Hướng dẫn chăm sóc, điều dưỡng bệnh tâm thần phân liệt tại nhà

Tâm thần phân liệt là căn bệnh mạn tính, cần theo dõi và áp dụng các phương pháp điều trị trong thời gian dài. Để giúp cho bệnh nhân mau chóng hồi phục sức khỏe, ngoài việc áp dụng các biện pháp chữa bệnh của bác sĩ chuyên khoa thì người thân trong gia đình cũng cần nắm rõ các cách chăm sóc bệnh tâm thần tại nhà để hỗ trợ người bệnh tốt hơn. 

chăm sóc bệnh tâm thần phân liệt tại nhà
Bệnh nhân tâm thần phân liệt nếu được chăm sóc tại nhà đúng cách sẽ giúp bệnh tình cải thiện tốt hơn

Đối tượng nào sẽ được điều trị tại nhà?

Thông thường, hầu hết các bệnh nhân tâm thần phân liệt sẽ phải trải qua quá trình điều trị giai đoạn cấp tại bệnh viện nếu có các biểu hiện bất thường. Sau khi sức khỏe được ổn định, bệnh nhân có thể thích ứng dần với cuộc sống thực hiện như có thể tự thực hiện được các công việc hàng ngày, vệ sinh cá nhân, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và phác đồ điều trị,…thì sẽ được cân nhắc xuất viện và áp dụng các phương pháp cải thiện tại nhà.

Tuy nhiên, không phải đối tượng bệnh nào cũng cần phải nhập viện để theo dõi. Chủ yếu là những bệnh nhân có xuất hiện các triệu chứng bất thường gây tổn thương đến bản thân hoặc những người xung quanh như dễ kích động, hoang tưởng, ảo giác nghiêm trọng, không chịu ăn uống, có những hành vi gây nguy hiểm cho bản thân hoặc đe dọa tính mạng của người khác.

Hướng dẫn chăm sóc, điều dưỡng bệnh tâm thần phân liệt tại nhà

Chăm sóc, điều dưỡng bệnh nhân tâm thần phân liệt tại nhà ý muốn nói về thái độ và cách quan tâm của những người thân trong gia đình đối với người bệnh. Thái độ gia đình được xem là những can thiệp tâm lý quan trọng và ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình cải thiện bệnh. Vì thế, trước khi cho bệnh nhân xuất viện và tiếp tục việc điều trị tại nhà, các bác sĩ luôn hướng dẫn cho người thân về cách chăm sóc, cư xử phù hợp với người bệnh.

Một số điều mà bạn cần ghi nhớ khi chăm sóc bệnh tâm thần phân liệt tại nhà:

  • Đầu tiên, các thành viên trong gia đình hoặc người chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt cần tìm hiểu và biết rõ các thông tin cơ bản về bệnh lý này. Các thông tin về bệnh có thể tìm hiểu qua sách báo, các lớp tập huấn về cách chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Bên cạnh đó, gia đình cũng cần phối hợp với bác sĩ điều trị để đưa ra phương pháp hỗ trợ thích hợp cho bệnh nhân.
  • Nên chú ý quan tâm và dành nhiều sự yêu thương cho người bệnh. Nếu bệnh nhân thực hiện tốt các công việc được giao hoặc có cư xử đúng mực thì người thân nên tuyên dương và có những lời động viên phù hợp. Ngoài ra, gia đình cũng cần tôn trọng các quyết định, ý kiến của bệnh nhân, không nên tranh cãi gay gắt về một vấn đề nào đó với người bệnh. Hãy thật kiên nhẫn và lắng nghe bệnh nhân để hiểu và thông cảm cho họ nhiều hơn.
  • Tuyệt đối không phục vụ hoặc phục tùng quá mức về các nhu cầu của bệnh nhân. Tốt nhất người thân trong gia đình nên giúp cho người bệnh biết cách tự chăm sóc bản thân và thực hiện các công việc đơn giản hàng ngày. Nếu người bệnh đã từng trải qua giai đoạn bỏ bê việc chăm sóc bản thân thì gia đình cần hướng dẫn và chỉ dạy họ từng bước, ví dụ như đánh răng, tắm rửa, vệ sinh cá nhân, quét nhà, gấp chăn mền,….Không nên để người bệnh ở trạng thái thụ động, hãy lập cho họ kế hoạch và mục tiêu hàng ngày với những việc đơn giản nhất.
  • Gia đình người bệnh nên có một cuốn sổ ghi chép để theo dõi các diễn biến của bệnh. Bạn cần nắm rõ mức độ biểu hiện về cảm xúc, hành vi, suy nghĩ của bệnh nhân. Quan sát xem các triệu chứng như hoang tưởng, kích động, ăn uống, thời gian nghỉ ngơi có được thuyên giảm không hoặc có xuất hiện thêm các triệu chứng khác lạ nào không. Ngoài ra, người thân cũng cần theo dõi về khả năng chăm sóc bản thân và thực hiện các công việc hàng ngày của người bệnh. Nếu bệnh nhân liên tục xuất hiện các triệu chứng lạ hoặc những biểu hiện của bệnh vẫn tiếp tục gia tăng thì cần báo ngay với chuyên gia để được xử lý và ngăn chặn kịp thời.
  • Cho bệnh nhân sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý thay đổi liều lượng của thuốc. Ngoài ra, người thân nên trực tiếp cho bệnh nhân uống thuốc, tránh để người bệnh tự uống vì hầu hết những đối tượng bị tâm thần phân liệt đều không muốn áp dụng các phương pháp điều trị. Ngoài ra, cũng có nhiều người bệnh cho rằng bản thân đã khỏi bệnh hoặc xuất hiện các ý nghĩ thuốc sẽ gây tử vong nên có xu hướng không muốn uống hoặc tìm cách giấu thuốc. Vì thế, người nhà không nên để bệnh nhân tự giữ thuốc, tốt nhất là nên cất thuốc vào nơi mà người bệnh không biết được để họ không thể tự ý uống thuốc sẽ gây nên nhiều hậu quả đáng tiếc.
  • Tạo điều kiện để bệnh nhân có thể tham gia vào các hoạt động tập thể của gia đình. Những người thân bên cạnh nên thường xuyên trò chuyện, tâm sự, chia sẻ với người bệnh và tập cách lắng nghe những suy nghĩ, cảm giác của họ nhiều hơn. Ngoài ra, nếu thấy tình trạng bệnh của họ ổn định thì có thể đưa họ đi chơi hoặc dạo mát gần nhà, tạo cơ hội để họ tiếp xúc với xã hội nhiều hơn.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh cho người bệnh, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, người thân cũng nên đảm bảo người bệnh ăn đủ 3 bữa chính và có kèm theo một số bữa phụ trong ngày, tránh để bệnh nhân bỏ bữa. Nếu người bệnh cảm thấy chán ăn có thể chia nhỏ nhiều bữa ăn trong ngày, chế biến các món ăn lỏng, dễ tiêu để họ có thể ăn tốt hơn.
  • Cùng người bệnh rèn luyện thói quen tập thể dục mỗi ngày. Chỉ cần dành ra khoảng 30 phút để thực hiện các bài tập đơn giản như đi bộ, chạy bộ, ngồi thiền, tập yoga,…cũng giúp cho tinh thần bệnh nhân được thoải mái hơn, tăng cường sức đề kháng, hạn chế tình trạng thụ động, không hoạt động cơ thể.
  • Đưa bệnh nhân tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ điều trị hoặc nếu thấy tình trạng bệnh của họ không có chuyển biến tốt thì người thân cũng cần đưa họ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và theo dõi tốt hơn.

Các thông tin trên đây đã giúp cho bạn đọc biết thêm về những cách chăm sóc bệnh tâm thần phân liệt tại nhà. Sự quan tâm, hỗ trợ từ người thân trong gia đình đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình cải thiện sức khỏe của bệnh nhân. Vì thế, nếu trong gia đình có người bị bệnh tâm thần phân liệt, bạn cần quan tâm và dành nhiều sự yêu thương cho họ để giúp họ phục hồi tốt hơn.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *