Chứng chán ăn thần kinh (Biếng ăn tâm lý) là gì?
Chứng chán ăn thần kinh là một loại rối loạn ăn uống với những hành vi và niềm tin sai lệch về chế độ ăn uống hàng ngày. Người bệnh luôn bị lo lắng và ám ảnh về vóc dáng, cân nặng của chính mình. Vì thế họ thường đặt nặng vấn đề ăn uống, đôi lúc sử dụng các biện pháp cực đoan gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt đời sống.
Chứng chán ăn thần kinh (Biếng ăn tâm lý) là gì?
Chứng chán ăn thần kinh hay còn được gọi là biếng ăn tâm lý hoặc chán ăn tâm thần và có tên tiếng anh là Anorexia Nervosa. Đây là tình trạng rối loạn ăn uống khiến cho bệnh nhân bị sụt giảm cân nặng một cách quá mức so với chiều cao và độ tuổi của mình. Những đối tượng mắc phải chứng bệnh này thường có đánh giá và nhận thức sai lệch về trọng lượng của cơ thể. Họ ám ảnh và rất sợ việc tăng cân, cho dù thực tế họ đang rất gầy.
Người bệnh sẽ luôn tìm cách để giảm cân bằng việc xây dựng chế độ ăn uống nghiêm ngặt, thực hiện các biện pháp ăn kiêng, tập thể dục liên tục hoặc các phương pháp cực đoan khác. Họ thường xuyên tự cắt giảm khẩu phần ăn của bản thân hoặc tồi tệ hơn là tự móc họng ói ra ngay sau khi vừa ăn xong.
Chán ăn tâm thần là một trong 3 chứng rối loạn ăn uống đã được công nhận bởi Hướng Dẫn Chẩn Đoán và Thống Kê các Rối Loạn Tâm Thần (DSM). Căn bệnh này có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng khác nhau và không phân biệt bất kì nền văn hóa nào. Tuy nhiên theo thống kê thì nữ giới và phụ nữ trẻ tuổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với các đối tượng khác. Ngoài ra, bệnh lý này cũng sẽ phổ biến hơn ở một số ngành nghề như múa ba lê, người mẫu, nghệ sĩ trượt băng nghệ thuật,….
Chứng chán ăn tâm thần không chỉ gây ảnh hưởng nhiều cân nặng, sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh mà còn gây ra các biến chứng y tế lớn ảnh hưởng trên phạm vị rộng. Bên cạnh đó nó cũng tác động một phần đến hoạt động và chức năng của các cơ quan quan trọng trong cơ thể.
Triệu chứng của người mắc chứng chán ăn thần kinh
Những đối tượng mắc bệnh chán ăn tâm thần thường có những hành vi ăn uống bất thường kèm với các nỗi sợ hãi, lo lắng quá mức về hình dáng, cân nặng của bản thân. Một số triệu chứng thường gặp ở người bệnh như:
Các triệu chứng biểu hiện về thể chất:
- Cân nặng bị thay đổi một cách nhanh chóng, giảm cân liên tục, cơ thể ốm yếu.
- Luôn cảm thấy mệt mỏi, cơ thể thiếu sức sống.
- Rối loạn giấc ngủ, ngủ không sâu giấc.
- Thường xuyên cảm thấy chóng mặt, có thể ngất xỉu đột ngột.
- Hầu như lúc nào cũng có cảm giác lạnh, ngay cả khi thời tiết ấm.
Các triệu chứng biểu hiện về tâm lý:
- Cảm thấy lo lắng, bất an về các lần ăn uống
- Có mối bận tâm quá lớn đối với việc lựa chọn thực phẩm, chế độ ăn uống, cân nặng, vóc dáng.
- Có nhận thức và suy nghĩ méo mó về hình ảnh của bản thân
- Cảm giác bị mất kiểm soát về thực phẩm ăn uống
- Bị ám ảnh và lo ngại về hình thể, diện mạo và cân nặng
- Luôn có đánh giá và suy nghĩ rất khắt khe về những thực phẩm lợi và hại
- Cảm xúc và tâm lý bị ảnh hưởng và thay đổi bất thường. Người bệnh có thể cảm thấy căng thẳng, tự trọng thấp, suy sụp, lo lắng, cáu kỉnh.
- Sử dụng thực phẩm như một yếu tố vui nhộn (họ ăn để giải quyết các vấn đề căng thẳng, buồn chán).
- Dùng thực phẩm như một biện pháp để tự trừng phạt bản thân.
Các triệu chứng biểu hiện về hành vi:
- Ăn uống một cách kín đáo và tránh các bữa ăn cùng với người khác.
- Người bệnh sẽ cố gắng nhịn ăn, tránh các thực phẩm chứa nhiều chất béo, tính calo.
- Phong cách ăn mặc cũng sẽ bị ảnh hưởng và thay đổi, người bệnh có thể mặc đồ rộng thùng thình để che đi cơ thể của mình.
- Cố gắng tập thể dục một cách quá mức, ép buộc bản thân phải vận động liên tục. Ví dụ như họ có thể tập luyện ngay cả khi thời tiết xấu, lúc đau bệnh, bị thương và cảm thấy đau khổ khi không được tập luyện.
- Thay đổi khẩu vị ăn uống, có thể không thích hoặc tránh né các loại thực phẩm mà bản thân từng yêu thích trước kia.
- Xuất hiện những thói quen ám ảnh có liên quan đến việc chuẩn bị đồ ăn hoặc ăn uống hàng ngày mà chúng không phải do truyền thống văn hóa.
- Trở nên nhạy cảm, đặc biệt là những lời bình luận, nhận xét về cân nặng, hình thể, chế độ ăn uống và tập luyện.
- Các hành vi bí mật bao quanh việc ăn uống, họ có thể nói rằng họ đã ăn rồi nhưng thực tế họ vẫn chưa ăn gì.
Nguyên nhân gây ra chứng chán ăn thần kinh
Hiện tại, nguyên nhân cụ thể gây ra chứng chán ăn thần kinh vẫn chưa được các nhà khoa học chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, căn bệnh này cũng giống với các loại bệnh tâm thần khác, nguyên nhân thường xuất phát từ các yếu tố tâm lý, sinh học và môi trường tác động qua lại lẫn nhau. Cụ thể như:
- Yếu tố tâm lý: Các chuyên gia cho biết rằng, một số tính cách của con người có thể là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc phải chứng chán ăn thần kinh. Nghiên cứu về chứng Anorexia Nervosa và Bulimia Nervosa cũng đã xác nhận về điều này. Những đối tượng là phụ nữ trẻ tuổi mắc chứng ám ảnh cưỡng chế, loạn thần kinh chức năng, xúc động tiêu cực, thiếu tự trọng có thể dễ dàng rơi vào tình trạng theo sát chế độ ăn uống nghiêm ngặt và thường xuyên bỏ bữa dù đang rất đói. Họ có thể tôn thờ quá mức chủ nghĩa hoàn hảo và nghĩ rằng bản thân phải thực sự mảnh mai và thon gọn. Mức độ lo âu của họ rất cao và họ cảm thấy nỗi lo âu này được thuyên giảm nếu họ tiến hành cắt giảm khẩu phần ăn của mình.
- Yếu tố sinh học: Tuy vẫn chưa thể xác định được cụ thể nhưng một số bằng chứng khoa học cho biết rằng một vài gen sẽ có liên quan đến chứng chán ăn thần kinh. Điều này đồng nghĩa với việc một người có thể tiếp nối khả năng tiến triển chứng Bulimia Nervosa, Anorexia Nervosa hoặc háu ăn. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho rằng ảnh hưởng di truyền này có thể không đơn thuần là sự kế thừa của bất kì loại gen nào mà là do một sự tương tác vô cùng phức tạp giữa nhiều gen và các yếu tố gen không kế thừa tạo ra.
- Yếu tố môi trường: Rất nhiều bằng chứng cho rằng các ảnh hưởng từ văn hóa – xã hội có tác động rất lớn đối với sự phát triển của chứng rối loạn ăn uống, đặc biệt là chán ăn thần kinh. Cụ thể như một số người thường tiếp thu lý tưởng về vẻ đẹp mảnh mai, thon gọn, gầy gò. Các hình ảnh này luôn được tuyên truyền rộng rãi qua các phương tiện truyền thông như tạp chí, tivi, quảng cáo, báo mạng,…Tuy nhiên, một số hình ảnh đã được tác động và tô vẽ để đạt được những tiêu chuẩn hoàn hảo nhất nhưng nó lại mang tính phi thực tế. Bên cạnh đó, một số áp lực đến từ các đối tượng cùng trang lứa cũng có thể là sự thúc đẩy về ước mơ có được một thân hình mảnh khảnh, thon gọn.
Bên cạnh đó, một vài yếu tố có thể là gia tăng nguy cơ mắc phải chứng chán ăn thần kinh như:
- Giới tính nữ: Nữ giới hoặc phụ nữ trẻ tuổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Tuổi trẻ: Lứa tuổi vị thành niên sẽ có nhiều nguy cơ bị bệnh hơn so với bình thường. Thông thường những đối tượng từ 40 tuổi trở lên sẽ có tỉ lệ mắc bệnh rất hiếm.
- Di truyền: Do sự thay đổi của một số gen bên trong cơ thể.
- Tiền sử gia đình: Các chuyên gia cho biết rằng nếu người thân trong gia đình như cha mẹ, ông bà, anh chị em ruột, con cái mắc phải chứng bệnh này thì bạn cũng sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Sự thay đổi cân nặng: Dù cố ý hay không, thì đối với một người bị thay đổi về cân nặng sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các lời nhận xét, phê bình từ người khác. Bên cạnh đó, khi cơ thể giảm hoặc tăng cân quá mức cũng có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Điều này sẽ làm cho họ duy trì và kéo dài chế độ ăn uống kiêng cử và khó có thể quay lại chế độ ăn bình thường.
- Một số sự thay đổi trong cuộc sống: Một số sự thay đổi tiêu cực như chia tay người yêu, mất người thân, thất nghiệp,…có thể khiến cho bạn cảm thấy chán ăn và gia tăng nguy cơ mắc chứng chán ăn thần kinh.
- Ảnh hưởng từ nghề nghiệp: Một số nghề như diễn viên, vận động viên, vũ công, người mẫu,…thường sẽ đòi hỏi rất nghiêm ngặt về vóc dáng, cân nặng. Điều này cũng khiến cho nguy cơ mắc chứng chán ăn càng tăng cao.
- Xã hội và truyền thông: Một số thông tin thường được tuyên truyền trên các trang mạng như hình ảnh người mẫu, diễn viên xinh đẹp, thon gọn cũng là yếu tố đánh vào nhận thức và tâm lý của nhiều người. Họ cho rằng sự mảnh mai sẽ đi đôi với nổi tiếng và thành công nên cố gắng hà khắc về chế độ ăn uống để đạt được ước muốn.
Biến chứng thường gặp của người chán ăn thần kinh
Chứng chán ăn thần kinh có thể gây ra rất nhiều các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể khiến người bệnh tử vong. Cái chết có thể xảy ra một cách bất ngờ và đột ngột dù người bệnh vẫn chưa đạt đến mức suy dinh dưỡng, thiếu cân trầm trọng. Tình trạng này có thể là hệ lụy của việc nhịp tim rối loạn hoặc sự mất cân bằng điện giải trong cơ thể – những khoáng chất như canxi, natri, kali sẽ có công dụng rất tốt trong việc cân bằng những loại dịch bên trong cơ thể.
Một số biến chứng có thể xảy ra như:
- Những vấn đề về sức khỏe của tim mạch như suy tim, nhịp tim thay đổi bất thường, sa van hai lá.
- Thiếu máu
- Loãng xương, đồng thời gia tăng khả năng gãy xương khi tuổi tác càng cao.
- Ở nữ giới có thể gặp phải tình trạng mất kinh, còn ở nam giới có thể bị giảm nội tiết tố nam.
- Xuất hiện các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, táo bón, buồn nôn.
- Điện giải bất thường như giảm kali, canxi, natri trong máu.
- Một số các vấn đề liên quan đến thận.
- Mất cơ bắp
- Tự sát.
Đối với các trường hợp mắc chứng chán ăn thần kinh ở mức độ nặng thì hầu hết các cơ quan bên trong cơ thể dường như sẽ bị tổn thương, đặc biệt nhất là thận, tim và não. Các tổn thương này có thể sẽ không được hồi phục ngay cả khi tình trạng chán ăn được kiểm soát và cải thiện.
Bên cạnh một số biến chứng về cơ thể thì chứng chán ăn thần kinh cũng có thể làm yếu tố nguy cơ đối với một số rối loạn tâm thần như:
- Rối loạn nhân cách
- Trầm cảm
- Rối loạn lo âu
- Rối loạn cảm xúc
- Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế
- Tình trạng lạm dụng các chất kích thích, bia rượu.
Cách chẩn đoán chứng chán ăn thần kinh
Nếu nghi ngờ bạn đang mắc phải chứng chán ăn thần kinh thì các bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cần thiết và tiến hành khám sức khỏe tổng quát để có thể đưa ra kết luận đúng đắn nhất. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ tìm hiểu và khai thác thông tin để loại trừ các lý do giảm cân khác của người bệnh.
Quá trình chẩn đoán bao gồm:
- Khám thực thể: Người bệnh sẽ được thực hiện hàng loạt một vài chỉ số như cân nặng, chiều cao, huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, kiểm tra sức khỏe móng và da xem có dấu hiệu bất thường nào không và nghe tim phổi, khám bụng.
- Xét nghiệm: Sau đó bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện một số loại xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm chuyên biệt để kiểm tra về protein, điện giải, chức năng gan, tuyến giáp, thận. Ngoài ra, một số trường hợp cũng sẽ được xét nghiệm nước tiểu.
- Đánh giá tâm lý: Bác sĩ sức khỏe tâm thần sẽ đưa ra nhiều câu hỏi để tìm hiểu về suy nghĩ, cảm xúc, thói quen ăn uống của đối tượng nghi bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được yêu cầu để hoàn thành bảng câu hỏi đánh giá về sức khỏe tâm lý.
- Một số xét nghiệm khác: Tiến hành chụp X – quang để kiểm tra mật độ của xương, những chỗ nứt xương hoặc gãy xương. Ngoài ra, nó cũng có thể được sử dụng nhằm mục đích kiểm tra các vấn đề về tim mạch, viêm phổi. Người bệnh cũng có thể được thực hiện điện tim để tìm ra những dấu hiệu bất thường về cơ quan này. Những xét nghiệm được yêu cầu thực hiện để xác định năng lượng mà cơ thể đã tiêu hao, nhờ đó xây dựng các yêu cầu dinh dưỡng phù hợp và cần thiết.
Tiêu chuẩn chẩn đoán chứng chán ăn thần kinh:
Hiệp hội Tâm thần Mỹ đã xuất bản Hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các chứng bệnh tâm thần (DSM – 5), các bác sĩ đã sử dụng để chẩn đoán về những tình trạng rối loạn tâm thần và được các công ty bảo hiểm hoàn trả chi phí chữa bệnh.
Tiêu chuẩn chẩn đoán chứng chán ăn theo DSM – 5 bao gồm:
- Số lượng thức ăn nạp vào cơ thể giảm đáng kể: Người bệnh ăn ít hơn số lượng cần thiết so với cân nặng tiêu chuẩn dựa theo lứa tuổi, chiều cao.
- Sợ hãi và ám ảnh việc tăng cân: Đối tượng có nỗi sợ hãi vô cùng to lớn đối với việc tăng cân hoặc có những hành vi cản trở việc tăng cân một cách thái quá như uống thuốc nhuận tràng, móc họng ói mặc dù bản thân đang rất gầy gò.
- Gặp phải vấn đề về hình ảnh của bản thân: Có xu hướng chối bỏ sự quan trọng về tình trạng thiếu hụt cân nặng của bản thân. Từ liên kết giữa giá trị bản thân và cân nặng, có nhận thức méo mó về hình dáng cơ thể của chính mình.
Điều trị chứng chán ăn thần kinh thế nào?
Nếu bạn mắc phải chứng chán ăn thần kinh thì cần áp dụng một số phương pháp để điều trị. Quá trình chữa bệnh thường được thực hiện và theo dõi bởi đội ngũ các chuyên gia bao gồm chuyên gia tâm lý, bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng có kinh nghiệm quá việc cải thiện các chứng rối loạn ăn uống. Bên cạnh đó, việc duy trì liệu pháp điều trị và giáo dục dinh dưỡng cho người bệnh cũng góp phần quan trọng đối với quá trình phục hồi sức khỏe.
Một số biện pháp thường được áp dụng đối với người bệnh chán ăn thần kinh như:
1. Chăm sóc y tế
Cũng bởi chứng chán ăn thần kinh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nên người bệnh cần được sự theo dõi kỹ lưỡng về các dấu hiệu sinh tồn, lượng nước bên trong cơ thể và trạng thái điện giải và một số tình trạng khác. Đối với những trường hợp bệnh nặng thì đối tượng có thể được chỉ định nuôi ăn qua ống thông từ mũi đến dạ dày.
2. Nhập viện
Nếu tính mạng của người bệnh đang bị đe dọa nghiêm trọng thì cần được tiến hành nhập viện khẩn cấp. Khi nhập viện bệnh nhân sẽ được hỗ trợ kiểm soát và giải quyết một số vấn đề về nhịp tim, rối loạn điện giải, mất nước và các vấn đề về sức khỏe tâm lý.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu người bệnh nhập viện để cấp cứu tâm lý, điều trị các biến chứng, suy dinh dưỡng hoặc việc người bệnh tiếp tục từ chối ăn uống. Một vài trường hợp có thể áp dụng điều trị trong vài ngày hoặc điều trị nội trú chứ không bắt buộc người bệnh nhập viện hoàn toàn.
3. Phục hồi lại mức cân nặng bình thường
Mục tiêu chính của quá trình điều trị chứng chán ăn thần kinh đó chính là giúp người bệnh lấy lại cân nặng ở mức bình thường. Người bệnh không thể phục hồi sau một giai đoạn rối loạn ăn uống mà không lấy lại được số kí cần thiết và xây dựng lại cách ăn uống lành mạnh.
Các bác sĩ, chuyên gia tâm lý sẽ hướng dẫn bạn cách xây dựng lại suy nghĩ, hành vi đúng đắn để phục hồi lại cân nặng. Bên cạnh đó, các bác sĩ dinh dưỡng cũng sẽ giúp cho bạn hình thành được thói quen ăn uống phù hợp và đầy đủ dưỡng chất.
4. Liệu pháp tâm lý
Đối với chứng chán tâm thần cũng có thể được hỗ trợ cải thiện bằng một số liệu pháp tâm lý. Tùy vào tình trạng và mức độ bệnh của mỗi người các chuyên gia sẽ lựa chọn liệu pháp phù hợp nhất. Phổ biến nhất là:
- Liệu pháp cá nhân: Đối với các trường hợp bệnh là người trưởng thành thì các chuyên gia thường sẽ áp dụng liệu pháp hành vi và nhận thức, đặc biệt là liệu pháp điều trị hành vi nhận thức tăng cường. Quá trình trị liệu này nhằm mục đích giúp cho người bệnh lấy lại thói quen ăn uống bình thường và tăng cân trở lại. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng sẽ dần thay đổi suy nghĩ và các quan điểm sai lệch của bản thân về thói quen ăn uống.
- Liệu pháp gia đình: Đây là một trong các phương pháp dựa trên chứng cứ duy nhất thường được áp dụng cho các đối tượng bệnh trẻ vị thành niên. Cũng bởi người bệnh không có đủ khả năng để lựa chọn những thực phẩm tốt cho sức khỏe. Liệu pháp này cần sự tham gia và giúp đỡ của người thân để giúp cho trẻ ăn uống đúng cách hơn.
5. Sử dụng thuốc
Hiện nay vẫn chưa có bất kì loại thuốc cụ thể nào được chứng minh về công dụng điều trị chứng chán ăn thần kinh. Tuy vậy, một số loại thuốc chống trầm cảm hoặc những thuốc điều trị các chứng rối loạn tâm thần khác cũng có thể được cân nhắc sử dụng trong quá trình cải thiện bệnh.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần phải có chỉ định cụ thể của bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về dùng. Ngoài ra, quá trình uống thuốc cũng cần phải kiên trì và tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Thông tin của bài viết trên đây đã giúp bạn đọc hiểu thêm về chứng chán ăn thần kinh hay còn được gọi là biếng ăn tâm lý. Căn bệnh này có thể gây ra rất nhiều các biến chứng nguy hiểm, vì thế ngay khi nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo thì bản thân người bệnh hoặc những người thân bên cạnh nên tiến hành đưa họ đến thăm khám và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa uy tín để cải thiện sức khỏe tốt nhất.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!