Hội Chứng Sợ Bị Bỏ Rơi: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
Hội chứng sợ bị bỏ rơi (Monophobia) là một dạng rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu, đặc trưng bởi sự ám ảnh, sợ hãi quá mức về việc bị bỏ rơi, cô lập và cô đơn. Hội chứng này gây ra cảm giác đau khổ, lo lắng, sợ hãi thường trực và ảnh hưởng nhiều đến chức năng xã hội, nghề nghiệp, học tập,…
Hội chứng sợ bị bỏ rơi là gì?
Hội chứng sợ bị bỏ rơi (Monophobia, Eremophobia, Autophobia) còn được biết đến với tên gọi là hội chứng sợ bị đơn độc/ cô đơn hoặc sợ ở một mình. Hội chứng này đặc trưng bởi sự sợ hãi quá mức về việc bị bỏ rơi, cô đơn hoặc bị cô lập. Hội chứng sợ bị bỏ rơi là một trong những dạng ám ảnh sợ cụ thể thuộc nhóm rối loạn lo âu.
Theo số liệu thống kê, người mắc hội chứng sợ bị bỏ rơi thường mắc đồng thời với một số tình trạng khác như rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), rối loạn lo âu xã hội, rối loạn lo âu chia ly,… Ngoài ra, hội chứng này cũng làm gia tăng nguy cơ trầm cảm và nhiều vấn đề tâm lý khác.
Trên thực tế, hội chứng sợ bị bỏ rơi dễ bị nhầm lẫn với rối loạn lo âu chia ly và rối loạn nhân cách dạng phụ thuộc. Tương tự như các dạng ám ảnh sợ cụ thể khác, nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm, bệnh nhân có thể kiểm soát được nỗi sợ của bản thân và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Biểu hiện nhận biết hội chứng sợ bị bỏ rơi
Hội chứng sợ bị bỏ rơi đặc trưng bởi sự ám ảnh, nỗi sợ thái quá về việc bỏ rơi, cô đơn và bị cô lập. Ngoài ra, hội chứng này cũng gây ra nhiều triệu chứng cơ thể khi phải đối mặt với nỗi sợ kéo dài và quá mức.
Các biểu hiện nhận biết hội chứng sợ bị bỏ rơi:
- Cảm thấy sợ hãi quá mức và không thể kiểm soát được khi ở một mình (có thể là ở nhà hoặc nơi công cộng). Nỗi sợ vô lý có thể đi kèm với cảm giác buồn nôn, ngất xỉu và chóng mặt.
- Thậm chí, người bệnh có thể sợ hãi và hoảng loạn khi có suy nghĩ phải ở một mình hoặc bị cô lập.
- Luôn có cảm giác bản thân tách biệt với những người xung quanh, đặc biệt là trong môi trường làm việc, lớp học.
- Người bệnh có suy nghĩ bản thân sẽ gặp phải thảm họa hoặc những sự kiện có tính chất khủng khiếp khi ở một mình.
- Vì luôn lo sợ bị cô lập nên người mắc hội chứng này có thể tỏ ra thân thiện và nhiệt tình để kết giao với nhiều người. Tuy nhiên, ẩn sâu bên trong là cảm giác sợ hãi và đau khổ tột độ.
- Khác hẳn với suy nghĩ của nhiều người, những người mắc hội chứng sợ bị bỏ rơi không cảm thấy cô độc về mặt thể chất mà nghiêng nhiều hơn về mặt tình cảm. Do đó, khi ở giữa đám đông, bản thân người bệnh vẫn cảm thấy cô đơn và sợ hãi.
- Khi phải đối mặt với sự cô đơn (ở 1 mình, bị cô lập, bỏ rơi), người bệnh có thể xuất hiện các cơn hoảng loạn và sợ hãi cấp tính với những biểu hiện như khó chịu ở ngực, có cảm giác toàn thân nóng lên nhưng chân tay lạnh, đổ nhiều mồ hôi, cảm thấy nghẹt thở, choáng váng, chóng mặt,… Thậm chí những trường hợp nặng còn có thể ngất xỉu.
- Người mắc hội chứng sợ bị bỏ rơi đôi khi không sống thật với tính cách vốn có vì lo sợ mọi người sẽ ghét bỏ và cô lập. Chính vì vậy, những mối quan hệ mà người bệnh xây dựng đôi khi không phải là mối quan hệ bền vững thật sự.
Nỗi sợ bị cô lập, bỏ rơi cũng có thể xảy ra sau khi phải trải qua sang chấn tâm lý nặng. Tuy nhiên, hội chứng này chỉ được chẩn đoán khi nỗi sợ và sự ám ảnh quá mức về việc bỏ rơi kéo dài ít nhất trong 6 tháng và ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất lao động, học tập, chức năng xã hội,…
Có thể thấy, tâm lý ở người mắc hội chứng sợ bị bỏ rơi rất phức tạp. Chính vì vậy, các biểu hiện do hội chứng này gây ra dễ bị nhầm lẫn với nhiều vấn đề tâm lý như rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu chia ly,… Ngoài ra, những trường hợp mắc đồng thời nhiều dạng rối loạn lo âu sẽ có triệu chứng nhập nhằng và phức tạp hơn.
Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ bị bỏ rơi
Hiện tại vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra hội chứng sợ bị bỏ rơi. Tuy nhiên qua một số nghiên cứu và điều trị dịch tễ, các chuyên gia cho rằng, hội chứng này có liên quan đến những yếu tố sau:
- Rối loạn chất dẫn truyền thần kinh: Đặc điểm chung của người bị rối loạn lo âu là mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ. Đây chính là nguyên nhân khiến cho cơ thể sợ hãi và ám ảnh quá mức về việc vấn đề, đối tượng không thực sự nghiêm trọng. Ngoài ra, hạch hạnh nhân (cơ quan kiểm soát nỗi sợ, sự lo lắng) ở những người mắc hội chứng này cũng có kích thước nhỏ hơn bình thường.
- Di truyền và yếu tố gia đình: Tất cả các vấn đề tâm lý đều có khả năng di truyền, bao gồm cả hội chứng sợ bị bỏ rơi. Hiện tại, cách thức di truyền chưa được biết rõ nhưng được xác định là có liên quan đến cấu trúc não bộ, cách thức mà não bộ hoạt động và vận hành. Ngoài ra, trẻ sinh sống với người mắc hội chứng sợ bị bỏ rơi (dù không cùng huyết thống) cũng sẽ dần hình thành tâm lý tương tự.
- Sang chấn tâm lý: Các sự kiện gây sang chấn tâm lý liên quan đến việc bị bỏ rơi, cô lập cũng có thể là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Các sự kiện thường gặp bao gồm bị gia đình bỏ bê, bố mẹ đánh đập, bạo hành về thể chất và tinh thần, mất bố mẹ từ nhỏ hoặc bị bỏ rơi. Một số chuyên gia cũng cho rằng, việc phải đối mặt với những thảm họa khi ở một mình lúc cũng là nguồn cơn của hội chứng sợ bị bỏ rơi.
Thực tế, các yếu tố này mới chỉ là giả thuyết và chưa có bằng chứng nhất quán. Bởi không ít người có đầy đủ các yếu tố nguy cơ nhưng hoàn toàn không mắc phải hội chứng này.
Hội chứng sợ bị bỏ rơi có ảnh hưởng gì?
Hội chứng sợ bị bỏ rơi là một dạng rối loạn tâm thần ít gặp. Theo thống kê, hội chứng này gặp nhiều ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. Tương tự như các rối loạn lo âu khác, hội chứng sợ bị bỏ rơi gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không được thăm khám và điều trị sớm.
Một số ảnh hưởng của hội chứng sợ bị bỏ rơi:
- Tình trạng ám ảnh và sợ hãi thái quá về việc bị cô lập, bỏ rơi khiến người bệnh không tránh khỏi căng thẳng, lo âu, bi quan, phiền muộn và đau khổ. Về lâu dài, những cảm xúc này lấn át hết các cảm xúc tích cực khiến người bệnh chán nản và mất hứng thú trong học tập, làm việc cũng như cuộc sống.
- Sự sợ hãi, lo lắng quá mức chi phối đến khả năng tập trung dẫn đến giảm hiệu suất lao động và học tập. Ngoài ra, nỗi sợ thái quá cũng khiến cho người bệnh tự giới hạn bản thân và từ chối một số công việc phải làm việc 1 mình hoặc làm việc trong môi trường khép kín, ít người.
- Người mắc hội chứng sợ bị bỏ rơi có thể có khá nhiều mối quan hệ nhưng đa phần đều không phải là mối quan hệ bền vững. Bởi người mắc hội chứng này luôn tỏ vẻ thân thiện, hòa đồng để mở rộng mối quan hệ và nhận được tình cảm từ những người xung quanh. Do bị sự sợ hãi chi phối nên người bệnh có thể gặp phải một số vấn đề trong các mối quan hệ tình cảm và khó có thể tìm được người phù hợp để đi đến hôn nhân.
- Những người không hiểu rõ hội chứng sợ bị bỏ rơi rất dễ nhầm lẫn các hành vi của người bệnh là kiểm soát hoặc đeo bám, phụ thuộc quá mức. Do đó, người mắc chứng bệnh này khó có thể duy trì các mối quan hệ thân thiết. Việc đánh mất các mối quan hệ này có thể khiến bệnh nhân bị sang chấn và có nguy cơ trầm cảm cao.
- Nỗi sợ thái quá cũng làm gia tăng nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa và nhiều vấn đề tâm lý khác.
- Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống, hội chứng bị bỏ rơi còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe thể chất như đau đầu, thiếu máu não, rối loạn giấc ngủ, suy nhược cơ thể, thiếu máu não,…
Hội chứng sợ ở một mình gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe tinh thần, thể chất và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ ảnh hưởng của hội chứng này. Theo số liệu thống kê, rất ít bệnh nhân chủ động tìm gặp bác sĩ và cũng nhiều trường hợp gia đình không phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của người bệnh.
Chẩn đoán hội chứng sợ bị bỏ rơi
Không có xét nghiệm đặc hiệu nào có thể chẩn đoán chính xác hội chứng bị bỏ rơi. Đối với hội chứng này, bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng để đưa ra chẩn đoán xác định và phân biệt với một số vấn đề tâm lý có triệu chứng tương tự như rối loạn lo âu chia ly, ám ảnh sợ không gian hẹp,…
Quá trình chẩn đoán hội chứng sợ bị bỏ rơi thường bao gồm các bước sau:
- Khai thác triệu chứng bệnh nhân gặp phải
- Hỏi về tiền sử bệnh lý của cá nhân và gia đình
- Thực hiện các bài kiểm tra tâm lý
Đôi khi, các bác sĩ không chẩn đoán hội chứng sợ bị bỏ rơi ngay từ đầu vì hội chứng này tương đối ít gặp. Do đó, không ít bệnh nhân phải trải qua một thời gian dài mới có thể xác định được bệnh lý này.
Cách khắc phục, điều trị hội chứng sợ bị bỏ rơi
Hội chứng sợ bị bỏ rơi gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Vì căn nguyên của bệnh chưa rõ nên quá trình điều trị gặp không ít khó khăn.
Hiện tại, vẫn chưa có loại thuốc hay phương pháp nào được chứng minh mang lại hiệu quả tối ưu trong điều trị hội chứng sợ ở một mình. Tuy nhiên nếu tích cực điều trị và nỗ lực vượt qua, hội chứng này sẽ được kiểm soát và chất lượng cuộc sống sẽ cải thiện đáng kể.
Các phương pháp điều trị hội chứng sợ bị bỏ rơi:
1. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là phương pháp có hiệu quả nhất trong điều trị hội chứng sợ bị bỏ rơi và các vấn đề tâm lý khác. Phương pháp này là hình thức trị liệu bằng giao tiếp thông qua ngôn ngữ, cử chỉ, ánh mặt, biểu cảm khuôn mặt,…
Thông qua tâm lý trị liệu, chuyên gia sẽ tạo dựng niềm tin cho bệnh nhân, qua đó nắm bắt được tâm lý và giúp bệnh nhân thoải mái chia sẻ những vấn đề đang gặp phải. Đối với hội chứng sợ bị bỏ rơi, chuyên gia sẽ tìm cách trấn an tinh thần của bệnh nhân. Sau đó, xem xét áp dụng các phương pháp như:
- Liệu pháp tiếp xúc: Liệu pháp tiếp xúc có vai trò quan trọng trong điều trị các rối loạn ám ảnh sợ, bao gồm cả hội chứng sợ bị bỏ rơi. Liệu pháp này được thực hiện bằng cách cho bệnh nhân tiếp xúc với các hoàn cảnh gây ra nỗi sợ với mức độ từ thấp đến cao. Sau một quá trình, bệnh nhân sẽ giảm mức độ sợ hãi khi ở 1 mình. Sau đó sẽ không còn bị ám ảnh quá mức về việc bị cô lập hay bỏ rơi. Tuy nhiên, liệu pháp này cần được thực hiện một cách cẩn trọng để tránh các cơn hoảng loạn.
- Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT): Liệu pháp nhận thức hành vi là phương pháp trị liệu tâm lý được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Liệu pháp này tập trung thay đổi các nhận thức sai lệch của bệnh nhân, từ đó giúp điều chỉnh cảm xúc và thay đổi hành vi. Khi can thiệp liệu pháp nhận thức – hành vi, bệnh nhân sẽ dần loại bỏ cảm xúc sợ hãi thái quá và học cách làm việc, sinh hoạt một mình.
Ngoài các liệu pháp trên, chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân một số kỹ năng để kiểm soát các cơn hoảng loạn xuất hiện khi ở nhà 1 mình, cảm thấy lạc lõng giữa đám đông, bị tẩy chay, cô lập,… Được đánh giá là phương pháp hiệu quả nhất nhưng trị liệu tâm lý cũng có một số hạn chế như bệnh nhân không chấp nhận trị liệu và đôi khi không mang lại hiệu quả với những trường hợp nặng.
2. Sử dụng thuốc
Không có loại thuốc nào có thể điều trị hội chứng sợ ở một mình. Tuy nhiên, sử dụng một số loại thuốc có thể làm giảm cảm giác lo âu, sợ hãi và căng thẳng do hội chứng này gây ra. Thuốc cũng có thể được sử dụng trong quá trình trị liệu để nâng đỡ tinh thần và mang lại kết quả trị liệu khả quan hơn.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị hội chứng sợ bị bỏ rơi:
- Thuốc giải lo âu (benzodiazepine)
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)
- Thuốc chẹn beta (được sử dụng để làm giảm các triệu chứng thể chất)
Sử dụng thuốc chỉ mang lại hiệu quả tạm thời và không thể điều trị dứt điểm hội chứng sợ bị bỏ rơi. Do đó, sử dụng thuốc thường được thực hiện song song với trị liệu tâm lý để mang lại hiệu quả tốt nhất.
3. Các biện pháp tự khắc phục
Nỗi sợ phải ở một mình gây ra nhiều phiền toái khi học tập, làm việc và giới hạn việc trải nghiệm cuộc sống. Chính vì vậy ngoài các phương pháp điều trị, bản thân người bệnh cũng phải nỗ lực để vượt qua chứng bệnh này.
Các biện pháp tự khắc phục dành cho người mắc hội chứng bị bỏ rơi:
- Hít thở sâu: Hít thở sâu là kỹ thuật thư giãn và giảm sợ hãi hiệu quả. Khi phải đối mặt với những tình huống gây ra cảm giác sợ hãi, bệnh nhân có thể hít sâu bằng mũi và thở ra bằng miệng. Cung cấp một lượng lớn oxy cho cơ thể sẽ giúp giảm căng thẳng, cải thiện tình trạng khó thở, choáng váng và hoa mắt. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể áp dụng kỹ thuật hít thở sâu để thư giãn và giảm căng thẳng hằng ngày.
- Ngồi thiền: Thiền định đã được chứng minh có hiệu quả trong việc cải thiện các vấn đề tâm lý như stress (căng thẳng thần kinh), rối loạn lo âu, trầm cảm và cả hội chứng sợ ở một mình. Thực hiện chánh niệm mỗi ngày giúp bệnh nhân kiểm soát tốt cảm giác, xoa dịu nỗi sợ, sự lo lắng và căng thẳng. Ngoài ra, liệu pháp này cũng có tác dụng giảm một số vấn đề thể chất liên quan đến giấc ngủ, tim mạch, hô hấp và cơ xương khớp.
- Tập thể dục: Dành 30 phút tập thể dục mỗi ngày mang đến nhiều lợi ích đối với bệnh nhân mắc hội chứng bị bỏ rơi. Hoạt động thể chất giúp cải thiện sức khỏe, xoa dịu và giải tỏa các cảm xúc tiêu cực. Do đó, bệnh nhân nên dành thời gian để tập các bộ môn thể thao như yoga, đi bộ, bơi lội, đạp xe,… nhằm nâng cao sức khỏe và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng do hội chứng này gây ra.
- Chế độ ăn hợp lý: Sức khỏe thể chất là nền tảng nâng đỡ tinh thần. Thực tế đã cho thấy, những người suy sụp cả tinh thần và thể chất khó có thể vực dậy, đồng thời phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe như trầm cảm, rối loạn lo âu và các dạng rối loạn tâm thần khác. Vì vậy, bệnh nhân bị hội chứng sợ bị bỏ rơi nên xây dựng chế độ ăn hợp lý để có thể cải thiện sức khỏe một cách toàn diện.
Hội chứng sợ bị bỏ rơi là một dạng rối loạn tâm lý ít gặp. Tuy nhiên, những ảnh hưởng mà hội chứng này gây ra cần phải được quan tâm nhiều hơn. Nếu nhận thấy bản thân hay những người xung quanh có biểu hiện bất thường, nên đưa ra lời khuyên để kịp thời thăm khám và điều trị.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!