Thông báo tổ chức Toạ đàm “Kỹ năng đồng hành cùng con”
Giáo dục tại trường học là vô cùng quan trọng tuy nhiên chỉ chiếm 50% kiến thức của trẻ, 50% còn lại là do môi trường sống và cách thức giao tiếp với mọi người, trong đó chủ yếu là cha mẹ. Bởi vậy, mỗi cha mẹ đều là một người thầy theo sát con trong suốt quãng thời gian trưởng thành.
Độ tuổi 0-6 là giai đoạn xây dựng bức tranh hình thành tính cách của trẻ
Bức tranh càng rực rỡ bao nhiêu thì càng cần tới 9 màu sắc tượng trưng cho 9 loại trí thông minh cần được tô điểm. Năm 1983, nhà tâm lý học phát triển người Mỹ Howard Gardener đã mô tả 9 loại trí thông minh bao gồm:
- Trí thông minh Tự nhiên
- Trí thông minh Âm nhạc & Thính giác
- Trí thông minh Toán học & Logic
- Trí thông minh Triết học
- Trí thông minh Tương tác & Giao tiếp
- Trí thông minh Thể chất
- Trí thông minh Ngôn ngữ
- Trí thông minh Nội tâm
- Trí thông minh Không gian & Thị giác
Người lớn chúng ta thường có những tổn thương tâm lý do hoàn cảnh, rồi vô tình tác động tới trẻ trong giai đoạn bé kiến tạo tính cách, sự ảnh hưởng đó ăn sâu vào tiềm thức của trẻ. Chúng ta mong mỏi tìm được một ngôi trường tốt để tái tạo tư duy cho trẻ nhưng lại quên mất rằng thế giới quan của bé được hình thành nên bởi chính những gì bé trải qua và lớn lên.
Bố mẹ nên tách biệt giữa nhu cầu cá nhân của mình với nhu cầu của con, không dùng con để chữa lành tổn thương của chính mình. Chính những lo lắng của người lớn sẽ ảnh hưởng tới các bé.
Khi người lớn không đủ kiên nhẫn để hiểu rõ và tương tác, giao tiếp phù hợp với trẻ thì sẽ khiến chúng gặp khủng hoảng tâm lý, dẫn tới biểu đạt chống đối và phát triển tâm sinh lý lệch hướng so với độ tuổi phát triển của trẻ.
Giai đoạn khủng hoảng này bắt đầu từ rất sớm, khi bé 2 hoặc 3 tuổi, bé đã có nhu cầu thể hiện bản thân. Tuy nhiên, nếu được giao tiếp đúng, trẻ sẽ được hình thành tính cách tốt và trí thông minh ngay trong giai đoạn này.
Việc của bố mẹ cần làm là hãy dành thời gian yêu thương, quan tâm và chăm sóc đúng cách tới các con, để các con luôn sẵn sàng tin tưởng chia sẻ với bố mẹ. Khi trẻ được sống trong môi trường được thấu hiểu, tôn trọng sự cá nhân thì em sẽ luôn tự tin để phát triển khả năng của mình.
Thực tế, không có công thức, hay bài giảng nào là áp dụng chung cho mọi đứa trẻ và mọi tình huống. Mỗi đứa trẻ có một cách suy nghĩ và hành động riêng, nên không dễ dàng gì áp dụng lý thuyết lên con của mình trong từng tình huống cụ thể. Nhưng, có một cách hiệu quả vô cùng đó là trở thành bạn của con.
Trở thành bạn của con có nghĩa là bạn phải ở vào lứa tuổi của con. Chơi theo cách của con, nói chuyện theo cách của con, và hiểu con theo cách của con.
Tọa đàm: “Kỹ năng đồng hành cùng con” được Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC – Master Coach Hải Yến chia sẻ sẽ giúp bố mẹ có được kỹ năng “làm bạn, làm thầy bên cạnh việc làm cha mẹ” cùng con.
Thời gian diễn ra chương trình: 8:30 – 17:00 ngày 28/11/2020
Địa điểm: Trường mầm non Bông Sen Hồng – Tầng 1 Tòa A – Xuân Mai Complex – Khu đô thị Dương Nội, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội
Phần 1
- Chia sẻ thực trạng cách cha mẹ nuôi dạy trẻ tại Việt Nam
- Sự phụ thuộc của cha mẹ vào giáo dục của nhà trường
- Quy luật hình thành tính cách trẻ trong 6 năm đầu đời
- Lý do cần giao tiếp đúng và Cách giao tiếp đúng với con
Phần 2
- Những điển hình về môi trường sống và cách hành xử của cha mẹ ảnh hưởng đến sự hình thành cá tính của trẻ
- Như thế nào là yêu thương đúng cách và làm thế nào để yêu thương đúng cách
- Trải nghiệm quy trình để thấu hiểu chính bản thân mình, bố mẹ mình và con cái mình
- Cách xây dựng môi trường gia đình thành “Tổ ấm” đúng nghĩa
Phần 3
Hỏi – Đáp cùng Chuyên gia Tâm lý
Bất kỳ bậc cha mẹ nào sinh con ra đều mong muốn những điều tốt nhất đến cho con. Nhưng làm thế nào để ước mơ của con trở thành ước mơ của cha mẹ. Làm sao cho con thấu hiểu tình thương và vất vả của cha mẹ mà không cảm thấy áp lực, cũng như hiểu được hoài bão và bản ngã của con cái.. Tất cả những vướng mắc đó là cả một hành trình. Hãy cùng đồng hành với con để con khôn lớn về cả thể chất và tâm hồn.
“Mỗi chúng ta đều từng là một đứa trẻ, nhưng không phải ai cũng nhớ điều đó.” – Antoine de Saint-Exupéry, The Little Prince.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!