7 hội chứng rối loạn giấc ngủ nguy hiểm bạn nên quan tâm
Không chỉ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tổng thể, một số dạng rối loạn giấc ngủ còn có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để cùng chúng tôi điểm danh 7 hội chứng rối loạn giấc ngủ nguy hiểm đáng quan tâm.
1. Hội chứng mất ngủ di truyền gây tử vong
Hội chứng mất ngủ di truyền gây tử vong (Fatal Familial Insomnia – FFI) có nguồn gốc từ một loại rối loạn gen hiếm gặp đã được phát hiện ở khoảng 40 gia đình trên toàn thế giới. Căn bệnh này hình thành và phát triển vô cùng bí ẩn với triệu chứng mất ngủ liên tục và triền miên không rõ nguyên nhân (có thể kéo dài trong vòng vài tháng).
Bệnh nhân thường xuyên rơi vào trạng thái thao thức, trằn trọc, mơ màng, không thể ngủ được. Các chuyên gia nhận định, hội chứng mất ngủ di truyền gây tử vong rất khó chẩn đoán bởi biểu hiện của bệnh tương tự chứng viêm não, nghiện rượu, mất trí nhớ. Tình trạng này xuất hiện chủ yếu ở những người trong độ tuổi 32 – 62 và có thể dẫn đến tử vong chỉ sau 12 – 18 tháng.
2. Đột tử về đêm – Hội chứng rối loạn giấc ngủ nguy hiểm hàng đầu
Hội chứng đột tử về đêm (hội chứng Brugada) là tình trạng rối loạn nhịp tim, mang tính chất di truyền và có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Bệnh nhân thường không xuất hiện bất cứ triệu chứng bất thường nào cho đến khi bị gia tăng nhịp tim một cách bất thường và chết đột ngột trong đêm.
Được công bố lần đầu vào năm 1980, căn bệnh này xuất hiện phổ biến ở nhiều dân tộc Đông Nam Á. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người đàn ông trẻ di cư từ các nước Đông Nam Á đến Hoa Kỳ thường chết đột ngột trong lúc đang ngủ nhưng trước đó, họ lại vô cùng khỏe mạnh và không hề mắc bệnh tim mạch.
Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, người ta cho rằng, Philippine, Thái Lan và Nhật Bản là ba quốc gia có nhiều người dân mắc phải vấn đề này. Từ năm 1998 đến nay, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng hội chứng đột tử về đêm có thể diễn ra ở khắp nơi trên thế giới (không phân biệt vùng miền địa lý) với biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng tương tự.
3. Hội chứng giật cơ lúc ngủ
Hội chứng giật cơ lúc ngủ (hội chứng Hypnic Jerk) xảy ra khi cơ bắp co bóp đột ngột trong vô thức. Tình trạng này đang là chủ đề gây tranh cãi trong giới chuyên môn với nhiều giả thuyết liên quan.
Nhiều chuyên gia cho rằng bằng cách phản ứng theo kiểu giật mình, sự thức tỉnh đột ngột sẽ cho phép người bệnh kiểm tra môi trường xung quanh thêm một lần nữa nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối và yên tâm chìm vào giấc ngủ.
Một giả thuyết khẳng định, hiện tượng này cho phép bệnh nhân kiểm tra vị trí ổn định của cơ thể trước lúc đi ngủ, nhất là ở các địa điểm không được bằng phẳng. Trong khi đó, theo một số ý kiến, hội chứng co giật lúc ngủ chỉ đơn thuần là biểu hiện nhượng bộ của hệ thống sinh lý trong giai đoạn đầu của giấc ngủ, trước khi cơ thể chuyển đổi từ cơ chế thức sang cơ chế ngủ.
4. Hội chứng ngưng thở khi ngủ – Hội chứng rối loạn giấc ngủ nguy hiểm và khó lường
Hội chứng ngưng thở khi ngủ (Sleep Apnea Syndrome – SAS) là một dạng rối loạn giấc ngủ tương đối phổ biến, xuất hiện khi đường hô hấp của người bệnh bị tắc nghẽn liên tục, gây hạn chế lưu lượng không khí lưu thông đến phổi. Những bệnh nhân mắc phải vấn đề này thường ngáy to khi ngủ và có thể phát ra âm thanh như đang nghẹt mũi hoặc khịt mũi.
Sự suy giảm lượng không khí trong phổi khiến bộ não và cơ thể không được cung cấp đầy đủ dưỡng khí. Do đó, người bệnh liên tục thức giấc giữa đêm. Hội chứng ngưng thở khi ngủ khiến cơ thể thường xuyên mệt mỏi, uể oải, khó tập trung và kéo theo hàng loạt hậu quả tiêu cực về mặt sức khỏe như: đột quỵ, bệnh tim, tăng huyết áp, tiểu đường, trầm cảm…
5. Hội chứng người đẹp ngủ
Hội chứng người đẹp ngủ (hội chứng Kleine-Levin – KLS) là một dạng rối loạn thần kinh về ăn uống và giấc ngủ. Người bệnh sẽ ngủ li bì cả đêm lẫn ngày (hầu như chỉ thức dậy để ăn uống, đi vệ sinh), đồng thời trải qua trạng thái mộng du và thiếu cảm xúc (tương tự người bệnh trầm cảm).
Bệnh nhân thường không đủ khả năng tự chăm sóc bản thân. Họ hay tỏ ra mệt mỏi, kín đáo lúc tỉnh táo và thường nằm lì trên giường suốt ngày. Theo các chuyên gia, hội chứng này dễ khởi phát trong độ tuổi thanh thiếu niên và xuất hiện chủ yếu ở nam giới (với tỷ lệ 70%).
Nhiều nhà nguyên cứu cho rằng, hội chứng người đẹp ngủ xuất phát từ yếu tố di truyền hoặc một dạng rối loạn tự miễn nào đó. Hiện nay, giới chuyên môn chưa tìm thấy phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả cho vấn đề này. Tuy nhiên, rất may, hội chứng sẽ tự biến mất sau khoảng 8 – 12 năm.
6. Rối loạn hành vi chu kỳ giấc ngủ
Rối loạn chu kỳ giấc ngủ là nguồn gốc của những hành vi/hành động bất thường trong giai đoạn giấc ngủ có cử động mắt nhanh (REM), phổ biến ở đàn ông trên 50 tuổi và rất hiếm gặp ở trẻ em, phụ nữ.
Các nhà khoa học phân chia giấc ngủ thành hai giai đoạn là giai đoạn có cử động mắt nhanh (Rapid Eye Movement – REM) và giai đoạn không có cử động mắt nhanh (NREM). Trong đó, giai đoạn có cử động mắt nhanh thường diễn ra trong vòng 1,5 – 2 tiếng đồng hồ của một giấc ngủ bình thường.
Lúc này, cơ thể sẽ bước vào trạng thái tạm thời tê liệt. Tuy nhiên, sự tê liệt này ở các bệnh nhân rối loạn hành vi chu kỳ giấc ngủ lại không đầy đủ hoặc thậm chí không hình thành. Vì vậy, họ có thể hành động kịch tính, bạo lực, nghiến răng, la hét, đấm đá… như điều bản thân đang thực hiện trong giấc mơ.
7. Hội chứng nghiến răng khi ngủ
Hội chứng nghiến răng khi ngủ (Bruxism) là một dạng rối loạn vận động khiến người bệnh nghiến chặt hai hàm răng khi ngủ, tạo nên áp lực lớn lên răng và dẫn đến âm thanh ken két. Theo quan sát, phái đẹp thường nghiến răng khi ngủ vào ban ngày.
Chứng bệnh này có thể gây nhức đầu, đau tai, đau răng, đau hàm, đau mặt, đau khớp – cơ hàm mạn tính, rối loạn thái dương hàm, đồng thời tác động tiêu cực đến men răng, khiến răng dễ dàng bị nứt vỡ, mòn gãy.
Hội chứng nghiến răng khi ngủ thường đi kèm nhiều dạng rối loạn giấc ngủ khác như ngủ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!