quyết định của bố mẹ nên thường phải đối mặt với tổn thương tâm lý lâu dài.
Biết rằng ly hôn là lựa chọn cuối cùng cho một cuộc hôn nhân không thể cứu vãn nhưng sau quyết định này, tâm lý của con trẻ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Chính vì vậy, các cặp vợ chồng cần chuẩn bị kỹ càng để có cách xử lý thấu đáo nhất. Có như vậy, tổn thương tâm lý của con mới được xoa dịu và không để lại những hậu quả nặng nề.
Để có biện pháp xử lý phù hợp, cần hiểu được đặc điểm tâm lý của trẻ khi có cha mẹ ly hôn:
1. Tính tình cáu kỉnh và khó kiểm soát cảm xúc
Phản ứng đầu tiên của trẻ khi nghe được tin bố mẹ ly hôn là cáu kỉnh, tức giận và thậm chí là hoảng sợ – đặc biệt là ở trẻ dưới 10 tuổi. Lúc này, trẻ thường có suy nghĩ bố mẹ ly dị sẽ bỏ rơi và không quan tâm đến bản thân. Mức độ phản ứng của trẻ phụ thuộc vào độ tuổi và sự quan tâm, bảo bọc của gia đình đối với trẻ. Nếu như trước đây, trẻ được gia đình nuông chiều quá mức thì sẽ có phản ứng mạnh hơn so với trẻ được giáo dục phải tự lập và mạnh mẽ.
Tính tình cáu kỉnh, dễ tức giận và nổi nóng cũng có thể bắt nguồn từ việc phải thay đổi môi trường sống. Sau khi bố mẹ ly dị, trẻ phải sống với bố hoặc mẹ nên hoàn cảnh sống sẽ có sự thay đổi đáng kể. Những thay đổi này tác động rất lớn đến trẻ – đặc biệt là trẻ dưới 10 tuổi. Sự thay đổi đột ngột về môi trường sống và thiếu vắng đi sự hiện diện của bố hoặc mẹ khiến trẻ trở nên nhạy cảm, hoảng sợ và lo lắng.
Nhiều trẻ bộc lộ rõ cảm xúc bất ổn khi ngủ thông qua các hành vi như trằn trọc, khó ngủ, la hét khi ngủ,… Trẻ sẽ mất khá nhiều thời gian để có thể bình ổn lại tâm lý. Do đó, bố mẹ cần dành sự quan tâm đặc biệt đối với con cái trong thời gian này.
Nếu có thể, nên thông báo trước với con việc bố mẹ ly dị nhưng tránh thay đổi nơi ở. Tốt nhất bố mẹ nên cố gắng sống chung với nhau một thời gian ngắn để trẻ tập quen dần vì đả kích từ việc bố mẹ ly dị cùng với những thay đổi đột ngột trong hoàn cảnh sống có thể khiến trẻ bị tổn thương tâm lý sâu sắc.
2. Tự dằn vặt bản thân
Sau khi trải qua cảm xúc tức giận và cáu kỉnh, trẻ có thể hình thành cảm giác tội lỗi và tự dằn vặt bản thân. Một số trẻ cho rằng do bản thân hư hỏng, học không giỏi và không nghe lời bố mẹ nên cha/ mẹ mới bỏ đi. Suy nghĩ này bám lấy trẻ trong một thời gian dài khiến trẻ đau khổ, mệt mỏi, lo âu và rất khó có thể duy trì được kết quả học tập như trước đây.
Trẻ có thể không chia sẻ với bố mẹ việc cảm thấy tội lỗi. Trong trường hợp này, mặc cảm tội lỗi sẽ diễn ra trong một thời gian dài khiến trẻ tự dằn vặt bản thân và cảm thấy bi quan, buồn bã sâu sắc. Nếu không được khắc phục sớm, trẻ sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề tâm lý như căng thẳng thần kinh, trầm cảm, rối loạn lo âu,…
3. Tâm lý nhạy cảm
Đặc điểm tâm lý của trẻ khi có cha mẹ ly hôn là sự nhạy cảm quá mức. Khi biết tin bố mẹ ly hôn, trẻ thường có phản ứng quá khích và những cảm xúc này có thể thuyên giảm sau một thời gian. Tuy nhiên, tổn thương tâm lý của trẻ vẫn chưa được chữa lành hoàn toàn. Do đó, trẻ vẫn sẽ có sự nhạy cảm nhất định với mọi thứ xảy ra trong cuộc sống.
Bố/ mẹ có thể dễ dàng nhận thấy con trẻ trở nên chán chường, ít vui vẻ và giảm hứng thú với mọi thứ xung quanh – ngay cả những sở thích trước đây. Đối mặt với những sự việc không mong muốn, trẻ có thể phản ứng quá mức do tâm lý nhạy cảm sẵn có. Sự nhạy cảm quá mức có thể khiến trẻ gặp khó khăn trong việc kết bạn, nhất là khi trẻ phải chuyển trường và nơi sinh sống.
Tâm lý nhạy cảm là phản ứng chung của trẻ khi có cha mẹ ly hôn. Trong đó, sự nhạy cảm của trẻ nhỏ thường rõ rệt hơn. Ngược lại, trẻ lớn từ 15 tuổi trở lên phần nào có thể kiểm soát sự nhạy cảm của bản thân và thường ngấm ngầm chịu đựng những tổn thương, cảm xúc tiêu cực thay vì phản ứng quá khích như trẻ nhỏ. Vì đã có những hiểu biết về cuộc sống nên trẻ phần nào thấu hiểu lý do bố mẹ ly hôn và biết nên làm gì để có thể vượt qua sự mất mát này.
4. Cảm thấy cô đơn, bất lực
Nếu như trước đây, trẻ được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, được quan tâm, chia sẻ và chiều chuộng thì khi đối mặt với sự thiếu vắng của bố hoặc mẹ, trẻ không tránh cảm giác cô đơn và trống rỗng. Thực tế, dù bố/ mẹ có cố gắng bù đắp như thế nào thì vẫn không thể thay thế vị trí của người còn lại. Do đó, tâm lý chung của trẻ khi có cha mẹ ly hôn là cảm thấy cô đơn, buồn bã.
Rất nhiều trẻ nỗ lực giúp bố mẹ quay lại với nhau vì mong muốn cả gia đình có thể chung sống hạnh phúc như trước đây. Tuy nhiên, điều này gần như không mang lại bất cứ thay đổi gì. Bởi khi đi đến quyết định ly hôn, cả hai đã suy nghĩ kỹ lưỡng và không tìm ra được giải pháp cho những mâu thuẫn sâu sắc đang hiện diện trong cuộc sống.
Khi những nỗ lực cứu vớt không mang lại bất cứ thay đổi gì, trẻ thường cảm thấy bất lực và vô vọng. Cảm xúc này thường đi kèm với sự buồn bã, bi quan, mặc cảm tội lỗi và tự dằn vặt bản thân. Với những trẻ có tính cách yếu đối và nhạy cảm, đả kích từ việc bố mẹ ly dị có thể khiến trẻ trở nên kiệm lời, sống khép kín và không muốn trò chuyện hay chia sẻ với bất cứ ai.
5. Mất lòng tin với mọi thứ
Trong mắt con trẻ, gia đình gần như là toàn bộ cuộc sống. Vốn dĩ, ý nghĩa thực sự của gia đình là sự đoàn kết, chia sẻ và là chỗ dựa vững chắc nhất cho con cái. Vì vậy, khi gia đình đổ vỡ, không chỉ người lớn mà cả con trẻ cũng mất đi niềm tin với mọi thứ. Sự đổ vỡ từ những điều tưởng chừng như chắc chắn khiến trẻ trở nên bi quan, vô vọng và không còn bất cứ niềm tin nào trong cuộc sống.
Tình trạng này gặp nhiều ở những trẻ được gia đình quan tâm và nuông chiều từ khi còn nhỏ, bố mẹ biết cách kiềm chế nên không bao giờ cãi vã trước mặt con cái. Tuy nhiên, vì không có dấu hiệu báo trước nên đôi khi trẻ bị sốc tâm lý khi nhận được thông báo việc bố mẹ ly hôn. Trong khi đó, trẻ chứng kiến việc bố mẹ mâu thuẫn và bất đồng mỗi ngày có thể đón nhận sự việc này một cách dễ dàng hơn.
Mất lòng tin với mọi thứ ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và cuộc sống của trẻ. Vì không còn lòng tin nên trẻ thường không có ý định kết bạn, có xu hướng sống cô lập, tách biệt và ít chia sẻ. Nếu không được khắc phục sớm, trẻ lớn lên sẽ gặp rất nhiều phiền toái trong cuộc sống.
6. Hình thành tâm lý chống đối
Một số trẻ hình thành tâm lý chống đối khi bố mẹ ly hôn. Tâm lý và các hành vi chống đối có thể là cách để trẻ thu hút sự quan tâm, chú ý. Điều này bắt nguồn từ suy nghĩ bị bỏ rơi và trở thành người thừa thãi trong cuộc sống tương lai của bố, mẹ. Tuy nhiên, đối mặt với cách hành xử chống đối, rất ít người thấu hiểu tâm lý của con cái và thường có phản ứng chung là trách móc vì nghĩ rằng trẻ hư hỏng.
Trẻ cũng có thể hình thành tâm lý chống đối do việc ly dị bố mẹ khiến mọi kế hoạch trong tương lai của trẻ bị phá vỡ. Chẳng hạn trẻ có dự định thi vào trường chuyên nhưng phải chuyển trường và xa cách với bạn bè. Trong trường hợp này, trẻ thường cho rằng bố mẹ chỉ nghĩ đến bản thân mà không hề nghĩ cho con cái nên mới có quyết định ly hôn và hủy hoại cuộc sống của con.
7. Sợ hôn nhân và ràng buộc
Sống trong gia đình không trọn vẹn khiến trẻ hình thành tâm lý sợ hôn nhân và sự ràng buộc. Bởi trẻ lo lắng gia đình nhỏ của mình cũng có thể đổ vỡ như cuộc hôn nhân của bố mẹ. Tâm lý này rất phổ biến ở trẻ có cha mẹ ly hôn, gia đình không hạnh phúc, thường xuyên có bất đồng và cãi vã.
Hơn nữa, vì không sống chung với cả bố và mẹ nên trẻ hoàn toàn không hiểu được ý nghĩa của hôn nhân. Do đó, trẻ cảm thấy hôn nhân đôi khi không cần thiết, thậm chí đây chính là nguồn cơn của những đau khổ, mất mát và trẻ không muốn con cái phải đối mặt với những điều tương tự.
Chuẩn bị tâm lý cho con khi bố mẹ ly hôn
Con cái là người phải chịu tổn thương sâu sắc nhất trước quyết định ly hôn. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, bố mẹ phải đi đến quyết định này vì không thể dung hòa và tiếp tục chung sống. Để giảm những ảnh hưởng tiêu cực đối với tâm lý của con cái, các cặp vợ chồng có ý định ly hôn cần chuẩn bị tâm lý trước cho con thông qua các biện pháp sau:
- Lựa chọn thời điểm ly hôn phù hợp (tránh những giai đoạn quan trọng như trẻ thi học kỳ, thi chuyển cấp hoặc khi trẻ vừa trải qua tổn thương trong chuyện tình cảm, bạn bè,…)
- Trò chuyện thẳng thắn với con về bố mẹ sẽ ly dị và nêu rõ nguyên nhân để con thấu hiểu. Tuy nhiên, cả hai không nên chì chiết và trách móc những lỗi lầm, điểm xấu của nhau trước mặt con cái.
- Tránh thay đổi đột ngột môi trường sống của con sau khi bố mẹ ly dị. Tốt nhất nên cho trẻ một khoảng thời gian để bình ổn tâm lý trước khi đối mặt với hàng loạt những thay đổi trong cuộc sống.
- Lắng nghe những chia sẻ của con và bày tỏ sự thấu cảm với hy vọng con hiểu được nỗi lòng của bố mẹ.
- Chú ý các biểu hiện bất thường của con và nên xử lý mềm mỏng, thay vì quát mắng hay giáo dục trẻ quá nghiêm khắc.
- Hậu ly hôn, bố/ mẹ đều cần dành thời gian cho con. Sự quan tâm và chăm sóc sẽ giúp trẻ hiểu được rằng, dù gia đình không cùng chung sống như trước đây nhưng bố mẹ vẫn luôn dành tình cảm và sự quan tâm đối với con cái.
- Có thể xoa dịu tâm lý của con bằng những câu nói chữa lành như “Từ nay, con sẽ có hai ngôi nhà để trở về”, “Dù bố mẹ không còn chung sống với nhau nhưng con vẫn luôn là điều quý giá nhất”, “Ly hôn không phải lúc nào cũng là điều xấu”,… Sự mềm mỏng và kiên nhẫn từ bố, mẹ sẽ giúp con thấu hiểu hơn và biết cách vượt qua tổn thương khi gia đình đổ vỡ.
Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về đặc điểm tâm lý của trẻ khi có cha mẹ ly hôn. Ngoài tác động từ bố/ mẹ, những người thân khác trong gia đình cũng cần có cách ứng xử phù hợp để giúp trẻ nhanh chóng bình ổn tâm lý và vượt qua đả kích.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!