Trẻ Bị Bạn Bè Xa Lánh, Tẩy Chay Cha Mẹ Nên Làm Gì?
Trẻ bị bạn bè xa lánh, tẩy chay bị cô lập trong lớp học có thể khiến con gặp rất nhiều các vấn đề tâm lý nếu không được gia đình và nhà trường giúp đỡ kịp thời. Phụ huynh cần sớm phát hiện các biểu hiện bất thường như con sợ đến lớp, con học hành ngày càng sa sút để sớm có biện pháp xử lý kịp thời, tránh các hệ lụy khác có thể xuất hiện.
Trẻ bị bạn bè xa lánh, tẩy chay cha mẹ nên làm gì?
Tình trạng bắt nạt học đường hiện nay vẫn còn đang cực kỳ phổ biến ở khắp nơi. Việc bắt nạt không nhất thiết là dùng bạo lực, đánh bạn mà có thể thông qua lời nói. Trẻ có thể bị bạn bè trêu chọc, xỉ nhục hoặc cô lập, không có ai làm bạn cùng. Bắt nạt học đường chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề tâm lý cho nạn nhân như stress, trầm cảm tuổi học đường, rối loạn lo âu hay rối loạn hoảng sợ..
Ở tuổi học sinh, mối quan hệ bạn bè vẫn còn rất quan trọng. Việc con bị cô lập, không ai chơi cùng sẽ khiến con cảm thấy cô độc, sợ hãi việc đến trường, không muốn đi học. Tuy nhiên phụ huynh nếu không tinh tế, không tìm hiểu nguyên nhân mà chỉ cho rằng con lười biếng và tiếp tục ép con đi học có thể gây ra rất nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe tinh thần của con. Vậy khi trẻ bị bạn bè xa lánh, cô lập thì cha mẹ nên làm gì để giúp con?
Tìm hiểu về nguyên nhân
Việc con bị bạn bè tẩy chay, không chơi cùng chắc chắn phải do một nguyên nhân nào đó. Nếu không thể hiểu rõ được nguyên nhân thì mẹ không thể nào có thể giúp đỡ con. Một số phụ huynh có thể cho rằng chỉ khi con mình sai nên mới bị cả lớp nghỉ chơi trong khi một số khác lại cho rằng con là nạn nhân và bị bắt nạt.
Thực tế thì trẻ nhỏ thường thích hùa theo số đông, vì vậy không hẳn là con mình sai hoàn toàn nên bạn bè mới cô lập mà chỉ do các bạn hùa nhau. Trẻ con tuy hồn nhiên vô tư nhưng cũng rất dễ có xích mích, nghỉ chơi, “bo xì” nhau. Chúng thường cố chứng tỏ bản thân đúng bằng cách lôi kéo các bạn bè xung quanh nghỉ chơi với người còn lại. Vì vậy phụ huynh cần phải hiểu rõ nguyên nhân trẻ bị bạn bè xa lánh thì mới có thể đưa ra hướng xử lý phù hợp.
Con có thể bị cô lập bởi tính cách nhút nhát, thiếu tự tin nên vốn dĩ đã ít bạn bè; con học quá giỏi hoặc có xu hướng kiêu ngạo; bé hành xử không tốt với bạn bè; gia đình có những vấn đề nghiêm trọng mà mọi người đều biết.. Mặt khác một số trẻ có thể vướng vào một số nghi ngờ nào đó chưa được giải quyết chẳng hạn trộm cắp hay nói xấu bạn bè.. Điều này làm con trở nên xấu xa trong mắt bạn bè xung quanh nên không được ai chơi cùng.
Gia đình nên trò chuyện nhẹ nhàng với con để có thể hiểu rõ đâu mà nguyên nhân các bạn không muốn chơi cùng con. Nếu lỗi nằm ở chính con thì con cần phải biết nhận lỗi còn nếu con chỉ là nạn nhân thì cần dạy con cách bảo vệ bản thân mình. Chẳng hạn nếu do con thường có thái độ kiêu căng, không giúp đỡ bạn bè thì phụ huynh cần dạy con khiêm tốn, hòa đồng cùng mọi người. Trong khi nếu trẻ bị cô lập do không có bố hay không có mẹ con cần biết đứng lên đúng lời lẽ để cho bạn thấy rằng bạn đã sai. Đặc biệt nếu liên quan đến các hiểu lầm ảnh hưởng đến danh dự con thì phụ huynh cần giải quyết càng sớm càng tốt.
Động viên khi trẻ bị bạn bè xa lánh
Việc bạn bè trên lớp không ai chơi cùng đã khiến con đủ buồn bã rồi, nếu về nhà cha mẹ vẫn tiếp tục trách mắng có thể khiến con cảm thấy tủi thân hơn nữa. Vì vậy lúc này gia đình tuyệt đối không nên trách mắng, nói rằng là lỗi của con, do con hay nói rằng “bố mẹ đã bảo rất nhiều lần rồi” sẽ chỉ làm con thấy tổn thương nhiều hơn, cho rằng mọi người xung quanh đều ghét mình, kể cả gia đình.
Sự động viên an ủi con lúc này là cực kỳ cần thiết để con thoải mái, có thể chia sẻ hết những nỗi lòng với cha mẹ. Thay vì trách mắng thì phụ huynh có thể phân tích các vấn đề để bé hiểu ra vấn đề. Chẳng hạn nếu bạn bè không chơi với con vì con không chỉ bài cho bạn thì có thể nói rằng “mẹ biết rằng con làm vậy trong giờ thi là đúng, bữa sau trước khi thi con có thể giảng lại bài để cả hai cùng được điểm cao hơn nhé”.
Gia đình cũng cần thể hiện rằng mình đứng ở phía con, dù có là vấn đề gì cha mẹ cũng sẽ luôn bên cạnh và bảo vệ con. Con đang cảm thấy rất tủi thân nên sẽ cần một người đồng điệu và bảo vệ mình. Việc phân tích đúng sai cũng cần chọn lựa thời điểm thích hợp, không nên thực hiện khi con đang xúc động hay khóc lóc.
Chú ý khi trẻ bị bạn bè xa lánh thì phụ huynh tuyệt đối không nên dùng những từ ngữ mang tính chất thù hằn khi nói về bạn. Chẳng hạn không nên nói rằng “con bé đó xấu tính, con không cần chơi với bạn đó” mà hãy nói rằng “bạn làm như thế là chưa đúng, con không nên như thế nhé”. Việc phụ huynh dùng những từ ngữ mang tính thù hằn có thể khiến con có tâm lý ghét bỏ hay thậm chí là muốn trả đũa bạn. Do đó phụ huynh cần thận trọng hơn khi dùng lời nói.
Dạy con cách xin lỗi và chủ động trò chuyện với mọi người
Trẻ con có thể có nhiều xích mích dẫn đến việc nghỉ chơi hoặc vô tình một hành động nào đó của con đã làm tổn thương các bạn. Con có thể không hiểu được vấn đề này nên tiếp tục mắc lại sai lầm đó và khiến các bạn không muốn chơi với con. Vì vậy mẹ cần phải giải thích các vấn đề cho con hiểu, dạy con cách cảm ơn và xin lỗi ngay khi có vấn đề xảy ra.
Con cần phải chủ động xin lỗi các bạn thay vì đợi các bạn làm lành nếu con là người sai. Hoặc nếu chính bản thân con cũng không biết vì sao bỗng nhiên các bạn không chơi với mình thì con cũng có thể chủ động nói chuyện, hỏi các bạn. Việc tất cả đều im lặng sẽ không thể nào giải quyết được các khúc mắc.
Để con tự giải quyết các mâu thuẫn khi trẻ bị bạn bè xa lánh
Nếu việc trẻ bị xa lánh, cô lập chỉ giới hạn ở trong một nhóm bạn thì phụ huynh nên tự để con giải quyết vấn đề của mình. Trẻ con luôn có những cách giải quyết các vấn đề khác nhau, đôi khi chỉ cần một cuộc cãi vã, khóc lóc là chúng có thể huề lại nhau ngay lập tức. Nếu con bỗng dưng bị loại ra khỏi một nhóm bạn mà đó không phải lỗi của con, phụ huynh cũng có thể khuyến khích con bắt đầu những mối quan hệ bạn bè mới phù hợp hơn.
Trẻ con đôi lúc cũng không phải là trẻ con bởi cách chúng nhìn nhận mọi thứ một cách rất trưởng thành nhưng cũng vẫn mang đầy màu sắc của “con nít”. Thay vì can thiệp quá sâu, phụ huynh hoàn toàn có thể định hướng con cách giải quyết vấn đề theo khía cạnh con có lỗi hay không có lỗi. Phụ huynh có thể kể một vài câu chuyện tương tự để giúp con hình dung rõ hơn mình nên làm gì. Thông qua bài học này con cũng dần học được cách giải quyết vấn đề và tự lập hơn.
Trò chuyện với giáo viên chủ nhiệm
Việc phụ huynh đứng ra giải quyết các vấn đề tốt nhất chỉ nên thực hiện khi trẻ bị cô lập hoàn toàn, trong lớp không có ai chơi cùng, thường xuyên bị bạo lực bằng lời nói. Trẻ nhỏ chưa thể biết cách xử lý với trường hợp này nên đôi khi gia đình cũng cần tham gia để giúp đỡ con tốt nhất, tránh tối đa con bị áp lực khi đến trường lớp.
Gia đình nên trò chuyện trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm để hiểu rõ tình hình và nguyên nhân bởi cũng không thể nhìn nhận các vấn đề hoàn toàn qua lời kể của con. Giáo viên chủ nhiệm sẽ là người nắm rõ tình hình nhất nên sẽ có cái nhìn khách quan hơn. Đồng thời việc trao đổi với giáo viên cũng là cách để hòa giải các xích mích, hiểu lầm nhất vì giáo viên chính là người hiểu rõ các con nhất.
Tuy nhiên chú ý việc cha mẹ trò chuyện với giáo viên cần phải thực sự khéo léo để tránh các bạn con suy nghĩ rằng con là kẻ “mách lẻo”, “xấu tính” vì đi méc cha mẹ hay khiến giáo viên la lắng chúng. Điều này rất cần có sự trợ giúp tinh tế từ cô giáo chủ nhiệm để tránh làm các mâu thuẫn tăng cao khiến trẻ càng bị bạn bè xa lánh cô lập nhiều hơn
Trẻ bị bạn bè xa lánh – làm việc với các phụ huynh
Tất nhiên không phải lúc nào cũng có thể áp dụng được phương pháp này bởi các phụ huynh cũng không biết rõ tình hình các con và cũng chỉ nghe con của họ kể lại. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, chẳng hạn như những đứa trẻ có định kiến về gia đình bạn do thiếu vắng cha hoặc mẹ thì bạn có thể nói chuyện cùng các phụ huynh của những đứa trẻ đó để gia đình giúp chúng có thể hiểu rõ vấn đề và không cô lập con bạn.
Hầu hết hiện nay ở trường lớp các cấp giáo viên và các phụ huynh thường sẽ có các nhóm chat qua zalo hay facebook để tiện trao đổi việc trường lớp. Phụ huynh có thể chia sẻ các vấn đề này để nhờ đến sự giúp đỡ của các bậc cha mẹ khác. Ngoài ra bạn cũng có thể gợi ý làm chung một vài hoạt động để những đứa trẻ có thể gần gũi, làm lành, hiểu nhau hơn và loại bỏ những hiểu lầm không đáng có trước đó.
Dạy con cách bảo vệ bản thân mình
Việc trẻ bị cô lập không phải lúc nào cũng là lỗi của con. Đôi khi việc trẻ quá hiền lành, ít nói cũng có thể khiến con bị một vài bạn bắt nạt và những bạn khác chỉ hùa theo chứ không hề có suy nghĩ ghét con. Việc trẻ im lặng và không nói gì sẽ càng khiến các bạn được đà, cố tình bắt nạt nói xấu thậm chí đổ lỗi để các bạn xung xa lánh và không chơi với con. Trong trường hợp này phụ huynh cần phải dạy con biết cách bảo vệ chính mình.
Chẳng hạn khi các bạn nói những điều không đúng, con hãy đứng dậy và nói rằng bạn nói như vậy là không đúng về mình, bạn làm như vậy là rất xấu. Việc con dám đứng dậy phản bác sẽ khiến các bạn bất ngờ và không bắt nạt con nữa. Tuy nhiên trẻ có thể bị cô lập bởi một người khác đứng đầu, nếu các bạn không làm theo thì có thể bị bạn đó bắt nạt thay. Với tình trạng này, mẹ có thể cho con học võ để đáp trả khi cần thiết, nhất là khi “kẻ cầm đầu” là một đứa trẻ to lớn và có sức khỏe.
Tuy nhiên phụ huynh cần dạy con rằng, học võ chỉ là cách để con bảo vệ bản thân khi thật cần thiết, không phải là cách để con thể hiện hay bắt nạt lại các bạn khác.
Trị liệu tâm lý nếu con có dấu hiệu bất ổn
Như đã nói, tâm lý trẻ còn rất yếu nên trước những tổn thương và con chưa biết cách bảo vệ mình thì rất dễ mắc phải những vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu hay rối loạn sợ xã hội. Các triệu chứng của các bệnh lý này thường là con sợ đi học, không chịu ra khỏi phòng, sụt cân, tinh thần bất ổn, dễ khóc và dễ kích động. Phụ huynh ngay khi thấy con có những dấu hiệu bất thường về tâm lý cần sớm đưa con đến các cơ sở trị liệu tâm lý để giải quyết.
Thực tế tỷ lệ trẻ bị bạo lực học đường bằng hành động, lời nói hay thông qua mạng xã hội đang ngày càng gia tăng. Những tổn thương trên thể xác hiện hữu bằng vết sẹo có thể nhìn thấy được nhưng những tổn thương về tinh thần chỉ có thể có con mới cảm nhận được. Những vấn đề tâm lý không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại mà còn tác động trực tiếp đến tương lai của trẻ nên gia đình cần cực kỳ thận trọng.
Để giải quyết việc trẻ bị bạn bè xa lánh cũng không hề dễ dàng và cần có sự hỗ trợ của cha mẹ, giáo viên và chính trẻ. Chỉ khi hiểu được nguyên nhân thì phụ huynh mới có hướng giúp đỡ con tốt nhất. Trong một vài trường hợp, trẻ bị bắt nạt một cách ác ý và không giải quyết được, cha mẹ nên xem xét chuyển lớp hay chuyển trường để con có một môi trường phát triển, học tập tốt nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!