Bệnh tâm thần phân liệt có nguy hiểm không? Chữa được không?
Tâm thần phân liệt là một chứng rối loạn tâm thần nặng, bệnh sẽ phát triển âm thầm và hiện đang có xu hướng gia tăng trong cộng động. Vậy bệnh tâm thần phân liệt có nguy hiểm không? Chữa được không?
Bệnh tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt là một trong các loại tâm thần dạng nặng, bệnh sẽ tiến triển thầm lặng và có nhiều khả năng trở thành bệnh mãn tính. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện rất sớm nhưng không có biểu hiện cụ thể nên ngay cả người bệnh hoặc những người thân trong gia đình cũng khó có thể nhận biết được. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh cũng có thể khởi phát đột ngột với những biểu hiện dữ dội.
Triệu chứng của căn bệnh này khá đa dạng và phong phú, đặc trưng bởi tình trạng hoang tưởng, ảo giác, rối loạn ngôn ngữ và hành vi,…Một số biểu hiện dễ nhận biết của tâm thần phân liệt như:
- Cảm thấy bản thân vô dụng, tội lỗi và muốn cách ly khỏi những người thân xung quanh.
- Rất khó tập trung, hoạt động chậm chạp, thiếu năng lượng
- Trở nên thờ ơ, buồn bã, chán nản, tính khí thay đổi bất thường, hay giận dữ, cáu gắt, nổi nóng vô cớ.
- Xuất hiện các hoang tưởng như đang có người muốn hãm hại mình, lo sợ về tình trạng sức khỏe,…
- Người bệnh có thể xuất hiện các ảo giác như nghe thấy tiếng nói, nhìn được những hình ảnh, sự vật không có thực,…
- Bệnh nhân thường sẽ nói hoặc thực hiện những hành vi khó hiểu, vô nghĩa hoặc đi sai lệch với chuẩn mực xã hội.
Những triệu chứng của bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người bệnh mà còn làm suy giảm chất lượng cuộc sống của họ, mất dần các mối quan hệ và nhiều nguy cơ gây hại cho bản thân cùng những người xung quanh. Các chuyên gia cho biết rằng, tình trạng bệnh có thể khởi phát ở bất kì đối tượng nào, tuy nhiên tập trung chủ yếu ở những người từ 18 đến 28 tuổi và có thể kéo dài đến hết cuộc đời.
Bệnh tâm thần phân liệt có nguy hiểm không?
Bệnh tâm thần phân liệt có nguy hiểm không? Như đã nói trên tâm thần phân liệt là một bệnh tâm thần dạng nặng với những triệu chứng hoang tưởng, ảo giác và rối loạn hành vi, ngôn ngữ. Tình trạng bệnh thường sẽ khởi phát sớm và có nhiều nguy cơ tiến triển thành mãn tính nếu không được ngăn chặn kịp thời. Các biểu hiện của bệnh sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của người bệnh.
Một số tác động mà bệnh tâm thần phân liệt có thể gây nên như:
- Suy giảm chất lượng cuộc sống: Hầu hết những bệnh nhân bị tâm thần phân liệt đều bị giảm hiệu suất công việc, họ khó có thể tập trung vào bất kì việc gì, hành động chậm chạp gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt hàng ngày.
- Mất dần các mối quan hệ: Bởi những suy nghĩ, hành động, cảm xúc sai lệch kéo dài khiến cho người bệnh trở nên xa cách với những người xung quanh, các mối quan hệ xã hội dần bị thu hẹp.
- Làm tổn thương đến bản thân và những người xung quanh: Khi những triệu chứng hoang tưởng, ảo giác liên tục xúc hiện sẽ khiến cho người bệnh hoảng loạn và phản kháng lại. Họ có thể thực hiện các hành vi, lời nói gây tổn thương đến bản thân hoặc ảnh hưởng đến những người xung quanh, thậm chí là đánh đập, đe dọa giết hại người khác.
Như vậy tâm thần phân liệt là một căn bệnh rất nguy hiểm. Nếu không thể phát hiện và điều trị sớm sẽ gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng, có thể cướp đi cả tính mạng của người bệnh và những người xung quanh.
Tâm thần phân liệt có chữa được không?
Các chuyên gia cho biết rằng, nếu có thể phát hiện bệnh tâm thần phân liệt ở những giai đoạn đầu và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp sẽ giúp cho những triệu chứng bệnh được thuyên giảm tốt hơn, khả năng trị tận gốc sẽ tăng cao. Trong một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nếu người bệnh được điều trị sớm, sử dụng các loại thuốc phù hợp và kiên trì kết hợp với các liệu pháp hỗ trợ khác ít nhất 5 năm thì tỉ lệ khỏi hẳn sẽ lên đến khoảng 50%.
Ngược lại, đối với những trường hợp bệnh nặng, các triệu chứng đã phát triển và biểu hiện dữ dội thì quá trình điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt khi bệnh tiến triển sang giai đoạn mãn tính thì các phương pháp chữa bệnh chỉ mang tính chất hỗ trợ và làm thuyên giảm chứ không thể trị tận gốc được. Vì thế, căn bệnh tâm thần phân liệt có chữa được không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian phát hiện bệnh, phương pháp điều trị, sự nỗ lực của bệnh nhân và sự hỗ trợ của những người thân bên cạnh.
Các phương pháp điều trị bệnh tâm thần phân liệt
Tùy vào tình trạng bệnh lý của mỗi người mà các chuyên gia sẽ lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp nhất. Thông thường, đối với những trường hợp mắc bệnh tâm thần phân liệt sẽ được ưu tiên điều trị bằng thuốc và hỗ trợ phục hồi chức năng tâm lý cho bệnh nhân.
1. Dùng thuốc chống loạn thần
Các loại thuốc chống loạn thần sẽ được sử dụng rất nhiều trong việc điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Đây cũng được xem là biện pháp hỗ trợ chữa bệnh hiệu quả và nhanh chóng nhất. Tuy rằng các loại thuốc này không thể trị được triệt để tình trạng bệnh nhưng nó sẽ giúp khống chế và kiểm soát các triệu chứng của bệnh.
Các bác sĩ sau khi thăm khám sẽ dựa vào nhiều yếu tố như triệu chứng, nguyên nhân, thể trạng của người bệnh để kê đơn thuốc với liều lượng phù hợp. Mỗi bệnh nhân sẽ được hướng dẫn và chỉ định dùng thuốc khác nhau, vì thế người bệnh tuyệt đối không được áp dụng đơn thuốc của người khác để tránh gây ra các hậu quả nghiêm trọng.
Bên cạnh những loại thuốc chống loạn thần thì các bác sĩ cũng sẽ kết hợp cùng với thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều hòa khí sắc,…để hỗ trợ điều trị. Tuy nhiên, những loại thuốc này thường sẽ có khả năng gây nên một số tác dụng phụ đối với người bệnh, vì thế bạn cần cẩn trọng trong quá trình sử dụng.
Một số lưu ý khi điều trị tâm thần phân liệt bằng thuốc:
- Các loại thuốc hỗ trợ điều trị đều là thuốc kê toa, do đó bệnh nhân không được tự ý mua thuốc về sử dụng khi chưa có sự chỉ định và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ chuyên khoa.
- Tuân thủ đúng theo các hướng dẫn về liều lượng, thời gian dùng thuốc.
- Trong quá trình điều trị không nên uống rượu bia, sử dụng thuốc lá, các chất kích thích sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc.
- Người bệnh nên chia sẻ với bác sĩ về những loại thuốc mà mình đang sử dụng để hạn chế tối đa tình trạng kháng thuốc.
- Bảo quản thuốc ở nơi thoáng mát, nhiệt độ phù hợp, không để thuốc gần tầm tay của trẻ nhỏ hoặc thú cưng.
- Chỉ nên dùng thuốc theo đúng thời gian quy định của bác sĩ, không được lạm dụng thuốc quá nhiều để tránh gây nên những hậu quả nghiêm trọng hơn.
- Người bệnh không được tự ý ngưng sử dụng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ tâm thần.
- Nếu trong thời gian sử dụng có xuất hiện các triệu chứng lạ, bạn nên nhanh chóng báo ngay với chuyên gia để được xử lý và ngăn chặn kịp thời.
2. Phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho người bệnh
Để giúp cho bệnh nhân phục hồi được các chức năng tâm lý xã hội, bác sĩ sẽ tiến hành một số biện pháp chuyên khoa với mục đích:
- Hỗ trợ cho gia đình người bệnh hiểu hơn về căn bệnh tâm thần phân liệt, đồng thời giúp họ biết được cách điều trị, một số tác dụng phụ mà thuốc có thể gây ra, cách xử lý phù hợp đối với từng trường hợp.
- Cải thiện được chức năng giao tiếp, hỗ trợ bệnh nhân có thể kết nối tốt với những người xung quanh, phục hồi khả năng học tập, làm việc và thực hiện các hoạt động hàng ngày.
- Hỗ trợ những người xung quanh có được cái nhìn đúng hơn về căn bệnh tâm thần này. Điều này sẽ giúp họ đồng cảm và hiểu hơn cho người bệnh, tránh tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử.
Như vậy, tâm thần phân liệt là một căn bệnh nguy hiểm nhưng vẫn có thể điều trị được nếu kịp thời phát hiện bệnh và áp dụng các phương pháp phù hợp. Do đó, ngay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh, bạn cần nhanh chóng tìm gặp bác sĩ tâm thần để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!