Phác đồ điều trị rối loạn dạng cơ thể
Phác đồ điều trị rối loạn dạng cơ thể của từng bệnh nhân sẽ có phần khác nhau. Tuy nhiên, các nhà khoa học, chuyên gia tâm thần cũng đã nghiên cứu và đưa ra phác đồ điều trị chung cho căn bệnh này.
Khái niệm
Rối loạn dạng cơ thể là một chứng rối loạn tâm thần với đa dạng các biểu hiện chủ yếu bởi các triệu chứng liên quan đến cơ thể. Hầu hết các triệu chứng về cơ thể này đều không tìm ra được cơ thể thực tổn dù đã được thăm khám và xét nghiệm nhiều lần. Người bệnh sẽ thường xuyên yêu cầu được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm khác nhau để tìm ra được các nguyên nhân thực thể.
Tình trạng rối loạn này sẽ phổ biến ở độ tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt chúng sẽ khởi phát trước tuổi 30 và có thể gặp ở cả nam và nữ giới. Các triệu chứng bệnh có mối liên quan mật thiết với các sang chấn tâm lý diễn ra trong sinh hoạt hàng ngày hoặc đời sống xã hội.
Chẩn đoán rối loạn dạng cơ thể
Để chẩn đoán chính xác tình trạng rối loạn cơ thể, đòi hỏi bệnh nhân phải đáp ứng đầy đủ các yếu tố sau:
- Bệnh nhân thường xuyên than phiền về các triệu chứng của cơ thể mặc dù đã tiến hành thăm khám và xét nghiệm nhiều lần nhưng kết quả vẫn âm tính.
- Người bệnh sẽ thường xuyên yêu cầu được tiến hành thăm khám về y tế để được áp dụng các phương pháp điều trị triệu chứng hoặc để tìm ra một bệnh lý nào để tương ứng với triệu chứng hiện tại.
- Bệnh nhân thường không muốn thảo luận hoặc từ chối việc nhắc đến khả năng đang gặp những vấn đề về tâm lý.
1. Các thể bệnh lâm sàng
1.1. Rối loạn cơ thể hóa
Người bệnh sẽ có nhiều loại triệu chứng cơ thể, thường xuyên tái diễn và thay đổi không ngừng. Chúng thường sẽ xuất hiện và kéo dài nhiều năm trước khi bệnh nhân tiến hành thăm khám sức khỏe tâm thần. Các triệu chứng của bệnh có thể được quy vào một hệ thống hoặc một bộ phận nào đó trên cơ thể.
Các triệu chứng thường gặp nhất như cảm giác ở ruột và dạ dày (ợ, nôn ói, đau đớn, buồn nôn,…), cảm giác dây bẩn, cảm giác da khác thường ( chảy bỏng, ngứa, đau đớn, tê cóng,…). Bên cạnh đó, một số phàn nàn về kinh nguyệt và vấn đề tình dục cũng khá phổ biến.
Các nguyên tắc chẩn đoán đòi hỏi phải đáp ứng các điều sau đây:
- Các triệu chứng cơ thể nhiều loại kéo dài ít nhất 2 năm và thay đổi thường xuyên, đồng thời không tìm ra bất kì nguyên nhân thực thể nào.
- Bệnh nhân luôn từ chối lời khuyên thì các chuyên gia.
- Một vài mức độ tật chứng của các hoạt động gia đình và xã hội có thể được quy vào bản chất của các hành vi, triệu chứng đã gây nên.
1.2. Rối loạn nghi bệnh
Đặc trưng chủ yếu của chứng rối loạn này là sự bận tâm quá mức vào khả năng mắc phải một hoặc một số rối loạn cơ thể nghiêm trọng. Bệnh nhân thường xuất hiện các lời nói phàn nàn về sức khỏe của cơ thể hoặc các mối quan tâm về biểu hiện cơ thể của bản thân.
Người bệnh thường chỉ chú ý vào một hoặc 2 hệ thống/ cơ quan của cơ thể. Sau những lần thăm khám, bệnh nhân sẽ có sự thay đổi về mức độ tin tưởng vào sự hiện diện của các rối loạn. Thông thường, trước khi tìm đến các chuyên gia tâm thần, người bệnh đã trải qua thời gian dài trong việc thăm khám và điều trị các vấn đề về sức khỏe cơ thể.
Các nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán phải có 2 yếu tố sau:
- Có niềm tin dai dẳng vào khả năng mắc phải một bệnh lý nghiêm trọng về cơ thể mặc dù đã tiến hành thăm khám và xét nghiệm nhiều lần hoặc có mối bận tâm về sự biến dạng và dị hình.
- Luôn từ chối lời khuyên và sự trấn an của các bác sĩ về sự không có mặt của các bệnh lý cơ thể.
1.3. Loạn chức năng thần kinh tự trị dạng cơ thể
Những triệu chứng sẽ được chia thành 2 loại, các dấu hiệu khách quan như ra mồ hôi, run, đánh trống ngực, đỏ mặt,…Một số triệu chứng chủ quan và không đặc hiệu như cháy bỏng, cảm giác đau thoáng qua, bị bó chặt, nặng nề, sưng phù hoặc căng da. Người bệnh có sự quan tâm và lo lắng về khả năng mắc phải một chứng rối loạn nặng nề của một cơ quan hay hệ thống nào đó, tuy nhiên lại từ chối sự trấn an, giải thích của bác sĩ.
Các nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán bao gồm:
- Các triệu chứng hưng phấn thần kinh tự trị sẽ kéo dài dai dẳng và gây khó chịu như đỏ mặt, đánh trống ngực, ra mồ hôi,…
- Những triệu chứng chủ quan sẽ được quy cho một hệ thống hoặc cơ quan đặc hiệu.
- Sự đau khổ về khả năng có thể gặp phải một vấn đề rối loạn nghiêm trọng nào đó nhưng không đáp ứng sự trấn an của bác sĩ.
- Không có bất kì bằng chứng nào có có sự xuất hiện các rối loạn đáng kể về chức năng hay cấu trúc của cơ quan hay hệ thống được nhắc đến.
1.4. Rối loạn đau dạng cơ thể dai dẳng
Thường xuyên than phiền về tình trạng đau đớn, các vấn đề về cơ thể nhưng không thể giải thích đầy đủ bằng các rối loạn thực thể hoặc quá trình sinh lý. Triệu chứng đau xuất hiện có kèm theo sự xung đột về tâm lý và cảm xúc. Một số loại đau phổ biến như đau hông mạn, đau mặt không điển hình, đau đầu, đau thắt lưng,…
Tình trạng đau không xuất phát từ các nguyên nhân như rối loạn tâm thần, rối loạn lo âu, rối loạn khí sắc. Tình trạng này sẽ xuất hiện chủ yếu ở nữ giới, đặc biệt là những đối tượng từ khoảng 40 đến 50 tuổi.
Các nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán như sau:
- Than phiền thường xuyên về tình trạng đau đớn nhưng không thể giải thích cụ thể.
- Đau sẽ kết hợp cùng với những xung đột về cảm xúc hay các vấn đề liên quan đến tâm lý xã hội.
- Loại trừ được các yếu tố rối loạn tâm thần khác.
- Thường làm gia tăng mạnh mẽ sự chú ý, ủng hộ của cá nhân hoặc y tế.
2. Cận lâm sàng
- Trắc nghiệm tâm lý
- Xét nghiệm công thức máu, nước tiểu thường quy, sinh hóa máu.
- Điện tâm đồ, CT Scanner, Xquang tim phổi, MRI sọ não, cột sống.
- Điện não đồ, Dopller mạch máu não, lưu huyết não.
Nguyên tắc điều trị rối loạn dạng cơ thể
Một số nguyên tắc chung đối với phác đồ điều trị rối loạn dạng cơ thể như sau:
- Các rối loạn dạng cơ thể sẽ có nguyên nhân cơ thể và tâm lý gắn kết với nhau nên bệnh cảnh lâm sàng thường sẽ diễn biến phức tạp và gặp nhiều khó khăn trong việc điều trị. Thông thường bệnh nhân sẽ từ chối nguồn gốc tâm lý gây nên nhiều trở ngại cho quá trình chữa bệnh, do đó đòi hỏi sự kiên trì trong thời gian lâu.
- Liệu pháp tâm lý được xem là phương pháp điều trị chủ đạo của bệnh lý này. Một số liệu pháp sẽ được áp dụng như liệu pháp tâm lý cá nhân, liệu pháp thư giãn,…Phương pháp này sẽ giúp giải quyết các xung đột nội tâm hay các cảm giác thư giãn sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu.
- Sử dụng thuốc để kiểm soát và điều trị các triệu chứng cơ thể. Một số trường hợp sẽ được cân nhắc áp dụng các loại thuốc chống trầm cảm hoặc lo âu.
- Đối với tình trạng bệnh nặng, các triệu chứng biểu hiện phức tạp cần được điều trị nội trú tại các chuyên khoa tâm thần của bệnh viện và phải chú ý để dự phòng các biến chứng của bệnh.
Phương pháp điều trị rối loạn dạng cơ thể
Trong phác đồ điều trị rối loạn dạng cơ thể sẽ có 2 phương pháp chính là điều trị bằng liệu pháp tâm lý và điều trị bằng hóa dược. Cụ thể như sau:
1. Điều trị bằng liệu pháp tâm lý
Một số liệu pháp tâm lý thường được áp dụng trong việc cải thiện bệnh rối loạn dạng cơ thể như liệu pháp hành vi, liệu pháp nhận thức, liệu pháp thư giãn,…Đây cũng được xem là phương pháp điều trị chủ đạo của căn bệnh này, tuy nhiên kết quả của nó vẫn còn một số hạn chế.
Tùy vào từng nhóm bệnh và mức độ biểu hiện triệu chứng khác nhau mà các chuyên gia tâm lý sẽ lựa chọn liệu pháp phù hợp để mang lại kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, rối loạn dạng cơ thể là một căn bệnh mạn tính nên quá trình điều trị tâm lý sẽ kéo dài có thể vài tháng, vài năm. Vì thế người bệnh cần kiên trì và quyết tâm điều trị để giúp tình trạng sức khỏe cải thiện tốt hơn.
2. Điều trị hóa dược
Hiện nay vẫn chưa có loại thuốc nào được công nhận về công dụng đặc trị các triệu chứng của rối loạn dạng cơ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể cân nhắc để lựa chọn những loại thuốc chống trầm cảm, chống lo âu để kiểm soát tình trạng bệnh tốt hơn.
- Thuốc chống trầm cảm
Đối với một số trường hợp người bệnh xuất hiện các triệu chứng trầm cảm, bác sĩ sẽ kết hợp với việc sử dụng các loại thuốc ức chế thụ cảm Serotonin hoặc thuốc chống trầm cảm 3 vòng để điều trị. Hiệu quả của thuốc khá chậm, thông thường phải sau 4 đến 8 tuần mới nhận thấy sự cải thiện.
- Thuốc chống lo âu
Các loại thuốc chống lo âu sẽ có hiệu quả đối với việc điều trị ngắn hạn, nó sẽ làm thuyên giảm các triệu chứng lo lắng, bồn chồn, hoang mang. Thông thường, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng với liều lượng thấp và giảm liều từng bước khi ngưng sử dụng thuốc.
- Một số nhóm thuốc khác
Bên cạnh các loại thuốc trên thì quá trình điều trị rối loạn dạng cơ thể cũng có thể áp dụng các nhóm thuốc như nhóm Benzodiazepine, Nhóm chống lo âu không phải Benzodiazepine, Nhóm Antihistamin,…
Phác đồ điều trị rối loạn dạng cơ thể của từng bệnh nhân sẽ khác nhau. Vì thế, người bệnh nên tiến hành thăm khám và chẩn đoán chính xác tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!