Phương pháp trị liệu âm nhạc cho trẻ tự kỷ
Tỷ lệ rối loạn phổ tự kỷ ngày càng tăng nhanh ở nước ta. Trẻ tự kỷ cần được can thiệp kịp thời và hỗ trợ đúng cách bằng nhiều loại hình trị liệu khác nhau nhằm hạn chế khiếm khuyết tối đa trong quá trình phát triển nhận thức và trí tuệ. Hiện nay, phương pháp trị liệu âm nhạc cho trẻ tự kỷ đang được nhiều chuyên gia khuyến khích áp dụng.
Tìm hiểu về liệu pháp âm nhạc
Rối loạn phổ tự kỷ là dạng rối loạn ở hệ thần kinh có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động của não bộ. Các triệu chứng điển hình của bệnh lý này là gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình giao tiếp xã hội, khả năng ngôn ngữ yếu kém, có hành vi, cử chỉ, sở thích bất/khác thường… Trẻ tự kỷ sẽ cố gắng cô lập bản thân trong thế giới hữu hạn của chính mình.
Để đẩy lùi thành công rối loạn phổ tự kỷ, chúng ta cần kết hợp nhiều phương pháp và liệu pháp khác nhau trong quá trình điều trị. Hiện nay, trên thế giới và ở Việt Nam, trị liệu âm nhạc cho trẻ tự kỷ trở thành giải pháp an toàn, phù hợp với khả năng mang đến nhiều kết quả khả quan.
Nếu âm nhạc là người bạn trung thành, thân thiết của những người bình thường thì đối với trẻ tự kỷ, đây chính là liều thuốc tinh thần kỳ diệu có thể hàn gắn trái tim và chữa lành tâm hồn.
Âm nhạc góp phần thay đổi, điều chỉnh ý nghĩ, cảm xúc, hành vi của bệnh nhân theo chiều hướng tích cực, tăng cường trí nhớ, phục hồi khả năng giao tiếp xã hội và xoa dịu những nỗi đau về mặt thể xác và tinh thần.
Vào năm 2008, một nhóm chuyên gia thuộc các viện nghiên cứu âm nhạc tại Na Uy, Đan Mạch, Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc nghiên cứu chuyên sâu trên 10 trẻ tự kỷ khoảng 3 – 5 tuổi. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi tiếp xúc thường xuyên với liệu pháp âm nhạc, các em tỏ ra hứng khởi, thích thú, biết chờ đợi, lắng nghe, giao tiếp bằng mắt và thực hiện đúng các động tác được hướng dẫn so với phương pháp trị liệu bằng đồ chơi.
Tiến sĩ Jennifer Whipple, Trưởng khoa Âm nhạc, Đại học Southern Charleston (Nam Carolina) nhận định, âm nhạc có thể mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời cho các bệnh nhân tự kỷ thuộc bất cứ độ tuổi. Năm 2014, sau khi kiểm tra 9 báo cáo khác nhau về kết quả của phương pháp trị liệu âm nhạc từ thập niên 70, bà đã rút ra kết luận này.
Lịch sử hình thành của phương pháp trị liệu âm nhạc cho trẻ tự kỷ
Hiệp hội Trị liệu Âm nhạc Hoa Kỳ (tổ chức trị liệu âm nhạc lớn nhất thế giới) chính là đơn vị nghiên cứu, phát triển và ứng dụng phương pháp điều trị đặc biệt này sớm nhất thế giới, bắt đầu từ năm 1789.
Bài báo Vật lý nhạc học xem xét được xuất bản trên tạp chí Columbia là tài liệu tham khảo đầu tiên về liệu pháp âm nhạc. Trước đó hàng trăm năm, Pytago, triết gia, nhà toán học lỗi lạc Hy Lạp, đã quy định nhiều thang âm cùng chế độ âm nhạc để chữa lành bệnh tật trong một số vấn đề về tâm lý và thể chất.
Vào thế kỷ XX, sau khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất và Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, liệu pháp âm nhạc trở thành lĩnh vực nổi tiếng. Nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư đã đến bệnh viện để chơi nhạc cho các cựu chiến binh bị chấn thương khi tham chiến.
Như chúng ta đều biết, với những khiếm khuyết vốn có về mặt tâm sinh lý, trẻ em tự kỷ khó có thể hòa nhập với thế giới bên ngoài. Có những bức tường vô hình vững chắc ngăn cản các em tương tác, hòa nhập và giao tiếp với mọi người xung quanh.
Do đó, việc hình thành và phát triển các kỹ năng thiết yếu cần được đến sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của xúc giác, thính giác và thị giác, từ đó kích thích hệ thần kinh trau dồi ngôn ngữ.
Trong khi đó, vượt lên cả tiếng nói, ngôn từ, âm nhạc có thể tác động sâu sắc đến mọi giác quan của con người một cách chậm rãi và tự nhiên thông qua hoạt động ca hát, nhảy múa, nghe nhạc, chơi trò chơi âm nhạc, sử dụng nhạc cụ… Vì vậy, bộ môn này thúc đẩy quá trình phục hồi những kỹ năng quan trọng mà trẻ tự kỷ đang bị khiếm khuyết.
Không chỉ dừng lại ở đó, âm nhạc còn là một trong những con đường ngắn nhất để chúng ta kết nối sâu sắc với thế giới nội tâm phong phú của bệnh nhân. Tuy gặp phải một số khó khăn trong hoạt động giao tiếp xã hội cũng như có nhiều khiếm khuyết về thần kinh nhưng trẻ tự kỷ vẫn là những em bé vô cùng ngây thơ, đáng yêu và trong sáng.
Như bao đứa trẻ bình thường khác, các em nên được khuyến khích vui chơi, nhảy múa, ca hát, nghe nhạc mỗi ngày. Chúng ta có thể hỗ trợ các bé chữa lành tổn thương và tiến bộ liên tục với liệu pháp trị liệu âm nhạc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để bé trải nghiệm một tuổi thơ trọn vẹn và hạnh phúc.
Phương pháp trị liệu âm nhạc dưới góc nhìn tâm lý học
Phương pháp trị liệu âm nhạc cho trẻ tự kỷ giúp các em điều hòa cảm xúc, cải thiện hành vi, trau dồi kỹ năng và định hướng tư duy theo một cách nhẹ nhàng, tích cực, không ép buộc. Dưới đây là 5 yếu tố tiêu biểu ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị:
- Điều hướng sự chú ý
Âm nhạc có thể loại bỏ những vấn đề tiêu cực (đau khổ, lo âu, mệt mỏi, u sầu…) bằng cách thu hút sự chú ý của bệnh nhân. Đây chính là lý do các chuyên gia sử dụng âm nhạc để hạn chế cảm giác đau đớn trong quá trình điều trị y tế.
- Điều hướng cảm xúc
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, liệu pháp âm nhạc giúp điều chỉnh hoạt động của những vùng não liên quan đến quá trình khởi tạo, hình thành, duy trì, điều tiết và kết thúc cảm xúc.
- Điều hướng nhận thức
Âm nhạc có khả năng điều chỉnh nhận thức của con người. Bởi âm nhạc liên quan trực tiếp đến quá trình ghi nhớ (bao gồm phân tích ý nghĩa giai điệu và mã hóa, lưu trữ, giải mã các sự kiện và thông tin liên quan).
- Điều hướng hành vi
Liệu pháp âm nhạc giúp điều chỉnh hành vi của chúng ta (cụ thể là khơi gợi những hành vi có chuyển động như: nắm bắt, nói chuyện, đi bộ…).
- Điều hướng giao tiếp
Là một phương tiện giao tiếp hữu hiệu, âm nhạc có thể kiến tạo và xây đắp các mối quan hệ. Việc tương tác âm nhạc trong trị liệu (nhất là âm nhạc ngẫu hứng) sẽ đóng vai trò ngôn ngữ và tiền ngôn ngữ.
Bộ môn nghệ thuật này cho phép những người sử dụng ngôn ngữ tiếp xúc với các trải nghiệm đầu tiên về ngôn ngữ. Đồng thời, âm nhạc cũng hỗ trợ nhóm người phi ngôn ngữ giao tiếp với những người xung quanh mà không cần dùng đến lời nói, ngôn từ.
Âm nhạc giúp mọi người tương tác với nhau nhiều hơn về mặt cảm xúc, từ đó xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn so với cách giao tiếp bằng lời nói. Sự tương tác hiệu quả này diễn ra khi chúng ta lựa chọn loại âm nhạc phù hợp với mỗi cá nhân, chẳng hạn loại âm nhạc phản ánh chính xác vấn đề mà họ đang đương đầu.
Các chuyên gia khuyến khích mọi người phản ánh vướng mắc cá nhân bằng một bài hát hoặc những cảm xúc được âm nhạc gợi lên. Đối với nhóm đối tượng có thể sử dụng lời nói, phương pháp trị liệu âm nhạc còn có thể phản ánh nội dung cụ thể của lời nói nhờ vào tiến trình âm nhạc.
Trị liệu âm nhạc là một lĩnh vực khoa học sáng tạo, bắt nguồn từ tâm lý học, âm nhạc học, âm vực học, xã hội học, thần kinh học, nhân chủng học…
Dưới góc độ tâm lý học, trị liệu âm nhạc vốn là một thử thách khó khăn. Trên thực tế, phương pháp này đã được giới chuyên môn bàn luận sôi nổi từ nhiều năm qua bởi tâm lý học trong âm nhạc cũng liên quan mật thiết đến nhiều vấn đề nghiên cứu khác. Các chủ đề tiêu biểu trong ngành tâm lý học về âm nhạc là:
- Biểu tượng thính giác
- Quá trình tiếp nhận âm nhạc của bộ não
- Vai trò của âm nhạc trong lịch sử nhân loại và cuộc sống hàng ngày
- Chức năng của âm nhạc trong nhân dạng con người và cuộc sống thường nhật
- Nhận thức trí nhớ và thính giác trong âm nhạc
- Ý nghĩa của âm nhạc cùng sở thích âm nhạc trong quá trình hình thành bản sắc cá nhân
- Nguồn gốc của khả năng cảm thụ âm nhạc và quá trình phát triển của kỹ năng âm nhạc
Thông thường, các nhà tâm lý học sẽ dựa trên kinh nghiệm chuyên môn và thực hiện một số chẩn đoán thông qua bảng câu hỏi cũng như mô hình nhận thức để phân tích diễn tiến liệu trình trong quá trình điều trị.
Vai trò của phương pháp trị liệu âm nhạc cho trẻ tự kỷ
Trị liệu âm nhạc là phương pháp sử dụng những yếu tố cấu thành âm nhạc như: hòa âm, tiết tấu, giai điệu, nhịp điệu, âm thanh… để tạo nên những ảnh hưởng tích đến tâm lý của một hoặc một nhóm người bệnh.
Kỹ thuật điều trị này giúp nâng cao khả năng tập trung, tăng cường hành vi lành mạnh, giảm thiểu tình trạng lo âu, căng thẳng, giúp trẻ tự kỷ nhận thức bản thân rõ hơn và cố gắng tương tác, giao tiếp xã hội thông qua lời nói, cử chỉ, hành động…
Một nghiên cứu của tổ chức Autism Science Foundation cho thấy, âm nhạc sở hữu sức mạnh thần kỳ, góp phần thức tỉnh nhận thức, phát triển tư duy, tăng cường nhu cầu giao tiếp, trau dồi ngôn ngữ và nâng cao khả năng chú ý, tập trung.
Theo một nghiên cứu vào năm 2006 của Đại học Wisconsin La Crosse, phương pháp trị liệu âm nhạc cho trẻ tự kỷ góp phần hạn chế lo lắng, bất an, đồng thời giúp bé cân bằng cảm xúc và trở nên bình tâm hơn.
Âm nhạc có thể tăng cường khả năng tương tác
Việc tham gia vào các hoạt động âm nhạc sẽ tạo nên cơ hội thuận lợi để bé tương tác với chúng ta. Nếu đồng điệu về sở thích âm nhạc, nhóm trẻ tự kỷ được lựa chọn có thể tương tác với nhau khi được hướng dẫn giữ lấy một phần vòng tròn và cùng nhau phối hợp nhịp nhàng để đảm bảo chiếc vòng chuyển động theo điệu nhạc vui nhộn. Để chiếc vòng chuyển động đúng như yêu cầu, mỗi bé phải chủ động chuyển động thật hợp lý.
Lúc này, âm thanh chính là cầu nối tuyệt vời giúp mỗi em trong nhóm duy trì tương tác với nhau bằng cách cầm giữ vòng tròn trong điệu nhạc. Hơn nữa, âm thanh xúc xắc rộn rã, nhịp trống rộn ràng và điệu nhạc sôi động cũng giúp các bé cảm thấy hào hứng, vui vẻ và kết nối với nhau theo nhịp một cách tự nhiên.
Với những bài hát yêu thích, bé có thể tự tin ngân nga, sải bước đi lại hoặc nhảy múa lắc lư trước sự theo dõi của mọi người mà không hề cảm thấy sợ hãi, e ngại. Khi được áp dụng thông minh và khéo léo, phương pháp trị liệu âm nhạc cho trẻ tự kỷ có thể giúp bệnh nhân thoát khỏi vỏ bọc rụt rè, sợ hãi, từ đó thêm mạnh dạn, tự tin và chủ động hơn trong học tập và cuộc sống.
Phương pháp trị liệu âm nhạc cho trẻ tự kỷ giúp cải thiện hành vi
Âm nhạc có công dụng điều chỉnh cảm xúc và ổn định tâm trạng. Nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven cho rằng, âm nhạc có thể dâng lên đôi mắt người phụ nữ và khơi lại ngọn lửa trong trái tim người đàn ông. Các chuyên gia cho biết, nếu được thực hiện phù hợp với sở thích của mỗi bé, kỹ thuật điều trị này giúp xoa dịu cơn giận và ngăn ngừa hành vi bột phát, tiêu cực.
Khi trẻ đang cáu gắt và cầm ném bất cứ thứ gì ngay trong tầm với, giáo viên nên chơi một bản nhạc mà bé yêu thích. Những giai điệu thân quen sẽ thu hút sự chú ý, khiến bé quên đi cơn giận dữ.
Bên cạnh đó, việc học cách sử dụng một loại nhạc cụ nào đó giúp trẻ giảm dần các hành vi định hình. Thế nhưng, muốn trẻ bỏ hẳn các thói quen định hình, chúng ta cần thường xuyên tác động để trẻ không quay về với thói quen cũ.
Ngoài ra, nếu được tổ chức khéo léo, các trò chơi âm nhạc sẽ lôi cuốn sự tập trung của bé. Khi kết hợp nhịp điệu và nhạc cụ, bé có thể thích thú, say mê và hình thành nhiều cảm xúc lạc quan. Sự duy trì cảm xúc tích cực có thể giúp trẻ tự kỷ hạn chế hành vi tiêu cực, không lành mạnh.
Âm nhạc giúp trẻ tự kỷ phát triển kỹ năng giao tiếp
Chúng ta có thể thu được nhiều kết quả khả quan trong việc thúc đẩy phát triển khả năng giao tiếp của bệnh nhân khi áp dụng liệu pháp âm nhạc vào chương trình giáo dục trẻ tự kỷ.
Đầu tiên, bằng cách khuyến khích sử dụng ngôn ngữ nói, bộ môn nghệ thuật này giúp nâng cao khả năng giao tiếp của bé.
Theo một nghiên cứu về lợi ích của âm nhạc đối với kỹ năng giao tiếp của trẻ tự kỷ, kỹ năng ca hát biểu hiện mối quan hệ chặt chẽ với kỹ năng sử dụng lời nói và trao đổi thông tin nhờ vào việc loại bỏ rào cản ngôn ngữ ở những bệnh nhân tự kỷ.
Thông qua việc lắng nghe và hát theo một bài hát bất kỳ, trẻ tự kỷ có thể học được nhiều từ vựng một cách hiệu quả hơn so với việc học từ vựng bằng cách nói bắt chước kiểu truyền thống. Nhờ có âm nhạc, trẻ sẽ tập trung chú ý và ghi nhớ dễ dàng hơn. Sự kết hợp hài hòa, nhuần nhị của giai điệu và ngôn ngữ giúp bé hòa mình trọn vẹn vào hoạt động ca hát, nhảy múa thật tự nhiên mà không cần gồng mình, gò ép.
Bên cạnh đó, để dạy bé sử dụng lưỡi, môi, hàm và kiểm soát tốt hơi thở, chúng ta có thể hướng dẫn bé cách thổi một chiếc kèn phù hợp. Khi bắt đầu thích thú với những thanh âm sinh động của Melodion hay Hamonica, trẻ sẽ cố gắng tạo ra âm thanh tương tự. Đây chính là cách thức rèn luyện kỹ năng sử dụng môi, lưỡi một cách hoàn toàn tự nhiên mà phương pháp trị liệu âm nhạc cho trẻ tự kỷ mang lại.
Những hoạt động âm nhạc còn có ý nghĩa đặc biệt tích cực đối với việc sử dụng ngôn ngữ không lời qua cử chỉ và ánh mắt của bé. Nếu thường xuyên tham gia vào các hoạt động/trò chơi âm nhạc với nhịp trống rộn rã cùng âm điệu rộn ràng, trẻ sẽ mạnh dạn và tự tin thể hiện bản thân trước những người xung quanh.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, âm nhạc không trực tiếp giáo dục trẻ tự kỷ cách thể hiện bản thân. Tuy nhiên, nếu được tiếp xúc đều đặn với phương pháp trị liệu âm nhạc cùng những hoạt động âm nhạc phù hợp, bé có thể cân bằng cảm xúc tốt hơn, từ đó hỗ trợ các hoạt động liên quan.
Theo thời gian, những đứa trẻ thụ động ban đầu trở nên dạn dĩ và biết cách thể hiện bản thân, trong khi đó, trẻ em tăng động sẽ có xu hướng hành động hợp lý hơn để thể hiện nhu cầu, mong muốn của chính mình.
Một trong những khiếm khuyết điển hình của trẻ tự kỷ là khiếm khuyết về kỹ năng luân phiên, cụ thể, trẻ không để ý thái độ hay quan tâm đến cảm nhận của những người xung quanh. Trong những buổi dạy đầu tiên, giáo viên thường gặp nhiều khó khăn khi tổ chức các hoạt động tập thể cho những em nhỏ mắc phải chứng bệnh này.
Tùy thuộc vào đặc điểm cá nhân của mỗi trường hợp, giáo viên sẽ phải tìm cách xử lý phù hợp nhằm thu hút sự hứng thú và tuân thủ luật chơi của từng bé.
Thông thường, bé có thể dễ dàng tập luyện kỹ năng luân phiên thông qua những bài hát hỏi tên dưới sự trợ giúp của nhịp điệu hơn là việc luân phiên trả lời tên mình bằng lời nói đơn thuần, không kèm theo âm nhạc.
Thêm vào đó, việc sử dụng các loại nhạc cụ như: chuông sound eegs, tambourine… trong điệu nhạc sẽ giúp bé tập trung chú ý một cách dễ dàng hơn. Thông qua hoạt động này, bé có thể rèn luyện khả năng bắt chước thông qua những trò chơi âm nhạc phù hợp. Nếu yêu thích một bài hát, trẻ sẽ vui vẻ hợp tác và bắt chước chính xác những động tác múa của bản nhạc này.
Ngoài ra, liệu pháp âm nhạc cho trẻ tự kỷ còn thúc đẩy bé mạnh dạn khởi đầu và duy trì hoạt động nào đó. Chẳng hạn nếu thích gõ trống, bé có thể nói với cô rằng “cắc tùng đi!” hoặc nếu không thể nói, bé sẽ đặt trống vào tay cô. Khi tham gia vào một hoạt động nào đó trên nền bài hát yêu thích, trẻ tự kỷ có thể duy trì hoạt động đó lâu hơn bình thường.
Biện pháp can thiệp bằng phương pháp trị liệu âm nhạc cho trẻ tự kỷ
Trị liệu âm nhạc là phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả đối với trẻ em khuyết tật nói chung và trẻ em tự kỷ nói riêng. Đây đang là xu thế phát triển tất yếu trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Kỹ thuật này không đặt ra mục tiêu giúp bé hát hay, đàn giỏi hay trở thành thần đồng âm nhạc. Thay vào đó, liệu pháp âm nhạc tác động lên toàn bộ giác quan của trẻ nhằm hỗ trợ trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ, trau dồi kỹ năng giao tiếp, bắt chước, tương tác xã hội, đồng thời điều hòa cảm xúc và cải thiện hành vi của bản thân.
Để đạt được kết quả điều trị như mong đợi, nhà trị liệu sẽ tiến hành đánh giá tổng thể tình trạng thể chất và tâm lý của mỗi bệnh nhân nhằm thu thập những thông tin cần thiết. Sau đó, căn cứ vào sở thích cá nhân, mục đích điều trị và tình trạng bệnh lý, chuyên gia sẽ cân nhắc lựa chọn loại nhạc cụ và thời gian trị liệu phù hợp nhất.
Quy trình trị liệu có thể kết hợp nhiều hoạt động thực tiễn như: nghe nhạc, biểu diễn ca khúc, sáng tác bài hát, thảo luận ca từ, học cách cảm nhạc… Nhìn chung, một đợt trị liệu âm nhạc cho trẻ tự kỷ thường bao gồm 4 bước: nghiên cứu thông tin trước khi điều trị, xây dựng mục tiêu và vạch ra kế hoạch trị liệu, tiến hành điều trị và đánh giá kết quả trị liệu.
Hình thức can thiệp cá nhân hoặc nhóm
Giáo dục và trị liệu cá nhân là kỹ thuật được áp dụng chủ yếu đối với trẻ em tự kỷ. Đây là tiền đề quan trọng để bé tham gia những hoạt động âm nhạc theo nhóm. Lúc này, giáo viên có thể tổ chức nhiều hoạt động phù hợp với đặc điểm khiếm khuyết riêng biệt của từng trường hợp, từ đó giúp bé làm quen với giai điệu, bài hát.
Nếu tiến hành can thiệp theo nhóm, chúng ta cần phân chia trẻ tự kỷ theo mức độ phát triển các kỹ năng tương đồng. Thông thường, mỗi nhóm gồm có 5 bé. Những hoạt động âm nhạc theo nhóm mang đến cho trẻ cơ hội bước ra khỏi thế giới tách biệt của bản thân để tiếp xúc trực tiếp với bạn bè xung quanh, hình thành kỹ năng tương tác xã hội và nhận được sự nâng đỡ, động viên, khích lệ từ giáo viên và gia đình.
Hát cùng bé, nghe nhạc, tổ chức trò chơi, dạy trẻ cách chơi nhạc cụ
- Nghe nhạc
Thói quen nghe nhạc có thể tác động sâu sắc đến thế giới tâm hồn và góp phần nuôi dưỡng, phát triển cảm xúc của bé. Những bản nhạc du dương, êm dịu sẽ xoa dịu cảm xúc bi quan, khó chịu, cáu gắt, giận dữ. Những bài hát sôi nổi, vui tươi khuyến khích trẻ vận động, vui đùa. Ngoài ra, các giai điệu quen thuộc có thể hình thành dấu ấn sinh hoạt hàng ngày trong tâm trí trẻ.
Đầu tiên, chúng ta cần tập cho bé nhận biết và phản ứng với các âm thanh trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, bạn cần hạn chế những âm thanh có thể khiến con yêu khó chịu. Tiếp theo, hãy cho trẻ nghe những bản nhạc, bài hát phù hợp với đặc điểm rối loạn và sở thích cá nhân. Bé tăng động nên nghe nhạc nhẹ nhàng. Trẻ ù lì cần nghe nhạc sôi động.
- Hát cùng bé
Hoạt động này giúp bé tăng cường hứng thú đối với ngôn ngữ, lời nói, nâng cao khả năng nhận thức thế giới xung quanh và tăng cường kỹ năng giao tiếp xã hội. Việc phụ huynh hát thì thầm bên tai con trẻ luôn là cách thể hiện tình cảm chân thành, trìu mến mà mọi em bé yêu thích.
Để đạt được hiệu quả cao nhất, độc giả cần lựa chọn những bài hát ngắn gọn, ca từ đơn giản, giai điệu dễ nhớ và phù hợp với sở thích của trẻ. Bạn có thể sử dụng tranh ảnh hoặc thú bông để minh họa lời bài hát cũng như lôi kéo sự chú ý của con. Ngoài ra, giáo viên cũng nên đưa ra một số phần thưởng nho nhỏ để cổ vũ bé hát theo điệu nhạc.
- Trò chơi âm nhạc
Trò chơi âm nhạc thường bao gồm nhiều hoạt động như: lắng nghe, ca hát, nhảy múa, tương tác… Đối với trẻ em tự kỷ, các trò chơi cần dễ hiểu, đơn giản và có mức độ phù hợp. Vì nhóm đối tượng này phát triển khá chậm nên bạn cần kiên trì hướng dẫn, lặp lại cho đến khi bé hiểu rõ và bắt nhịp. Hãy tăng dần độ khó một cách khéo léo sao cho nội dung của trò chơi không thay đổi quá nhiều.
Trước khi tổ chức trò chơi âm nhạc, giáo viên hãy lên kế hoạch chi tiết cho từng bước, đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng cả về âm thanh lẫn đạo cụ.
Khi tiến hành hướng dẫn, thay vì nói quá nhiều, người đọc hãy làm mẫu để bé bắt chước, đồng thời dùng thêm khẩu lệnh (ví dụ “Bắt đầu”, “Tiếp tục”, “Dừng lại”…) để trẻ hiểu ra và làm theo. Muốn duy trì trò chơi, bạn nên thường xuyên khen ngợi, khuyến khích và tặng quà cho các con.
- Dạy bé chơi nhạc cụ
Hoạt động bổ ích này giúp bé tăng cường mức độ tập trung, cải thiện kỹ năng vận động và giảm thiểu hành vi không lành mạnh. Các loại nhạc cụ đơn giản, dễ chơi với âm thanh vui nhộn có thể khiến trẻ thêm hăng hái tham gia các hoạt động âm nhạc, từ đó phát huy tối đa sở trường cá nhân.
Phụ huynh, gia đình và xã hội cần quan tâm, chăm sóc trẻ em bị rối loạn phổ tự kỷ nhiều hơn nữa. Nhằm hỗ trợ các bé cải thiện kỹ năng và hòa nhập cộng đồng, chúng ta nên kết hợp đa dạng nhiều phương pháp điều trị khác nhau, trong đó có liệu pháp âm nhạc.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!