Bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em, vị thành niên: Dấu hiệu và điều trị
Tâm thần phân liệt ở trẻ em, vị thành niên là một loại rối loạn tâm thần nặng với rất nhiều các vấn đề ảnh hưởng đến hành vi, nhận thức, cảm xúc. Nếu có thể sớm phát hiện và áp dụng các biện pháp can thiệp phù hợp sẽ giúp trẻ mau lành bệnh, hòa nhập vào cộng động tốt hơn.
Bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em, vị thành niên
Bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em và vị thanh niên tuy không quá phổ biến nhưng là một trong các rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Bệnh lý này có liên quan đến những vấn đề về hành vi, suy nghĩ, cảm xúc. Khả năng hoạt động của trẻ sẽ bị hạn chế bởi sự xuất hiện của hàng loạt các triệu chứng như hoang tưởng, ảo giác cùng những lối suy nghĩ, hành vi sai lệch.
Về cơ bản thì tình trạng tâm thần phân liệt ở trẻ em cũng giống với người trưởng thành, nhưng nó sẽ khởi phát sớm hơn, các triệu chứng tác động mạnh mẽ đến sự phát triển và hành vi về sau của trẻ. Ngoài ra, do bệnh khởi phát từ khá sớm nên việc thăm khám, chẩn đoán, giáo dục, điều trị và cân bằng cảm xúc, hành vi xã hội của trẻ cũng gặp nhiều khó khăn.
Bệnh tâm thần phân liệt được xếp vào nhóm bệnh mãn tính, thời gian chữa bệnh có thể kéo dài đến suốt đời. Vì thế, việc phát hiện và áp dụng các biện pháp điều trị sớm ở trẻ em sẽ giúp cải thiện bệnh tốt hơn, hạn chế các ảnh hưởng lâu dài đối với trẻ.
Dấu hiệu nhận biết của bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em, vị thành niên
1. Dấu hiệu và triệu chứng sớm
Một số biểu hiện sớm ở trẻ em bị mắc chứng tâm thần phân liệt như:
- Chậm ngôn ngữ
- Trẻ chậm biết đi
- Trẻ muộn biết bò hoặc bò bất thường
- Xuất hiện một số hành vi vận động khác lạ như đập cánh tay, rung lắc.
Các triệu chứng này cũng có thể dễ nhầm lẫn với căn bệnh rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em. Do đó, để chẩn đoán bệnh cần phải đảm bảo loại bỏ được tình trạng rối loạn có liên quan.
2. Triệu chứng ở thanh thiếu niên
Những triệu chứng, dấu hiệu nhận biết tâm thần phân liệt ở thanh thiếu niên sẽ tương đối giống với những người trưởng thành. Tuy nhiên, ở độ tuổi này sẽ khó nhận biết hơn. Các triệu chứng thường gặp như:
- Khó ngủ, ngủ không sâu giấc, giấc ngủ chập chờn, hay tỉnh giấc giữa đêm
- Hiệu suất học tập bị suy giảm đáng kể
- Xuất hiện những hành động kỳ lạ
- Tâm trạng thay đổi bất thường, có thể cáu gắt, nóng tính hoặc buồn chán, tuyệt vọng.
- Các hành vi sai lệch như lấy tiền của cha mẹ hoặc bạn bè
- Lạm dụng các chất kích thích, chất gây nghiện.
- Xuất hiện ảo tưởng nhưng sẽ ít hơn so với người lớn
- Ngược lại sẽ có nhiều khả năng gặp phải ảo giác
3. Dấu hiệu và triệu chứng muộn hơn
Khi trẻ em mắc phải bệnh tâm thần phân liệt thì các triệu chứng điển hình sẽ bắt đầu xuất hiện, cụ thể:
- Ảo giác: Thông thường, tình trạng ảo giác của người bị tâm thần phân liệt sẽ xuất hiện dựa vào các trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày. Người bệnh có thể xuất hiện các ảo giác ở hầu hết các giác quan của cơ thể, họ có thể nhìn thấy các hình ảnh lạ hoặc nghe được tiếng động không có thực.
- Hoang tưởng: Bệnh nhân sẽ hình thành các niềm tin mãnh liệt vào những điều phi thực tế. Cụ thể như họ luôn nghĩ rằng có người đang tìm cách hãm hại, đe dọa và quấy rầy họ hoặc lầm tưởng bản thân có một sức mạnh phi thường mà không ai có thể so sánh.
- Các hành vi vô tổ chức hoặc kỳ lạ: Triệu chứng này có thể biểu hiện theo nhiều hướng khác nhau, trẻ có thể lanh lợi quá mức hoặc kích động không rõ nguyên nhân. Các hành vi này khiến cho trẻ giảm sự chú ý, khó tập trung và không thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
- Suy nghĩ không có tổ chức: Người bệnh sẽ bị hạn chế về ngôn ngữ, lời nói, quá trình giao tiếp gặp nhiều khó khăn hoặc có những câu trả lời không liên quan đến vấn đề đặt ra. Đôi lúc bệnh nhân sẽ nói những điều vô nghĩa, khó hiểu.
- Triệu chứng âm tính: Người bệnh có thể không còn quan tâm đến vấn đề vệ sinh cá nhân hoặc không thực hiện việc giao tiếp bằng mắt, thiếu cảm xúc, nét mặt không thay đổi, nói chuyện một cách đơn điệu không kèm theo hành động, cử chỉ chân, tay, đầu.
Chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em, vị thành niên
Để chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em, vị thành niên trước hết các bác sĩ phải loại trừ được các rối loạn sức khỏe tâm thần khác và xác định rằng các triệu chứng của bệnh không xuất phát từ việc lạm dụng bia rượu, các chất kích thích hoặc thuốc điều trị khác. Quá trình chẩn đoán bệnh cụ thể như sau:
- Khám sức khỏe: Việc thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân sẽ giúp loại trừ các yếu tố gây bệnh khác, đồng thời có thể kiểm tra được các biến chứng có liên quan.
- Xét nghiệm và sàng lọc: Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh tiến hành một số xét nghiệm cần thiết như chụp CT, chụp cộng hưởng từ MRI. Điều này sẽ giúp loại trừ các bệnh lý có triệu chứng tương tự và sàng lọc nguyên nhân đến từ bia rượu, ma túy.
- Đánh giá tâm lý: Bác sĩ sẽ quan sát thái độ, ngoại hình, khai thác thêm về cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của người bệnh. Cụ thể là những suy nghĩ tiêu cực, hành vị tự làm hại bản thân và những người xung quanh, tiến hành đánh giá khả năng hoạt động và suy nghĩ phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể thăm dò về tiền sử bệnh lý của người bệnh và các thành viên trong gia đình.
- Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt: Thông thường, các bác sĩ chuyên khoa tâm thần sẽ dựa vào tiêu chí của Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5) được Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ xuất bản. Các tiêu chí này có thể áp dụng được cho trẻ em và cả người lớn.
Quá trình chẩn đoán tâm thần ở trẻ em, vị thành niên sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. Phần lớn là do các triệu chứng bệnh sẽ khó phân biệt so với các bệnh lý tương tự, đặc biệt là rối loạn lưỡng cực, trầm cảm. Nhiều trường hợp bác sĩ cần phải theo dõi suy nghĩ, hành vi, cảm xúc của đối tượng trong khoảng từ 6 tháng mới có thể đưa ra chẩn đoán cụ thể và chính xác nhất. Trong một số tình huống, các bác sĩ có thể cho trẻ sử dụng thuốc trước khi đưa ra chẩn đoán, đặc biệt là những trẻ có triệu chứng gây hại cho bản thân và những người xung quanh.
Phương pháp điều trị bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em, vị thành niên
Quá trình điều trị bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em sẽ duy trì đến suốt đời, kể cả khi những triệu chứng của bệnh đường như thuyên giảm và biến mất. Việc chữa bệnh có thể được các bác sĩ tâm thần cùng những nhân viên hỗ trợ thực hiện. Nhóm điều trị có thể bao gồm nhà tâm lý học/ bác sĩ tâm lý/ nhà trị liệu, nhân viên xã hội, y tá tâm thần, dược sĩ, nhân viên chăm sóc và các thành viên trong gia đình.
Những phương pháp có thể áp dụng như sau:
1. Sử dụng thuốc Tây
Phương pháp sử dụng thuốc sẽ được sử dụng phổ biến trong các trường hợp bị tâm thần phân liệt ở trẻ em và cả người lớn. Thông thường, các bác sĩ sẽ lựa chọn những loại thuốc chống an thần để giúp kiểm soát các triệu chứng ảo giác, hoang tưởng, mất động lực, giảm cảm xúc ở người bệnh.
Tuy rằng các loại thuốc Tây không thể điều trị được dứt điểm tình trạng bệnh nhưng nó sẽ giúp khắc phục các triệu chứng của bệnh. Tùy vào tình trạng sức khỏe và mức độ bệnh của mỗi bệnh nhân mà các chuyên gia sẽ kê đơn thuốc với liều dùng phù hợp. Đa phần các bác sĩ sẽ áp dụng liều thấp nhất vừa đủ để kiểm soát các biểu hiện của bệnh nhân.
Sau một khoảng thời gian, các bác sĩ sẽ xem xét và đánh giá mức độ cải thiện của bệnh nhân mà thay đổi liều dùng hoặc kết hợp cùng các loại thuốc phù hợp hơn. Bên cạnh thuốc chống loạn thần thì người bệnh có thể được áp dụng kèm với thuốc chống lo âu, thuốc chống trầm cảm.
Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể gây nên một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Vì thế các bậc phụ huynh nên chú ý cho trẻ sử dụng đúng theo liều lượng mà bác sĩ hướng dẫn, tránh tự ý mua thuốc về dùng khi chưa có sự đồng ý của chuyên gia. Ngoài ra, nếu trong quá trình điều trị nhận thấy các triệu chứng bất thường thì nên thông báo ngay với bác sĩ để được ngăn chặn kịp thời.
2. Tâm lý trị liệu
Song song với việc sử dụng các loại thuốc hỗ trợ thì liệu pháp tâm lý sẽ giúp cho trẻ kiểm soát và đối phó tốt với các chứng rối loạn. Tâm lý trị liệu sẽ bao gồm:
- Liệu pháp gia đình: Với liệu pháp này, gia đình và những người thân xung quanh sẽ được cung cấp các thông tin và giáo dục về sức khỏe để hỗ trợ bệnh nhân tốt hơn. Đồng thời, các thành viên cũng phải quan tâm, chăm sóc đến trẻ, nắm được các thông tin cơ bản về tâm thần phân liệt để hỗ trợ tốt trong quá trình chữa bệnh. Ngoài ra, phương pháp này có thể cải thiện được mối quan hệ giữa bệnh nhân và các thành viên trong gia đình, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột.
- Liệu pháp cá nhân: Một số biện pháp tâm lý điển hình như liệu pháp nhận thức hành vi sẽ giúp cho trẻ biết cách đối phó với những áp lực, căng thẳng xảy ra trong cuộc sống do bệnh tâm thần phân liệt gây nên. Với biện pháp này sẽ giúp cho các triệu chứng bệnh được thuyên giảm, trẻ sẽ cải thiện được thành tích học tập và cởi mở hơn trong việc giao tiếp bạn bè. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ dần hiểu được tình trạng bệnh của bản thân và nắm được cách ứng phó với các triệu chứng xảy ra, đồng thời tuân thủ đúng theo kế hoạch điều trị mà bác sĩ đề ra.
3. Rèn luyện kỹ năng sống
Việc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ bị tâm thần phân liệt rất quan trọng, bởi nó sẽ giúp cho trẻ hoạt động được ở mức độ phù hợp với độ tuổi của trẻ. Kế hoạch đào tạo có thể bao gồm:
- Đào tạo kỹ năng học tập và xã hội: Quá trình này đóng vai trò rất quan trọng trong phác đồ điều trị tâm thần phân liệt ở trẻ em, vị thành niên. Bệnh nhân thường xuyên gặp phải các vấn đề khó khăn, rắc rối trong quá trình học tập và sinh hoạt hàng ngày. Do đó, việc đào tạo kỹ năng sẽ giúp cho trẻ thực hiện tốt các công việc bình thường như tắm rửa, thay quần áo, vệ sinh cá nhân hoặc học tập được tốt hơn.
- Phục hồi chức năng và hỗ trợ việc làm: Hoạt động này thường sẽ được áp dụng nhiều hơn đối với người lớn. Bệnh nhân tâm thần phân liệt sẽ được hướng dẫn và giúp đỡ tìm kiếm, chuẩn bị và duy trì công việc.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng hoặc xuất hiện các triệu chứng đặc biệt thì người bệnh có thể được yêu cầu nhập viện để theo dõi và điều trị tốt hơn. Điều này sẽ đảm bảo được sự an toàn cho trẻ và giúp trẻ có được chế độ chăm sóc phù hợp hơn.
Bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em và vị thành niên khá hiếm gặp tuy nhiên lại mang nhiều nguy hiểm ảnh hưởng đến sự phát triển và tư duy sau này của trẻ. Vì thế, các bậc phụ huynh nên chú ý quan tâm và cho bé thăm khám sớm nếu nhận thấy các triệu chứng của bệnh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!