Bệnh rối loạn tâm thần là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị

Bệnh rối loạn tâm thần là hình thức hành vi hoặc tâm lý cá biệt, bệnh nhân sẽ dần mất đi khả năng phát triển và ứng xử bình thường, họ trở nên đau khổ, lâu dần gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và suy giảm các mối quan hệ xã hội. 

Bệnh rối loạn tâm thần là gì?

Bệnh rối loạn tâm thần xuất hiện do não bộ bị rối loạn các hoạt động dẫn đến sự thay đổi bất thường trong hành vi, lời nói, tác phong, ý tưởng, tình cảm tư duy,…Căn bệnh này bao gồm nhiều loại, điển hình như rối loạn lo âu, trầm cảm, tâm thần phân liệt, hành vi gây nghiện, rối loạn ăn uống,…

Bệnh rối loạn tâm thần
Rối loạn tâm thần xuất hiện khi các hoạt động não bộ bị rối loạn dẫn đến sự thay đổi bất thường trong hành vi, lời nói,..

Rất nhiều người có mối quan tâm về sức khỏe tâm thần, tuy nhiên một mối quan tâm sức khỏe tâm thần sẽ trở thành căn bệnh tâm thần khi các triệu chứng, biểu hiện thường xuyên gây áp lực, căng thẳng và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động bình thường của đối tượng. Những dấu hiệu của bệnh tâm thần sẽ gây đau khổ, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, làm suy giảm hiệu suất công việc, tác động xấu đến các mối quan hệ xã hội. Thông thường, các trường hợp bệnh sẽ được khắc phục và điều trị bằng việc kết hợp 2 phương pháp dùng thuốc và tâm lý trị liệu.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh rối loạn tâm thần

Hiện nay căn bệnh rối loạn tâm thần vẫn chưa thể xác định được cụ thể nguyên nhân. Thế nhưng các nhà khoa học cũng đưa ra một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh như:

Bệnh rối loạn tâm thần
Di truyền có thể là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc phải các loại rối loạn tâm thần
  • Yếu tố sinh học: Một số sang chấn bên ngoài như tiếp xúc thường xuyên với virus, các chất độc hại, chấn thương sọ não,…cũng là nguyên nhân có thể gây nên các vấn đề về tâm thần.
  • Di truyền: Các chuyên gia cho biết rằng, tỷ lệ mắc bệnh của những người được sinh ra trong gia đình có cha mẹ, ông bà, anh chị em ruột từng mắc các rối loạn tâm thần sẽ cao hơn so với bình thường.
  • Rối loạn sinh hóa não: Những biến đổi bất thường bên trong bộ não có thể gây ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe tâm thần vì các chất dẫn truyền thần kinh có vai trò rất quan trọng đối với những bệnh lý về tâm thần. Ngoài ra, sự mất cân bằng nội tiết tố cũng có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của tâm thần.
  • Ảnh hưởng từ cuộc sống: Tâm lý bị căng thẳng, áp lực, lo lắng kéo dài do học tập, công việc, gia đình, cuộc sống sẽ khiến cho bạn có nhiều nguy cơ mắc phải các rối loạn tâm thần. Bên cạnh đó, những cách giáo dục, tư duy sai lệch của gia đình, nhà trường hoặc từng bị lạm dụng lúc nhỏ cũng là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này.

Dấu hiệu nhận biết bệnh rối loạn tâm thần

Các triệu chứng của bệnh tâm thần có thể gây ảnh hưởng đến hành vi, suy nghĩ, cảm xúc của người bệnh. Một số dấu hiệu nhận biết về thể chất như:

  • Cơ thể thường xuyên mệt mỏi
  • Đau ngực, đau lưng
  • Rối loạn tiêu hóa, ăn uống không điều độ, có thể chán ăn, ăn không ngon miệng hoặc ăn quá nhiều.
  • Chóng mặt, đau đầu, khô miệng
  • Cân nặng thay đổi bất thường, có thể tăng hoặc giảm cân đột ngột.
  • Rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh liên tục

Bên cạnh đó, người bệnh còn xuất hiện các biểu hiện về hành vi như:

  • Cảm thấy buồn chán, ủ rũ
  • Có những thay đổi bất thường về cảm xúc, suy nghĩ, hành vi
  • Lạm dụng quá nhiều về rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích, chất gây nghiện
  • Thường xuyên lo lắng, sợ hãi, hoang mang
  • Gặp phải các vấn đề về giấc ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, mơ gặp ác mộng hoặc ngủ quá nhiều.
  • Xa lánh những người xung quanh, không muốn tham gia vào các hoạt động tập thể, ngại giao tiếp.
  • Xuất hiện ảo giác, tách rời khỏi thực tại.
  • Thay đổi thói quen ăn uống
  • Tư duy dễ bị nhầm lẫn
  • Thay đổi nhu cầu tình dục, đa phần sẽ mất dần ham muốn
  • Khó kiểm soát cảm xúc, hay tức giận, cáu gắt, có những hành vi bạo lực.
  • Mất dần khả năng ứng biến với các vấn đề xảy ra hàng ngày.
  • Suy nghĩ về cái chết và có ý định tự sát.

Các loại rối loạn tâm thần thường gặp

Một số loại rối loạn tâm thần phổ biến hiện nay như:

1. Tâm thần phân liệt

Bệnh tâm thần phân liệt là một trong các rối loạn tâm thần nặng, cứ khoảng 100 người sẽ có 1 người mắc phải căn bệnh này. Bệnh lý này có thể biểu hiện bởi nhiều dạng khác nhau nhưng tất cả các triệu chứng đều sẽ gây ảnh hưởng đến những hoạt động tinh thần. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn và điều trị sớm có thể làm thay đổi cả nhân cách của bệnh nhân.

Một số triệu chứng thường gặp của tâm thần phân liệt như:

  • Hoang tưởng
  • Rối loạn khả năng suy nghĩ
  • Ảo thanh
  • Cách ly xã hội, giảm sự biểu lộ về tình cảm.

2. Rối loạn trầm cảm

Những đối tượng mắc phải bệnh trầm cảm sẽ thường buồn bã, chán nản, ủ rũ, họ không còn hứng thú với bất kì hoạt động nào, kể cả những việc mà họ từng yêu thích. Trầm cảm là một trong các rối loạn tâm thần phổ biến và có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào.

Bệnh rối loạn tâm thần
Trầm cảm là một trong các rối loạn tâm thần phổ biến hiện nay

Một số triệu chứng đặc trưng của trầm cảm như:

  • Sắc mặt buồn bã, chán nản, không có sức sống.
  • Mất tập trung, trí nhớ suy giảm
  • Cảm thấy tội lỗi, bản thân vô dụng.
  • Mất dần các hứng thú đối với hoạt động bên ngoài.
  • Không muốn giao tiếp, trò chuyện với người khác.
  • Mất ngủ, ngủ không sâu giấc, thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm.
  • Suy nghĩ về cái chết, muốn tự sát.

3. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một chứng rối loạn khiến cho cảm xúc của người bệnh bị thay đổi bất thường, có thể chuyển từ trạng thái buồn bã, u sầu sang cảm giác hưng phấn và ngược lại. Đôi lúc, khí sắc của bệnh nhân cũng biểu hiện ở mức độ bình thường.

Khi người bệnh trong giai đoạn trầm cảm, các biểu hiện sẽ giống với căn bệnh rối loạn trầm cảm. Ngược lại khi ở giai đoạn hưng phấn, bệnh nhân sẽ cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ, tăng động quá mức, đôi lúc xuất hiện hoang tưởng tự cao.

4. Chứng chán ăn tâm thần

Những bệnh nhân của chứng chán ăn tâm thần sẽ rất sợ việc tăng cân, họ từ chối việc duy trì một cân nặng bình thường, người bệnh sẽ có nhận thức sai lầm về trọng lượng hoặc hình dáng của cơ thể. Loại rối loạn tâm thần này thường dễ xuất hiện ở phụ nữ, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh sẽ cao hơn nam giới khoảng 10 đến 20 lần.

5. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt là trong thời kỳ thơ ấu. Loại rối loạn lo âu này sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng đến công việc, học tập, cuộc sống gia đình, xã hội của bệnh nhân. Căn bệnh này được đặc trưng bởi hai triệu chứng xung động và ám ảnh, trong một số trường hợp cả 2 triệu chứng sẽ cùng xuất hiện một lúc.

Xung động: Đây là nhu cầu thúc giục người bệnh phải thực hiện một hoạt động nào đó nhằm giảm đi sự lo lắng do ám ảnh tạo ra. Những hành vi xung động sẽ dễ tái phát và lặp lại nhiều lần, chúng luôn tuân theo một trật tự nào đó và thường là những hành vi có ý thức.

Ám ảnh: Những ý nghĩ ngoài mong muốn sẽ thường xuyên lặp lại, nó xâm chiếm toàn bộ suy nghĩ của người bệnh, gây nên sự lo lắng, khó chịu. Thông thường, bệnh nhân sẽ nhận biết được những ám ảnh, lo lắng của mình là vô lý nhưng không thể khống chế được.

6. Rối loạn ám sợ

Rối loạn ám sợ là bao gồm các phản ứng cơ thể, tâm lý khi người bệnh bắt gặp hoặc liên tưởng đến những hoàn cảnh, đối tượng, sự vật gây sợ. Bệnh nhân có thể sợ côn trùng, rắn, sợ nói chuyện trước đám đông, sợ máy bay, sợ thang máy, xe bus,…

Bệnh rối loạn tâm thần
Khi mắc chứng rối loạn ám sợ người bệnh sẽ hay sợ hãi, kích động đối với những sự việc, đối tượng gây sợ

Tình trạng bệnh sẽ làm cho đối tượng cảm thấy lo sợ, hoảng loạn và luôn né tránh những công việc có khả năng gây ra nỗi sợ, từ đó làm cho hiệu suất công việc và các mối quan hệ bị ảnh hưởng.

7. Rối loạn lo âu lan tỏa

Đặc điểm nổi bật của tình trạng rối loạn lo âu lan tỏa đó chính là cảm giác căng thẳng, lo lắng quá mức hoặc không phù hợp với những sự việc đang diễn ra. Bệnh nhân thường xuất hiện các nỗi sợ vô lý hoặc thái quá như sợ hết tiền, sợ bị bệnh, sợ gặp tai nạn, sợ gặp phải chuyện không may mắn,…

Bên cạnh đó, người bệnh thường cảm thấy bất an, căng thẳng, mất tập trung, khó ngủ, bồn chồn, đau nhức cơ thể, chân tay run rẩy, mệt mỏi,…Thông thường, những bệnh nhân bị rối loạn lo âu lan tỏa sẽ đi kèm với những dạng rối loạn tâm thần khác. Tỷ lệ mắc phải căn bệnh này sẽ cao hơn so với phụ nữ.

8. Rối loạn tâm thần do ma túy hoặc rượu bia

Rượu bia, ma túy là một trong các nguyên nhân hàng đầu có thể gây nên tình trạng rối loạn tâm thần. Hiện nay, tình trạng  này đang ngày càng gia tăng và khó có thể kiểm soát được. Người bệnh thường không thể ngưng sử dụng rượu, ma túy vì khi đó họ sẽ không thể hoạt động được bình thường, bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như đổ mồ hôi, kích động, co giật, đau nhức bắp thịt, nôn ói, ngáp, tiêu chảy,….

Sau khi họ được sử dụng rượu, ma túy thì các triệu chứng này sẽ dần biến mất. Tuy nhiên nếu tình trạng này cứ kéo dài sẽ làm cho tinh thần bị sa sút, rối loạn trí nhớ, sắc mặt kém, giấc ngủ bị đảo lộn, cơ thể suy nhược, loạn thần và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn.

9. Chậm phát triển trí tuệ

Tình trạng chậm phát triển trí tuệ sẽ làm cho bệnh nhân mất dần khả năng trí tuệ ở mức bình thường, trí tuệ của họ sẽ giảm một cách rõ rệt. Đồng thời người bệnh cũng sẽ bị suy giảm khả năng thích nghi như tự lập, giải quyết vấn đề, thực hiện đúng trách nhiệm của bản thân,…

Thông thường căn bệnh này sẽ khởi phát trước tuổi 18, nguyên nhân có thể do di truyền, suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ, sinh non, viêm màng não, sốt cao co giật, viêm não,….Thông thường, chỉ số thông minh (IQ) trung bình rơi vào khoảng 100. Nếu thang đo lường trí tuệ thấp hơn 70 thì được xem là chậm phát triển trí tuệ. 

10. Rối loạn phân ly

Rối loạn phân ly hay còn được gọi với tên khác là rối loạn đa nhân cách. Người mắc phải căn bệnh này sẽ bị rối loạn trầm trọng hoặc biến đổi về nhận thức, ý thức, trí nhớ về bản thân và cuộc sống xung quanh. Tình trạng này thường sẽ liên quan nhiều đến sự căng thẳng thái quá, kéo dài hoặc hậu quả của chấn thương, tai nạn nghiêm trọng. 

Bệnh rối loạn tâm thần
Rối loạn đa  nhân cách

11. Rối loạn tâm trạng

Rối loạn tâm trạng còn có tên gọi khác là rối loạn cảm xúc, căn bệnh này sẽ liên quan đến những giai đoạn cảm thấy hạnh phúc hoặc cảm giác buồn chán liên tục hoặc dao động giữa 2 trạng thái hạnh phúc và buồn bã tột độ. Trầm cảm, rối loạn cyclothymic, rối loạn lưỡng cực là các rối loạn tâm trạng phổ biến nhất hiện nay. 

12. Rối loạn kiểm soát bốc đồng và nghiện

Những đối tượng bị rối loạn kiểm soát bốc đồng và nghiện sẽ không có khả năng chống lại và thường xuyên tiến hành các hành vi gây hại cho bản thân hoặc những người xung quanh. Một số hành vi mà người bệnh có thể thực hiện như chơi bài bạc, ăn cắp vặt, chứng cuồng phong,…Ngoài ra, những mắc phải căn bệnh này thường sẽ muốn giao tiếp, gắn bó với những đối tượng nghiện ngập, họ làm dụng ma túy, rượu bia, chất kích thích quá mức. 

13.Rối loạn nhân cách

Người bệnh rối loạn nhân cách thường sẽ có tính cách khá cực đoan, điều này làm ảnh hưởng đến chính bản thân và gây ra một số vấn đề ảnh hưởng đến công việc, học tập, các mối quan hệ xã hội. Hơn thế, bệnh nhân còn có những hành vi, suy nghĩ khác lạ so với chuẩn mực của xã hội, họ thường cứng nhắc khi phải tham gia vào các hoạt động bình thường. Một số rối loạn nhân cách thường gặp như rối loạn nhân cách hoang tưởng, rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế,…

Các điều trị bệnh rối loạn tâm thần

Tùy thuộc vào từng loại rối loạn tâm thần và mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân mà các chuyên gia sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất. Sử dụng thuốc và tâm lý trị liệu chính là hai phương pháp chữa bệnh phổ biến và mang lại kết quả tốt nhất cho người bệnh tâm thần. 

1. Sử dụng thuốc

Mặc dù các loại thuốc hỗ trợ điều trị không thể chữa khỏi tình trạng bệnh tâm thần, tuy nhiên chúng sẽ kiểm soát và làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh nhanh chóng. Đồng thời, phương pháp dùng thuốc còn hỗ trợ rất tốt khi được áp dụng với các biện pháp khác, đặc biệt là trị liệu tâm lý. 

Bệnh rối loạn tâm thần
Tùy vào từng loại rối loạn tâm thần mà các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị phù hợp nhất

Một số loại thuốc thường được áp dụng cho các bệnh nhân rối loạn tâm thần như:

  • Thuốc chống trầm cảm: Các loại thuốc chống trầm cảm sẽ giúp cải thiện các triệu chứng như buồn chán, thiếu năng lượng, mệt mỏi, mất tập trung,…Một số loại thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng như: chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) , thuốc chống trầm cảm ba vòng,…
  • Thuốc ổn định tâm trạng: Các loại thuốc ổn định tâm trạng như divalproex (Depakote), lithium (Lithobid), lamotrigine (Lamictal),…thường được sử dụng đối với các bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực. 
  • Thuốc chống lo âu: Cũng như tên gọi của nó, loại thuốc này được sử dụng với mục đích cải thiện các triệu chứng lo lắng, bồn chồn, hoang mang, kích động,…Các bác sĩ có thể kê đơn cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc như alprazolam (Xanax), lorazepam (ATIVAN),….
  • Thuốc chống loạn thần: Loại thuốc này có thể áp dụng để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực,…Clozapine (Clozaril), olanzapine (Zyprexa) là các loại thuốc chống loạn thần phổ biến hiện nay. 

Tuy nhiên, những loại thuốc điều trị rối loạn tâm thần thường sẽ có nguy cơ cao gây nên các tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế người bệnh chỉ được sử dụng thuốc theo yêu cầu và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không tự ý mua thuốc về uống. Trong thời gian dùng thuốc cần tuân thủ nghiêm ngặt về liều lượng, thời gian và các chỉ định khác của bác sĩ. Nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường, bệnh nhân cũng cần báo ngay với chuyên gia để được thăm khám và xử lý kịp thời. 

2. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là thuật ngữ dùng để nói chung cho quá trình chữa bệnh tâm thần bằng các trò chuyện, giao tiếp giữa bệnh nhân và chuyên gia tâm lý. Các chuyên gia sẽ khai thác và nắm bắt được tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân, tìm hiểu sâu về cảm xúc, tâm trạng, hành vi, suy nghĩ của họ. 

Bệnh rối loạn tâm thần
Tâm lý trị liệu hiện được đánh giá là phương pháp điều trị bệnh tâm thần hiệu quả và an toàn nhất

Bằng những kiến thức và hiểu biết chuyên môn của mình, mà các nhà trị liệu tâm lý sẽ giúp cho bệnh nhân hiểu được những biểu hiện sai lệch của mình, đồng thời giúp cho người bệnh đưa ra được hướng giải quyết thích hợp nhất. Đối với từng loại rối loạn tâm thần khác nhau mà các chuyên gia tâm lý sẽ áp dụng các liệu pháp riêng biệt như liệu pháp nhận thức hành vi, sử dụng âm thanh, hình vẽ, điều trị theo nhóm, theo gia đình,…

Với phương pháp điều trị này, bệnh nhân sẽ được phục hồi một cách tự nhiên, hạn chế tối đa tình trạng tái phát sau khi lành bệnh. Đặc biệt hơn, sau quá trình điều trị, người bệnh cũng sẽ biết được cách kiểm soát và điều chỉnh hành vi, suy nghĩ, cảm xúc của mình một cách hiệu quả. 

 Rối loạn tâm thần là căn bệnh phổ biến, nó có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Do đó, khi nhận thấy các triệu chứng của tâm thần, bạn cần nhanh chóng tìm đến các cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *