Tâm Lý Trẻ Khi Bị Cha Mẹ Đối Xử Thiên Vị, Bất Công Trong Gia Đình
Trẻ em luôn xứng đáng nhận được nhiều tình yêu thương và cần được đối xử công bằng. Tuy nhiên, nhiều gia đình lại có xu hướng thiên vị, bất công với con cái khiến cho con trẻ bị tổn thương tâm lý nặng nề.
Thực trạng cha mẹ thiên vị con cái hiện nay
Cha mẹ thiên vị, bất công với những đứa con trong gia đình luôn là đề tại được nhiều người quan tâm và chưa bao giờ hết nóng. Nhiều bậc phụ huynh thường xuyên dõng dạc khẳng định rằng bản thân luôn đối xử rất công bằng và không bao giờ thiên vị với bất kì đứa con nào. Tuy nhiên thực tế lại không như những gì chúng ta nghĩ.
Trong một cuộc nghiên cứu được tiến hành tại Đại học Cornell, các nhà khoa học đã phỏng vấn trực tiếp trên 274 bà mẹ ở độ tuổi từ 60 đến 74 tuổi cùng với 671 người con của họ. Kết quả cho biết rằng có khoảng 70% các bà mẹ có thể dễ dàng chọn ra một người con mà họ cảm thấy gần gũi nhất. Và có khoảng 15% trong tổng số người con được phỏng vấn chia sẻ rằng họ đã từng cảm thấy bị phân biệt đối xử bởi mẹ của mình.
Vì sao cha mẹ lại đối xử thiên vị giữa các con?
Nhiều bậc phụ huynh luôn dõng dạc khẳng định rằng bản thân không bao giờ thiên vị và luôn đối xử công bằng với các con. Tuy nhiên theo các cuộc nghiên cứu và khảo sát của chuyên gia thì cho dù thể hiện ra hay không thì hầu hết các cặp cha mẹ đều có nhiều xu hướng dành sự quan tâm, tình yêu thương cho một đứa con nhiều hơn những đứa khác.
Sự bất công của cha mẹ dành cho con cái có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, đôi lúc chính họ còn không thể nhận thức được rõ điều đó. Sau đây là vài lý do có thể dẫn đến sự thiên vị trong gia đình:
- Do đặc điểm tính cách: Một nhà tâm lý trị liệu Michele Levin cho biết rằng “Chuyện bố mẹ yêu thích hoặc cảm thấy gần gũi một đứa con hơn những đứa con khác là vô cùng bình thường”. Bởi anh em tuy cùng cha mẹ sinh ra nhưng đặc điểm tính cách sẽ khác nhau. Nếu anh chị em có những tính cách tương đồng với cha mẹ thì họ sẽ có xu hướng muốn chia sẻ, đồng cảm với nhau nhiều hơn.
- Do khoảng cách chung sống: Nếu các con không cùng sống chung một mái nhà, anh chị thì sống xa nhà, em nhỏ thì ở cùng cha mẹ thì họ cũng sẽ có xu hướng quan tâm và chăm sóc đứa con gần gũi với mình hơn.
- Quan điểm sống: Bạn và gia đình của mình không có chung quan điểm sống, định hướng và suy nghĩ khác nhau sẽ dễ dẫn đến những sự bất hòa, khó khăn trong việc trò chuyện, trao đổi.
- Do xu hướng trọng nam khinh nữ: Ở các nước Châu Á hiện nay vẫn còn ảnh hưởng bởi nhiều lối suy nghĩ cũ từ Nho giáo. Nhiều gia đình có sự phân biệt đối xử giữa con trai và con gái, cha mẹ thường chiều chuộng, quan tâm và dành sự yêu thương nhiều hơn cho con trai.
- Do thứ tự anh chị em trong gia đình: Theo kết quả một nghiên cứu chuyên khoa cho thấy rằng, thứ tự anh chị em trong một gia đình cũng sẽ tác động đến tình cảm mà cha mẹ dành cho con cái. Phụ huynh thường có nhiều xu hướng yêu thương đứa con cả và đứa con út hơn so với các đứa con còn lại.
- “The black sheep”: Đây là một khái niệm nhằm chỉ các đứa trẻ hay gây chuyện, hư hỏng, không mang lại giá trị trong gia đình. Những người con này thường bị cha mẹ chán ghét, không dành nhiều sự yêu thương bằng những đứa con ngoan ngoãn, biết nghe lời.
Những tổn thương tâm lý khi trẻ bị cha mẹ đối xử bất công
Những đứa trẻ luôn cần nhận được tình yêu thương từ cha mẹ, trẻ em cần phải được tôn trọng và đối xử công bằng như nhau. Con cái dù có tính cách hay đặc điểm như thế nào đều là máu thịt do chính cha mẹ sinh ra và dạy dỗ thành người. Vì thế, dù trẻ có đôi lúc bướng bỉnh hay tính cách khác biệt một chút thì cha mẹ cũng đừng nên “bên trọng bên khinh”.
Cũng bởi tâm lý của trẻ sẽ dễ bị tổn thương khi bị cha mẹ đối xử thiên vị. Theo nghiên cứu về các mối quan hệ giữa anh em trong gia đình nhận thấy rằng những người con bị hất hủi dễ nuôi trong lòng sự tức giận, căm phẫn và có nhiều nguy cơ đối mặt với trầm cảm hơn so với bình thường.
Ở một nghiên cứu khác được tiến hành tại Đại học Michigan và California nhận thấy, sự ganh tị với tình yêu thương mà người còn lại nhận được từ cha mẹ sẽ gây nên tác động tiêu cực đến mối quan hệ của anh chị em trong gia đình. Đôi lúc sự ganh ghét, thù hằn này sẽ kéo dài cho đến khi họ trưởng thành, nhất là khi các xung đột, mâu thuẫn giữa họ không được cha mẹ giải quyết phù hợp và công bằng.
Các nhà khoa học còn cho biết thêm, sự thiên vị của cha mẹ còn có sự ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của con cái. Theo đó, những trẻ nhỏ khi biết rằng mình không nhận được nhiều sự quan tâm, chăm sóc và yêu thương của cha mẹ bằng các anh chị em còn lại sẽ có nhiều xu hướng tìm đến bia rượu, thuốc lá, cách chất kích thích, nhất là khi trẻ ở độ tuổi vị thành niên.
Điều này sẽ càng phổ biến khi các thành viên trong gia đình không gần gũi, hòa thuận với nhau. Sự căng thẳng, xung đột giữa các anh chị em càng khiến cho đứa trẻ “bị bỏ rơi” có nhiều mong muốn sử dụng các chất kích thích như một công cụ để đả kích, tấn công đứa trẻ được cha mẹ yêu thương nhiều hơn, từ đó làm rạn nứt mối quan hệ gia đình.
Tiến sĩ Levin cho biết: “Điều này tùy thuộc vào từng gia đình. Một số đứa trẻ nhận ra được điều đó và cảm thấy có lỗi với anh chị em của mình, từ đó chúng càng nỗ lực hơn để bù đắp cũng như hàn gắn tình cảm với anh chị em. Tuy nhiên, một số khác lại biến mình trở thành “cái rốn của vũ trụ” và giành lấy hết tình yêu thương, sự quan tâm của bố mẹ”.
Vaziri Flais – một bác sĩ khoa nhi và là mẹ của 4 đứa trẻ từng bày tỏ sự lo ngại rằng những sự tổn thương trong tâm lý của trẻ khi bị cha mẹ đối xử thiên vị sẽ theo trẻ đến khi trưởng thành và làm cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình càng trở nên căng thẳng.
Theo nhận định của các chuyên gia tâm lý thì việc cha mẹ có hành vi đối xử không công bằng với con cái sẽ khiến cho trẻ khó quên được. Trẻ nhỏ sẽ luôn ghi nhớ về những hành động, lời nói phân biệt mà cha mẹ dành cho mình, thậm chí những điều đó còn ăn sâu vào tiềm thức và khiến trẻ nghĩ rằng mình thực sự vô dụng, bất tài, đáng bị xem thường và ghét bỏ.
Từ đó trẻ sẽ có xu hướng tự đánh giá thấp bản thân, giảm lòng tự trọng và dần thu mình lại. Tâm lý này sẽ theo trẻ đến khi trưởng thành và cũng có thể là nguồn gốc của những bi kịch gia đình.
Cha mẹ nên làm sao để giảm bớt tổn thương cho con?
Đối với các bậc làm cha làm mẹ nếu không muốn con cái lớn lên sống tách biệt, hình thành các tâm lý tiêu cực thì hãy hành động ngay từ bây giờ. Trong thực tế, cha mẹ thiên vị con cái không gây ra nhiều hậu quả nặng nền cho đến khi bản thân con nhận thức và biết được điều đó.
Để có thể chữa lành những tổn thương tâm lý khi trẻ bị cha mẹ đối xử thiên vị thì lúc này gia đình cần phải thấu hiểu được cảm giác của con. Nhất là khi con nói rằng cha mẹ thương anh chị em khác hơn mình.
Đừng cố biện minh rằng cha mẹ không hề thiên vị bất kì ai hoặc phớt lờ lời nói của trẻ. Bạn nên hiểu rằng, khi một đứa trẻ nói ra được điều đó chứng tỏ trẻ đã nhận thức và chứng kiến được điều gì đó từ hành vi, lời nói và cách đối xử của bạn.
Lúc này cha mẹ nên suy xét lại chính mình, tìm ra lý do vì sao trẻ lại có cảm nhận như thế và bắt đầu điều chỉnh, khắc phục càng sớm càng tốt. Tiến sĩ Levin nói rằng, cha mẹ cần phải tạo cho trẻ cơ hội dễ chia sẻ, tâm sự về những nhu cầu của chúng.
Bác sĩ Vaziri Flais cũng đã đưa ra lời khuyên “Đừng phớt lờ con cái khi chúng cho rằng bạn thiên vị và biện minh việc đó bằng cách nói rằng con bạn đang nổi loạn tuổi thiếu niên. Mối quan hệ của bạn và chúng chắc chắn cần một thời gian để dịu lại. Tuy nhiên, sau khi cả hai bên đã bình tĩnh, bạn nên tạo cơ hội để trò chuyện với con”.
Các bậc phụ huynh hãy bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân và bắt đầu học cách yêu những thứ mà con cái thích. Hãy dành thời gian cùng con làm những điều mà trẻ cảm thấy thoải mái, hứng thú để dần thu hẹp khoảng cách giữa hai bên. Đặc biệt bạn nên nhớ rằng hãy chia thời gian cho các con một cách công bằng hoặc tốt nhất là hãy cùng chơi với tất cả.
Làm gì khi cảm thấy lẻ loi trong gia đình?
Đôi lúc bạn không thể thay đổi được sự yêu mến, quan tâm của cha mẹ đối với bất kì ai. Không phải bất cứ mối quan hệ gia đình nào cũng sẽ hoàn hảo và bạn nên chọn cách đối mặt để tự bảo vệ chính mình. Nếu bạn đang phải trải qua những tổn thương tâm lý do sự ghẻ lạnh, bất công của cha mẹ thì nên thử áp dụng các cách sau đây:
1. Hãy thử tha thứ
Tha thứ tuy là một việc vô cùng khó khăn, nhất là khi bạn đã trải qua vô vàng những nỗi đau tinh thần do chính gia đình mình tạo ra. Nhưng chọn cách mở lòng, tha thứ sẽ giúp bạn giải quyết tốt những mâu thuẫn, khúc mắc và giằng xé trong lòng.
Vì rất có thể ngay cả bản thân cha mẹ bạn cũng không biết được những hành vi của họ đang làm tổn thương đến bạn. Do đó, hãy thử đặt lên bàn cân về những điều họ đang làm tổn thương bạn và những gì bạn cảm thấy biết ơn cha mẹ của mình để có thể dễ dàng chấp nhận và mở lòng hơn.
Tha thứ ở đây không đồng nghĩa với việc bạn bắt buộc phải quên đi những tổn thương mà mình đã từng gánh chịu mà nó là một cách để bạn có thể thoải mái hơn với những người thân bên cạnh. Hãy thử dành thời gian để đào sâu bên trong nội tâm và đánh giá về hoàn cảnh hiện tại để xem bản thân có thể tha thứ ở mức độ nào.
2. Tìm kiếm nguồn động viên từ những nơi khác
Nếu đã bày tỏ những mong muốn của mình nhưng gia đình vẫn không thể cho bạn được điều đó thì bạn cũng đừng quá thất vọng, hãy tìm kiếm cho mình một chỗ dựa tinh thần khác. Bạn hoàn toàn có thể xây dựng nên các mối quan hệ mới, tìm kiếm những người bạn thân thiết hoặc khi đã trưởng thành hãy vun đắp tốt cho gia đình nhỏ của mình.
Những người bạn thân thiết lâu năm, người đồng nghiệp mà bạn yêu mến,…họ cũng là những nguồn động lực to lớn có thể tiếp thêm cho bạn nhiều điều tích cực. Bạn nên hiểu rằng, gia đình tuy là những mối quan hệ ruột thịt nhưng bạn không thể bó hẹp cuộc sống của mình ở đó và đặc biệt là khi gia đình luôn dành cho bạn những sự bất công.
3. Đừng cố gắng đổ lỗi
Như đã chia sẻ, đôi khi ngay cả bản thân cha mẹ và những anh em trong gia đình cũng không thể nhận thức được rõ ràng về hành vi thiên vị của bản thân. Do đó, bạn đừng nên tranh giành và đổ lỗi cho họ. Bởi điều này chỉ khiến cho mối quan hệ gia đình càng trở nên tồi tệ, nhất là giữa anh chị em một nhà.
4. Đầu tư xây dựng gia đình của riêng mình
Trải qua cảnh bị chính gia đình của mình đối xử tệ bạc, phân biệt đối xử bạn sẽ hiểu rõ được những cảm xúc, áp lực tiêu cực và nỗi đau giằng xé trong tâm lý của trẻ khi bị cha mẹ đối xử thiên vị. Những điều đó không nhất thiết phải lặp lại và ảnh hưởng đến gia đình tương lai của bạn.
Bạn hoàn toàn có thể tự thay đổi chất lượng cuộc sống của bản thân khi lập gia đình mới và có những đứa con của mình. Chỉ cần bạn nhận thức được rõ vấn đề, tìm cách thay đổi và không để những hành vi của cha mẹ tái hiện lên bản thân thì bạn hoàn toàn có được một cuộc sống hạnh phúc và vui vẻ.
5. Cân nhắc về khả năng hàn gắn
Tác giả của cuốn “Được học” – Tara Westover từng chia sẻ rằng: “Bạn có thể yêu một người mà vẫn phải nói lời tạm biệt họ, bạn có thể mong nhớ một người mà vẫn vui mừng vì họ không còn hiện diện trong cuộc sống của bạn”.Có những lúc sự tổn thương của bạn đã vượt quá mức giới hạn, khiến bạn phải bắt buộc đưa ra lựa chọn của bản thân.
Hàn gắn hay từ bỏ? Một số trường hợp phải từ bỏ chính gia đình của mình vì không thể chịu được những áp lực to lớn từ việc cha mẹ đối xử tệ bạc, thiên vị. Sự lựa chọn của bạn sẽ phải tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà chính bạn mới cảm nhận và hiểu được.
Như vậy, những tổn thương tâm lý khi trẻ bị cha mẹ đối xử thiên vị có thể kéo dài cho đến khi trẻ trưởng thành và gây nên nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống. Hi vọng qua thông tin của bài viết này các bậc phụ huynh sẽ hiểu hơn về vấn đề này và có cách phân chia đồng đều tình cảm giữa các con, giúp trẻ có được một đời sống tinh thần thật tốt.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!