Các giai đoạn tiến triển của bệnh trầm cảm bạn nên lưu ý
Bệnh trầm cảm bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người không thể nhận biết được vấn đề của mình hoặc chủ quan, lơ là, không chủ động điều trị dứt điểm. Sau một khoảng thời gian dài, bệnh lý này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Do đó, chúng ta cần tìm hiểu cặn kẽ về các giai đoạn tiến triển của bệnh trầm cảm để biết cách tự bảo vệ bản thân và những người thân yêu trước mối hiểm họa này.
Các giai đoạn tiến triển của bệnh trầm cảm
Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần tương đối phổ biến. Theo thống kê, khoảng 80% dân số thế giới từng mắc bệnh trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Tỷ lệ bị bệnh của mỗi người chiếm khoảng 20 – 25%. Căn bệnh này có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi và đặc biệt thường gặp ở chị em phụ nữ.
Những bệnh nhân trầm cảm luôn sống trong tâm trạng buồn bã, mệt mỏi và u uất kéo dài, giảm hứng thú trong công việc và cuộc sống, không có động lực để tiến về phía trước. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của người bệnh, buộc họ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong cuộc sống thường ngày.
Trầm cảm là dạng rối loạn tâm thần nghiêm trọng và cần được quan tâm điều trị đúng mức. Ở giai đoạn nhẹ, người bệnh thường chưa cần dùng thuốc vì họ có thể tự điều chỉnh suy nghĩ và kiểm soát triệu chứng.
Tuy nhiên, để nhanh chóng khỏi bệnh, bạn cần nhận được lời khuyên cụ thể của bác sĩ chuyên khoa cũng như sự đồng hành, hỗ trợ, động viên từ người thân và gia đình. Bởi căn bệnh này sẽ trở nên vô cùng tồi tệ nếu không được can thiệp kịp thời.
Ở mỗi giai đoạn khác nhau, tình trạng này biểu hiện thành những triệu chứng đa dạng với mức độ nặng – nhẹ khác nhau. Việc nhận biết chính xác các giai đoạn tiến triển của bệnh trầm cảm sẽ giúp bạn có cái nhìn khách quan, khái quát hơn về căn bệnh này.
Hiện nay, giới chuyên môn đánh giá mức độ trầm cảm dựa trên Bảng Phân loại Bệnh Quốc tế lần thứ 10 của Tổ chức Y tế Thế giới (ICD-10) được công bố vào năm 1992.
Giai đoạn trầm cảm nhẹ
Ở giai đoạn trầm cảm nhẹ, các triệu chứng không đáng chú ý và chưa thực sự rõ ràng. Nhìn chung, lúc này, bệnh nhân có thể phát hiện một số dấu hiệu bất thường về mặt thực thể như: đau khớp, khó thở, mệt tim, hồi hộp, đau nhức cơ thể…
Thông thường, người bệnh cho rằng bản thân đang mắc phải căn bệnh thể chất nào đó nhưng khi đi khám bác sĩ thì không thể tìm ra nguyên nhân cụ thể. Các triệu chứng điển hình của giai đoạn trầm cảm nhẹ thường diễn ra trong nhiều ngày và gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân:
- Khí sắc trầm, dễ cau có, giận dữ, khó chịu
- Mệt mỏi, thiếu sức sống
- Mất hứng thú
- Thiếu động lực trong công việc và cuộc sống
- Khó tập trung
- Thường xuyên buồn ngủ hoặc mất ngủ
- Không muốn giao lưu, tiếp xúc với những người xung quanh
- Thay đổi cảm giác thèm ăn
- Thay đổi trọng lượng
Độc giả được xác định mắc bệnh trầm cảm thể nhẹ khi xuất hiện ít nhất 2 trong các biểu hiện trên. Bên cạnh đó, những triệu chứng này phải kéo dài tối thiểu 2 tuần. Nếu những dấu hiệu bất thường kể trên xảy ra trong khoảng 2 năm, biểu hiện 4 ngày mỗi tuần thì bạn đang bị bệnh trầm cảm dai dẳng.
Giai đoạn trầm cảm nhẹ mang một số đặc điểm sau:
- Không hội tụ đủ những triệu chứng có thể đáp ứng giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ ở bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời
- Không đi kèm bất kỳ rối loạn thực tổn nào và không gắn với thói quen sử dụng những chất tác động tâm thần
- Có thể cần điều trị nội khoa. Lúc này, bệnh nhân nên được quan tâm, chăm sóc, chia sẻ về mặt tinh thần, duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, điều chỉnh thói quen sinh hoạt và bổ sung một số sản phẩm hỗ trợ từ thảo dược thiên nhiên hoặc men vi sinh chống trầm cảm
Nếu không được phát hiện từ sớm và can thiệp kịp thời, bệnh trầm cảm ở giai đoạn nhẹ có thể phát triển âm thầm và từ từ chuyển sang các dạng nặng nề với mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng.
Giai đoạn trầm cảm vừa
Những biểu hiện của giai đoạn trầm cảm vừa tương tự những biểu hiện của giai đoạn trầm cảm nhẹ nhưng với mức độ nặng hơn, cụ thể:
- Khí sắc trầm, dễ cau có, giận dữ, khó chịu
- Mệt mỏi, thiếu sức sống
- Mất hứng thú
- Thiếu động lực trong công việc và cuộc sống
- Khó tập trung
- Thường xuyên buồn ngủ hoặc mất ngủ
- Không muốn giao lưu, tiếp xúc với những người xung quanh
- Thay đổi cảm giác thèm ăn
- Thay đổi trọng lượng
Ở giai đoạn này, bệnh nhân có tối thiểu 2 trong 3 triệu chứng đặc trưng chủ yếu của giai đoạn trầm cảm nhẹ, đồng thời xuất hiện ít nhất 3 – 4 triệu chứng thường gặp khác. Những dấu hiệu bất thường trên kéo dài ít nhất 2 tuần.
Tình trạng này buộc người bệnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong công việc, cuộc sống và các hoạt động xã hội. Ngoài ra, bạn có thể có hoặc không có 2 – 3 triệu chứng cơ thể với mức độ nghiêm trọng vừa phải.
Bệnh trầm cảm ở giai đoạn vừa có thể khiến người bệnh:
- Trở nên nhạy cảm
- Lo lắng thái quá
- Suy giảm khả năng học tập, lao động
- Cho rằng bản thân vô dụng, không có giá trị
- Dễ cảm thấy tổn thương lòng tự trọng
Sự khác biệt lớn nhất giữa giai đoạn trầm cảm vừa với giai đoạn trầm cảm nhẹ là các triệu chứng ở giai đoạn trầm cảm này có xu hướng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và các mối quan hệ xã hội. Thế nhưng, nhờ đó, bệnh trầm cảm vừa cũng được chẩn đoán dễ dàng hơn.
Giai đoạn trầm cảm nặng
Bệnh trầm cảm ở giai đoạn nặng được chia thành 2 thể là trầm cảm nặng không kèm theo triệu chứng loạn thần và trầm cảm nặng có kèm theo triệu chứng loạn thần.
Trầm cảm nặng không kèm theo triệu chứng loạn thần
Ở giai đoạn này, bệnh nhân xuất hiện nhiều biểu hiện nghiêm trọng và đáng chú ý, thậm chí những người thân yêu bên cạnh họ cũng có thể nhận ra vấn đề bất thường. Các dấu hiệu trầm cảm nặng không kèm theo triệu chứng loạn thần bao gồm:
- Buồn bã, u sầu kéo dài
- Mất tự tin
- Tinh thần trì trệ, chậm chạp, dễ bị kích động
- Luôn cảm thấy bản thân vô dụng, xấu hổ, tội lỗi
- Có hành vi tổn thương chính mình hoặc những người xung quanh
- Thường xuyên suy nghĩ đến cái chết và hành động tự sát
Trầm cảm nặng có kèm theo triệu chứng loạn thần
Những người bị trầm cảm nặng có kèm theo triệu chứng loạn thần luôn bị ảo giác, hoang tưởng hay sững sờ trầm cảm. Một số dạng hoang tưởng phổ biến của thể bệnh này bao gồm: ảo giác nghe thấy âm thanh, tiếng động, tiếng nói lại, tưởng tượng tai nạn sắp ập tới hoặc hình thành cảm giác tội lỗi và tự chỉ trích bản thân. Bệnh nhân cũng có thể nghe thấy giọng nói phỉ báng, kết tội bản thân bên tai hay ngửi được mùi rác thải và thịt thối.
Những người bệnh trầm cảm nặng có kèm theo rối loạn tâm thần cần được can thiệp điều trị càng sớm càng tốt. Khi bản thân xuất hiện biểu hiện loạn thần, có hành vi tự làm đau hoặc hình thành ý nghĩ tự sát, bạn hãy chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần ngay lập tức để được hướng dẫn sử dụng thuốc Tây, trị liệu tâm lý và thay đổi lối sống phù hợp.
Ngoài ra, các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiều dạng trầm cảm khác, được định danh là chứng trầm cảm ẩn. Những biểu hiện của tình trạng này khá mơ hồ và không rõ ràng như: lo lắng, buồn bã, căng thẳng, chán nản hay đau nhức, mệt mỏi dai dẳng.
Đặc điểm quá trình tiến triển của bệnh trầm cảm
Các chuyên gia cho biết, quá trình tiến triển của bệnh trầm cảm ở mỗi người rất khác nhau. Nhiều bệnh nhân rơi vào chỉ một giai đoạn trầm cảm, sau đó ổn định, giữ nguyên nhiều năm mà không có thêm bất cứ triệu chứng trầm cảm mới nào khác.
Trong khi đó, một số người khác lại phải chịu đựng nhiều giai đoạn trầm cảm trong suốt cuộc đời. Theo thời gian, khoảng cách giữa các giai đoạn trầm cảm bắt đầu ngắn lại và số lượng đợt trầm cảm tăng dần khi tuổi tác tăng lên.
Nhiều nhà khoa học đã chứng minh rằng số lượng giai đoạn trầm cảm trước đây của người bệnh có thể tạo nên điều kiện thuận lợi để bệnh trầm cảm tái phát sau này, cụ thể:
- Gần 50 – 60% bệnh nhân trầm cảm trải qua 1 giai đoạn trầm cảm chủ yếu duy nhất sẽ mắc thêm giai đoạn trầm cảm thứ hai.
- Tỷ lệ bị trầm cảm giai đoạn thứ ba ở các bệnh nhân đã trải qua 2 giai đoạn trầm cảm khoảng 70%.
- Nguy cơ bị trầm cảm giai đoạn thứ tư ở những người bệnh từng trải qua 3 giai đoạn trầm cảm lên đến 90%.
Có 5 – 10% tổng số bệnh nhân bị trầm cảm chủ yếu sẽ đối mặt với một giai đoạn hưng cảm trong quá trình bệnh lý phát triển (trầm cảm chuyển thành rối loạn lưỡng cực 1). Trong khoảng 2/3 trường hợp, các giai đoạn trầm cảm chủ yếu có thể được kiểm soát hoàn toàn, tuy nhiên, 1/3 số bệnh nhân còn lại chỉ có thể cải thiện một phần hoặc hầu như không thể đẩy lùi triệu chứng.
Nhìn chung, dựa trên tầm nhìn phát triển lâu dài, bệnh trầm cảm được phân thành 2 loại là trầm cảm không phục hồi hoàn toàn giữa các giai đoạn và trầm cảm có phục hồi hoàn toàn giữa các giai đoạn. Hai loại bệnh này có tiến triển và tiên lượng rất khác nhau. Trầm cảm có phục hồi hoàn toàn giữa các giai đoạn có tiên lượng tốt hơn so với trầm cảm không có phục hồi hoàn toàn giữa các giai đoạn.
Kết quả một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sau một năm kể từ khi được chẩn đoán mắc phải một giai đoạn trầm cảm chủ yếu, khoảng 40% bệnh nhân vẫn biểu hiện đầy đủ triệu chứng có thể thỏa mãn những tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm chủ yếu. 20% trường hợp còn lại một vài triệu chứng nhưng không đủ để đáp ứng tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh trầm cảm chủ yếu và 40% số người bệnh còn lại đã hoàn toàn lui bệnh (không ghi nhận triệu chứng).
Những giai đoạn trầm cảm tiếp theo chủ yếu xuất hiện ngay sau một đợt căng thẳng (stress) nặng (chẳng hạn ly hôn, mất mát nhiều tài sản, người thân rời bỏ cõi đời…). Những đợt căng thẳng này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy bệnh lý tái phát. Thế nhưng, ngay sau đó, các triệu chứng lại trở nên tương đối mờ nhạt và không thực sự rõ ràng trong quá trình tiến triển của bệnh trầm cảm.
Những bệnh nhân trầm cảm mắc bệnh nền mạn tính hoặc những người bệnh đang lạm dụng/phụ thuộc ma túy, rượu bia sẽ dễ bị tái phát các giai đoạn trầm cảm chủ yếu. Những đợt trầm cảm ở các bệnh nhân bị trầm cảm kết hợp một số bệnh lý khác (viêm đa khớp, viêm gan mạn tính, loét hành tá tràng…) thường kéo dài và bền vững hơn so với những bệnh nhân chỉ mắc bệnh trầm cảm đơn lẻ.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng nhận thấy rằng, rất khó dự đoán chính xác liệu giai đoạn đầu tiên của bệnh trầm cảm chủ yếu ở những người trẻ tuổi có phát triển thành rối loạn cảm xúc lưỡng cực hay không? Một số chuyên gia nhận định, những bệnh nhân có người thân trong gia đình từng mắc chứng rối loạn lưỡng cực dễ chuyển từ trầm cảm sang rối loạn lưỡng cực hơn.
Độ dài của các đợt trầm cảm chủ yếu tương đối khác nhau. Đối với những trường hợp bị bệnh trầm cảm nhưng không chủ động điều trị, những triệu chứng sẽ kéo dài ít nhất 6 tháng, sau đó những đợt trầm cảm bắt đầu nhẹ đi, giảm dần và cuối cùng khỏi hẳn (trong đa số trường hợp).
Vì vậy, nhiều người bệnh và thân nhân thường chủ quan, lơ là, cho rằng bệnh trầm cảm có thể tự khỏi mà không cần can thiệp y tế. Tất nhiên, quan niệm sai lầm này có thể kéo theo nhiều hậu quả khó lường.
Bàn về rủi ro tái phát của căn bệnh trầm cảm, các nhà khoa học khẳng định, bệnh lý này sẽ tái phát thường xuyên, trong đó, nguy cơ tái phát phụ thuộc rất lớn vào số lần chịu đựng những đợt trầm cảm trước đó của mỗi bệnh nhân, cụ thể:
- Tỷ lệ tái phát là 50% nếu người bệnh từng trải qua 1 đợt trầm cảm trước đó.
- Nguy cơ tái phát là 60% nếu bệnh nhân đã đối mặt với 2 đợt trầm cảm trước đó.
- Tỷ lệ tái phát là 70% nếu người bệnh từng trải qua 3 đợt trầm cảm trước đó.
- Nguy cơ tái phát là 80% nếu bệnh nhân đã đối mặt với 4 đợt trầm cảm trước đó.
- Tỷ lệ tái phát là 90% nếu người bệnh từng trải qua 5 đợt trầm cảm trước đó.
Những yếu tố thuận lợi từ phía bệnh nhân giúp căn bệnh trầm cảm tái phát thường xuyên là:
- Không điều trị củng cố hoặc điều trị củng cố quá ngắn
- Bị căng thẳng nặng nề (tác nhân này chỉ đặc biệt rõ rệt ở đợt trầm cảm thứ hai, về sau, tình trạng căng thẳng tinh thần không đóng vai trò quan trọng nữa)
- Mắc phải một số bệnh lý mạn tính ở đại tràng, dạ dày, xương khớp, tim – phổi…
- Sinh con (bệnh trầm cảm chắc chắn sẽ tái phát ở những chị em vừa sinh con và từng bị trầm cảm trước đây)
Bệnh trầm cảm không thể dễ dàng tự khỏi nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả. Sau một khoảng thời gian tiến triển, bệnh lý này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả phức tạp và khó lường. Do đó, sau khi đã nắm vững các giai đoạn tiến triển của bệnh trầm cảm trong bài viết này, chúng tôi hy vọng bạn sẽ luôn chủ động chăm sóc bản thân, nuôi dưỡng đời sống tinh thần, thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ và chủ động liên hệ với bác sĩ chuyên khoa ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường.
TRUNG TÂM TÂM LÝ TRỊ LIỆU NHC VIỆT NAM
- Cơ sở 1: Số 11 ngõ 83 Trần Duy Hưng, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
- Cơ sở 2: Số 37 Thâm Tâm, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
- Cơ sở 3: Số 18 Phan Chu Trinh nối dài, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh
- Hotline: 096 589 8008
- Website: tamlytrilieunhc.com
- Email: tamlytrilieunhc@gmail.com
- Fanpage: fb.com/tamlytrilieunhc
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!