Trẻ Bị Bạo Hành Tinh Thần Ảnh Hưởng Đến Tâm Lý Như Thế Nào?
Trẻ bị bạo hành tinh thần ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tâm lý, trẻ có xu hướng tiêu cực, dễ mất lòng tự trọng hay cũng bạo lực với người khác như những gì mà mình đã chịu đựng. Những tổn thương về mặt tinh thần rất khó để xóa bỏ nếu gia đình không sớm có sự thay đổi tích cực hơn. Một số trẻ còn phải thực hiện trị liệu tâm lý để loại bỏ những nỗi đau tinh thần và quay trở lại cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác.
Trẻ bị bạo hành tinh thần ảnh hưởng đến tâm lý như thế nào?
Việc cha mẹ bạo hành tinh thần con cái hiện nay không phải là hiếm, ngược lại còn có dấu hiệu phổ biến. Khác với bạo hành về thể xác, bạo hành về tinh thần chỉ tiến hành thông qua lời nói, những lời sỉ nhục, miệt thị cứ lặp đi lặp lại nhiều lần làm gieo vào đầu con những suy nghĩ tiêu cực, độc hại. Đồng thời phụ huynh cũng có xu hướng sắp đặt, bắt con làm mọi việc theo ý mình, luôn nói rằng con kém cỏi, vô tích sự, đổ lỗi mọi vấn đề cho con.
Ngoài ra bạo hành về tinh thần cũng có thể xảy ra giữa bạn bè, những người xung quanh thông qua cả lời nói và mạng xã hội. Đây cũng là một vấn nạn rất thường xảy ra khi mà mạng xã hội ngày càng phát triển dẫn đến nhiều người trở nên “toxic” và sẵn sàng khẩu chiến, mạt sát người khác thông qua một chiếc điện thoại.
Trẻ có tâm lý lệch lạc
Tính cách của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống của trẻ, trong đó gia đình và cha mẹ chính là yếu tố tác động nhiều nhất. Việc trẻ bị bạo hành tinh thần quá nhiều có thể khiến con trở nên nhút nhát, e dè tất cả mọi người hoặc trở nên có xu hướng bạo lực, luôn bắt nạt kẻ khác. Tâm lý trẻ trở nên lệch lạc, có những suy nghĩ trái với chuẩn mực đạo đức xã hội nhưng mang mục đích như một tấm áo giáp bảo vệ bản thân khỏi những điều tổn thương ở xung quanh.
Chẳng hạn trẻ có thể có suy nghĩ là mình cũng phải chửi bới, đánh đập người khác thì họ mới tôn trọng mình. Con sẽ có xu hướng bắt nạt những kẻ yếu hơn để làm thỏa mãn cảm xúc, ấm ức mà con phải chịu khi ở nhà. Hằng ngày bị cha mẹ coi thường, sỉ nhục, không công nhận nỗ lực của bản thân thậm chí khiến con có xu hướng thù hằn cha mẹ và lên kế hoạch trả thù. Tình trạng này rất dễ xảy ra ở nhóm trẻ vị thành niên đang có sự thay đổi lớn về mặt nhận thức và tính cách.
Một số khác lại có xu hướng nhút nhát, sợ hãi, luôn cảm thấy tự ti về chính mình. Vì không được ai giúp đỡ nên những suy nghĩ tiêu cực, độc hại ngày càng ăn sâu vào trong tâm lý khiến tâm lý trẻ ngày càng đi vào con đường sai trái, lệch lạc. Lòng tự trọng của trẻ ngày càng bị hạ thấp dẫn đến việc con có thể làm nhiều việc sai trái khi có ai đó đe dọa hoặc lợi dụng sự yếu đuối của con.
Trẻ bị bạo hành tinh thần tăng nguy cơ gặp các vấn đề về tâm lý
Đây là một trong những vấn đề thường gặp ở những trẻ bị bạo hành tinh thần. Việc con phải chịu những lời mắng chửi hằng ngày đã để lại những di chứng nặng nề trong tâm lý của con. Trẻ có thể gặp ác mộng thường xuyên, luôn cảm thấy văng vẳng tiếng miệt thị của cha mẹ, làm gì cũng lo lắng rằng phụ huynh sẽ không hài lòng, không được chấp nhận. Bản thân trẻ ngày càng mất tự tin vào bản thân, tin rằng những gì người khác nói về mình là đúng và ngày càng tổn thương nhiều hơn.
Bạo hành tinh thần trẻ em có thể gây ra hàng loạt các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, ám ảnh sợ xã hội.. trẻ ngày càng không muốn ra ngoài giao tiếp hay nói chuyện với ai, cả ngày chỉ muốn ở trong nhà vì sợ hãi. Thế nhưng nếu ở trong nhà lại phải nghe sự miệt thị từ phụ huynh khiến con trở nên cô đơn lạc lõng, bơ vơ, không biết đi đâu về đâu. Một số trẻ có xu hướng tự làm đau bản thân bằng cách rạch tay, bứt tóc hay tự tử nếu không được phát hiện kịp thời.
Đặc biệt tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn nếu người bạo hành tinh thần trẻ là cha mẹ. Ngay cả việc trẻ có vấn đề về tâm lý hay tự làm đau chính mình không phải lúc nào cũng có thể thay đổi được cha mẹ. Bởi chất của những cha mẹ bạo hành tâm lý con cái thường là những người tiêu cực, gia trưởng, luôn cho mình đúng, luôn áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác. Họ không thể nào tin việc mình nói như thế có thể khiến con tổn thương đến tự tử, thậm chí còn mạt sát và bạo hành tâm lý con nhiều hơn vì dám đổ lỗi cho họ.
Hiện nay vẫn chưa có chế tài hay điều luật nào xử phạt việc bố mẹ mắng chửi, bạo hành tinh thần con cái khiến cho vấn nạn này vẫn tiếp diễn ở khắp mọi nơi. Trẻ bị bạo hành tinh thần sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mặt tâm lý, tính cách kỳ quặc, luôn có xu hướng tiêu cực. Một số trẻ có thể nảy sinh ý nghĩ thù hằn, muốn trả thù hay thậm chí là tìm cách thực hiện điều đấy. Nếu tình trạng này kéo dài suốt cả tuổi thơ có thể tác động trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ nhỏ.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai
Nếu bạo hành về mặt thể xác, những người xung quanh có thể tìm cách giúp đỡ con và xử phạt kẻ bạo hành nhưng nếu chỉ thông qua lời nói thì rất khó có thể giúp đỡ vì phụ huynh có thể cho rằng do con hư nên phải chửi như thế để dạy con. Trẻ bị bạo hành tinh thần trong suốt thời thơ ấu, lớn lên cùng với những lời mắng chửi, sự tiêu cực có thể sẽ trở thành một “phiên bản nâng cấp” hơn cả những người mà chúng từng thù hằn.
Hầu hết việc bị bạo lực ngôn từ hằng ngày thường khiến trẻ không còn tâm lý để học tập, có xu hướng bỏ học và tìm cách thoát ra ngoài sớm. Bởi con đã có tâm lý lệch lạc nên có thể dùng các hành vi tâm lý của mình tìm cách bắt nạt kẻ khác hay làm các công việc liên quan đến bạo lực. Ở tuổi vị thành niên hay trưởng thành, trẻ có thể rơi vào vòng lao lý của pháp luật bởi những hành vi của mình.
Ở những trẻ bị người khác bạo hành vẫn có thể được cải thiện sớm hơn bởi bên cạnh con vẫn có gia đình, người thân, cha mẹ sẵn sàng đứng ra bảo vệ và giúp đỡ con kịp thời. Những nếu kẻ bạo hành chính là cha mẹ thì con khó thoát khỏi những đau khổ của bản thân nếu không tìm kiếm được ai khác giúp đỡ.
Tuy nhiên cũng có những trẻ cố gắng học tập thành tài để sớm thoát ra khỏi gia đình, trở thành một người có ý nghĩ, không giống với cha hoặc mẹ. Những điều kiện này chỉ có thể đáp ứng khi có cha hoặc mẹ đứng ra bênh vực, giúp đỡ, chống chọi cùng con trong những năm tháng tuổi thơ. Nếu cả cha và mẹ đều bạo lực tinh thần với con thì con rất khó thoát ra khỏi vòng xoáy đau khổ của cuộc đời mình.
Trẻ bị bạo hành tinh thần thường có khả năng giao tiếp kém
Đây cũng là tình trạng chung gặp ở hầu hết những trẻ bị bạo hành tinh thần. Do con đã bị tiêm nhiễm nhưng thứ độc hại vào trong tâm trí, không được phép lên tiếng ở nhà nên dần trở nên mất tự tin, khả năng giao tiếp kém cỏi ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chẳng hạn khi cô giáo hỏi một điều gì đó dù con biết nhưng cũng không bao giờ dám giơ tay vì sợ sai, sợ bạn bè chê cười và sỉ nhục.
Chúng ta đều biết kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng cực kỳ quan trọng trong cuộc sống này, không chỉ ở hiện tại mà ở tương lai, dù làm bất cứ ngành nghề gì. Việc yếu kém ở kỹ năng giao tiếp khiến con khó có thể phát triển bản thân một cách tốt nhất, luôn nằm trong giới hạn an toàn của chính mình nên cũng ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng thành công.
Bên cạnh đó, một số trẻ cũng có xu hướng dùng bạo lực thay cho lời nói, sỉ nhục, miệt thị hay đặt điều với người khác nếu không đạt được như ý muốn cũng giống như việc chúng đã phải chịu đựng. Trẻ có thể có kỹ năng giao tiếp kém khi trò chuyện trực tiếp nhưng trên mạng xã hội con có thể trở thành một người hoàn toàn khác, sẵn sàng chửi bới miệt thị một ai đó cho dù không có lý do chính đáng. Bởi mạng xã hội là ảo, không ai biết trẻ là ai nên trẻ có thể trút hết những bực tức, oan ức của mình lên người khác để thỏa mãn cảm xúc của bản thân.
Làm thế nào để giúp đỡ trẻ bị bị bạo hành tinh thần
Việc giúp đỡ trẻ bị bạo hành tinh thần còn phụ thuộc vào đối tượng bạo hành con là ai, là người thân hay những người ngoài gia đình, bạo hành thông qua hình thức nào. Thực tế nếu đối tượng bạo hành là người ngoài thì mức độ ảnh hưởng đến tâm lý sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều bởi vẫn có cha mẹ bên cạnh giúp đỡ, yêu thương con. Những nếu đối tượng bạo hành là người trong gia đình, là cha mẹ ruột thì thực sự rất khó khăn , đòi hỏi phải có các ban ngành liên quan can thiệp.
Nhưng hơn hết, để giúp đỡ trẻ bị bạo hành tinh thần, trước hết cần có sự dũng cảm, dám đứng lên nói ra sự thật rằng mình đang bị bắt nạt, bị sỉ nhục dù cho đối tượng đó là ai. Bởi bạo hành tinh thần thường không có những vết tích thực thể như khi con bị bạo hành thể xác nên nếu bản thân con không nói ra sẽ rất khó phát hiện. Vì vậy để được giúp đỡ, nhất là khi người bạo hành tinh thần là cha mẹ thì con cần phải dũng cảm nói ra sự thật.
Nếu người bạo hành tinh thần là người ngoài thì con hãy chia sẻ với cha mẹ còn nếu chính là cha mẹ hãy chia sẻ với những người con tin tưởng, chẳng hạn như ông bà, cô chú hay cô giáo. Trong trường hợp cha mẹ quá tiêu cực, việc tìm cách tách con ra khỏi cha mẹ là điều cực kỳ cần thiết để giúp đỡ cho sự phát triển bình thường sau này. Với các trường hợp khác thì có phần đơn giản hơn bởi hiện nay đã có những điều luật xử phạt về tội phỉ báng hay xúc phạm danh dự của người khác.
Một vài trường hợp trẻ cần phải thực hiện trị liệu tâm lý để giải tỏa những điều tiêu cực, độc hại trong tâm lý, hướng đến những điều tích cực và tìm lại bản thân. Trẻ nhỏ cần được sống một cách vô tư hồn nhiên, không lo nghĩ nhiều, luôn luôn vui cười và các chuyên gia tâm lý sẽ là người giúp đỡ, đưa con về với đúng lứa tuổi của mình. Các biện pháp này cần được tiến hành càng sớm càng tốt để giúp trẻ phát triển toàn diện về cả trí tuệ, quá trình hình thành nhân cách và tiến đến tương lai tốt đẹp hơn.
Trên thực tế, việc trẻ bị bạo hành tinh thần hiện nay khá phổ biến do rất nhiều thứ xung quanh tác động. Gia đình và nhà trường cần có biện pháp quan tâm chăm sóc đến trẻ em nhiều hơn, chăm sóc đời sống tinh thần và thể chất nếu thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường về mặt tâm lý. Hơn hết việc bảo vệ trẻ em khỏi việc bị bạo hành về tinh thần hay thể chất là trách nhiệm của toàn xã hội nên mỗi người chúng ta cũng cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!