Bệnh rối loạn tâm thần ở tuổi già: Cách chăm sóc và điều trị

Bệnh rối loạn tâm thần ở tuổi già được thể hiện rất đa dạng và nó có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên do khác nhau. Việc nắm được cách điều trị và chăm sóc bệnh nhân sẽ góp phần quan trọng trong quá trình phục hồi sức khỏe cùng các chức năng hoạt động của người bệnh. 

Bệnh rối loạn tâm thần ở tuổi già
Theo thống kê, có khoảng gần 15% các đối tượng người cao tuổi mắc phải những vấn đề về tâm thần

Theo Luật người cao tuổi được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009, các đối tượng người cao tuổi sẽ được xác định đối với người từ 60 tuổi trở lên. Hiện nay, số lượng người cao tuổi đang có xu hướng gia tăng đáng kể. Tính từ năm 2015 đến năm 2030, Tổ chức Y tế thế giới đã ước tính được rằng, số lượng những người cao tuổi sẽ tăng gấp 2 lần, cụ thể là từ 12% đến 22%.

Trong đó, có khoảng gần 15% các đối tượng người cao tuổi mắc phải những vấn đề về tâm thần. Tại nước ta, vào đầu năm 2002, tỷ lệ suy giảm trí nhớ ở tuổi già chiếm khoảng 0,9% tổng dân số, đến năm 2012 con số này đã tăng lên chiếm khoảng 1,52%.

Các rối loạn tâm thần ở người già

Bệnh rối loạn tâm thần ở tuổi già sẽ được biểu hiện rất đa dạng, bao gồm mê sảng, sa sút trí nhớ, tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc, trầm cảm, rối loạn tâm căn, rối loạn nhân cách hoặc lạm dụng các chất và bệnh y sinh.

1. Trầm cảm

Theo thống kê có khoảng 15% đối tượng người cao tuổi gặp phải các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Bệnh lý này có thể là hệ quả của những bệnh lý tuổi già hoặc các sang chấn tâm lý như mất mát người thân. Trầm cảm khởi phát muộn sẽ có nguy cơ tái phát bệnh cao hơn so với bình thường, vì thế hầu hết những người cao tuổi mắc chứng bệnh này đều phải kiên trì điều trị trong thời gian khá lâu, thậm chí là đến cuối đời.

Bệnh rối loạn tâm thần ở tuổi già
Ước tính có khoảng 15% đối tượng người cao tuổi gặp phải các triệu chứng của bệnh trầm cảm.

Trầm cảm ở người cao tuổi cũng sẽ được biểu hiện bởi những triệu chứng đặc trưng như buồn bã kéo dài, mất năng lượng, suy giảm sự tập trung, gặp phải các vấn đề về giấc ngủ, chán ăn, rối loạn ăn uống, cân nặng thay đổi bất thường, hay than phiền về những vấn đề của cơ thể. Ngoài ra, người bệnh còn bị giảm lòng tự tin, thường xuyên nghi ngờ về bệnh tật, cảm thấy bản thân vô dụng, không có giá trị, tự cảm thấy có lỗi, buộc tội chính mình hoặc kèm theo các hoang tưởng, đặc biệt là ý định muốn tự sát.

2. Sa sút trí tuệ

Sa sút trí tuệ là một loại rối loạn tâm thần rất phổ biến, tỷ lệ mắc bệnh ở người già cũng cao hơn so với những đối tượng trẻ tuổi. Thống kê cho thấy, những người từ trên 65 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh khoảng 10% và con số này có thể tăng lên khoảng 50% đối với những người trên 85 tuổi.

Tình trạng sa sút trí tuệ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như các bệnh lý về mạch máu như đột quỵ, xơ vữa mạch não, bệnh Alzheimer, bệnh parkinson…Thông thường, các triệu chứng của bệnh sẽ rất khó nhận biết ở giai đoạn sớm bởi nó xuất hiện một cách không rõ ràng.

Những triệu chứng thường gặp ở người già bị sa sút trí tuệ như hay lẫn lộn, mất trí nhớ, không còn khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày, tính tình thay đổi đột ngột, trở nên hờ hững, không muốn nói chuyện hoặc giao tiếp nhiều. Ở những giai đoạn nghiêm trọng hơn, bệnh nhân sẽ rất dễ kích động, gặp phải hoang tưởng, cảm xúc bùng nổ, bệnh nhân sẽ mất dần ngôn ngữ, không thể tự chăm sóc hoặc tự phục vụ bản thân.

3. Tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là một dạng rối loạn tâm thần thường khởi phát ở những đối tượng trẻ tuổi. Nam giới sẽ rơi vào khoảng từ 15 đến 25 tuổi và nữ giới sẽ từ 25 đến 35 tuổi. Tâm thần phân liệt khởi phát muộn từ sau 45 tuổi và khởi phát rất muộn từ sau 65 tuổi, tuy nhiên tình trạng này khá hiếm gặp. Thông thường, bệnh sẽ khởi phát muộn hơn đối với nữ giới.

Bệnh rối loạn tâm thần ở tuổi già
Rối loạn tâm thần ở người già biểu hiện rất đa dạng với nhiều loại bệnh khác nhau

4. Rối loạn hoang tưởng

Rối loạn hoang tưởng thường sẽ khởi phát chủ yếu vào độ tuổi từ 40 đến 55 tuổi. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh cũng có thể xuất hiện ở bất kì đối tượng người cao tuổi nào. Tình trạng rối loạn này có rất nhiều loại khác nhau, tuy nhiên đối với người lớn tuổi thì hoang tưởng bị truy hại là tình trạng phổ biến nhất.

Người bệnh sẽ có cảm giác bản thân đang bị theo dõi, giám sát và có người muốn đầu độc, hãm hại họ. Từ những ý nghĩ đó mà họ sẽ có những hành vi phản kháng, tấn công những đối tượng mà họ nghĩ rằng đang có ý định làm hại đến họ. Trong một số trường hợp người bệnh cũng có thể trốn tránh, thu mình lại.

Ngoài ra, đối với tình trạng rối loạn hoang tưởng ở người già thì chứng hoang tưởng nghi bệnh cũng có nhiều khả năng xảy ra. Bệnh nhân luôn có niềm tin rằng bản thân đang mắc phải một căn bệnh nguy hiểm nào đó, điển hình như ung thư. Người bệnh sẽ thường xuyên tìm đến nhiều bác sĩ, các cơ sở y tế để thăm khám, tiến hành các xét nghiệm. Cho dù được khẳng định về tình trạng sức khỏe ổn định (trừ các vấn đề về tâm lý) nhưng bệnh nhân vẫn không tin tưởng và tiếp tục lo sợ, hoang mang.

5. Nghiện chất

Tình trạng nghiện chất sẽ thường gặp ở những đối tượng người cao tuổi có tiền sử lạm dụng quá nhiều rượu bia, các chất kích thích lúc còn trẻ. Người già rơi vào trạng thái nghiện ngập hầu hết sẽ có các vấn đề về gan, dễ bị mất trí, lú lẫn. Ngoài ra, người già còn có thể nghiện các loại thuốc hỗ trợ điều trị bệnh như thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc giải tỏa lo âu. Tình trạng nghiện cần sa, thuốc phiện, ma túy, chất dạng amphetamine ở người già thường rất hiếm gặp.

Đặc điểm rối loạn tâm thần ở người già

Bệnh rối loạn tâm thần ở người gì thường sẽ có những đặc điểm như sau:

  • Các triệu chứng bệnh sẽ phát triển âm thầm, từ từ khiến cho người bệnh và những người thân xung quanh khó có thể phát hiện ở những giai đoạn đầu.
  • Những rối loạn tâm thần thường sẽ được che lấp bởi các biểu hiện về cơ thể, tâm lý muốn từ chối tuổi già, hầu hết người bệnh đều không muốn thừa nhận các triệu chứng bất thường của bản thân.
  • Bệnh rối loạn tâm thần ở người già thường xuất phát từ nhiều yếu tố tác động như xã hội, tâm lý, cơ thể. Ví dụ như kinh tế bị suy giảm, cảm thấy cô đơn, không được quan tâm, vấn đề về hưu,…
  • Hầu hết những người cao tuổi đều sẽ mắc phải các chứng bệnh về cơ thể, do đó họ phải sử dụng nhiều loại thuốc điều trị khác nhau, khả năng dung nạp thuốc lại kém hơn so với tuổi trẻ. Vì thế, tình trạng bệnh sẽ có diễn biến phức tạp hơn, quá trình thăm khám và chẩn đoán cũng gặp nhiều khó khăn.

Các nguyên tắc điều trị và chăm sóc rối loạn tâm thần ở người già

Để giúp cải thiện tốt tình trạng sức khỏe và đẩy lùi các triệu chứng rối loạn tâm thần ở người già, bạn cần chú ý một số nguyên tắc điều trị và chăm sóc người bệnh sau đây:

Bệnh rối loạn tâm thần ở tuổi già
Cần quan tâm và chăm sóc người bệnh nhiều hơn để giúp họ thoát khỏi các triệu chứng rối loạn tâm thần.
  • Cần tiến hành thăm khám về tâm thần và cơ thể để phát hiện được những bệnh lý về cơ thể – đây cũng là các yếu tố có liên quan đến việc khởi phát và kéo dài các triệu chứng của bệnh tâm thần.
  • Thực hiện đúng theo y lệnh của bác sĩ chuyên khoa, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, hỗ trợ tốt trong quá trình thăm khám và điều trị.
  • Thận trọng hơn đối với việc sử dụng thuốc điều trị. Cũng bởi đặc trưng về độ tuổi nên người bệnh phải hết sức cẩn thận trong quá trình sử dụng các loại thuốc. Bệnh nhân cần khai báo cụ thể về những bệnh lý và các loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ đưa ra đơn thuốc phù hợp, tránh tình trạng tương tác thuốc. Thông thường, đối với những bệnh nhân là người cao tuổi, các bác sĩ chỉ cho sử dụng liều lượng thấp và theo dõi đặc biệt hơn.
  • Trong quá trình sử dụng thuốc điều trị nếu bệnh nhân hoặc người chăm sóc bệnh phát hiện các triệu chứng bất thường thì cần báo ngay với bác sĩ để được xử lý kịp thời và điều chỉnh đơn thuốc phù hợp hơn.
  • Sử dụng các liệu pháp gia đình, tâm lý nhóm, nhận thức hành vi,…để xác định được các yếu tố tâm lý xã hội có mối liên quan như quan hệ xã hội, vấn đề sinh hoạt, nhà ở, người hỗ trợ chăm sóc, cơ hội giao tiếp, tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng,…
  • Cần đảm bảo về chất lượng bữa ăn cho người bệnh, xây dựng thực đơn ăn uống hàng ngày với đầy đủ các chất dinh dưỡng. Chế độ ăn uống phải cân bằng lượng calo cần thiết, chú ý lựa chọn những thực phẩm dễ tiêu. Ngoài ra, nên cho người bệnh uống đủ nước mỗi ngày.
  • Giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân và cả người chăm sóc, những thành viên trong gia đình để họ có thể ý thức được sự nguy hiểm của bệnh. Đồng thời biết cách chăm sóc và phát hiện các triệu chứng bất thường của người bệnh.
  • Thường xuyên đánh giá và theo dõi kế hoạch chăm sóc người bệnh để có thể điều chỉnh cho phù hợp.

Tình trạng bệnh rối loạn tâm thần ở tuổi già hiện đang có xu hướng gia tăng đáng kể. Để bảo vệ sức khỏe của người cao tuổi, bạn nên đưa họ đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa ngay khi nhận thấy các triệu chứng của rối loạn tâm thần. Tùy vào tình trạng bệnh của mỗi người mà các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và đưa ra phương pháp chữa bệnh, chăm sóc người bệnh tốt nhất.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *