Rối Loạn Giải Thể Nhân Cách / Tri Giác Sai Thực Tại Là Gì?

Rối loạn giải thể nhân cách (tri giác sai thực tại) là một trong những dạng rối loạn phân ly. Các triệu chứng của bệnh xảy ra theo từng giai đoạn, có thể kéo dài hoặc tái diễn thường xuyên. Bệnh lý này khởi phát sớm ở giai đoạn vị thành niên và thường có liên quan đến stress nặng.

Rối loạn giải thể nhân cách
Rối loạn giải thể nhân cách (tri giác sai thực tại) là một dạng rối loạn phân ly gặp ở 1 – 2% dân số thế giới

Rối loạn giải thể nhân cách/ Tri giác sai thực tại là gì?

Rối loạn giải thế nhân cách còn được biết đến với tên gọi tri giác sai thực tại. Thuật ngữ này đề cập đến một dạng của rối loạn phân ly, đặc trưng bởi cảm giác phân ly khỏi cơ thể, hoặc bị tách rời khỏi mọi thứ xung quanh (tri giác sai thực tại) hoặc có cảm giác bản thân đang ở bên ngoài cơ thể và chứng kiến của cuộc sống của mình (giải thể nhân cách). Các cảm giác này có thể tái diễn thường xuyên hoặc kéo dài dai dẳng gây ra những ảnh hưởng đáng kể cho sức khỏe và cuộc sống.

Rối loạn giải thể nhân cách thường khởi phát sau một đợt stress nặng. Mặc dù thuật ngữ này có vẻ mới mẻ nhưng thực tế, khoảng 50% dân số đã từng trải nghiệm thoáng qua cảm giác bị phân ly, giải thể nhân cách và tri giác sai thực tại trong một thời gian ngắn. Trong đó, chỉ có 2% trường hợp có đầy đủ tiêu chí để đưa ra chẩn đoán.

Tri giác sai thực tại có thể gặp ở cả nam và nữ. Bệnh thường khởi phát sớm vào khoảng năm 16 – 17 tuổi. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp khởi phát từ thời thơ ấu, 5% xuất hiện triệu chứng sau năm 25 tuổi và rất hiếm có trường hợp khởi phát muộn sau 40 tuổi.

Nguyên nhân gây rối loạn giải thể nhân cách

Tương tự như các rối loạn phân ly, nguyên nhân chính xác của rối loạn giải thể nhân cách chưa được xác định. Tuy nhiên, các bác sĩ nhận thấy bệnh lý này thường khởi phát sau khi bị stress nặng. Ngoài ra, các yếu tố như di truyền, môi trường, đặc điểm tính cách,… cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

Rối loạn giải thể nhân cách
Stress nặng là yếu tố khiến tri giác sai thực tại khởi phát và tái diễn

Các yếu tố có liên quan đến rối loạn giải thể nhân cách:

  • Sang chấn tâm lý thời thơ ấu: Khi tìm hiểu các bệnh nhân bị tri giác sai thực tại, hầu hết đều từng bị bỏ rơi hoặc lạm dụng tình cảm từ thời thơ ấu. Đây cũng là lý do vì sao bệnh lý này khởi phát khá sớm (16 – 17 tuổi). Ngoài ra, trẻ nhỏ bị lạm dụng thể chất cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.
  • Chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình: Trẻ sống trong gia đình thường xuyên có các hành vi bạo lực sẽ có nguy cơ bị rối loạn giải thể nhân cách cao. Vì quá tổn thương nên khi lớn lên, trẻ có thể bị ngắt kết nối với những thành viên trong gia đình và tự tạo bức tường kính vô hình để nhốt mình ở bên trong.
  • Tiền sử gia đình: Một số nghiên cứu cho thấy, người bị rối loạn giải thể nhân cách thường có bố mẹ bị rối loạn tâm thần nặng hoặc bị suy giảm chức năng thần kinh. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ và có mối liên hệ mật thiết với các rối loạn phân ly.
  • Sự kiện sang chấn bất ngờ: Các sự kiện sang chấn bất ngờ như mất người thân, bản thân bị tai nạn nghiêm trọng dẫn đến không thể theo đuổi đam mê, vỡ nợ,… đều có thể gây stress nặng và dẫn đến tri giác sai thực tại.
  • Đặc điểm tính cách: Người có tính cách nhút nhát, hay trốn tránh những tình huống khó khăn,… sẽ có nguy cơ bị rối loạn giải thể nhân cách cao hơn. Lúc này, bản thân người bệnh muốn thoát khỏi thực tại nên xuất hiện cảm giác phân ly, giải thể nhân cách và tách rời với thực tại.

Các triệu chứng do rối loạn giải thể nhân cách kéo dài dai dẳng hoặc tái diễn thường xuyên. Các yếu tố có thể khiến bệnh tái phát bao gồm stress do tài chính, nghề nghiệp, mâu thuẫn cá nhân, sử dụng chất gây nghiện,… Ngoài ra, trầm cảm và rối loạn lo âu cũng là yếu tố khiến các triệu chứng của tri giác sai thực tại bùng phát.

Các dấu hiệu nhận biết rối loạn giải thể nhân cách

Rối loạn giải thể nhân cách có triệu chứng khá đa dạng và thường có tính giai đoạn. Triệu chứng giao động về cường độ và thời gian kéo dài cũng có sự khác biệt rõ rệt (có những trường hợp chỉ xuất hiện triệu chứng trong vài giờ, vài ngày nhưng cũng nhiều trường hợp kéo dài trong vài tháng đến vài năm). Bên cạnh đó, cũng có những bệnh nhân có triệu chứng không thay đổi về cường độ trong nhiều năm liền.

Nhìn chung, triệu chứng của rối loạn giải thể nhân cách được chia thành 2 nhóm chính:

– Triệu chứng giải thể nhân cách:

Giải thể nhân cách là cảm giác bản thân tách rời ra khỏi cơ thể và đang chứng kiến cảm xúc, tâm trí từ bên ngoài. Khi gặp phải triệu chứng này, bản thân người bệnh có cảm giác bản thân không có thực.

  • Cảm nhận bản thân không có thực (đang lơ lửng trên không, vô định,…) hoặc có cảm giác bản thân như một con robot khi không thể kiểm soát được hành vi, lời nói.
  • Có các cảm nhận méo mó như đầu được bao bọc bởi lớp bông mềm lửng lơ, tay chân/ cơ thể móp mép, nhỏ lại hoặc lớn hơn bình thường.
  • Cảm nhận sự tách rời giữa thể chất và cảm xúc. Ở giai đoạn này, bệnh nhân thường có ít cảm xúc và bị ngắt kết nối với ký ức, gần như không thể nhớ rõ ràng nhưng sự kiện đã xảy ra.
  • Một số người có thể nhớ được ký ức nhưng không rõ liệu ký ức này có phải của bản thân hay không.

– Các triệu chứng sai thực tại:

Sai thực tại là nhóm triệu chứng đặc trưng bởi cảm giác tách rời với mọi thứ xung quanh bao gồm con người, con vật, đồ dùng và nhiều thứ khác. Các triệu chứng điển hình bao gồm:

Rối loạn giải thể nhân cách
Sai thực tại là nhóm triệu chứng đặc trưng bởi cảm giác bản thân tách rời với mọi thứ xung quanh
  • Có cảm giác bản thân tách rời với mọi thứ xung quanh như thể đang ở trong sương mù, giấc mơ hoặc có tấm kính vô hình ngăn cách
  • Hoặc đôi khi có cảm giác xa lạ với không gian quen thuộc như phòng ngủ, nhà ở, nơi làm việc, con đường,…
  • Cảm nhận thế giới không có màu sắc, vô hồn và không có bất cứ tương tác nào để đáp trả.
  • Triệu chứng sai thực tại có sự khác biệt ở từng đối tượng. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân nhận thấy bản thân khó có thể nhìn rõ ràng vật thể ở trong giai đoạn này. Các vật thể có thể bị mờ, trở nên nhỏ hơn, lớn hơn hoặc bằng phẳng hơn bình thường. Tương tự, âm thanh cũng trở nên nhẹ nhàng và âm lượng có thể lớn hoặc nhỏ hơn.
  • Ngoài ra, người bệnh cũng có cảm nhận sai về thời gian ví dụ như cảm thấy thời gian trôi qua quá chậm hoặc quá nhanh.

Các triệu chứng do rối loạn giải thể nhân cách đều gây ra sự khó chịu nhất định. Tùy theo mức độ và giao động, bệnh nhân có thể chấp nhận được các triệu chứng nhưng cũng có thể cảm thấy nặng nề, dẫn đến lo lắng và trầm cảm. Một số trường hợp nặng có thể trở nên điên loạn do lo sợ bản thân bị tổn thương não nghiêm trọng hoặc nghi ngờ liệu bản thân có đang tồn tại hay không.

Rối loạn giải thể nhân cách có triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với loạn thần. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa hai bệnh lý này là bệnh nhân tri giác sai thực tại luôn nhận biết được rằng những trải nghiệm không thực tế của bản thân đều có thật, không phải do ảo giác hay hoang tưởng.

Rối loạn giải thể nhân cách có nguy hiểm không?

Rối loạn giải thể nhân cách là một dạng rối loạn phân ly khá phổ biến với tỷ lệ mắc bệnh từ 1 – 2% dân số thế giới. Thông thường, các triệu chứng do bệnh lý này thường khởi phát sau khi stress nặng và có thể cải thiện mà không cần điều trị. Tuy nhiên, cũng có không ít bệnh nhân bị rối loạn giải thể nhân cách chuyển biến mãn tính và kháng trị.

Các triệu chứng giải thể nhân cách và tri giác sai thực tại gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống. Sự méo mó trong cách cảm nhận khiến người bệnh trở nên ít cảm xúc, xa lánh với mọi người và rất khó có thể học tập – làm việc như bình thường. Ngoài ra, một số bệnh nhân mất hẳn các chức năng xã hội, nhất là khi đi kèm với trầm cảm và rối loạn lo âu.

tri giác sai thực tại
Tri giác sai thực tại có thể dẫn đến trầm cảm, rối loạn lo âu và nhiều biến chứng nặng nề khác

Cảm giác xa rời thực tại và không có mối liên kết với cảm xúc của bản thân khiến người mắc chứng bệnh này khó kết bạn, gần như không thể kết hôn và gặp rất nhiều phiền toái khi tìm kiếm công việc. Để giải thoát bản thân khỏi sự khó chịu và nặng nề, một số bệnh nhân lựa chọn dùng chất kích thích hoặc đôi khi dẫn đến hành vi tự hại, tự sát.

Chẩn đoán rối loạn giải thể nhân cách

Tương tự như các rối loạn phân ly khác, rối loạn giải thể nhân cách được chẩn đoán thông qua biểu hiện lâm sàng bằng tiêu chí DSM-5. Trước tiên, bác sĩ sẽ khám sức khỏe tổng quát, sau đó đánh giá tâm thần, thực hiện một số xét nghiệm và khai thác các yếu tố nguy cơ như stress nặng, sang chấn thời thơ ấu, tiền sử gia đình,…

Rối loạn giải thể nhân cách được chẩn đoán khi đáp ứng được những tiêu chí của tiêu chuẩn DSM-5:

  • Người bệnh có các giai đoạn tái phát hoặc kéo dài của tri giác sai thực tại, giải thể nhân cách hoặc cả hai.
  • Dù có cảm giác xa rời thực tại và không thuộc về bản thân nhưng người bệnh biết được rằng, những trải nghiệm này hoàn toàn là có thật. Điều này cho thấy bệnh nhân vẫn có cảm giác nguyên vẹn, khác hẳn với bệnh nhân bị rối loạn loạn thần.
  • Các triệu chứng do rối loạn giải thể nhân cách gây ra cảm giác đau khổ và làm suy giảm chức năng học tập, nghề nghiệp và xã hội.

Ngoài ra, các triệu chứng này không được gây ra bởi một số vấn đề sức khỏe khác như rối loạn phân ly khác, trầm cảm điển hình, rối loạn hoảng sợ, rối loạn tâm thần do dùng chất gây nghiện và co giật do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Để loại trừ với các những nguyên nhân này, bác sĩ sẽ chỉ định điện não đồ – EEG, MRI, xét nghiệm nước tiểu và test tâm lý. Chẩn đoán phân biệt thường được áp dụng khi bệnh nhân có triệu chứng không điển hình hoặc tuổi khởi phát không phổ biến.

Cách điều trị rối loạn giải thể nhân cách/ tri giác sai thực tại

Phương pháp chính đối với điều trị rối loạn giải thể nhân cách là tâm lý trị liệu. Ngoài ra, một số trường hợp có dấu hiệu trầm cảm và rối loạn lo âu sẽ được sử dụng thêm một số loại thuốc.

1. Tâm lý trị liệu

Rối loạn giải thể nhân cách thường có liên quan đến các sự kiện gây sang chấn nặng hoặc các sang chấn tâm lý từ thời thơ ấu. Do đó, tâm lý trị liệu được xem là phương pháp chính đối với bệnh lý này. Trước khi can thiệp trị liệu, bác sĩ sẽ tìm ra tất cả những yếu tố stress có liên quan đến cơ chế bệnh sinh và các giai đoạn tái phát của rối loạn giải thể nhân cách như bị bỏ bê, lạm dụng từ thời thơ ấu, áp lực tài chính, nghề nghiệp,…

tri giác sai thực tại
Tâm lý trị liệu là phương pháp chủ yếu khi điều trị tri giác sai thực tại

Tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp các phương pháp trị liệu tâm lý như:

  • Liệu pháp nhận thức: Liệu pháp nhận thức tập trung vào nhận thức của bệnh nhân. Liệu pháp này giúp bệnh nhân giảm các suy nghĩ ám ảnh về việc bản thân không có thực hoặc có cảm giác như cảm xúc, tâm trí của bản thân không có thật.
  • Trị liệu giác quan: Trị liệu giác quan được thực hiện bằng cách cho bệnh nhân chơi nhạc cụ, sờ, chạm vào những vật có nhiệt độ khác nhau,… để kết nối bản thân với thế giới xung quanh. Về lâu dài, các cảm giác của bản thân sẽ trở nên chân thực hơn.
  • Kỹ thuật hành vi: Kỹ thuật hành vi giúp bệnh nhân dễ dàng kiểm soát hành vi trong các giai đoạn tri giác sai thực tại hoặc giải thể nhân cách. Kỹ thuật này sẽ giúp ích đáng kể trong việc duy trì hiệu suất lao động, học tập và giảm bớt sự nặng nề, khó chịu cho chính bệnh nhân.
  • Liệu pháp tâm động: Liệu pháp tâm động được thực hiện bằng cách khuyến khích người bệnh nói hết những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, qua đó nâng cao cảm giác và gia tăng sự lạc quan, tự tin trong cuộc sống. Liệu pháp này giúp bệnh nhân đối phó với stress (yếu tố làm tái phát triệu chứng giải thể nhân cách và tri giác sai thực tại).

Thông qua trị liệu tâm lý, bệnh nhân có thể hiểu được vì sao bản thân lại có các triệu chứng tri giác sai thực tại và giải thể nhân cách. Đồng thời tăng sự kết nối giữa người bệnh với cảm xúc của chính mình và thế giới xung quanh.

Sau khi giải quyết những triệu chứng bệnh nhân gặp phải, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách đối phó với căng thẳng để giảm thiểu tình trạng tái phát. Nếu tìm ra các sang chấn tâm lý từ thời thơ ấu, bác sĩ sẽ giải quyết những cảm xúc liên quan đến sự kiện này để điều trị dứt điểm rối loạn giải thể nhân cách. Ngoài ra, trị liệu tâm lý cũng được thực hiện để kiểm soát trầm cảm và rối loạn lo âu ở bệnh nhân tri giác sai thực tại.

2. Sử dụng thuốc

Hiện tại, chưa có loại thuốc nào mang lại lợi ích đối với rối loạn giải thể nhân cách. Tuy nhiên, bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm và lo âu do ảnh hưởng của các triệu chứng tri giác sai thực tại, giải thể nhân cách,… có thể được chỉ định dùng một số loại thuốc như:

tri giác sai thực tại
Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc để cải thiện trầm cảm và rối loạn lo âu đi kèm
  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)
  • Thuốc đối kháng opioid
  • Lamotrigine
  • Thuốc giải lo âu

Các loại thuốc này giúp giảm triệu chứng lo âu, trầm cảm và giúp ngăn ngừa được những hành vi tự hại, tự sát. Dù vậy, trị liệu tâm lý vẫn là phương pháp chính đối với rối loạn giải thể nhân cách và một số vấn đề tâm lý đi kèm.

Lời khuyên dành cho bệnh nhân bị rối loạn giải thể nhân cách

Khi xuất hiện các triệu chứng của rối loạn giải thể nhân cách, không ít người cảm thấy sợ hãi và cho rằng bản thân bị tổn thương não nghiêm trọng hoặc đôi khi nghĩ bản thân liệu có đang tồn tại hay không. Những ý nghĩ này gây ra sự sợ hãi tột độ, hoảng loạn và đôi khi là điên loạn.

tri giác sai thực tại
Bệnh nhân rối loạn giải thể nhân cách nên duy trì lối sống lành mạnh và cố gắng kết nối bản thân với mọi thứ xung quanh

Về cơ bản, rối loạn giải thể nhân cách có thể điều trị dứt điểm nhưng cũng có thể chuyển biến mãn tính và kháng trị. Do đó để vượt qua chứng bệnh này, người bệnh cần:

  • Chấp nhận bản thân đang gặp phải vấn đề và tiếp nhận điều trị. Ban đầu, việc điều trị có thể gặp phải nhiều khó khăn. Do đó, người bệnh cần phải nỗ lực để vượt qua.
  • Có thể tham gia các hội nhóm những người bị rối loạn giải thể nhân cách để có thêm kinh nghiệm. Lời khuyên từ những người đã từng mắc bệnh sẽ giúp bệnh nhân biết cách kiểm soát triệu chứng và thuận lợi hơn trong quá trình điều trị.
  • Kết nối bản thân với mọi thứ xung quanh, hãy bắt đầu từ những người thân trong gia đình, thú nuôi, cây cối, cảm nhận sâu sắc về không khí, thời gian, vẻ đẹp của thiên nhiên,…
  • Thể chất tốt sẽ giúp nâng đỡ tinh thần. Vì vậy trong thời gian điều trị, cần duy trì lối sống khoa học, ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên.

Rối loạn giải thể nhân cách là một trong những dạng rối loạn phân ly. Phần lớn trường hợp mắc bệnh có thể tự thuyên giảm hoặc thuyên giảm nhanh sau khi can thiệp trị liệu. Vì vậy, bệnh nhân nên điều trị sớm để tránh tình trạng bệnh chuyển biến mãn tính và dẫn đến những biến chứng nặng nề.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *